Tiêu Thụ

Bệnh tân thời: Nghiện shopping

Friday, 10/10/2014 - 07:58:46

Vậy chúng ta có thể định bệnh một cách vắn tắt như sau: Coi như có bệnh shopping khi “nạn nhân” mua đồ về mà quên, không có cơ hội dùng tới. Đó là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy, đương sự mua sắm vì xung động cảm tính nhất thời, chứ không phải vì nhu cầu cần thiết.

Bài ERIC TRẦN

Bước vào tháng Mười là đã thấy không khí mùa lễ. Và cùng với nó là nhiều chiến dịch quảng cáo bán hàng được tung ra, càng lúc càng mãnh liệt, từ mọi góc tấn công, nhắm vào … túi tiền của người tiêu thụ. Mua sắm là một nhu cầu, là một nguồn vui, nhưng cũng là một thứ bệnh. Khổ nỗi, rất nhiều nạn nhân không hề biết mình là nạn nhân, cứ nghe gì bùi tai là móc thẻ tín dụng ra cà…. Miết rồi xếp hàng chật nhà kho lại xếp lên tới nhà trên, có gian phòng tưởng rằng để trống mời khách vãng lai cho sang trọng, ai ngờ cũng chật ních “hàng họ” từ lúc nào. Dĩ nhiên, khi trở thành một bệnh, shopping cũng đưa đến nhiều tai hại. Nhưng đến khi nào mình biết là bệnh? Và phải trị nó như thế nào?

Triệu chứng bệnh shopping

Cứ nhìn vào tủ bếp, tủ sách, tủ mỹ phẩm, phòng treo quần áo, nhà kho…. Dường như chỗ nào chúng ta cũng có thể tìm thấy triệu chứng của bệnh shopping! Đó là những món đồ mua từ bao nhiêu năm nay không dùng tới, có thứ còn nguyên trong bọc chưa được mở ra, có thứ đã bị chủ nhân quên cả xuất xứ, không hiểu mua ở đâu, và tại sao nó lại hiện diện trong nhà mình. Tệ hơn nữa, có thứ được mua 2, 3 lần mà vẫn chưa một lần được sử dụng. Ấy vậy mà cứ mỗi lần nghe quảng cáo món hàng gi mới là phải vội đi mua ngay, chưa mua được thì lo lắng, quên ăn mất ngủ, mà mua được rồi thì xếp xó để từ từ xem sau, và dần dần quên luôn.
Vậy chúng ta có thể định bệnh một cách vắn tắt như sau: Coi như có bệnh shopping khi “nạn nhân” mua đồ về mà quên, không có cơ hội dùng tới. Đó là dấu hiệu rõ nét nhất cho thấy, đương sự mua sắm vì xung động cảm tính nhất thời, chứ không phải vì nhu cầu cần thiết.
Nếu đó là bệnh shopping, thì có lẽ không ai trong chúng ta không có, chẳng cứ là nhà giầu. Có người bệnh nhẹ, có người bệnh nặng hơn, gây khổ sở cho chính mình và cho cả những người chung quanh. Với mình, đó là những bồn chồn háo hức, lo lắng chờ mua cho được món hàng. Với gia đình, đó là hao tiền tốn của, làm cho nhà cửa chật chội, nhếch nhác, là sự xao nhãng bổn phận, từ đó sinh ra căng thẳng trong quan hệ gia đình.
Thực vậy, bệnh “shopping” không còn chỉ là sự lo xa của những nhà tâm lý đạo đức. Trong thời đại ngày nay, khi tâm lý tiêu thụ được khuyến khích và được khai thác bằng những phương pháp khoa học tân tiến, thì bệnh “shopping” cũng phát triển tới những chiều kích đáng báo động, khiến giới khoa học phải đặt thành một đề tài nghiên cứu. Giáo sư Ruth Engs, Tiến sĩ giáo dục giảng dạy môn y tế thực hành tại Đại Học Indiana, phát biểu, “Nghiện shopping (shopoholism) là một trạng thái cực đoan, cũng như nghiện rượu, nghiện xì ke, và nghiện cờ bạc. Người nghiện shopping có sẵn một cái gene nghiện nào đó trong cơ thể, khi có yếu tố kích hoạt trong môi trường là bung ra. Khi lên cơn nghiện, trong óc họ cũng phát ra những chất như endorphine và dopamine khiến họ cảm thấy sảng khoái, tê mê trong khi mua sắm.”
Giáo sư Engs nêu ra một số triệu chứng và hậu quả của bệnh shopping như sau:
- Tiêu xài quá mức: Khi bệnh đã trở nặng, con nghiện không bao giờ thừa nhận rằng “Tôi không có đủ tiền để mua thứ đó, thứ nọ”. Bao giờ họ cũng nghĩ ra cách kiếm tiền để mua món hàng đã lọt vào mắt xanh, và dễ nhất là dùng thẻ tín dụng.
- Mua vì xung động cảm tính: Rốt cuộc, nếu họ cần mua 1 đôi vớ, thì thế nào họ cũng mang về … 10 đôi.
- Mua sắm quanh năm: Khi còn bệnh nhẹ thì mùa lễ mới là thời điểm mua sắm, nhưng phát thành bệnh nặng, nạn nhân mua sắm bất kể thời điểm, hoặc họ coi tháng nào cũng là mùa lễ.
- Giấu diếm: Bệnh có thể phát triển đến mức khiến người bệnh giấu diếm những món hàng mình mua, giấu những thẻ tín dụng mình tự xin thêm để có thể mặc sức tiêu xài mà không bị ai kiểm soát.
- Vòng luẩn quẩn: Họ có cảm giác “tội lỗi” vì tiêu xài quá đáng bao giờ không? Có! Và cảm giác đó khiến “bệnh nhân” mang trả lại món hàng. Tuy nhiên, họ trả được một món thì lại mua 2, 3 món khác.
- Căng thẳng quan hệ gia đình: Ông Rick Zehr, phó giám đốc khoa chữa nghiện tại Bệnh Viện Proctor, phát biểu, “Quan hệ gia đình thường xuyên căng thẳng do bệnh nghiện shopping gây ra. Có thể vì đương sự quá mê man mua sắm quên cả giờ giấc, thậm chí có người tự cô lập mình trong niềm đam mê mà không còn biết đến ai khác…”
Hy vọng, chưa ai trong chúng ta có những biểu hiện trầm trọng như vậy. Nhưng nếu biết rằng mình có mầm bệnh thì những hiện tượng trên đây là sự báo động cần thiết để sớm có biện pháp ngăn chặn. Dù sao, chữa bệnh trong lúc triệu chứng còn nhẹ chắc chắn vẫn dễ hơn là để cho nó biến thành bệnh nặng.
Erictran216@yahoo.com
Người viết đã đổi email, xin quí bạn liên lạc về địa chỉ mới như trên. Xin cám ơn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT