Thế Giới

Biden cam kết viện trợ $150 triệu cho ASEAN, giành ảnh hưởng với Trung Cộng

Thursday, 12/05/2022 - 08:50:07

Nhân dịp tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống Joe Biden đã hứa hẹn...


Tổng Thống Biden chào đón các lãnh đạo Đông Nam Á. Các nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á cùng Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đang chuẩn bị chụp hình lưu niệm tại sân South Lawn ở Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm, ngày 12 tháng 5, 2022, nhân dịp Hoa Kỳ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Khối Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) trong hai ngày. Từ bên trái là Tổng Thư Ký Dato Lim Jock Hoi của ASEAN, Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính, Thủ Tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Thủ Tướng Cam Bốt Hun Sen, Quốc Vương Sultan Haji Hassan của Brunei, Tổng Thống Joe Biden, Tổng Thống Nam Dương Joko Widodo, Thủ Tướng Tân Gia Ba Lý Hiển Long, Thủ Tướng Lào Phankham Viphavan, Thủ Tướng Mã Lai Á Dato Sri Ismail Sabri bin Yaakob, và Ngoại Trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin. Năm nay Miến Điện không được mời dự vì chính phủ quân phiệt đã lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi vào năm ngoái. (Drew Angerer/ Getty Images)


Nhân dịp tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống Joe Biden đã hứa hẹn viện trợ $150 triệu Mỹ kim dành cho các quốc gia Đông Nam Á để hỗ trợ những chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở, an ninh, đề phòng bệnh dịch, cùng một số nỗ lực khác nhằm tranh giành ảnh hưởng với đối thủ Trung Cộng tại các quốc gia này.

Hội Nghị Thượng Đỉnh dài hai ngày đã khai mạc hôm thứ Năm với dạ tiệc được Tổng Thống Biden khoản đãi các vị nguyên thủ hoặc người đại diện trong khối Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á tại Tòa Bạch Ốc, trước khi có những cuộc họp tại Bộ Ngoại Giao ngày thứ Sáu.

Ông Biden đã tươi cười trong lúc ông chụp hình lưu niệm chung với các tổng thống và thủ tướng từ các nước Brunei, Nam Dương, Cam Bốt, Tân Gia Ba, Thái Lan, Lào, Việt Nam, Mã Lai Á và Phi Luật Tân. Khối ASEAN gồm 10 quốc gia. Năm nay Miến Điện không được mời dự vì chính quyền quân phiệt đã lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vào đầu năm ngoái. Trong khi đó, đại diện cho Phi Luật Tân là ngoại trưởng thay vì tổng thống, vì nước này vừa có tân tổng thống sau cuộc bầu cử mới đây.

Mặc dù cuộc chiến xâm lăng của Nga tại Ukraine đang là quan tâm hàng đầu đối với chính phủ Hoa Thịnh Đốn, chính phủ Biden hy vọng hội nghị thượng đỉnh cho thấy Hoa Kỳ vẫn chú trọng đến khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương và sự bành trướng của Trung Cộng trong khu vực này. Hoa Kỳ đang xem Trung Cộng là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, không chỉ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu.

Vào tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ $1.5 tỷ Mỹ kim trong ba năm để giúp các quốc gia ASEAN đang phát triển chống Covid và phục hồi kinh tế.

Trước sự cạnh tranh từ Bắc Kinh, một viên chức cao cấp của chính phủ Biden đã nói với báo chí hôm thứ Năm, “Hoa Kỳ chúng tôi cần phải gia tăng trong cuộc chơi tại Đông Nam Á. Chúng tôi không đòi hỏi các quốc gia phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nói rõ là Hoa Kỳ muốn có những quan hệ mạnh mẽ hơn với các quốc gia ASEAN.”

Số tiền viện trợ được Hoa Kỳ bảo đảm dành cho khối quốc gia Đông Nam Á gồm cả $40 triệu đầu từ vào hạ tầng cơ sở nhằm giúp các quốc gia phát triển năng lượng sạch, giảm bớt sự tùy thuộc vào dầu hỏa và than đá; $60 triệu dành cho an ninh trên biển, khoảng $15 triệu dành cho các chương trình ngăn ngừa Covid-19 và những bệnh dịch khác. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ viện trợ các quốc gia phát triển hệ thống luật pháp áp dụng cho nền kinh tế trên mạng và trí khôn nhân tạo.

Vệ Binh Duyên Hải Hoa Kỳ sẽ điều động một tàu chiến đến vùng biển Đông Nam Á để giúp các quốc gia đối phó tình trạng Trung Cộng khai thác hải sản bất hợp pháp trong lãnh hải của các nước láng giềng.

Tuy có nhiều cam kết, Hoa Kỳ vẫn còn thiếu hụt rất nhiều trong nỗ lực siết chặt quan hệ với khối quốc gia Đông Nam Á so với những mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của Trung Cộng đã có tại khu vực này.

Chính phủ Biden đang cố gắng tạo thêm những chương trình hợp tác mới với ASEAN, kể cả một kế hoạch đầu tư được gọi là "Build Back Better World" (Xây Dựng Lại Một Thế Giới Khá Hơn) và kế hoạch tạo khung giàn cho một hiệp ước hợp tác kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương (IPEF). Cả hai kế hoạch này vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, thảo luận, chưa hoàn tất.

Hội nghị thượng đỉnh này cũng là lần đầu các nguyên thủ quốc gia ASEAN quy tụ tại Tòa Bạch Ốc kể từ khi có cuộc gặp gỡ đầu tiên với một tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.

Trong ngày thứ Sáu, Tổng Thống Biden sẽ dự một cuộc hội thảo chung với tám vị nguyên thủ quốc gia. Miến Điện không được mời dự, còn Phi Luật Tân thì ông Biden đã có cuộc điện đàm với tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr. vào ngày thứ Tư. Đại diện cho Phi Luật Tân tại Tòa Bạch Ốc là một ngoại trưởng.

Ngoài buổi chụp hình lưu niệm tại Tòa Bạch Ốc, các nguyên thủ ASEAN cũng đã đến tòa nhà Quốc Hội và dự tiệc ăn trưa với các lãnh đạo Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ.

Các quốc gia Đông Nam Á đã chia sẻ với Hoa Kỳ trong sự lo lắng về sự bành trướng của Trung Quốc. Trong mấy năm qua Trung Cộng đã tranh giành chủ quyền tại Biển Đông với Phi Luật Tân và Việt Nam, trong khi Brunei và Mã Lai Á cũng có một phần chủ quyền trong vùng biển này.

Tuy nhiên, các quốc gia đã bực bội trước sự trì hoãn của Hoa Kỳ trong việc thành lập một liên minh kinh tế, sau khi cựu Tổng Thống Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi một hiệp ước thương mại với các quốc gia Thái Bình Dương năm 2017.

Thủ Tướng Mã Lai Á Ismail Sabri Yaakob nói hôm thứ Năm, “Hoa Kỳ phải đóng một vai trò tích cực hơn trong nỗ lực đầu tư và thương mại với ASEAN, và nỗ lực này sẽ có lợi cho Hoa Kỳ về kinh tế cũng như chiến lược.”

Đó là lý do mà Tổng Thống Biden sẽ vận động cho hiệp ước thương mại IPEF khi ông công du Nhật Bản và Nam Hàn trong tuần sau. Tuy nhiên, hiệp ước này chưa đề nghị mở rộng thị trường Hoa Kỳ cho các quốc gia Á Châu, một điều mà khối ASEAN đang mong ước. Chính phủ Biden lo ngại sự mở rộng này sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người Mỹ.

Các phân tích gia nói rằng mặc dù các quốc gia ASEAN đang cùng có chung sự quan tâm với Hoa Kỳ về Trung Cộng, nhưng các nước vẫn ngần ngại đứng hẳn về phía Hoa Kỳ, vì các nước này đã có nền kinh tế bị lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc, trong khi quyền lợi với Hoa Kỳ vẫn còn giới hạn.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT