Hoa Kỳ

Biển Đông được chú trọng tại hội nghị ASEAN

Monday, 01/07/2013 - 08:32:35

Hội nghị cũng diễn ra giữa lúc Mỹ và Trung tranh cãi về chuyện anh Edward Snowden, người tiết lộ tin tức tình báo và hiện đang đào tẩu tại Nga.


BANDAR SERI BEGAWAN, Brunei – Những cuộc tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng, cũng như màn khói mù bao trùm gây nghẹt thở ở Đông Nam Á, là một trong những vấn đề gây tranh cãi tại một diễn đàn quan trọng trong khu vực bắt đầu họp từ cuối tuần qua.
Kỳ họp ngoại giao và an ninh hàng năm của ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) trong năm nay tại vương quốc Brunei diễn ra giữa lúc những mối căng thẳng ngoại giao đang leo thang vì Trung Quốc càng ngày càng quyết liệt tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Các cuộc họp cấp ngoại trưởng, mà cao điểm là ngày thứ Ba, 2-7, được tổ chức trong các quốc gia Đông Nam Á thuộc Diễn Đàn Khu Vực ASEAN và bao gồm cả các quốc gia dự khán Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga cùng một số nước quan trọng khác. Hội nghị cũng diễn ra giữa lúc Mỹ và Trung tranh cãi về chuyện anh Edward Snowden, người tiết lộ tin tức tình báo và hiện đang đào tẩu tại Nga.
Việc Snowden tiết lộ việc chính phủ Mỹ nghe lén đọc lén điện thoại và Internet đã bị Trung Quốc chỉ trích, làm tăng thêm sự nghi kỵ lẫn nhau vốn đã có trước đó càng tăng lên khi chính phủ Obama chuyển "trục" chiến lược sang Á Châu. Mỹ đã tố cáo Trung Quốc để cho Snowden trốn khỏi Hồng Kông, nhưng Bắc Kinh bác bỏ lời cáo buộc này. Snowden đang ở tại phi trường Moscow và được cho là đang xin tị nạn chính trị ở Ecuador.
Kỳ hội nghị ASEAN bắt đầu với một cuộc họp của 10 nước thành viên khối ASEAN vào ngày Chủ Nhật, mở rộng sang ngày thứ Hai để bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn, trước khi diễn ra một phiên họp thượng đỉnh Á Châu quy tụ 26 quốc gia và Liên Hiệp Âu Châu.
Gần đây ASEAN đã bắt đầu hòa giọng đồng thanh hơn, và tại kỳ họp Brunei sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc phải đàm phán “khẩn cấp” về một “bộ quy tắc ứng xử” nhằm làm dịu bớt tình hình căng thẳng, theo Ngoại Trưởng Nam Dương Marty Natalegawa cho biết.
Ông nói, “Chúng ta cần phải ngưng kiểu thử ý chí của nhau. Nó vô cùng nguy hiểm và có thể dẫn đến một tính toán sai lầm.”
Những tuyên bố tranh chấp chủ quyền từ mấy chục năm nay có thể biến Biển Đông trở thành điểm nóng. Tình trạng đối địch lại nổi lên trong những năm gần đây, với một số cuộc đối đầu của Trung Quốc với chính yếu là Việt Nam và Phi Luật Tân.
Trong một động thái có thể chọc tức Trung Quốc – nước này đã nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không đóng vai trò nào cả tại Biển Đông. Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry muốn nêu vấn đề này ra tại hội nghị Brunei.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói, “ Chúng tôi hy vọng các bộ trưởng tại Diễn Đàn Khu Vực ASEAN sẽ thảo luận về những tuyên bố tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và củng cố các nguyên tắc trong khu vực nà, bao gồm việc tôn trọng lẫn nhau, tự kiềm chế và giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang đụng độ trong một cuộc tranh chấp chủ quyền tại biển phía đông Trung Quốc. Vấn đề này cũng có thể được nhắc đến tại Brunei.
Trong khi đó Nam Dương đang cố gắng giới hạn những vụ đốt rừng trong kế hoạch khai khẩn rừng núi thành đồng ruộng trồng trọt. Sự đốt rừng đã gây ô nhiễm không khí, tạo những đám mây khói mù bao trùm từ Nam Dương qua Tân Gia Ba đến Mã Lai Á. Hai quốc gia láng giềng của Nam Dương cũng muốn nêu vấn đề này tại hội nghị Brunei.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT