Bình Luận

Biện pháp trừng phạt

Monday, 15/10/2018 - 07:28:10

Mối hàng gần thành tựu nhất là hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn THAAD Saudi mua của Lockheed Martin cũng chưa được Saudi nhắc nhở gì cả. Hệ thống THAAD trị giá $15 tỉ.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Tuần trước, độc giả Mỹ còn coi việc nhiều cường quốc Tây Âu đòi trừng phạt Saudi Arabia vì nghi án chính phủ Saudi giết ký giả Jamal Khashoggi, như một diễn biến thời sự mà họ quan tâm theo dõi; diễn biến đó trở thành một ưu tư chủ quan hơn khi tổng thống Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ cũng sẽ trừng phạt Saudi nếu nghi án đó được xác nhận.

Nhưng kể từ hôm Chủ Nhật, 14 tháng Mười, 2018, hôm Thái Tử Mohammed bin Salman nói ông sẽ không khoanh tay ngồi chờ Mỹ trừng phạt Saudi, mà không trả đòn, thì cái chết của bình luận gia Khashoggi- cộng tác thường xuyên với tờ Washington Post- đã trở thành chuyện Mỹ, chuyện có thể tạo ra những hậu quả chính trị trong cuộc bầu cử quốc hội, chỉ còn hai tuần nữa sẽ diễn ra.

Mặc dù sống trên lãnh thổ Mỹ, tốt nghiệp đại học Mỹ, ông Khashoggi không phải là một công dân Mỹ, đó là yếu tố quan trọng, được tổng thống nhấn mạnh.

Ông nói, "Chuyện xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, và nạn nhân không phải là một công dân Mỹ. Tuy nhiên, một việc như vậy cũng không nên xảy ra. Cần lập lại là chuyện xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, và Khashoggi không phải là công dân Mỹ. Đúng như vậy không? Đúng không?"

Câu “Tuy nhiên, một việc như vậy cũng không nên xảy ra,” không có trong lần đầu tiên tổng thống tuyên bố, và chỉ được thêm vào sau này. Dưới đây là nguyên văn câu ông nói.

(”It's in Turkey, and it's not a citizen, as I understand it,” he said. “But a thing like that shouldn't happen.” Trump added later: “Again, this took place in Turkey, and to the best of our knowledge, Khashoggi is not a United States citizen. Is that right?”)

Cả hai chuyện tổng thống hỏi 'đúng không', đều đúng. Tổng thống nói đúng: Khashoggi chỉ là một thường trú nhân, và vụ giết anh không xảy ra trên lãnh thố Mỹ. Tuy nhiên thái độ của bà thủ tướng Anh trừng phạt Nga, sau vụ gián điệp Nga đầu độc hai bố con anh Sergei Skripal -một cựu gián điệp Nga tị nạn tại Anh- cũng trở thành một tiền lệ khó thương, vì nó đòi hỏi Mỹ phải có thái độ đối với tội giết người, dù người bị giết không là công dân Mỹ, và án mạng không xảy ra trên lãnh thổ Mỹ.

Thế giới đang phẫn nộ trước việc chính phủ Hoàng Gia Saudi gởi 15 chuyên viên giết người sử dụng hai chiếc phản lực cơ nhỏ bay từ Saudi đến phi trường Istanbul để đối phó với anh ký giả Khashoggi. Toán côn đồ đó được trang bị bằng cưa sắt để cưa xương người ra từng khúc bỏ vào hành lý, xách trở ra máy bay riêng, đem xác anh ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, để phi tang.

Vì nghi án giết người xảy ra trên đất thổ, nên Thổ có đầy đủ tên tuổi, hình ảnh của toán 15 anh chuyên viên Saudi.

Một nhân chứng được cảm tình và tín nhiệm của dư luận là cô Hatice Cengiz, vị hôn thê của Khashoggi; cô cũng xác nhận là anh chỉ vào tòa lãnh sự Saudi tại Istanbul mà không trở ra. Cengiz là người Thổ, cùng đi với chồng chưa cưới đến tòa lãnh sự Saudi tại Istanbul-một thành phố của Thổ- để xin giấy phép kết hôn, vì anh còn mang quốc tịch Saudi.


Hatice Cengiz chờ Khashoggi bên ngoài tòa lãnh sự Saudi.


Ký giả Jamal Khashoggi bước tòa lãnh sự Saudi.

Tổng thống ngần ngại không muốn trừng phạt Saudi vì một mối hàng khá lớn mà Mỹ và Saudi đã thỏa thuận: $112 tỉ mỹ kim Saudi mua vũ khí của Mỹ. Ông từng công khai nói là ông không muốn Nga hoặc Trung Quốc thay Mỹ, bán số vũ khí khổng lồ đó cho Saudi.

Nhưng ngoài tổng thống, Saudi còn phải đối phó với Quốc Hội Mỹ; Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio vừa tuyên bố hôm Chủ Nhật là nếu việc Saudi giết Khashoggi được chứng minh là có thật, thì Hoa Kỳ cần tái xét thỏa ước bán vũ khí cho Saudi.

Ông Rubio nói Hoa Kỳ cần duy trì uy tín đạo đức quốc gia để bảo vệ tư cách có thể chỉ trích những bạo chúa như Vladimir V. Putin của Nga, và Bashar al-Assad của Syria.

Trên chương trình 'Meet the Press' của đài NBC, Rubio nói, “Tôi khẳng định là Quốc Hội sẽ có thái độ.”
Có thể tổng thống không quan tâm gì lắm đến lập trường chống đối của nghị sĩ Rubio, vì trong gần hai năm vừa rồi ông đã nắm vững được khối nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa, điều khiển họ biểu quyết theo ý ông trong mọi vấn đề quan trọng.

Điều ông quan tâm là thương ước $112 tỉ bán phi cơ quân sự, hỏa tiễn, và quân dụng, vì đó mới chỉ là thương ước, còn có thể thay đổi, Saudi có thể thay đổi, mua ít hơn, hoặc hủy bỏ thương ước.

Bruce Riedel, một cựu viên chức CIA, và một chuyên viên danh tiếng của tổ chức Brookings Institution cho biết mặc dù được ký kết, nhưng thương ước này chưa được thực hiện, chưa một món hàng nào được trao tay, chưa một Mỹ kim nào được thanh toán.

Mối hàng gần thành tựu nhất là hệ thống hỏa tiễn chống hỏa tiễn THAAD Saudi mua của Lockheed Martin cũng chưa được Saudi nhắc nhở gì cả. Hệ thống THAAD trị giá $15 tỉ.

Mới hôm thứ Bảy 13/10/18 tổng thống còn tỏ ra lo lắng về thương ước ký với Saudi Arabia; ông nói, “Tôi tận tụy thúc đẩy sự bành trướng của kỹ nghệ chiến tranh Hoa Kỳ; tôi ý thức được khả năng của Saudi có thể tìm mua vũ khí từ những nguồn cung cấp khác-Nga và Tầu chẳng hạn.”

Ông còn ý thức được nguyên nhân việc Saudi chần chừ chưa quyết định mua hệ thống THAAD: họ đang tìm hiểu hiệu năng và giá cả của hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Giáo sư David J. Kramer, trường Florida International University, nhìn nhận kinh nghiệm tranh thương của tổng thống trên thị trường vũ khí toàn cầu; tuy nhiên ông khuyến cáo nhu cầu ý thức nhân quyền trong quyết định về việc giết người quá tàn nhẫn của Saudi.

Là một nhà trí thức có thiên hướng Cộng Hòa, ông Kramer đã từng giữ chức vụ phụ tá Nhân Quyền trong Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới trào Tổng Thống George W. Bush.

Khó khăn vẫn nằm trên bàn của tổng thống, ông phải cân nhắc vấn đề trừng phạt hay không trừng phạt Saudi Arabia, nếu việc họ giết ký giả Khashoggi được xác nhận.

Về mặt chính trị, liệu quyết định không trừng phạt Saudi có tạo hậu quả bất lợi cho các chính khách Cộng Hòa đang ứng cử vào Quốc Hội hay không?

Về mặt ngoại thương, liệu quyết định không trừng phạt đó có ràng buộc Saudi tôn trọng thỏa ước mua $112 tỉ vũ khí và quân cụ của Mỹ hay không.

Tổng thống hoàn toàn ý thức được việc thái tử Mohammed bin Salman không phải là tay vừa; ông ta đã ra mặt 'ăn miếng, trả miếng' với chính quyền Hoa Kỳ, ngay khi tổng thống tuyên bố Hoa Kỳ có thể sẽ phải trừng phạt Saudi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT