Gỡ Rối Tơ Lòng

Biết Con Không Ai Bằng Bố

Friday, 27/06/2014 - 10:34:39

Con gái riêng của chồng cháu lấy chồng từ lâu rồi, trước khi bố nó và cháu lấy nhau. Vợ chồng nó ở một tiểu bang khác, gần nhà bố mẹ ruột của cháu. Em trai cháu sắp làm đám cưới. Vợ chồng cháu sẽ về thành phố đó dự đám cưới cậu em và nhân tiện thăm bố mẹ cháu trong thời gian một tuần lễ

Biết Con Không Ai Bằng Bố

Thư của Minh, Texas

Con gái riêng của chồng cháu lấy chồng từ lâu rồi, trước khi bố nó và cháu lấy nhau. Vợ chồng nó ở một tiểu bang khác, gần nhà bố mẹ ruột của cháu. Em trai cháu sắp làm đám cưới. Vợ chồng cháu sẽ về thành phố đó dự đám cưới cậu em và nhân tiện thăm bố mẹ cháu trong thời gian một tuần lễ. Cô con gái tỏ ra rất vui mừng và tự nguyện mời vợ chồng cháu về ở tại nhà nó khỏi phải ở hotel và cũng không cần phải ở nhà ông bà ngoại vì đám cưới nên có nhiều bà con ở xa về ở rồi. Cháu rất cảm động vì lời mời của nó, nhưng chồng cháu lại không đồng ý. Ông ấy bảo ông ấy biết tính con gái ông ấy, nó tuy hiếu khách nhưng cách ăn ở của nó luộm thuộm lắm. Nhà nó bẩn như một cái chuồng heo nhất là bếp núc thì vừa chật chội, vừa thiếu vệ sinh. Ông ấy biết rằng cháu mà bước chân vào nhà nó cháu sẽ chết giấc vì sự bừa bộn và thiếu ngăn nắp, chẳng có vệ sinh. Đồ chơi và quần áo của con nó vứt đầy dưới đất, chẳng có chỗ mà bước. Trong khi đó ông ấy biết tính cháu rất ngăn nắp sạch sẽ. Ông ấy không muốn có sự mất lòng, hay không vui khi cháu về nhà nó lỡ lại chỉ trích chê bai thì thêm mất lòng. Nhưng mà cháu không biết phải trả lời làm sao, cháu không muốn gây hận thù giữa cháu và nó, mặc dầu cháu và nó chưa gặp nhau đối mặt bao giờ, nhưng cháu thấy lời mời của nó chứng tỏ ra nó muốn kết thân. Nay từ chối thì nó sẽ không vui, còn như tình trạng nhà cửa nó như vậy thì cháu nghĩ cháu cũng chẳng thể nào dám ăn cơm hay ngủ ở nhà nó cả. Bác có cách gì giúp cháu từ chối mà không làm mích lòng nó không? Cám ơn bác.

Bà Ba Phải trả lời:

Cô con gái gửi lời mời qua bố cô mà không trực tiếp mời cháu. Như vậy thì cháu để cho bố nó trả lời nó. Như vậy dễ dàng hơn chứ nếu cháu ra mặt từ chối thì nó sẽ có rất nhiều lý do để trách móc cháu kênh kiệu. Nó đã đi bước trước, giơ bàn tay thân thiện ra đón cháu mà cháu đã quay mặt đi, không thèm bắt. Cháu nói với chồng cháu trả lời rằng, bố nó và cháu rất cảm kích sự hiếu khách của nó nhưng vì cháu là một người nhút nhát, ít đi xa và chưa bao giờ gặp nó nên ngại ở nhà nó sẽ làm phiền phức cho nó vì nó vừa đi làm lại vừa phải trông nom mấy đứa nhỏ, nên có khách ở trong nhà, nó sẽ rất bận rộn. Để khi cháu tới, hai người làm quen với nhau, biết mặt, biết người, thì lần sau có qua bên đó, chắc chắn sẽ ở nhà nó thì sẽ dễ dàng cho cháu hơn. Còn lần này thì cứ để cho cháu ở ngoài cho nó tự nhiên. Tuy nhiên cháu và chồng cháu rất cảm ơn lòng tốt của nó. Cháu chớ nên cả nể, nhận lời về nhà nó, rất dễ gây hiềm kích. Mặc dầu cháu không phê bình chỉ trích gì nhưng vì thói quen sạch sẽ, cháu chỉ việc dọn dẹp, lau chùi nhà cho nó thôi cũng đủ làm nó có mặc cảm và khó chịu rồi. Còn vấn đề ăn uống thì chồng cháu, lấy danh nghĩa gia chủ, là ông ngoại, mời cả nhà đi ăn cơm tiệm. Thế là công tư vẹn cả hai bề. Chúc cháu có những ngày vui vẻ bên gia đình và lấy lòng được cô con gái riêng của chồng, rất dễ thương nhưng lại là một người bê bối về vấn đề nội trợ.

Biết Nghe Lời Ai?

Thư của Hà, Cali:

Con trai cháu năm nay 17 tuổi. Mỗi kỳ nghỉ lễ, cháu về ở với bố cháu tại một tiểu bang khác. Bố nó và cháu ly hôn 12 năm nay rồi. Trước khi đi, cháu có nói với cháu xin được phép xỏ lỗ tai. Cháu trả lời – rất nhiều lần - là không được vì cháu học trong một trường tư công giáo, kỷ luật rất nghiêm khắc. Xỏ lỗi tai là một trong những điều cấm của trường. Cháu chỉ con hai năm nữa là xong trung học. Lần này, trước khi đi, nó lại hỏi cháu một lần nữa, cháu xỏ lỗ tai có được không. Một lần nữa cháu lại trả lời không thể được và nhắc lại nội qui nhà trường cho nó. Nó không cãi lại, nhưng cháu biết câu chuyện chưa chấm dứt ở đây đâu. Sau khi nó đi được một ngày thì cháu nhận được e mail của bố nó hỏi cháu, cho nó xỏ lỗ tai được không. Cháu trả lời là không và giải thích cho bố cháu nghe lý do vì sao cháu lại không cho nó làm chuyện ấy. Cháu muốn nó có điểm hạnh kiểm, ra trường tốt, để có thể được nhận vào một đại học công giáo nổi tiếng. Và cháu cám ơn anh ấy đã hỏi ý kiến cháu trước khi quyết định. Sau đó, không thấy bố con nó nói gì đến chuyện xỏ lỗ tai nữa nhưng mà linh tính cho cháu biết là chắc chắn bố nó sẽ làm trái ý cháu. Chẳng có ý gì khác là muốn lấy lòng con. Thông thường cháu và con trai cháu không có vấn đề gì với nhau trong việc giáo dục cháu cả. Cháu tỏ ra ngoan ngoãn, biết nghe lời. Mặc dầu đôi khi đi với bố về cháu thường tỏ khó bảo, cãi lại mẹ và gắt gỏng, nhưng chỉ ít ngày sau cháu lại thuần thục trở lại, và trở về với nề nếp cũ. Không hiểu sao lần này cháu nghi ngờ sự vâng lời của con và sự giữ lời hứa của bố. Cháu tin chắc chắn là lúc về thể nào thằng nhỏ cũng có ít nhất là một lỗi tai, đeo bông tai. Nếu trong thực tế, sự nghi ngờ của cháu trở thành sự thật thì bác bảo cháu phải có thái độ như thế nào?

Bà Ba Phải trả lời:

Trong trường hợp ấy thì cháu nên uống một ngụm nước lạnh lớn và hít vào một hơi thở thật sâu, thở ra thật từ từ, rồi tự an ủi rằng: may mà nó chỉ đòi xỏ lỗ tai chứ nếu mà nó đòi xâm mình thì còn khổ hơn nhiều. Khi cháu đã biết rằng chồng cháu cho con xỏ lỗi tai là chỉ cốt lấy điểm với con và cho vơi bớt mặc cảm tội lỗi là đã không gần con, giáo dục con và có ảnh hưởng tới tương lai, sự nghiệp của con thì cháu chẳng nên coi đó là một chuyện sập trời. Cháu hãy cố gắng thỏa hiệp với con cháu. Đừng chê bai chỉ trích việc tốt xấu của sự đeo bông tai. Cứ coi đó như một sự đã rồi. Cháu có thể mua tình cảm của nó bằng cách khen nó một câu, đeo lỗ tai cũng hay đấy chứ. Nhưng con đừng quên qui luật của trường. Bây giò mẹ đề nghị với con điều này, khi đi học thì con bỏ chiếc bông tai ra, như vậy nhà trường cũng không nhìn thấy cái lỗ tai và cũng không bắt lỗi bắt phải con được. Như vậy, con vẫn giữ được điểm hạnh kiểm tốt của con để lên đại học. Lúc đi chơi , ngoài khuôn viên nhà trường, con tha hồ đeo, mẹ không cấm. Con nghĩ biện pháp này tốt cho cả mẹ lẫn con không? Cái này gọi là tương nhượng, compromise đấy con ạ. Lớn lên con sẽ thấy sự thành công ở đời dựa trên cái nền tảng này rất nhiều. Mẹ lùi một bước thì con cũng phải nhường mẹ nửa bước, chứ con không thể đòi tất cả mọi thắng lợi về phần mình. Thật ra thì mẹ chẳng có ác cảm gì với sự con xỏ lỗ tai, mẹ chỉ muốn con giữ được điểm số và hạnh kiểm tốt đối với trường. Mẹ chỉ mong có thế vì bổn phận của mẹ là lo cho con có một tương lai tốt đẹp mà thôi.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT