Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Bình ba chữ cho The Tale of Lady Thị Kính

Saturday, 01/03/2014 - 12:25:15

Theo phương pháp truyền thống, ánh sáng thường được thiết kế để che giấu một phần phông cảnh và chỉ chiếu sáng một phần nào mà thôi. Ở đây, ánh sáng lại được dùng để làm nổi bật hết cỡ các đường nét chất liệu và màu sắc trên sân khấu.

Anvi Hoàng

LTS: Anvi Hoàng đã viết nhiều về vở opera The Tale of Lady Thị Kính trong hai năm qua. Sau đây là một số nhận xét của cô về bốn buổi trình diễn ra mắt lần đầu trên thế giới vở opera này tại nhà hát opera IU ở thành phố Bloomington, tiểu bang Indiana vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng Hai vừa qua.

Một ghi chú: The Tale of Lady Thị Kính là một vở opera, chứ không phải là musical = nhạc kịch. Một điều kỳ diệu về ca sĩ opera là họ hát không cần microphone như ca sĩ hát trong nhạc kịch. Những gì người ta nghe trong một vở opera là giọng hát thật của chính những ca sĩ opera đó. Ca sĩ opera cũng bắt buộc phải đọc được nhạc, và nhạc họ hát thì khó hơn gấp trăm lần nhạc kịch. Còn có nhiều sự khác biệt nữa giữa hai thể loại âm nhạc này (opera và nhạc kịch) mà quý vị có thể tra cứu thêm nếu muốn. Nên biết rằng, gọi ca sĩ opera là 'ca sĩ' bình thường thôi thì họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm đấy, bởi vì không phải dễ mà trở thành 'ca sĩ opera'. Bây giờ quay lại vấn đề bình về vở opera The Tale of Lady Thị Kính.
Cả tháng Một và đầu tháng Hai, tôi đã bỏ hàng chục giờ đi quan sát người ta tập dượt The Tale of Lady Thị Kính, nào là với dàn nhạc giao hưởng, nào là với dàn đồng ca, nào là diễn xuất với đạo diễn sân khấu. Tôi chụp hàng ngàn tấm hình. Rồi tham dự cả 4 buổi trình diễn thử y như thật. Và tham dự cả 4 buổi trình diễn thật vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2. Liệu tôi có thể bình luận một cách khách quan về vở opera The Tale of Lady Thị Kính hay không? Được chứ. Với một vài dữ liệu thực tế và một chút thời gian để suy ngẫm, tôi sẵn sàng chia sẻ những quan sát sau.


Thị Kính-1: Cảnh phiên xử Thị Mầu chửa hoang. (Hình: Anvi Hoàng)



Trang phục, phông cảnh, âm nhạc

The Tale of Lady Thị Kính là câu chuyện về quá trình thăng hoa trở thành Phật của một cô gái trẻ. Khi bị đuổi khỏi nhà chồng vì sự hiểu lầm, Thị Kính phải giả trai đi tu ở chùa. Tại đây, Thị Kính, nay là Tiểu Kính Tâm, lại bị cô Thị Mầu lẳng lơ tán tỉnh, và sau đó bị Thị Mầu đổ oan cho là cha của đứa bé trong bụng mình. Về chùa, Tiểu Kính Tâm lại mất nơi nương náu vì Sư Cụ cũng đuổi Kính Tâm ra khỏi chùa. Nghĩ đến những oan trái trong đời mình, Tiểu Kính Tâm lần nữa chấp nhận hy sinh để cho người khác được sống yên ổn. Tiểu Kính Tâm quyết định bồng đứa bé con Thị Mầu ra đi tìm đường sống mới. Tiểu Kính Tâm sau đó chết đi vì kiệt sức và đói khát. Cảm động trước sự hy sinh quên mình của Thị Kính, Đức Phật tôn bà làm Phật Quan Âm Thị Kính. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến những người sống hy sinh vì người khác như Mẹ Teresa, hoặc cả Chúa Giê Su cũng vậy. Quả thật The Tale of Lady Thị Kính là một câu chuyện đầy tính nhân bản phổ quát (universalism) về tình yêu (love), sự độ lượng (compassion) và sự hy sinh không giới hạn (selflessness), được biết đến từ thế kỷ 10 ở Việt Nam. Đến thời điểm này, nói rằng ba chữ: tình yêu (love), sự độ lượng (compassion) và sự hy sinh không giới hạn (selflessness) là những gì khán giả cảm nhận được sau khi xem The Tale of Lady Thị Kính không phải là quá chút nào. Những lời nhận xét tôi thường nghe nhất từ khán giả là vở opera The Tale of Lady Thị Kính “tuyệt vời”, “cảm động” và “xúc động.”
Đến cuối vở diễn, khán giả đứng dậy vỗ tay đồng loạt (standing ovation), cả 4 buổi diễn đều như thế cả. Đây chính là dấu hiệu của sự thành công không thể chối cãi được của vở opera The Tale of Lady Thị Kính. Hay lắm thay cho nhà soạn nhạc cũng là người viết tuần bản (bản lời ca) P.Q. Phan; hay lắm thay cho đạo diễn sân khấu Vince Liotta và nhóm nghệ sĩ thiết kế: thiết kế cảnh Erhard Rom, thiết kế trang phục Linda Pisano, thiết kế ánh sáng Todd Hensley; hay lắm thay cho tài điều khiển của nhạc trưởng David Effron; hay lắm thay cho giám đốc nhà hát opera IU Tim Stebbins và nhóm dựng cảnh: các nghệ nhân ở xưởng gỗ, xưởng sơn và đồ dùng sân khấu, xưởng trang phục; hay lắm thay cho hai ê kíp diễn viên; hay lắm thay cho nhóm thợ điện và toàn bộ nhân viên sau bức màn nhung đã làm cho mọi việc trôi chảy.

Đạo diễn sân khấu Vince Liotta nhấn mạnh trong nhiều lần phỏng vấn là nhóm thiết kế của ông không hề có ý định dựng lại một sân khấu Việt Nam. Hơn nữa, đằng nào thì nhạc của nhà soạn nhạc P.Q. Phan cho vở The Tale of Lady Thị Kính cũng là nhạc hiện đại phương Tây. Do đó, điều họ cố gắng làm là tạo ra cảm giác Việt Nam trong vở diễn sao cho khán giả người Việt biết về văn hóa Việt Nam và cả khán giả người Mỹ không biết về văn hóa Việt Nam đều có thể cảm nhận được. Đây là một quyết định rất khôn ngoan và một hướng đi rất khéo léo. Và họ đã thành công.

Kết quả là một sân khấu hiện đại mang tính tượng trưng để thích hợp với định hướng dàn dựng của đạo diễn cũng như âm nhạc mang phong cách phương Tây của vở The Tale of Lady Thị Kính. Cách dùng màu sắc tươi sáng như màu hồng, vàng, cam, xanh lá, vàng gold để ám chỉ không gian và thời gian; cách dùng những chất liệu có bề mặt đặc biệt như sợi đay nhám để làm phông và tre làm cửa; cùng với đường nét thiết kế gọn ghẽ sắc xảo, đã tạo ra không gian đẹp mở rộng trí tưởng tượng của người xem, trên nền cảm giác Việt Nam đã được gợi lên trong các chi tiết thiết kế. Về mặt diễn xuất, cảm giác Việt Nam được nhấn mạnh hơn nữa qua việc dùng một số vật dùng sân khấu được lựa chọn cẩn thận và mang tính ước lệ như quạt xếp, cái lọng, mâm quả, tượng Phật, v.v. Phần trang phục đóng góp vào việc tạo ra sự khác biệt về văn hóa bằng những màu sắc rực rỡ mang hơi ấm mùa Xuân của Việt Nam mà trước kia các nghệ sĩ nước ngoài chưa từng được thấy trong bất kỳ một vở opera nào. Kiểu mẫu thiết kế trang phục lại vô cùng phong phú, đưa người xem vào một không gian và thời gian khác. Sau nữa, ánh sáng trong vở opera The Tale of Lady Thị Kính lại được sử dụng theo một phương cách trái ngược truyền thống. Theo phương pháp truyền thống, ánh sáng thường được thiết kế để che giấu một phần phông cảnh và chỉ chiếu sáng một phần nào mà thôi. Ở đây, ánh sáng lại được dùng để làm nổi bật hết cỡ các đường nét chất liệu và màu sắc trên sân khấu.

Trong vở opera The Tale of Lady Thị Kính, mỗi khi một nhân vật xuất hiện, họ rực rỡ dưới ánh đèn trong bộ trang phục đặc biệt của mình, mỗi nhân vật đều có những điệu bộ và tính cách đặc trưng của nhân vật, và những giai điệu hát rất riêng cho nhân vật của mình. Âm nhạc là yếu tố đầu tiên, cũng là yếu tố cuối cùng kết nối mọi sự việc và mọi người mọi thứ lại với nhau. Thế là, khán giả được dịp tôn trọng vẻ yêu kiều của Thị Kính, mê điệu bộ lẳng lơ của Thị Mầu, cười sự ngây ngô của đầy tớ Nô, kinh hãi trước sự hung dữ của Sùng Bà, cười nhạo Sùng Ông say xỉn vô duyên. Đến khi các nhân vật mở miệng hát thì thật mê ly. Tôi đã được tận mắt xem họ tập dợt cả tháng. Ai cũng bảo rằng họ yêu thích phần nhạc của mình. Một là nhạc quá hay. Hai là mỗi nhân vật đều có một khoảnh khắc để hát về chính mình và khoe giọng hát của mình - đây là điều ca sĩ opera nào cũng thích. Và như thế, Nô hát điệu ngây ngô đáng yêu; Thị Kính tha hồ 'đan' một lưới giai điệu từ thấp lên cao từ trong sáng đến đứng đắn, trưởng thành, và rồi thăng hoa; Thiện Sĩ thì luyến láy một cách mơ mộng ngây thơ nhưng cũng đầy ngạo mạn; Vợ Mõ đúng là múa mỏ khôn ngoan giọng cao như hét; Thị Mầu cũng hát cao vút, điệu nhạc tuy nông nổi nhưng pha đẫm sự đam mê cuộc sống và tình yêu xác thịt; trong khi đó 4 bạn gái của Thị Mầu thì không ngừng tụng Nam Mô A Di Đà Phật, lúc thì khiêu khích lúc thì răn đe.

Cảm nhận chung là phần âm nhạc hay tuyệt vời. Trong khi nghe nhạc, lúc thì bạn thấy một bông hoa, lúc thì cả một vườn đầy hoa; bạn cảm nhận được sự đau buồn, niềm hạnh phúc, sự xấu xa, sự nghịch lý của linh hồn con người ta; bạn thấy những khoảng không gian mỏng và dày; bạn thấy ánh sáng và bóng tối trong không gian; bạn cảm thấy các chất liệu. 'Đầy màu sắc' là cụm từ nảy ra trong đầu bạn và bạn cảm thấy hợp lý quá. Rồi bạn ngỡ ra rằng, thì ra khi các nhạc sĩ nói đến âm nhạc đầy màu sắc là thế này đây. Đúng là âm nhạc của The Tale of Lady Thị Kính đầu màu sắc sống động. Càng để ý kỹ bạn sẽ cảm thấy âm nhạc càng mê ly. Nhà soạn nhạc P.Q. Phan chủ trương viết nhạc cho vở opera sao cho bề ngoài có thể thu hút người nghe bình thường nhưng đào sâu bên dưới cũng hấp dẫn được những người trong giới chuyên môn ngành âm nhạc hàn lâm. Ông đã làm đúng như ông nói.
Trong tuần lễ đầu khai diễn vở opera The Tale of Lady Thị Kính, nhiều khán giả bảo rằng họ sẽ đi xem vở opera lần thứ hai vào tuần sau đó. Và chúng tôi đã gặp lại họ lần thứ hai tại buổi trình diễn của tuần thứ hai. Sau tuần lễ khai diễn đầu tiên tôi cũng bắt đầu thu thập những cảm tưởng về vở opera The Tale of Lady Thị Kính. Hầu hết mọi người đồng ý rằng phông cảnh và trang phục tuyệt đẹp, diễn xuất hay, và âm nhạc tuyệt vời. Rất nhiều những cảm tưởng này đến từ 200 người Việt Nam từ các thành phố khác lái xe hoặc bay tới Bloomington chỉ để xem vở opera The Tale of Lady Thị Kính, hoặc khán giả Việt Nam xem vở opera qua internet. Nên nhớ rằng người Việt hoặc gốc Việt nói chung ai cũng ít nhiều biết đến câu chuyện Thị Kính. Họ biết Thị Mầu hoặc Vợ Mõ là ai, tính cách ra sao. Do đó, họ xem vở opera The Tale of Lady Thị Kính do người Mỹ diễn mà không cảm thấy xa lạ, ngược lại còn cảm thấy hay và đáng yêu nữa thì đây đã là một sự thành công của vở opera.

Đi sâu hơn nữa

Nhà soạn nhạc P.Q. Phan hoàn thành xuất sắc công việc viết tuần bản cho vở opera của mình. Ông bỏ 25 năm nghiên cứu và suy nghĩ về dự án vở opera Thị Kính cho đến khi ông tự tin có thể dựng một vở opera dựa vào câu chuyện Thị Kính một cách thành công. Không ngạc nhiên là tuần bản của The Tale of Lady Thị Kính có nhiều lớp ý nghĩa cần được giải thích ra để nhiều khán giả có thể hiểu được vở opera nhiều hơn và có cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam. Đây là điều rất bình thường đối với một vở opera mới. Thế nhưng có một điều rất vui là tại buổi diễn và qua nhiều email cảm tưởng, một số khán giả người Mỹ và người Việt đã có lời ca ngợi về sự sâu sắc trong lời thoại của tuần bản. Họ còn muốn mua một bản copy của tuần bản nữa. Khi nghe những lời tốt lành này từ khán giả, có lẽ không ai có thể vui hơn chính người viết tuần bản, P.Q. Phan. Bởi vì có gì vui bằng khi thấy đỉnh cao văn hóa Việt Nam thể hiện trong vở The Tale of Lady Thị Kính đã có người nhìn nhận và tiếp thu.

Thỉnh thoảng tôi cũng muốn vắt óc nghĩ ngợi cho vui về sự thâm thúy của vở opera The Tale of Lady Thị Kính. Càng nghĩ càng thấy rằng sự châm biếm ở đây đúng là rất sâu sắc. Mỗi một nhân vật trong The Tale of Lady Thị Kính, trừ Thị Kính, đều vừa là nhân vật hài vừa là nhân vật bi. Mỗi nhân vật, trừ Thị Kính, đều vừa châm biếm bản thân mình để vừa châm biếm xã hội. Đây chính là cái khôn khéo của các tác giả nông dân ngày xưa để mua vui và để chỉ trích xã hội, để làm cho cuộc sống của họ được nhẹ nhàng và vui tươi trong một vài phút giải lao. The Tale of Lady Thị Kính cũng được sáng tạo ra với tinh thần như thế - nó là một tác phẩm nghệ thuật mang tính bi-hài.

Tôi rất mừng thấy rằng tính hài trong The Tale of Lady Thị Kính cũng được khán giả cảm nhận đúng mức. Trong nhiều lời cảm tưởng tôi nhận được, người ta khen rằng tính hài làm cân bằng tính bi trong vở opera. Còn nhiều người khác trong đó có cả trẻ em thì chỉ đơn giản cười thích thú với phần hài hước của vở diễn. Thế là tính hài của vở The Tale of Lady Thị Kính đã làm được một trách nhiệm của nó là tạo sự kết nối với khán giả, làm cho họ cười và giúp họ thư giãn. Còn chức năng châm biếm thì tôi cứ tiếp tục giải thích mỗi khi có dịp.

Không biết có ai thất vọng hay không, nhưng thật tình tôi không có gì để chê vở opera The Tale of Lady Thị Kính. Ngay lúc này đây khi đài VietFace TV đang chiếu phóng sự nhiều kỳ về công việc sáng tạo và dàn dựng vở opera The Tale of Lady Thị Kính tại nhà hát opera IU, cả P.Q. Phan và tôi đều nhận được thêm nhiều email của khán giả bày tỏ sự yêu thích và quan tâm đối với vở opera. Bản thân tôi thì thú thật đến bây giờ đã thuộc lòng cả vở opera này rồi và có thể hát theo bất kỳ ai. Có ai muốn hát theo với tôi không nào?

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT