Mẹo Vặt

Bọ lành bọ độc: Bọ xít

Tuesday, 10/05/2016 - 08:31:25

 “Lành” hay “độc” ở đây là dựa trên ảnh hưởng của chúng đối với vườn tược: Bọ lành ăn các loại sâu rầy, không ăn lá rau; Ngược lại, bọ độc thì ăn lá và đọt non mà không chịu ăn sâu rầy. Vì hình dạng chúng giống nhau, mà tác động lại trái ngược nhau như thế, chủ vườn cần nhận xét cho tinh tường.

Bài VŨ HẰNG

Tiếp tục đề tài bọ lành bọ độc, hôm nay chúng ta nói về những con … bọ xít, hoặc bọ hôi là tên gọi dựa theo cái mùi khó ưa của chúng. Cái mùi hôi truyền thống của loài bọ xít, bình thường không ngửi thấy, nhưng khi bị đụng đến, chúng sẵn sàng phóng mùi hôi ra để áp đảo kẻ tấn công hầu tìm đường chạy trốn. Bọ xít gồm có nhiều loại, khá giống nhau về hình dạng, nhưng có loài lành, loài độc. “Lành” hay “độc” ở đây là dựa trên ảnh hưởng của chúng đối với vườn tược: Bọ lành ăn các loại sâu rầy, không ăn lá rau; Ngược lại, bọ độc thì ăn lá và đọt non mà không chịu ăn sâu rầy. Vì hình dạng chúng giống nhau, mà tác động lại trái ngược nhau như thế, chủ vườn cần nhận xét cho tinh tường.

                             “Chiến sĩ mình gai” (spined soldier bug) là loại bọ xít có ích cho nhà vườn

Chiến Sĩ Mình Gai (Spined Soldier Bug)

Đây là loại bọ lành, nhìn hình là nhận ra ngay, và bạn có thể “À” lên một tiếng: Thì ra, con bọ xít! Dân làm vườn ở Mỹ “ga lăng” hơn, họ gọi bằng một cái tên nghe rất oai: Spined Soldier Bug, có nghĩa là Chiến Sĩ Mình Gai. Sở dĩ được gọi như vậy là bởi hình dáng con bọ trông như cái khiên của “chiến sĩ” đang xung trận. Khiên thường màu vàng hoặc màu nâu, với nhiều đốm đen, và cái gai rất nhọn nhô ra hai bên vai. Có thể gọi “chiến sĩ mình gai” là loài ăn thịt, bởi vì các chiến sĩ chỉ thích xơi thịt sâu rầy và những loài côn trùng khác, chứ không phá rau.

Đất dụng võ của “chiến sĩ” là những mảnh vườn trồng khoai tây, cà tomato, bắp ngọt, đậu, cà tím (cũng có người gọi cà dái dê), măng tây, hành và táo…. Bởi vì những loại rau quả này thường phát sinh nhiều loại sâu rầy. Nghiên cứu của các bậc sư phụ cho hay, “chiến sĩ mình gai” có thể chiếu cố tới 100 giống sâu rầy phát sinh từ các khu vườn như vậy. Không biết Trời Phật sẽ phán xét ra sao về cái tội “sát sinh” này, nhưng nhà vườn lại coi trọng “chiến sĩ mình gai” vì công lao diệt sâu rầy, bảo vệ vườn tược của đội quân này.

Tuy nhiên, vì cái mùi hôi truyền thống, chiến sĩ mình gai có thể bị…. ghét lầm và bị giết oan bởi dân làm vườn non kinh nghiệm. Thực vậy, có nhiều người “xuống tay” rồi mới biết là mình lầm rồi ngơ ngẩn tiếc: Trong khi nhà vườn kinh nghiệm phải đặt mua để có một đoàn “chiến sĩ mình gai” đông đảo thì mình lại vô tình giết chúng đi.

Trái Bí Ngô Độc (Squash Bug)

Trông rất giống “chiến sĩ mình gai” nhưng lớn hơn, màu xám đậm, nâu, thường có vằn, và được coi là bọ độc. Vì rất thích ăn lá bí ngô, bí đao (squash) nên chúng được gọi là Squash Bug. Nhưng loài bọ xít này không chỉ phá vườn bí ngô, bí đao, chúng còn ăn lá dưa hấu, bầu bí, dưa chuột, cà chua... và nhiều loại rau vườn khác.
“Trái bí ngô độc” dùng vòi chọc thủng lá, rồi hút lấy nhựa từ bên trong, làm nước và dưỡng chất không lưu thông được, khiến cho cây èo uột rồi chết. Như vậy, đương nhiên, Squash Bug thuộc loại ăn chay, không ăn thịt. Nhưng cái tính “kiêng sát sinh” này lại làm cho Squash Bug trở thành những tay anh chị, chuyên phá đám, nên bị dân làm vườn rất ghét.

Làm sao phân biệt?

Để bảo vệ thành quả lao động của mình, nhà vườn buộc phải trọng đãi “chiến sĩ mình gai” và ghét bỏ những “trái bí ngô độc”. Nhưng bởi vì chúng rất giống nhau, nên phân biệt loài nào với loài nào là việc mà chỉ dân làm vườn dày kinh nghiệm mới có thể làm được. Nếu bạn là tay mơ mà muốn đốt giai đoạn, thì đây là một số bí quyết giúp bạn mau chóng phân biệt. Gặp một con bọ xít mà mình không biết “lành, độc” ra sao, chúng ta có thể quan sát ba điểm sau:
- Hai cần ăng- ten (tức là hai cái râu dài) của Spined Soldier Bugs gồm hai râu dài một màu, không khoang trắng, khác với ăng ten của Squash Bugs có khoang trắng chen giữa màu nâu.
- Cầu vai của bọ lành (spine soldier bugs) có gai nhọn và dài, trong khi cầu vai bọ độc kém nhọn hoặc tầy.
- Vòi: Lật ngửa “chiến sĩ mình gai” lên, chúng ta thấy có một cái vòi dầy để xẻ thịt. Trong khi đó, “trái bí ngô độc” cũng có vòi nhưng mỏng hơn và yếu hơn….
Viết đến đây thì chính Hằng lại ….bối rối: Sự đánh giá “bọ lành bọ độc” như trên là của nhà vườn, còn Trời Phật đương nhiên nhìn muôn vật một cách khác. Nhưng nếu chính bạn là người ăn chay, bạn sẽ có đánh giá thế nào về những cặp bọ “sát sinh” và “kiêng sát sinh” mà chúng ta nói tới hổm rày?
Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT