Đạo và Đời

Bồ Tát Quán Thế Âm là Nam hay Nữ?

Wednesday, 09/05/2018 - 08:19:23

Dù sao thì hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là người nữ cũng là một biểu tượng hay của lòng Từ Bi và Cứu Độ. Hình ảnh đó như một bà mẹ hiền bảo bọc đàn con thơ dại.

Thầy PASANNO PHỔ KIÊN

Có một câu hỏi mà nhiều Phật tử thường hay quan tâm là Bồ Tát Quán Thế Âm là thân Nam hay thân Nữ. Thường thường ở các chùa tại Việt Nam và kể cả tại Trung Quốc đều thờ hình tượng Đức Quán Thế Âm là một người nữ đoan nghiêm dịu dàng, nhưng trong kinh điển đôi khi nói Ngài là thân Nam.


Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm tại Chùa Viên Quang, San Marcos, tháng Hai, 2015. (Phúc Quỳnh)

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phẩm Phổ Môn trong đoạn Kinh kể lại Bồ Tát Vô Tận Ý dâng chuỗi ngọc cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm thì Bồ Tát không nhận. Đức Phật bảo: “Ông hãy nhận đi.”
Như vậy rõ ràng Bồ Tát Quán Thế Âm là thân Nam.

Thật ra xét theo Hình Tượng thì tất cả các vị Phật và Bồ Tát đều là hình tượng một người Nam. Do vậy Đức Bồ Tát Avalokitesvara là một người Nam. Khi Các Tổ mang Kinh Điển về Trung Quốc dịch ra tiếng Hán thì chỉ dịch Avalokitesvara là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Quán Tự Tại Bồ Tát mà thôi không hề nói là Nam hay Nữ.

Theo Tiến sĩ Phật Học Hoàng Ngọc Dũng, tức Thầy Thích Viên Trí, thì hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm trở thành thân nữ vào đời Thái Hậu Võ Tắc Thiên. Ông viết trong quyển Khái Niệm Về Bồ Tát Quán Thế Âm (trang 195) như sau:

“Hơn thế nữa chúng ta có thể phát biểu một cách tự tin rằng chính cuộc cách mạng của phụ nữ đã thực sự mở đường cho việc thờ phụng và tiến trình nữ tính hóa mạnh mẽ về Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara) trở nên rõ ràng, cụ thể và phổ cập hơn: đặc biệt vào thời điểm khi nữ Hoàng Đế Võ Tắc Thiên được đồn là hiện thân của Bồ Tát Di Lặc thị hiện vào thế giới nầy, thực sự kế tục chính quyền của triều đại nhà Đường trong năm 638 sau Công Nguyên.”

Như vậy hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là thân nữ bắt đầu tại Trung Hoa từ thời Thái Hậu Võ Tắc Thiên lên cầm quyền. Hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là hình tượng người nữ ngự trị ở Trung Hoa từ thời đó cho đến nay. Khi các tổ Trung Hoa mang Đạo Phật sang Việt Nam thì mang luôn hình ảnh Đức Quán Thế Âm là người nữ sang Việt Nam.

Dù sao thì hình ảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là người nữ cũng là một biểu tượng hay của lòng Từ Bi và Cứu Độ. Hình ảnh đó như một bà mẹ hiền bảo bọc đàn con thơ dại.

Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn

Ngoài ra các chùa còn thờ Đức Quán Thế Âm “Thiên Thủ Thiên Nhãn” tức Quán Âm “Ngàn Tay Ngàn Mắt. Đây cũng là một hình ảnh biểu tượng. Đức Quán Thế Âm có Ngàn Mắt để có thể Quán xét hết tất cả những khổ nạn của chúng sanh ở thế gian. Quán xét xong thì phải có Ngàn Tay để cứu giúp không sót một ai.
Thiên Thủ Thiên Nhãn là một Biểu Tượng thật hay để nhắc nhở Phật Tử rằng muốn cứu độ chúng sanh phải có Ngàn Mắt để thấy biết hết những khổ đau ách nạn của chúng sanh. Sau khi đã thấy rồi phải cứu độ tất cả chúng sanh. Muốn cứu độ tất cả chúng sanh phải có Ngàn Tay mới thực hiện được.
Hình ảnh nầy còn nhắc nhở mỗi người Phật Tử hãy học Hạnh Đại Từ Đại Bi của Đức Quán Thế Âm. Mỗi người hãy đóng góp cho Đức Quán Thế Âm một đôi mắt, một đôi tay, hay nói cách khác là mỗi người hãy là một Đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cứu độ chúng sanh đang đau khổ.
(Trích từ Tinh Tấn Magazine sẽ phát thành trong tháng Bảy, 2018)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT