Thế Giới

Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ từ chối hợp tác với Nga

Thursday, 16/02/2017 - 10:12:35

Bộ Trưởng Mattis khẳng định, sự cam kết của Hoa Kỳ về vấn đề quốc phòng của các đồng minh là điều không thể lay chuyển. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, NATO cần phải có cách đối phó các hành động hiếu chiến của Nga.

BRUSSELS – Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis hôm thứ Năm đã từ chối mọi hình thức hợp tác quân sự với Nga, bất chấp lời kêu gọi từ Tổng Thống Vladimir Putin muốn Tây phương hợp tác với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và những vấn đề khác.
Trong cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng thành viên NATO tại Brussels, ông Mattis nói, “Chúng tôi hiện chưa thích hợp để hợp tác quân sự. Tuy nhiên, các lãnh đạo chính trị sẽ cân nhắc và tìm kiếm những điểm chung, để Nga có thể trở thành đối tác với NATO.”
Tuyên bố của ông Mattis được đưa ra sau khi Tổng Thống Putin kêu gọi liên minh NATO và các nước khác nên hợp tác với Nga, và mở lại đối thoại giữa các cơ quan tình báo. Chuyến đi của ông Mattis đến Brussels nhằm trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ, giữa lúc các mối nghi ngờ càng lúc càng tăng về sự liên hệ giữa ban tranh cử của ông Trump và viên chức Nga.
Bộ Trưởng Mattis khẳng định, sự cam kết của Hoa Kỳ về vấn đề quốc phòng của các đồng minh là điều không thể lay chuyển. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, NATO cần phải có cách đối phó các hành động hiếu chiến của Nga.
Tướng Joseph Dunford của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, chủ tịch Hội đồng liên quân, đang sắp có cuộc họp với người đồng cấp Nga, Tướng Valery Gerasimov, tại Baku, Azerbaijan. Cuộc họp này sẽ là cuộc tiếp xúc quân sự cấp cao nhất giữa Washington và Moscow từ năm 2014 tới nay. NATO hiện đang duy trì một lực lượng đa quốc gia ở Tây Âu, nhằm theo dõi các hành động khiêu khích của Nga trong khu vực này.

Bắc Hàn mừng sinh nhật Kim Chính Nhật
BÌNH NHƯỠNG – Bắc Hàn đã tổ chức nhiều chương trình thể thao và một buổi bắn pháo bông lớn vào hôm thứ Năm, để mừng sinh nhật thứ 75 của cố chủ tịch Kim Jong Il (Kim Chính Nhật), cha của chủ tịch hiện nay Kim Jong Un (Kim Chính Vân). Đài TV nhà nước KRT đã chiếu hình ảnh người dân đứng xem pháo hoa gần sông Taedong, nhưng chủ tịch Kim Jong Un không xuất hiện. Kim Jong Il qua đời ngày 17 tháng 12, 2011, sau một cơn đau tim. Ngày sinh nhật của ông, ngày 16 tháng 2, hiện là một trong những ngày lễ quốc gia của Bắc Hàn.
Ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng, nhiều người đã tới đồi Mansu để đặt hoa trước hai bức tượng lớn của ông Kim Jong-il và cha ông, Kim Il Sung. Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới viếng tại Cung tưởng niệm Kumsusan ở Bình Nhưỡng, nơi đặt thi hài của cha và ông nội. Tham dự lễ viếng còn có nhiều viên chức cao cấp trong chính phủ Bắc Hàn. Lễ kỷ niệm diễn ra ba ngày sau khi ông Kim Jong-nam, con trai cả của ông Kim Jong-il, bị sát hại ở Malaysia. Thông tin về cái chết của ông Kim Jong-nam không được báo chí Bắc Hàn nhắc tới. Chủ tịch Kim Jong Un đang bị nghi là người đứng sau vụ sát hại người anh cùng cha khác mẹ của ông.

Nga muốn giúp Phi Luật Tân huấn luyện vệ sĩ cho tổng thống
DAVAO – Nhà chức trách Nga cho biết, nước này đã mời Phi Luật Tân chia sẻ dữ liệu tình báo và giúp huấn luyện lực lượng vệ sĩ tinh nhuệ cho Tổng Thống Rodrigo Duterte. Ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga và cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng Thống Vladimir Putin, hôm thứ Năm đã đưa ra đề nghị trên trong cuộc họp giữa các viên chức an ninh hai nước tại Davao, quê nhà của ông Duterte.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana cho biết Nga đã mời nước này tham gia hệ thống chia sẻ thông tin, giúp chống tội phạm xuyên quốc gia và chống khủng bố. Hành động này cũng sẽ giúp Phi Luật Tân theo dõi các phiến quân Hồi giáo và các giao dịch tài chính của chúng. Theo Bộ Trưởng Lorenzana, Phi Luật Tân cũng đang cùng Nga bàn bạc về thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự, trong đó Moscow đề nghị huấn luyện cho lực lượng tinh nhuệ có nhiệm vụ bảo vệ Tổng Thống Duterte.
Giới quan sát cho rằng, chuyến thăm của ông Patrushev thể hiện rõ ý định của Nga trong việc tận dụng sự chuyển hướng ngoại giao của ông Duterte, người sẽ thăm Moscow vào tháng 5. Ông Duterte từng chỉ trích Hoa Kỳ là "đạo đức giả" trong cuộc gặp với ông Putin vào năm ngoái. Tổng thống Phi Luật Tân còn đưa ra những lời đề nghị đàm phán với Trung Quốc và Nga.

Ấn Độ phục hồi chương trình chế tạo máy bay
NEW DELHI – Chính phủ Ấn Độ đang khôi phục lại chương trình chế tạo máy bay chở khách từng bị trì hoãn suốt 3 thập niên qua, trong nỗ lực đuổi theo Trung Quốc và Nhật Bản, hai nước châu Á đang đi trước rất xa trong lĩnh vực này. Ông Jitendra Jadhav, giám đốc Hội đồng nghiên cứu Khoa học và Công nghệ, hôm thứ Tư cho biết rằng, mẫu máy bay 14 chỗ tên Saras của Ấn Độ hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Dự án chế tạo máy bay Saras được khởi sự từ 29 năm trước, nhưng bị trì hoãn liên tục tới tận ngày nay.
Việc chế tạo loại máy bay phản lực hai cánh quạt này đã gặp trở ngại nghiêm trọng vào năm 2009, khi một chuyến bay thử nghiệm kết thúc bằng một tai nạn kinh hoàng, giết chết toàn bộ 3 người trên khoang. Quân đội Ấn Độ sẽ chịu trách nhiệm thử nghiệm các máy bay Saras mới, trước khi cấp giấy phép cho loại máy bay này và bán chúng cho các hãng hàng không thương mại. Quân đội cũng đã hứa sẽ mua 15 máy bay Saras. Quá trình thử nghiệm và cấp giấy phép có thể kéo dài tới 3 năm.
Việc trì hoãn sản xuất các loại máy bay mới không phải là điều hiếm thấy trong ngành hàng không, ngay cả đối với các hãng lớn như Boeing hay Airbus. Máy bay ARJ21 của Trung Quốc phải mất 13 năm cho quá trình thiết kế, chế tạo, và đưa ra thị trường. Theo ước tính, Ấn Độ sẽ phải cần vài trăm máy bay loại nhỏ trong vòng 5 đến 7 năm tới, để thực hiện kế hoạch của Thủ Tướng Narenda Modi, muốn mở đường hàng không tới những vùng xa xôi hẻo lánh của quốc gia.

Ả Rập Saudi phá 4 cơ sở của IS
RIYADH – Bộ Nội Vụ Ả Rập Saudi hôm thứ Năm cho biết, nước này vừa phá bốn cơ sở của Nhà Nước Hồi Giáo, bị nghi đã cung cấp chỗ ở cho các phiến quân bị truy nã, và tuyển mộ thành viên mới cho nhóm cực đoan này. Các nghi can bị bắt trong sự việc bao gồm 15 người Saudi, hai người Yemen, và một người Sudan. Cảnh sát cũng thu được nhiều vũ khí tự động và $530,000 Mỹ kim tiền mặt tại chỗ ở của các nghi can.
Các cơ sở của IS hoạt động tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi và các khu vực ở phía đông và phía bắc. Trong số những người từng được các cơ sở của IS giúp đỡ có Taye al-Sayari, một trong 2 tay súng Hồi giáo đã bị bắn chết trong một chiến dịch an ninh ở Riyadh vào tháng 1, 2017. Bộ Nội Vụ Saudi nói rằng, bốn cơ sở vừa bị phát hiện, ngoài việc hỗ trợ phiến quân, còn có nhiệm vụ chọn lựa và theo dõi các mục tiêu tấn công.
Các nhóm liên minh với Nhà Nước Hồi Giáo tại Ả Rập Saudi đã thực hiện một số vụ nổ súng và đánh bom gây chết người. Đa số các vụ tấn công này đều nhằm vào lực lượng an ninh và các đền thờ của người Hồi giáo Shiite. Nhà chức trách Ả Rập Saudi cho biết, cho tới nay, nước này đã bắt hàng trăm thành viên của ISIS. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, vốn thuộc dòng Sunni, rất thù ghét các vương quốc vùng vịnh Ả Rập, vì cho rằng các nước này đang cố tình gây ra xung đột giáo phái giữa 2 dòng Sunni và Shiite, nhằm gây bất ổn và lật đổ chính phủ IS.

Các ngoại trưởng G20 họp thượng đỉnh tại Đức
BONN – Ngoại trưởng các nước G20 đã có cuộc họp đầu tiên vào hôm thứ Năm, mở đầu cho hội nghị dài 2 ngày tại thành phố Bonn của Đức. Các ngoại trưởng dự kiến sẽ thảo luận về các cuộc xung đột hiện nay và cách ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai. Đây cũng là sự kiện quốc tế đầu tiên của ông Rex Tillerson, tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, giữa lúc mọi nước trên thế giới đều đang chú ý quan sát xem chính sách ngoại giao sắp tới của Hoa Kỳ sẽ đi theo hướng nào.
Các vị khách khác cũng tham dự hội nghị bao gồm Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, và Ngoại trưởng Trung Cộng Wang Yi. Đại diện nước chủ nhà, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, khi khai mạc hội nghị đã nhấn mạnh rằng, sự hợp tác quốc tế chính là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ngoài các cuộc họp chính, rất nhiều cuộc gặp song phương khác cũng diễn ra bên lề hội nghị G20.
Đối với nhiều ngoại trưởng, đây là cơ hội để họ được gặp trực tiếp vị tân ngoại trưởng Hoa Kỳ. Cũng trong hôm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Tillerson đã có cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Nga Lavrov. Trong đó, ông Tillerson nói rằng Hoa Kỳ hy vọng Nga sẽ tôn trọng Hiệp ước Minks, tức thỏa thuận ngừng bắn ở đông Ukraine. Đồng thời, ông Tillerson cũng nói Hoa Kỳ chỉ hợp tác hoàn toàn với Nga nếu việc này liên quan đến lợi ích quốc gia. Ngoài ngoại trưởng Nga, ông Tillerson còn gặp riêng các ngoại trưởng Ả Rập Saudi và Anh quốc.

IS nhận trách nhiệm vụ đánh bom đền thờ ở Pakistan
SEHWAN – Một kẻ đánh bom tự sát của Hồi Giáo Quốc (IS) đã cho nổ bom bên trong một đền thờ nổi tiếng ở miền nam Pakistan vào hôm thứ Năm, giết chết ít nhất 75 người. Đây cũng là vụ tấn công gây chết người nhiều nhất tại Pakistan trong vòng 2 năm qua. Kẻ tấn công đi vào đại sảnh của đền thờ Lal Shahbaz Qalandar tại Sehwan, và kích nổ trái bom ngay giữa hàng chục tín đồ đang cầu nguyện. Nhà chức trách cho biết, trong số người chết có ít nhất 20 phụ nữ và 9 trẻ em.
Tổ chức IS đã nhận trách nhiệm sự việc, nói rằng chúng muốn tấn công vào nơi tụ họp của người Shiite. Hồi Giáo Quốc là một tổ chức cực đoan dòng Sunni, và chúng coi người Shiite là những người phản giáo. Vụ đánh bom hôm thứ Năm là vụ tấn công gây chết người nhiều nhất tại Pakistan, tính từ ngày 16 tháng 12, 2014. Khi đó, các phiến quân đã xông vào một trường học do quân đội quản lý tại Peshawar, bắn chết 154 người, chủ yếu là học sinh.
Pakistan đã chiến đấu chống lại Taliban và các nhóm cực đoan khác trong hơn 1 thập niên qua. Trong những năm gần đây, nước này đã mở nhiều cuộc tấn công, nhắm vào các căn cứ phiến quân dọc theo biên giới với Afghanistan, nhưng không có hiệu quả. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cũng đang mở rộng sự hiện diện tại Pakistan trong những năm gần đây, và đã thực hiện nhiều vụ tấn công gây thương vong khá cao.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT