Hoa Kỳ

Bộ Tư Pháp ủng hộ sinh viên Mỹ gốc Á kiện trường Harvard về Qui Chế Nâng Đỡ Người Thiểu Số

Saturday, 08/09/2018 - 08:23:27

Trong một văn bản vào ngày thứ Năm, Bộ Tư Pháp nói, “Harvard đã không cho thấy được rằng nhà trường không kỳ thị một cách bất hợp pháp đối với những người Mỹ gốc Á, Châu.”


Trường Harvard (Getty Images)

HOA THỊNH ĐỐN - Bộ Tư Pháp và chính phủ Trump đã ủng hộ những sinh viên đang kiện trường đại học Harvard University về việc áp dụng Qui Chế Ưu Đãi Người Thiểu Số (Affirmative Action) trong vấn đề tiếp nhận sinh viên. Những sinh viên này nói rằng qui chế đó đã kỳ thị những người Mỹ gốc Á Châu nộp đơn xin vào học tại trường này.

Vụ kiện này có thể có những hậu quả sâu rộng cho việc áp dụng qui chế tại các trường đại học khác trên toàn quốc.

Nhiều năm trước, Affirmative Action đã được ban hành nhằm nâng đỡ người thiểu số mà phần lớn là người Mỹ gốc Phi Châu được vào học theo những tỷ lệ được ấn định. Những người bênh vực luật này nghĩ rằng người thiểu số cần được nâng đỡ vì họ có thể sống trong môi trường không thuận lợi cho việc học hành, như nhà nghèo, sống trong khu lao động, thiếu phương tiện để thăng tiến, v.v..

Thế nhưng một số người da trắng cho rằng qui chế này là một hình thức kỳ thị ngược, vì nó đã khiến cho các sinh viên da trắng không được nhận vào học mặc dù họ đạt được điểm cao hơn những sinh viên gốc thiểu số có điểm thấp.

Những sinh viên gốc Á Châu khác cũng than phiền về qui chế này, vì họ không chắc được nhận vào trường đại học vì tỷ lệ do qui chế đặt ra. Từ đó đưa đến đơn kiện của sinh viên gốc Á Châu tại trường Harvard.
Trong một văn bản công bố ngày thứ Năm, Bộ Tư Pháp ủng hộ những điều mà phía nguyên đơn nói. Đây là một nhóm người Mỹ gốc Á Châu bị trường Harvard bác đơn xin nhập học. Họ lập luận rằng đại học Harvard có thái độ kỳ thị một cách hệ thống đối với họ, bằng cách hạn chế một cách giả tạo số lượng người Mỹ gốc Á Châu hội đủ điều kiện để vào học trường này, nhằm nâng cao số lượng sinh viên hội đủ điều kiện ít hơn thuộc các chủng tộc khác.

Trong văn bản đó, Bộ Tư Pháp nói, “Harvard đã không chịu gánh vác trách nhiệm khó khăn của trường, để cho thấy rằng việc họ dùng chủng tộc là không gây ra sự kỳ thị chủng tộc bất hợp pháp đối với những người Mỹ gốc Á Châu.”

Bộ Tư Pháp nói rằng Harvard “sử dụng cách đánh giá cá nhân mơ hồ, làm hại cho cơ hội nhập học của người Mỹ gốc Á Châu, và có thể bị nhiễm sự thiên vị chủng tộc; tham gia vào việc quân bình chủng tộc bất hợp pháp; và chưa bao giờ nghiêm túc xem xét những cách lựa chọn thay thế có tính cách trung lập về mặt chủng tộc, trong hơn 45 năm Havard sử dụng chủng tộc để đưa ra những quyết định về việc tiếp nhận sinh viên vào học.”

Chính phủ nói rằng các phán quyết của Tối Cao Pháp Viện đòi những trường đại học nào xem xét chủng tộc trong việc tuyển sinh đều phải đáp ứng một số tiêu chuẩn. Những trường đó phải xác định các mục tiêu liên quan đến sự đa dạng của họ, và phải cho thấy rằng họ không thể đáp ứng những mục tiêu đó mà không dùng chủng tộc làm một yếu tố trong những quyết định tiếp nhận sinh viên.

Bộ Tư Pháp lập luận rằng Harvard không giải thích đầy đủ về việc chủng tộc được bao gồm như thế nào trong những quyết định tuyển sinh của trường, bỏ ngỏ khả năng là trường đại học này đang vượt ra khỏi những điều luật pháp cho phép.

Trong một văn bản vào ngày thứ Năm, Bộ Tư Pháp nói, “Harvard đã không cho thấy được rằng nhà trường không kỳ thị một cách bất hợp pháp đối với những người Mỹ gốc Á, Châu.”

Một nhóm hành động chống khẳng định, được gọi là Students for Fair Admissions (Các Học Sinh Vì Tuyển Sinh Công Bằng) đã nộp đơn kiến đại học Harvard. Vụ kiện được coi là một cuộc trắc nghiệm để xem một nỗ lực kéo dài trong nhiều thập niên, của các chính trị gia bảo thủ và những người ủng hộ, nhằm thu hồi các các qui chế nâng đỡ người thiểu số, cuối cùng sẽ thành công hay không.

Sự thúc đẩy đó nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ Tổng Thống Trump. Trong tháng Bảy, Bộ Giáo Dục và Bộ Tư Pháp nói rằng chính phủ đang từ bỏ các chính sách dưới thời ông Obama đề nghị các viện đại học coi chủng tộc là một yếu tố trong việc đa dạng hóa các trường của họ, và thay vì vậy sẽ giành ưu tiên cho việc tuyển chọn sinh viên mà không dựa vào chủng tộc.

Trong năm nay, Harvard tiếp nhận chưa tới 5 phần trăm trong tổng số những người nộp đơn xin vào. Viện đại học này nói rằng cuộc phân tích của họ đã không tìm thấy chuyện kỳ thị.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT