Bình Luận

Bốn vị đại đế

Saturday, 03/03/2018 - 10:34:50

Đại đế Xí sẽ mãn nhiệm lần thứ nhì năm 2023, vào tuổi 69- và đương nhiên ông còn đủ trẻ trung, đủ khả năng để trị quốc, bình thiên hạ thêm 31 năm nữa; ấy là chưa nói đến một khả năng khác của ông: bắt chước chế độ cha truyền, con nối của lân bang Bắc Hàn.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Dĩ nhiên ông vua Nhật và bà vua Anh không có tên trong bốn vị đại đế đang cai trị 80% dân số thế giới hiện nay; ba trong bốn vị đại đế này đã ngồi vững trên ngai vàng từ lâu là Vladimir V. Putin tổng thống Nga, Abdel Fattah el-Sisi tổng thống Ai Cập, và Recep Tayyip Erdogan tổng thống Turkey; vị thứ tư mới lên ngôi đại đế hôm Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2018 vừa rồi là Mr. Xí -người Việt chúng ta gọi là Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.

Ông không tự xưng đế, xưng vương, mà việc “thăng cấp” của ông mang tính tự động -đảng Cộng Sản Trung Quốc quyết định thay đổi hiến pháp, xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo quốc gia để vị chủ tịch đương nhiệm có quyền ứng cử nhiệm kỳ thứ ba.

Đại đế Xí sẽ mãn nhiệm lần thứ nhì năm 2023, vào tuổi 69- và đương nhiên ông còn đủ trẻ trung, đủ khả năng để trị quốc, bình thiên hạ thêm 31 năm nữa; ấy là chưa nói đến một khả năng khác của ông: bắt chước chế độ cha truyền, con nối của lân bang Bắc Hàn.

Đà thoái hóa mang sức mạnh tham vọng của con người, mạnh đến mức có thể bao trùm cả thế giới trong thế kỷ thứ 21 này; tuy nhiên vẫn còn có người thiện chí lo bò trắng răng như anh ký giả Mỹ Michael D. Shear; anh than thở, “Thêm Mr. Xí đứng vào tổ hợp Đại Đế, cán cân chính trị thế giới nghiêng hẳn đi, phe Dân Chủ nhẹ tênh, trong lúc phe Đại Đế đang đủ nặng để thống lãnh toàn cầu."

Nói cách khác -trên bình diện tương quan lực lượng- Mỹ đang sẵn cu ki lại càng “lôn lì” (lonely) hơn, trong lúc tổng thống Mỹ tỏ ra tương đắc lắm với hai vị đại đế Nga và Tầu.

Anh D. Shear nhận định là chỉ một, vài thập niên trước, dù có ai đố, đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng không dám xóa bỏ hiến pháp Tầu, để đặt đảng trưởng của họ vào thế “muôn năm trường trị, thống nhất sơn hà,” thẳng tay giải phóng biển Việt Nam, đất Việt Nam bắt sống đám lãnh tụ cộng sản Việt Nam để sai bảo như cán bộ Tầu, trong vai trò Thái Thú; bọn này có công dâng cá Biển Đông nuôi người Trung Hoa.

Điểm đáng sợ là không một nước dân chủ Tây Âu nào lên tiếng về việc đại đế Xí “đảo chính”; ông ta không soán vị của ông vua, bà chúa nào, mà chỉ cướp quyền của người dân Trung Quốc -quyền chọn người lãnh đạo quốc gia- như đại đế Putin cướp quyền của người Nga.

Đại đế là một thứ bệnh mang tính truyền nhiễm; vị tổng thống này lên ngôi đại đế, khiến vị tổng thống khác cũng cảm thấy lo ngại trước ngày mãn nhiệm; tối thiểu cũng đang có hai vị tổng thống tỏ ý thòm thèm việc kéo dài vai trò trị vì thêm vài nhiệm kỳ nữa -dư luận nói đến tổng thống Hung Gia Lợi và Ba Lan; hai dân tộc mới vùng lên bứt gông xiềng liên bang Sô Viết của Nga, hơn 20 năm trước.

Mr. Xí theo chân ba vị đại đế kia vì ông cũng cần những tiện nghi đại đế để bảo vệ đặc quyền và tư lợi của ông và thân quyến ông.

Giáo sư Susan L. Shirk, khoa trưởng khoa “Trung Quốc Thế Kỷ Hăm Mốt” tại viện đại học UC San Diego, nêu lên câu hỏi, “Tại sao Mr. Xí lại không lên ngôi đại đế? Ai đủ sức ngăn cản ông ta?" Không ai cả, kể cả tổng thống Hoa Kỳ -lãnh tụ của một quốc gia có truyền thống dân chủ mạnh nhất thế giới.

Bà Shirk mô tả trào lưu “đi ngược trở về chính sách chuyên chế” là một cám dỗ nguy hiểm cho quý vị lãnh tụ quốc gia và cho nền kinh tế thị trường -con đường đưa tới bình đẳng và sung túc.

Học giả Michael A. McFaul, nguyên đại sứ Mỹ tại Moscow (2012-2014) nhận định việc thế giới không có một phản ứng nhỏ nào cả trước mưu đồ ngồi ì ra trên ghế Chủ Tịch Trung Quốc của đại đế Xí phải được coi như một dấu hiệu báo động của lịch sử.

Trả lời một phóng viên nêu lên câu hỏi về phản ứng của tổng thống Hoa Kỳ trước việc đảng Cộng Sản sửa đổi hiến pháp, phát ngôn viên Bạch Cung Sarah Huckabee Sanders nói, “Tôi tin là việc làm tốt cho Trung Quốc là quyền của người Trung Hoa; riêng tổng thống Hoa Kỳ thì Ông đã nói nhiều lần là ông ủng hộ việc giới hạn hai nhiệm kỳ của mỗi vị tổng thống.”

Cử tri Mỹ tạm yên lòng tin lời cô Sanders là Hoa Kỳ sẽ không bị cai trị bởi một vị đại đế. Dù sao chế độ độc đảng của Trung Quốc cũng đã rất gần với chế độ độc tài của một cá nhân, như Hitler của Đức; và rất xa với chế độ dân chủ của Mỹ.

Tiến sĩ Merriden Varrall một học giả Úc giải thích cuộc “đảo chính” của chủ tịch Tập Cận Bình, “Điều ông Tập và đảng Trung Cộng khiếp sợ là kinh nghiệm perestroika -phong trào đã tạo ra sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại Nga.”

Perestroika -phong trào “tái xét” do lãnh tụ Nga Mikhail Gorbachev chủ trương với quan điểm Glasnot (cởi mở) kéo dài suốt 11 năm (1980-1991), rồi đưa đến việc giải thể khối Liên Bang Sô Viết, cuộc cách mạng Đông Âu và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh.

Cô Varrall cho là Tập Cận Bình không giả dối, không mượn cớ tránh nguy cơ perestroika, tránh glasnot để trở thành độc tài và chuyên quyền. Ông thành thật tin là chỉ có một mình ông mới có khả năng bảo vệ chế độ cộng sản tại Trung Quốc.

Varrall có lý, ngoại trừ việc cô không kể ra niềm tin của Staline, của Hitler, ... những nhà độc tài với niềm tin tưởng mãnh liệt là chỉ có họ mới giúp được nước Nga hùng mạnh, nước Đức siêu việt, nhưng ngay sau ngày họ biến mất, vẫn không xảy ra nạn Hồng Thủy, và lịch sử nước Nga, nước Đức vẫn cứ tiếp diễn bình thường. (ndt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT