Hôm Nay Ăn Gì

Bông bí xào tỏi, món ăn của người Tây Bắc

Monday, 10/05/2021 - 08:32:50

Nói nghe vô lý, bởi người vùng cao Tây Bắc chứ đâu phải người miệt Tây Nam Bộ có thói quen ăn bông mà nói món bông bí xào tỏi là của người miền cao Tây Bắc?


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Nói nghe vô lý, bởi người vùng cao Tây Bắc chứ đâu phải người miệt Tây Nam Bộ có thói quen ăn bông (người Nam ăn bông, người Trung ăn thân, người Bắc ăn củ, điều này như một vô thức tập thể trong ẩm thực) mà nói món bông bí xào tỏi là của người miền cao Tây Bắc?! Thế nhưng, riêng món ăn này, tôi có thể mạo muội nói rằng gốc gác, căn tính của nó phải là của người vùng cao Tây Bắc cho dù có thể họ biết đến món này sau người miền Nam và không chừng họ học hỏi người miền Nam để làm món này.

Nói như vậy để thấy rằng ẩm thực cũng giống như võ thuật, nó thuộc về căn tính, căn để chứ không thuộc về độ tuổi hay trải nghiệm. Đương nhiên, độ tuổi, trải nghiệm là vô cùng quan trọng nhưng nó không quyết định đỉnh cao hay chạm đến căn tính, yếu quyết của nó. Ví dụ như Trương Vô Kỵ, một thiếu niên anh tài võ học trong tiểu thuyết Kim Dung, anh chàng này gần như vô danh tiểu tốt trong làng võ, sức khỏe yếu ớt bởi mang trọng thương từ nhỏ và lang thang rày đây mai đó, học lóm cũng có, học chính quy cũng có nhưng nói về sự học và đẳng cấp trong võ học thì Kỵ chẳng là gì so với rất nhiều bậc đàn anh, đàn chị, đàn chú, đàn bác, trưởng bối lừng danh. Thế nhưng chỉ xuất hiện trong vòng mười năm, Trương Vô Kỵ trở thành nhà võ cái thế, không có đối thủ, trở thành người vô địch thiên hạ. Vì đâu? Vì Kỵ có tư chất, có căn tính võ học và khi chạm vào bất kỳ trường phái võ thuật nào, Kỵ học một biết mười, Kỵ có thể đi đến chỗ thấu triệt của võ học.

Món ăn cũng vậy, có nhiều người nấu ăn cả đời, có uy tín, tên tuổi trong món ăn sở trường của mình. Thế nhưng đùng một cái, xuất hiện người trẻ tuổi, người này không những chỉ học qua công thức chế biến mà thấu triệt, thả hồn mình vào, cảm giác được với từng chút nguyên liệu, mùi vị, và cảm cái hồn của món ăn… Đương nhiên, món ăn của người trẻ này nấu, tuy cùng công thức với cao thủ lão luyện kia nhưng khả năng cái hồn của nó phải cất cánh cho người nếm nhiều hơn. Nói tới điều này, tôi lại nhớ tới tiểu thuyết Mùi Hương (Perfume: The Story of a Murderer) của văn hào Đức Patrick Sskind (năm nay 72 tuổi), một anh chàng học nghề làm nước hoa và không có bất kì kiến thức nào về nước hoa cũng như không được học hành tử tế, anh chàng sinh ra trong một chợ cá, từ một người mẹ bán cá. Thế nhưng bản năng và căn tính luôn thúc giục anh đi tìm mùi hương tối thượng, biến anh thành kẻ giết người mỗi khi tìm mùi hương, điều chế nước hoa. Và cuối cùng, chính mùi hương tối thượng mà anh tìm được đã cho anh một trải nghiệm mới về mùi hương của cái chết, một mùi hương chỉ duy nhất mình anh cảm nghiệm và trả giá với nó.

Món ăn bông bí xào tỏi của người Mường, Tày, Nùng ở vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc cũng mang dáng dấp của “mùi hương tối thượng” này. Bởi nếu tôi nhớ không lầm thì các món xào tỏi đến với người miền Bắc từ sau năm 1975, bởi trước đó, tỏi chỉ đóng vai trò phi cho thơm dầu chứ không phải hương vị phụ gia trong ẩm thực. Bởi miền Bắc trồng tỏi, hành khó hơn miền Nam và việc canh tác hành, tỏi trên các cánh đồng không bao giờ chiếm tỉ lệ cao như miền Nam. Mãi đến sau này, khi ngành du lịch mở cửa, các món rau muống xào tỏi, cải ngọt xào tỏi, cải ngồng xào tỏi là các phiên bản xào tỏi của miền Nam chính thức có mặt trong các quán ăn xứ Bắc thì món xào tỏi mới trở nên phổ biến.

Nói như vậy để thấy món bông bí xào tỏi của người miền Nam đã có từ rất lâu, người miền Bắc chỉ mới có đây thôi, bởi thói quen ăn củ, quả của người Bắc cao hơn ăn hoa, thậm chí họ chưa biết ăn hoa, mãi cho đến sau này. Thế nhưng khi món bông bí xào tỏi đến với người vùng cao miền Bắc, mọi chuyện trở nên huyền nhiệm. Một phần do thổ nhưỡng miền Bắc rất đặc biệt, lạnh cắt da cắt thịt, mọi thứ đều liễm vào bên trong, chính vì vậy, cái bông bí, nụ bí miền Bắc dường như đậm đặc hương vị, nhất là vùng cao, thổ nhưỡng, khí hậu càng khiến cho mọi thứ trở nên đậm đặc. Và hình như tính khí của người vùng lạnh cũng vậy, mọi thứ thu vào, liễm vào, hướng nội. Một dĩa bông bí xào tỏi, từ cách đâm tỏi cho đến phi dầu, xào bông bí và cho một ít muối vào với tỉ lệ không thể nào chuẩn hơn khiến cho độ mặn, vị ngọt và mùi thơm của dĩa bông bí xào tỏi trở nên bí hiểm, khó nói. Và đương nhiên là rất ngon!

Thôi thì hãy nói về món này: Đầu tiên ra vườn hái một ít bông bí và đọt bí, hoặc mua một bó. Tước bỏ hết phần xơ xung quanh đọt bí và để nguyên bông, rửa sạch. Cho một chút dầu ăn lên đun lửa vừa. Giã tỏi, cho vào chảo dầu đang sôi, đợi tỏi phi thơm lên thì cho bông, đọt bí vào, xào sơ, đậy nắp lại để đọt bí chín sau đó cho thêm chút muối hoặc chút nước mắm, tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình, đảo sơ, vậy là đã có món bông bí xào tỏi thơm ngon!

Chúc quý vị có một món bông bí hấp dẫn cùng bữa cơm quây quần bên người thân!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT