Hôm Nay Ăn Gì

Bông lý xào thịt bò

Monday, 22/08/2022 - 08:53:09

Người xưa có thơ: Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý nấu chè hạt sen. Cũng có người nói...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Người xưa có thơ: Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý nấu chè hạt sen. Cũng có người nói đùa rằng đó chẳng phải là thương chồng mà đang hại chồng, bởi các món “cháo le le (tức vịt trời), canh bông lý hay chè hạt sen đều là những món cường dương, tráng thận và hầu hết đây là món “ông ăn bà khen ngon.” Kỳ thực, canh bông lý hay cháo le le, chè hạt sen có đến mức độ ghê gớm như người ta nói hay không?

Xin thưa là có, nhưng do cách người ta suy nghĩ đâm ra mọi thứ trở nên ghê gớm, kỳ thực, trong hôn nhân, vợ chồng, các sinh hoạt tình cảm là điều đương nhiên, có hay không có canh bông lý cũng vậy, có hay không có cháo le le cũng thế, có hay không có chè hạt sen cuộc đời vẫn cứ mặn nồng, cơm canh ba bữa, sáng đi làm, chiều về tổ ấm... Thế nhưng nếu một người vợ biết thương và nghĩ cho chồng, mà chính xác hơn là nghĩ cho tương lai gia đình, nghĩ đến việc “tái đầu tư năng lượng” để người chồng cáng đáng công việc, làm lụng, lo lắng, tính toán... thì phải biết chăm sóc chồng con và bản thân. Bởi cháo le le, chè hạt sen hay canh bông lý, không lẽ nấu riêng cho chồng? Phải nấu cho cả nhà mới là gia đình hạnh phúc chứ! Mà ngày ba bữa cơm bụi cũng là ngày, ngày chỉn chu đầy đủ cũng là ngày, cái khác nhau ở chỗ ý nghĩa, sự ấm áp...

Hồi xưa cháo le le dễ dầu gì có, hầu hết phải nhà giàu có, quyền quí mới dám nghĩ tới, bởi việc săn một con vịt trời rất tốn kém và mua lại con vịt được săn càng tốn kém hơn. Giờ thì dễ hơn, người ta hoặc là dùng bẫy Trung Quốc, hoặc là nuôi từng đàn, vịt trời nuôi từng đàn khá là nhiều ở các tỉnh miền Trung, miền Trung gọi vịt trời, khác với miền Nam gọi le le, miền Bắc gọi sâm cầm... Và hạt sen cũng vậy, nhìn đơn giản nhưng giá của hạt sen cũng đắt hơn đậu xanh hay các loại đậu khác nhiều lần. Bông lý cũng đắt chẳng kém, chỉ khác là bông lý có thể trồng trong vườn, nhà nào có vườn đều có thể trồng bông lý.

Nói tới giàn bông lý thì có vẻ như ai từng sống ở quê cũng đều từng nhìn thấy hoặc từng có trồng giàn lý, mà thậm chí ở phố cũng có thể trồng giàn lý. Hoa thiên lý là loại thân gỗ, mình dây, thuộc họ dây leo, chịu khô hạn khá là tốt và cũng chịu được mưa ngập tương đối mạnh. Thế nên một giàn hoa thiên lý, nếu biết chăm sóc, có thể tồn tại hàng chục năm, thậm chí vài chục năm. Trong một số trường hợp, giàn hoa bị bổ nhào do mưa bão hoặc bị ngập lụt quá lâu mới úng gốc, hỏng rễ, dẫn đến khô ngọn. Dây hoa lý cũng là loài dễ sống thuộc hàng cụ tổ, chỉ cần một dây hoa non rơi khỏi giàn, vắt qua mặt đất, thế nào cũng mọc ra vài chùm rễ ngay chỗ vắt qua mặt đất ấy và lâu ngày tự hình thành gốc riêng, tách mình khỏi thân cây mẹ.


(Tom/ Viễn Đông)

Thiên lý cho hoa rất thơm, ví dụ có nhà ở thành phố, chỉ cần kiếm một nhành hoa không quá non, nghĩa thân nó ra hoa được đôi lần, cắt lấy và cuộn tròn, trồng vào chậu kiểng, chừa đọt hướng lên trời, tưới nước vài bữa, chịu khó che tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, sau đó chỉ cần tìm một tấm lưới cá bỏ đi hoặc vài tấm mành mành, hoặc một vài thanh gỗ đóng cái giàn nho nhỏ cho ngọn lý bò lên, cách gì đến mùa hè lý cũng trổ bông. Trời đất dường như hiểu tâm tính và căn để con người, đến mùa hè, mùa nóng nực lại cho lý trổ bông, mà có thứ gì mát gan, bổ thận hơn hoa lý?!

Hái bông lý, hoặc mua bông lý nên chọn buổi sáng, mà thậm chí mua các loại rau hoa quả cũng nên chọn buổi sáng sớm, tinh sương, lúc đó khí trời còn mát lành, quan trọng nhất là hàm lượng khí dương còn ngậm trong cây xanh và hoa, đặc biệt hoa lý. Nếu có giàn lý ngoài vườn thì hết sẩy, chỉ cần ra hái những chùm hoa của nó vào, lặt bỏ những cánh hoa bị héo, khô, còn lại, cọng, hoa, búp đều có thể ăn được và ăn ngon. Xào bông lý có thể nói là việc làm dễ nhất thế giới, nấu canh bông lý thì hơi khó, bởi canh bông lý khó ăn hơn canh hoa điên điển, nhưng bông lý xào thì có vị ngọt, thanh, thơm rất dễ chịu.

Việc xào một dĩa bông thiên lý với thịt bò hoặc tôm có thể xem là việc dễ nhất thế giới. Cách làm thật đơn giản, một bò hai lý, tức một lạng thịt bò xắt lát mỏng, ướp tỏi, một chút dầu hào và một chút sa tế ớt, chút tiêu bột. Bông lý rửa sạch, để ráo nước. Phi dầu phụng tỏi cho thơm, cho bông lý vào đảo đều chừng một phút, để lửa lớn, cho thịt bò vào và đảo đều, sau đó cho thêm chút xì dầu hoặc nước mắm, tùy khẩu vị mà cho một hoặc hai muỗng canh xì dầu, nửa hoặc một muỗng canh nước mắm. Thường ăn với cơm thì người ta cho một muỗng canh nước mắm hoặc hai muỗng canh xì dầu, nếu ăn nhâm nhi uống bia hoặc trong bàn ăn có nhiều món khác thì nên cho hơn nửa muỗng canh nước mắm hoặc hơn muỗng xì dầu vào chảo hoa lý.

Khi xào bông lý vừa chín tới, vẫn còn màu xanh nhưng thịt bò bắt đầu chín tái thì tắt bếp, cho bông lý ra dĩa, không cho thêm bất kì thứ rau mùi nào vào bên trên, bởi làm vậy sẽ lẫn mất mùi gốc của món ăn. Việc còn lại là từ từ nhâm nhi, thưởng thức bông lý xào thịt bò mà nghe đâu đó tuổi thơ len lén tìm về!

Xin cầu chúc quí vị có một ngày làm việc vui vẻ và bữa cơm ấm áp, có thêm dĩa bông thiên lý xào tỏi, thịt bò trên bàn ăn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT