Hôm Nay Ăn Gì

Bông thiên lý xào tôm khô, chị ấy năm nay còn gánh thóc?

Thursday, 30/07/2020 - 06:28:59

Hồi học cấp ba, tức trung học phổ thông bây giờ, tôi luôn bị hút bởi bài thơ Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử.


(Tom/ Viễn Đông)


 


Bài TOM
Hồi học cấp ba, tức trung học phổ thông bây giờ, tôi luôn bị hút bởi bài thơ Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử. Vì sao thì khó nói lắm, nhưng chắc, bởi ngay từ đầu bài thơ, dường như mọi cảnh vật hiện ra lại rất giống với ngôi nhà, giàn thiên lý, cây mãng cầu bên cạnh cái chuồng bò cũng bằng tranh và cảnh quê nghèo của bà ngoại:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây,
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây...

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

(Mùa Xuân Chín – Hàn Mặc Tử)
Mở đầu bài thơ là cảnh vật diễn ra trước mắt, mang hơi hướm, khí sắc mùa xuân, không có gì đặc biệt lắm ngoài phức cảm mùa xuân mang mang chảy trong câu chữ. Các khổ gần cuối, mọi diễn biến vẫn cứ chảy đều theo trường ý niệm, trong một cấu tứ cổ điển và khuôn khổ. Mãi cho đến khổ cuối, có thể nói rằng kĩ thuật thượng thừa của tác giả nằm ở đây.

Nếu trong võ thuật, cú đá nghịch lân, đảo sơn cước khiến cho người ta ngỡ ngàng nhiều nhất (với lối đánh cổ truyền) thì trong thi ca, chính cú đá giò lái này khiến cho toàn bộ tâm cảnh bài thơ đảo chiều, đưa tâm thức người đọc vào một giao lộ heo hút, bất định, mang màu sắc số phận giữa cái bao la của đại thể đất trời.
Dường như ở khổ thơ này, hiện ra bóng dáng thiên đường. Một thiên đường trong trẻo, nguyên sơ của những tháng ngày sầm uất và phồn thịnh trong ước mơ và cả khát vọng của tuổi trẻ, nơi đó, người ta chỉ có thể đứng từ xa để nhìn về và chiêm nghiệm, tiếc nuối, mãi mãi không tìm thấy giữa thực tại băng giá và quạnh quẽ, giữa tiếng đời buồn thiu của số phận thi sĩ vốn dĩ đã hẩm hiu lại thêm phần cay độc và trái ngang do căn bệnh thể xác hay nỗi trầm uất tinh thần.


(Tom/ Viễn Đông)

Mọi thứ nhào lộn và trộn lẫn trong sắc xuân, trong mùi hương thiên lý và cả những giọt nắng lấm tấm vàng trên mái nhà tranh, hay một chút khói liu phiu của tháng ngày xa ngái… Và hình ảnh chị ấy gánh thóc bên bờ sông trắng nắng chang chang, đó không còn là ký ức, mà là hiện thể, là bóng dáng nguyên sơ của người thơ, của tâm cảm hay nói khác đi là của tâm linh, trực giác hóa hiện trong sát na mơ hồ giữa đất trời hiu quạnh…
Và, hình như hình ảnh chị ấy, cái hiện thể tồn sinh “chị ấy” của ông cũng vừa thanh tao vừa tục lụy, nó thanh tao bởi trong ngần, vô nhiễm cõi thượng thanh khí, mà tục lụy bởi chị ấy mang bóng dáng bà tôi, mẹ tôi, chị tôi và cả rất nhiều chị, nhiều em đã “gánh thóc” lướt qua cuộc đời tôi.

Dường như họ đi chẳng để lại gì ngoài cái bóng mờ nhòa. Có chăng là bà tôi, khi bà gánh thóc về miền miên viễn, bà còn để lại mùi hương thiên lý nơi mái nhà tranh cổ, nơi mảnh vườn có cái chuồng bò và gốc mãn cầu mà mỗi sáng, nếu tôi dậy sớm sẽ nhìn thấy bà lúi húi bỏ rơm khô cho bò ăn, rồi lại đi hái hoa thiên lý mang ra chợ bán.

Thời đó hoa thiên lý không đắt giá như bây giờ, may mắn lắm thì vài ký hoa bán đi mua được chục cá nục (12 con – chục ở Quảng Nam, ngoại trừ trứng gà/vịt 10 trứng ra thì mỗi chục đều từ 12 đến 14, ví dụ như chục cá là 12 con, chục rau là 14 bó…). Và trước khi đi bán, bà không quên để lại một ít để trưa về xào. Hồi đó dễ dầu gì có thịt bò hay thịt heo trong nhà, chủ yếu là tôm khô, các loại cá. Vì hải sản còn dồi dào nên tôm khô, cá khô nhiều vô kể.


(Tom/ Viễn Đông)

Món bông thiên lý xào với tôm khô của bà, có thể nói rằng những ai từng ăn thiên lý xào tôm khô thì mới hiểu mức độ ngon cũng như sự ý vị trong món ăn này. Nó không giống với thiên lý xào thịt bò, bởi khi xào với thịt bò, nước thịt bò quyện vào hoa thiên lý, cho ra màu nâu đục, nhìn chẳng còn nguyên sơ, và mùi thịt bò cũng lấn lướt mùi hoa thiên lý.

Còn món tôm khô, dường như khi ngâm nước cho mềm và rửa sạch cũng giảm đi một phần mùi của tôm, nên khi xào với hoa thiên lý, tôm đóng vai trò điểm xuyết, làm đẹp cho hoa thiên lý hơn là làm chất liệu. Và có lẽ nhờ vậy mà hoa thiên lý không bị đổi màu, mùi thơm của hoa thiên lý sau khi xào vẫn ngầy ngậy, ngào ngạt.
Và cái mùi thơm ấy cứ ám ảnh lấy tôi, mà mỗi khi nhớ đến món ăn này, tôi lại nhớ đến bà, rồi lại nhớ đến Mùa Xuân Chín của Hàn Mặc Tử. Có tục lụy lắm chăng? Nhưng với tôi, đó là cả một bầu trời mang bóng dáng ngoại!

Xin chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng, món hoa thiên lý xào tôm khô có thể dùng để uống bia, uống rượu cũng khá thú vị! Xin cầu chúc bình an và may mắn!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT