Thế Giới

Brazil bắt 10 binh sĩ sau vụ bắn lầm thường dân

Monday, 08/04/2019 - 06:43:05

Quân đội Brazil vào ngày thứ Hai cho biết đã bắt giữ và truy tố 10 binh sĩ, vì đã nổ súng vào 1 xe hơi đang chở một gia đình thường dân tại Rio de Janeiro, giết chết người tài xế và khiến 2 người khác bị thương.

Brazil bắt 10 binh sĩ sau vụ bắn lầm thường dân

RIO DE JANEIRO – Quân đội Brazil vào ngày thứ Hai cho biết đã bắt giữ và truy tố 10 binh sĩ, vì đã nổ súng vào 1 xe hơi đang chở một gia đình thường dân tại Rio de Janeiro, giết chết người tài xế và khiến 2 người khác bị thương.

Sự việc cho thấy mối nguy hiểm của việc quân sự hóa lĩnh vực an ninh công cộng tại Brazil, nơi các vụ bạo lực băng đảng đã dẫn đến con số kỷ lục là 64,000 vụ sát nhân trong năm 2017. Từ vài năm qua, Brazil đã phụ thuộc nhiều vào quân đội để duy trì luật pháp, trong bối cảnh lực lượng cảnh sát các tiểu bang không được huấn luyện đầy đủ và thường xuyên thiếu thốn tài chính.

Trong sự việc xảy ra chiều Chủ Nhật, các binh sĩ đã bắn hàng chục phát súng vào một xe hơi, vì tưởng lầm rằng đây là xe hơi của một nhóm băng đảng đã bắn vào họ trước đó. Bộ Tư Lệnh Miền Đông của Brazil cho biết, 10 trong số 12 binh sĩ liên quan đến sự việc đã bị bắt, do lời khai của họ bất đồng với chứng cứ. Những người này đã bị truy tố tội không tuân thủ đúng các quy định khi nổ súng, và sẽ bị xét xử tại tòa án binh.


Nga đặt Hạm đội Biển Đen trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu

MOSCOW – Chính quyền Nga đã ra lệnh cho Hạm đội biển Đen chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu, nhằm đối phó cuộc diễn tập hải quân của NATO ở tây nam biển Đen. "Các tàu do thám, nhóm chiến hạm mặt nước, hệ thống hỏa tiễn Bastion và Bal, cùng nhiều chiến đấu cơ thuộc Hạm đội Biển Đen đã chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Lực lượng này sẽ giám sát hoạt động của tàu chiến NATO tại một số khu vực trên Biển Đen,” Trung tâm Phòng thủ quốc gia Nga hôm thứ Hai ra thông cáo cho biết. Đây dường như là biện pháp đối phó với cuộc diễn tập mang tên "Sea Shield 2019" của NATO, diễn ra từ ngày 5 đến 13 tháng 4 ở ngoài khơi Romania. Đây được coi là cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia lớn nhất trên biển Đen.

Đợt diễn tập có sự tham gia của khoảng 20 chiến hạm, nhiều máy bay và 2,200 binh sĩ từ Hoa Kỳ, Bulgaria, Hy Lạp, Canada, Hòa Lan, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Gruzia và Ukraine cũng cử đại diện tham gia diễn tập. Nội dung bao gồm hợp tác đối phó mối đe dọa từ tàu ngầm, tàu mặt nước và chiến đấu cơ đối phương. Tình hình Biển Đen trở nên căng thẳng sau vụ cảnh sát biển Nga nổ súng bắt 3 chiếm hạm Ukraine hôm 25 tháng 11, 2018 tại eo biển Kerch với cáo buộc xâm phạm lãnh hải và có hành động nguy hiểm. Ukraine phủ nhận, nói rằng tàu của họ hoạt động đúng theo luật pháp quốc tế.


Nam Hàn cố thuyết phục Hoa Kỳ và Bắc Hàn quay lại đàm phán

SEOUL - Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in vào ngày thứ Tư sẽ có cuộc họp với Tổng Thống Donald Trump, nhằm cố gắng thuyết phục lãnh đạo Hoa Kỳ và Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un quay lại bàn đàm phán hạt nhân. Cuộc gặp diễn ra vào 1 ngày trước khi Bình Nhưỡng khai mạc kỳ họp quốc hội lần thứ 14 - sự kiện sẽ được theo dõi chặt chẽ vì được cho là sẽ tiết lộ chính sách sắp tới của ông Kim đối với Hoa Kỳ. Các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng đã rơi vào bế tắc, sau khi hội nghị lần 2 giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội không đem lại kết quả.

Vào tuần trước, 2 phụ tá thân cận của ông Moon cho biết tổng thống Nam Hàn đang tìm cách thuyết phục Washington giảm bớt các lệnh trừng phạt, còn được gọi là chính sách “áp lực tối đa.” Ông Lee Do-hoon, đặc sứ về vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng Bắc Hàn “đã theo đuổi việc phát triển hạt nhân từ nhiều thập niên qua, bất chấp các lệnh cấm vận.

Do đó, ý kiến cho rằng việc tăng áp lực sẽ khiến Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân sẽ chỉ là một ảo tưởng.” Trong khi đó, ông Moon Chung-in, cố vấn ngoại giao, nói rằng chính sách trừng phạt nên có một số ngoại lệ trong việc trao đổi liên Triều, như việc cho mở lại khu du lịch Núi Kumgang và khu công nghiệp Kaesong.

Theo giới phân tích, trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới, Tổng Thống Moon sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời khuyến khích ông Trump quay lại với phương pháp ngoại giao không chính thống, là đàm phán ở cấp từ cao xuống thấp.


Thái tử Malaysia sắp kết hôn với bạn gái Thụy Điển

KUALA LUMPUR - Thái tử Tengku Muhammad Faiz Petra, em trai cựu Quốc vương Malaysia Muhammad V, sẽ kết hôn với một công dân Thụy Điển vào ngày 19 tháng 4 sắp tới. Đám cưới diễn ra chỉ vài tháng sau lễ cưới gây xôn xao của Quốc vương Muhammad V với một người đẹp Nga. Theo thông báo từ Cung điện bang Kelantan, Thái tử Tengku Muhammad Faiz Petra, 45 tuổi, em trai Quốc vương Malaysia vừa thoái vị Muhammad V, sẽ kết hôn với cô dâu quốc tịch Thụy Điển Sofie Louise Johansson vào ngày 19 tháng 4.

Theo truyền thông, cô Johansson và Tengku Muhammad Faiz gặp nhau tại Anh khi Thái tử theo học ngành lịch sử tại trường đại học London. Hôn lễ sẽ được tổ chức kín đáo với quy mô vừa phải, với danh sách khách mời bao gồm Hoàng thân Kelantan và một số bạn thân của Thái tử Tengku Muhammad Faiz. Thái tử cũng quyết định quyên góp toàn bộ quà cưới cho các tổ chức phúc lợi và tổ chức phi chính phủ tại Kelantan, như các trại trẻ mồ côi, viện dưỡng lão…

Hồi tháng 1 năm nay, anh trai của Thái tử Tengku Muhammad Faiz là cựu Quốc vương Muhammad V đã gây chấn động cả nước khi thoái vị vào 2 năm sau khi kết hôn với người đẹp Nga Oksana Veovodina. Ông Muhammad V là vị vua đầu tiên thoái vị kể từ khi Malaysia giành độc lập năm 1957. Malaysia là quốc gia quân chủ lập hiến với một quy tắc khá độc đáo, trong đó ngôi vị quốc vương được luân phiên sau mỗi 5 năm và xoay vòng giữa 9 tiểu vương đứng đầu 9 trong số 13 bang, tạo nên một trong những chế độ quân chủ lớn nhất thế giới. Người dân Malaysia coi quốc vương là biểu tượng lãnh đạo về văn hóa và tâm linh.


Ba tàu hải quân Nga cập cảng Philippines giữa căng thẳng Biển Đông

MANILA - Truyền thông Philippines cho biết 2 chiến hạm và 1 tàu hậu cần thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã cập cảng Manila sáng thứ Hai, giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng thẳng. Nhóm tàu quân sự thuộc Hạm đội Nga - Thái Bình Dương gồm khu trục hạm Đô đốc Tributs, tàu chống ngầm cỡ lớn Vinogradov và tàu chở dầu viễn dương Irkut. Hạm đội Nga - Thái Bình Dương cho biết đây là chuyến thăm không chính thức của đội tàu. Trong khi đó, truyền thông Philippines mô tả đây là chuyến thăm "thân hữu.”

Đội tàu quân sự Nga bắt đầu chuyến hải trình xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 1 tháng 4, khởi hành từ cảng nhà tại Vladivostok tại vùng Viễn Đông. Thông tin ban đầu cho biết hạm đội sẽ ghé thăm một số nước trong khu vực, trước khi tham gia cuộc tập trận chung với Hải quân Trung Quốc. Đợt tập trận sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5. Hải quân hai nước sẽ diễn tập phối hợp hoạt động, thông tin liên lạc và tập trận bắn đạn thật. Phía Trung Quốc sẽ có tàu mặt nước, tàu ngầm điện diesel và máy bay hải quân tham gia.

Đây là lần thứ 2 trong năm chiến hạm Nga cập cảng tại Philippines. Đầu tháng 1, 2019, một nhóm 3 tàu quân sự Nga cũng ghé thăm thủ đô Manila trong một hoạt động "cải thiện và duy trì việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác hàng hải.” Chuyến thăm lần này diễn ra chỉ vài tháng trước khi hai nước ký thỏa thuận hợp tác hải quân vào tháng 7. Thông qua thỏa thuận này, Nga và Philippines sẽ tăng cường hợp tác huấn luyện và trao đổi hải quân. Đội tàu Nga cập cảng Manila giữa lúc Hoa Kỳ và Philippines đang có cuộc tập trận chung Balikatan, dự kiến kết thúc vào ngày 12 tháng 4.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT