Hoa Kỳ

British Petroleum có thể phải trả giá thật đắt

Hoài Mỹ/Viễn Đông Monday, 25/02/2013 - 07:58:30

Tony Hayward, Giám Đốc điều hành BP, đã phải từ chức vì bị phê phán nặng nề về phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng này.

NEW ORLEANS - Công ty xăng dầu British Petroleum (BP) đã đặt lời lãi trước sự an toàn và là thủ phạm chính trong vụ tràn dầu ra Vịnh Gulf of Mexico, một luật sư của U.S. Justice Department đã kết tội như trên tại vụ xử án ngày thứ Hai hôm qua, vụ xử có thể đưa đến việc BP và các hãng liên hệ phải trả thêm hằng chục tỉ đô la tiền bồi thường thiệt hại.

Vào ngày 20-04-2010, một vụ nổ đã gây nên vụ hỏa hoạn khốc liệt ở giàn khoan dầu Deepwater Horizon, tại vịnh Mexico, do công ty British Petroleum điều hành, 11 công nhân bị thiệt mạng. Hai ngày sau, cả giàn khoan đã chìm sâu dưới đáy biển. Theo những nhận định đầu tiên, BP phải chịu trách nhiệm về tai nạn này.
Cơ quan duyên phòng Hoa Kỳ thâu hình được một chỗ rò rỉ rất lớn. Trên 1.000 thùng dầu bị xì ra mỗi ngày. BP tìm nhiều cách nhằm đóng lại những nơi rò rỉ ấy nhưng thất bại, mãi cho tới ngày 15 tháng 7 mới tạm thời thành công sau khi tổng cộng 4,9 triệu thùng dầu đã rỉ ra ở vùng vịnh Mexico. Đây là vụ rò rỉ dầu lớn nhất trong lịch sử dầu hỏa của Hoa Kỳ.
Ngày 02-05-2010, Tổng Thống Barack Obama đã đến kinh lý vịnh Mexico. Ông minh xác BP sẽ phải trả những “bills” (hóa đơn) này.
Tony Hayward, Giám Đốc điều hành BP, đã phải từ chức vì bị phê phán nặng nề về phương cách giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Sự an ninh kỹ nghệ dầu hỏa ngồi “ghế bị cáo”
Cho tới cuối tuần lễ vừa qua, các cuộc thảo luận để đạt được một sự giải quyết đã không đi đến kết quả nào. Đến Chủ Nhật cũng vẫn không có gì mới mẻ ngoài thông báo tòa khởi sự xét xử vào sáng Thứ Hai, ngày 25-02-2013, tại New Orleans.
Vấn đề chủ yếu: “Phải chăng BP đã hành động một cách 'cẩu thả thô bạo' khiến 11 người bị chết và hàng triệu thùng (phuy) dầu rò rỉ khắp vùng vịnh sau vụ nổ ở giàn khoan Deepwater Horizon, vịnh Mexico, năm 2010?” Câu trả lời sẽ do một pháp đình ở Hoa Kỳ tuyên bố. Nếu câu trả lời là “yes” thì công ty dầu hỏa vĩ đại của Anh quốc - BP - sẽ phải trả một ngân khoản bồi thường cao nhất chưa từng bao giờ được phán quyết ở một tòa án dân sự.

Các “đối tượng” khổng lồ bị truy tố:
Chính là cấp bậc A của kỹ nghệ dầu hỏa bị truy tố. Bên cạnh “bị cáo” công ty dầu hỏa khổng lồ BP còn có công ty giàn khoan Transocean và Halliburton. Nguyên cáo ở hàng đầu bộ Tư Pháp Hoa Kỳ là 5 tiểu bang: Texas, Lousiana, Mississipii, Alabama và Florida. Thêm vào đó, nhiều tư nhân cũng đồng thời thưa kiện các công ty kể trên về những sự gây thiệt hại thiên nhiên và môi sinh.
Thời gian dự trù vụ xét xử kéo dài 3 tháng và sự chú ý sẽ đặc biệt chiếu thẳng đến truyền thống thực thi sự an toàn trong các công ty đã kể trên, nhất là công ty điều hành BP.
Quyết định trong vụ án này sẽ mang tầm quan trọng về mức độ bồi thường cho các thân nhân của 11 công nhân thiệt mạng và cho các nạn nhân mang thương tích. Chẳng những vậy, thế giới đang diễn ra những cuộc thảo luân về hậu quả các công ty dầu hỏa sa thải dầu khí ở hàng triệu nơi vốn “nhậy cảm”. Và một bản án trong trường hợp này sẽ cho thấy BP đã phạm một sự bất cẩn hết sức nghiêm trọng hay như cụm từ “cẩu thả thô bạo” ghi trong bản cáo trạng, khả dĩ gây nên sự thiệt hại cho toàn nền kỹ nghệ dầu hỏa.

Đã bồi thường nhanh chóng
Chính quyền Hoa Kỳ đòi tới 21 tỉ Mỹ Kim sau tai họa ở giàn khoan Deepwater Horizon.
Cho tới nay, BP đã phải xuất quĩ trả khoảng 30 tỉ Mỹ Kim phạt vạ và bồi thường. Tuy nhiên, trong trường hợp BP bị kết án về hành động “cẩu thả thô bạo” thì người ta có thể dự đoán tối thiểu cũng phải thêm 2 con số hàng tỉ nữa Đó là chưa kể BP đã phải trả 4.300 Mỹ Kim cho mỗi thùng dầu rò rỉ trên biển; tổng cộng 4,9 triệu thùng đã phụt ra từ giếng dầu mặc dù BP đã nỗ lực thanh toán số dầu rò rỉ này bằng cách “làm khô” và bơm hút.
Trong trường hợp các công ty này được tòa xác nhận tai họa xẩy ra không do sự bất cẩn nghiêm trọng thì họ “chỉ phải” trả 1.100 Mỹ kim/thùng mà thôi. Tuy nhiên đó mới là sự bồi thường chiếu theo đạo luật làm ô nhiễm nước. Trong khi đó còn có rất nhiều sự đòi hỏi bồi thường khác nữa.
Các công ty kể trên hẳn sẽ quả quyết rằng hành động của họ không đủ “tư cách” đối với những sự phạt vạ và mức độ bồi thường lớn lao tột đỉnh như thế. Thêm vào đó, họ cũng cho rằng thiện chí của họ đã được thể hiện trong việc tự nhận trách nhiệm và hoàn trả những khoản bồi thường. Do đó, theo học, các hành động này phải được hưởng sự giảm khinh.
Nhật báo The Wall Street Journal viết hôm Thứ Bẩy vừa rồi là các nguyên cáo đã “tranh đấu” cho một sự “hòa giải” là 16 tỉ Mỹ Kim. Thế nhưng cả BP lẫn các nguyên cáo đều không muốn bình luận một cách công khai gì về tin trên.
Trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng kỹ nghệ dầu hỏa không được hưởng lợi ích gì trong một vụ tố tụng mà trong đó truyền thống về sự bảo vệ an toàn lại hiện diện ở hàng ghế bị cáo.

Truyền thống của sự thực hiện an toàn:
Tai nạn ở giàn khoan Deepwater Horizon đã xẩy ra tại nơi khoan dầu nằm dưới độ nước sâu, khoảng 1.000 mét. Theo thông tấn xã NTB, đây là một tai nạn vốn gây nên sự quan tâm đến việc khai thác dầu và khí đốt ở độ sâu lớn lao.
Trong suốt 87 ngày đêm liền - hay suốt 3 tháng trời - dầu không ngừng rò rỉ ra. Nếu như tòa xét xử đều đặn như đã hoạch định, ắt sẽ có nhiều nhân chứng được mời đến đối chất với truyền thống an toàn của các công ty này; và nếu các sự dẫn chứng về những biện pháp (an ninh) tồi tệ và rẻ tiền được xác nhận, ắt hệ quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, bởi vì sự an toàn luôn luôn đòi hỏi giá cao.
Ban quản trị của BP cũng sẽ phải hầu tòa để giải thích về những sự hư hỏng về an toàn vốn bị cáo buộc. Theo số phát hành hôm Chủ Nhật của tờ The Times-Picayune thì hai bên đều có một đội ngũ luật gia thượng thặng. Giáo Sư luật khoa David Logan tại Roget Williams University đã phát biểu rằng người ta có thể chờ đợi cảnh tượng cả 3 công ty này sẽ đổ lỗi cho nhau. Đúng vậy, công ty dầu khổng lồ của Anh quốc BP, đã cho rằng công ty xây dựng giàn khoan Transocean và đối tác hợp tác Halliburton phải gánh chịu những phần lớn của trách nhiệm đồng thời cũng phải gánh chịu những phần lớn của việc bồi thường khả thể. Deepwater Horizon thuộc quyền tư hữu của hai công ty nói trên nhưng do BP điều hành.
Được biết, công ty Transocean hồi tháng Giêng vừa qua đã trả 1,4 tỉ Mỹ Kim phạt vạ sau tai họa vào tháng Tư năm 2010. Trong khi đó, vào tháng 11 năm ngoái, BP đã phải trả 4,5 tỉ Mỹ Kim cho chính phủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên BP còn bác bỏ hoàn toàn việc đổ lỗi cho công ty về sự “cẩu thả thô bạo” mà các nguyên cáo đã đề cập tới. Luật sư Rupert Bondy biện hộ cho BP: “Theo ý kiến của BP, nói tới 'sự cẩu thả thô bạo' là một mánh lới cao - quá cao!”
Một điểm quan trọng của BP có thể sẽ giới hạn việc sử dụng các bản phúc trình của những tai nạn khác làm bằng chứng trong vụ án này.
Như trên đã kể, vụ án án này được dự trù kéo dài 3 tháng. Giáo Sư Luật Khoa Ed Sherman, người vốn theo dõi kỹ lưỡng vụ Deepwater Horizon này, cũng đã đưa ra nhận định: “Đây là một tiến trình vụ tố tụng rất phức tạp”. Đồng nghiệp của ông, Giáo Sư Blaine LeCesne cho rằng vụ này không thể giải giải quyết qua một số vụ dàn xếp trước khi nó đạt tới giai đoạn kết thúc.
Về phía nhiều tổ chức hoạt động bảo vệ mội sinh và dân chúng bị thiệt hại trực tiếp bởi những chất sa thải từ giàn khoan, họ hy vọng là chánh thẩm Carl Barvier sẽ phán quyết những mức độ bồi thường thật cao mà luật pháp qui định. Và BP sẽ phải đền bù nhanh chóng theo những sự đòi hỏi không chỉ riêng của tòa công lý mà còn của nhiều đối phương khác nữa.
Sáng qua khi tòa án khai mạc ở New Orleans, khoảng vài chục người thuộc các tổ chức bảo vệ môi sinh khác nhau, đã biểu tình tại đây. Quan điểm của họ là một vụ xét xử lâu dài là điều người ta nay không thấy cần thiết nữa. Chris Canfield, Phó Chủ Tịch tổ chức môi sinh Aubudon, đã nói với thông tấn xã NTB: “Điều tốt hơn là việc sử dụng tiền bạc để sửa chữa những sự thiệt hại môi sinh hơn là một vụ án vừa tốn kém lẫn kéo dài thời gian”. - (HM)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT