Hôm Nay Ăn Gì

Bún chả cá, Đà Nẵng ấm áp xưa và nay

Thursday, 21/05/2020 - 05:04:26

Nói tới bún chả cá, tôi nhớ ngay tới một người bạn vong niên, một cố nhạc sĩ, mặc dù ông chưa bao giờ dắt tôi đi ăn bún chả cá


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Nói tới bún chả cá, tôi nhớ ngay tới một người bạn vong niên, một cố nhạc sĩ, mặc dù ông chưa bao giờ dắt tôi đi ăn bún chả cá hoặc đãi tôi món này ở gia đình ông chẳng hạn. Nhưng, tác giả của những ngày lùa bò trong sương mù, của nón quai thao, hương đồng cỏ nội lại ưa món này trong một cách thế khá đặc biệt.
Nói tới bạn vong niên của ông, con số chắc không nhỏ, nhưng thân nhất và ông thương nhất là những người tôi khá thân. Ông đặc biệt ưu ái và đối xử rất tự nhiên với những người này. Tôi chỉ là một đứa em thoáng qua trong cuộc đời cũng khá ngắn ngũi của ông đúng hai lần. Và hình như hai lần đều có ấn tượng rất đặc biệt. Lần đầu gặp nhau để dự đám cưới của một thi sĩ trên đất Bình Phước, lần thứ hai cùng ông và một số nhà thơ lên tỉnh Đắk Nông thăm một nhạc sĩ trẻ. Đúng hai lần! Nhưng lần nào cũng có cái để nhớ.
Lần đầu, ông gặp, trao đổi ba điều bốn chuyện, dắt tôi về nhà chơi, nhà ông ở trên một đồi đào lộn hột (tức cây điều), nhà cũng không có số, đơn giản là sau nhiều năm chinh chiến với áo cơm để nuôi đàn con, hai ông bà phát hoang một đám cỏ hoang trong rừng điều để cất cái chòi, dần dà thành cái nhà (hình như sau này nhà nước có cấp sổ đỏ cho ông?!).


(Tom/ Viễn Đông)

 

Vào nhà ông, cảm giác đầu tiên là ấm và buồn, ấm vì tình cảm giữa người với người, nhưng buồn vì đụng đâu cũng thấy khó, nhà có nuôi hai con heo mọi, nó chạy lung tung trong nhà, vợ ông nấu rượu, một thi sĩ khác (lúc này ở nhà ông) thì đi bỏ rượu. Cứ mỗi sáng, thi sĩ này chạy chiếc xe Charly chở một can rượu 10 lít đi bỏ cho các quán. Còn nhạc sĩ thì bắt đầu công cuộc kiếm cơm.
Vì lúc này ông mới được trả phần tiền bản quyền của một ca khúc từng bị người khác ăn cắp bản quyền nên cũng có chút tiền và chút mối quan hệ, đài truyền hình Bình Phước mời ông cộng tác chương trình âm nhạc. Nhưng nói thì nghe oách vậy thôi, vẫn phải chạy vạy từng bữa. Ông kể, hồi mới lang thang vào miền Đông đất đỏ, ông đã từng bị đột quị trong lúc khai hoang, ông nhớ là khi ông ngã xuống, ước chừng buổi trưa, nhưng chiều lại, mưa giông phủ lên mặt, ông tỉnh dậy và nghĩ mình có lẽ đã chết được vài giờ đồng hồ, nhưng số chưa tận nên lại phải sống.

Trong lúc nằm miên man nghĩ về cuộc đời, giữa rừng hoang, tự dưng ông nhớ tới thành phố Đà Nẵng, nhớ da diết mùi vị bún chả cá Đà Nẵng mặc dù đây không phải là món ông nghiện. Ông nhớ những người bạn văn nghệ Đà Nẵng, nghĩa là nhớ mông lung. Và trong cơn mông lung ấy, tự dưng bún chả cá Đà Nẵng và ly cà phê đen sánh hiện ra. Ông kết luận, có lẽ đây là món ăn mình rất yêu thích nhưng lại không hề để ý. Có những thứ mình yêu thích tự trong vô thức nhưng không hay biết, gặp một biến cố nào đó nó mới hiển hiện…
Rồi ông nói thêm rằng dường như gần ba chục năm, ông chưa có dịp thăm lại người anh em, bằng hữu Đà Nẵng, có người còn, người mất… hình như ông cũng chưa được nếm lại vị bún chả cá Đà Nẵng, bởi nó quá gần gũi, bình dị đến độ ông quên mất rằng có nó, mãi cho đến khi… Ông nói rằng trong cuộc đời gần bốn mươi năm đi giang hồ của ông, chỉ có vỏn vẹn hơn mười năm là êm đềm, thanh thản, những ngày còn lại, sau biến cố 30 tháng 4, dường như mọi thứ đến với ông luôn là thử thách, cam go. Nhưng may sao ông còn bạn bè, trong cuộc đời ông, bạn bè là nguồn tiếp sức vô bờ, ông chép miệng nói rằng nếu không có bạn bè bên cạnh, có lẽ gia đình ông sẽ có những quyết định kinh khủng lắm trong những khi bế tắc.


(Tom/ Viễn Đông)

 

Và có lần, ông rời Bình Phước, lang thang xuống Sài Gòn (để thương lượng xuất bản một cuốn sách), trên đường đi, ông ngồi xe buýt, những gương mặt mờ nhòa, nhập nhoạng khiến ông nhớ đến những chuyến xe thời tuổi trẻ, ông lan man cho đến khi xe dừng ở trạm cuối, ông xuống xe, nhớ sực ra là mình đã bị hố đường, lẽ ra ông phải dừng ở trạm ngã ba Cây Trâm, Gò Vấp, nhưng nghiệt nỗi đã trạm cuối, vừa đói bụng lại vừa mệt (do bệnh tim), chỉ còn chút tiền ít ỏi trong túi, ông lại bắt xe ngược lên Gò Vấp để tới thăm một người bạn nhà thơ.
Đang lúc bụng đói, tự dưng đâu đó trong hẻm có mùi bún chả cá Đà Nẵng, bụng đói cồn cào, ông ước ao có bạn bè bên cạnh thì ông sẽ có bữa tối thật ngon, nghiệt nỗi lúc này chỉ mình ông, còn chút tiền để ngồi xe buýt quay lại chỗ người bạn. Và đó là lần duy nhất ông nghe mùi vị này đúng với mùi vị thời trai trẻ bắt gặp. Thế rồi, điều đơn giản nhất tưởng không gì đơn giản hơn lại rất khó với một người nào đó, trong một bối cảnh, điều kiện đưa đẩy nào đó mà khi có nhiều tiền trên tay, người ta cũng không đủ thời gian để đi tìm một quán bún chả cá.

Ông không đến mức có nhiều tiền trong tay nhưng chí ít ông thoát cảnh nghèo khó, cũng có đồng ra đồng vào nhưng khoảng thời gian ấy tới với ông không bao lâu thì ông ngã bệnh, qua đời. Đám tang của ông, một nghệ sĩ nghèo, giữa căn nhà vẫn còn nhiều gió lạnh nhưng lại rất ấm áp bởi bạn bè, bằng hữu khắp đất nước ghé đến phúng viếng, tiễn đưa. Âu đó cũng đắp đỗi, đền bù cho một cuộc đời nghệ sĩ vốn dĩ cô đơn tự căn đế. Rất tiếc lần đó tôi không vào phúng điếu ông được, nhưng lúc ấy, tự dưng tôi lại nghĩ đến việc giá như mọi thứ chậm đi vài năm, biết đâu tôi lại rủ ông về Đà Nẵng, cùng long nhong khắp các ngã đường và thử ăn bát bún chả cá Đà Nẵng thử có còn hương vị tuổi trẻ của ông hay không.


(Tom/ Viễn Đông)

 


Còn bây giờ, muốn có tô bún chả cá Đà Nẵng, giữa thời không thể đi đâu, nhiều khi lại không quá khó. Chỉ cần tìm mua hoặc đặt mua được ít chả cá, một ít bún, một phần tám bắp su, một miếng dứa (thơm) và một lát bí đỏ. Bắp su, bí đỏ để nguyên vỏ, dứa (thơm) rửa sạch cắt thành lát cho cùng cho vào nồi. Hầm nhừ để có được nồi nước nhân ngọt. Phi chút dầu tỏi, cho chả cá vào tao qua, thêm mắm, muối, chút tiêu rồi cho vào nồi nước nhân hầm sẵn, nêm nếm vừa ăn. Cho bún vào tô, chan nhân lên trên và rắc vài hạt tiêu, bỏ vài cọng ngò, vậy là đã có được tô bún chả cá thơm ngon. Nhưng để có được hương vị của bún chả cá Đà Nẵng thì phải có thêm chút hành, tỏi, ớt ngâm giấm băm nhỏ, thêm chút ruốc và rau sống khi ăn. Bảo đảm không giống vị thì cũng giống hương, phảng phất đâu đó như đang ở xứ Đà.
Xin quí vị vui lòng xem và so sánh thử có gì khác so với bún chả cá mà thời trẻ quí vị từng ăn. Xin cầu chúc quí vị một bữa thật ngon miệng!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT