Hôm Nay Ăn Gì

Bún hến, cơm hến và mùa hè sông Hương

Monday, 18/05/2020 - 05:43:24

Cố đô Huế, nơi mà trước đây ngót nghét 25 năm, tôi lang thang tìm chỗ trọ để thi đại học và sau đó, bắt vội một chiếc xe khách


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Cố đô Huế, nơi mà trước đây ngót nghét 25 năm, tôi lang thang tìm chỗ trọ để thi đại học và sau đó, bắt vội một chiếc xe khách, thời đó gọi là “xe heo” chật ních người, chạy lạng lách loạn xà ngầu để về lại Đà Nẵng, rồi tiếp tục bắt xe buýt về nhà, chuẩn bị lên đường vào Sài Gòn thi đợt hai. Năm đó tôi đậu hai trường, Huế và Sài Gòn. Mặc dù rất thích học ở Huế nhưng tôi buộc lòng chọn Sài Gòn vì lý do chỉ có Sài Gòn sinh viên mới kiếm được chỗ làm thêm, học ở Huế thì hầu như tuyệt vọng. Và chuyện thi đại học ở Huế với tôi là kỉ niệm đẹp, khó phai, nhất là tô bún hến của bà Chín, chủ nhà trọ, bà xem tôi như đứa cháu nội thân thương của bà. Rất tiếc, khi tôi trở lại thăm Huế thì bà và ông đều không còn!

Tôi nhớ như in, ngày 1 tháng Sáu thì các sinh viên Huế tổ chức đón đồng hương Quảng Nam ra thi, họ đến ga xe lửa Huế ở cuối đường Lê Lợi để đón các thí sinh, sau đó đưa về nhà trọ, ký túc xá để ở và cho mượn xe đạp để đi thăm Huế, đi thăm địa điểm, phòng thi… Nhìn chung là các anh chị sinh viên khá chu đáo và nhiệt tình (theo lời kể của bạn bè tôi). Còn tôi, vì không mua được vé tàu, cũng không bắt được xe nên đi chậm một ngày, tức ngày 2 tháng Sáu tôi mới ra tới Huế. Ra tới nơi thì chúng tôi, một nhóm nhỏ thí sinh Quảng Nam tụm lại ở cuối sân ga Huế, nghỉ ngơi một chút rồi kéo nhau đi tìm chỗ trọ.


(Tom/ Viễn Đông)

 

Giữa trưa nắng, cả nhóm đi lang thang trên đường Lê Lợi, dọc bờ sông Hương, nghe mùi thức ăn từ các quán, nhà hàng bay ra, đứa nào cũng lắc đầu, lè lưỡi, chép miệng, không dám hít sâu. Nói đừng cười, thời đói khổ, con nhà đói khổ nên nó vậy! Hồi đó Huế mới bắt đầu làm du lịch nên còn vắng vẻ nhưng hầu hết tinh hoa du lịch được phơi bày, trình diễn, cái chân chất, mộc mạc cũng còn.
Đang lang thang thì gặp một cụ ông đạp xe thồ, chạy theo hỏi bằng giọng Quảng, “Xe thồ không mấy cháu quơi?”
“Dạ không ông ơi!”
Ông cụ vừa cười vừa đạp xe, nói vói lại, “Học trò trong Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành.”
Tôi cười, đáp lại, “Dạ, giờ có thấy hay không thấy tụi con đi cũng không đành ông quơi!”
Nghe tôi đáp giọng hơi mệt, ông cụ quay phắc lại, hỏi, “Ủa, chớ tụi cháu chưa tìm ra nhà trọ à? Sao không liên lạc với sinh viên?”
Tôi mới kể ra sự tình trễ muộn của tụi tôi, nghe xong, ông cụ quyết định, “Tụi bây ngồi đây hết, không được đi đâu hết, để ông chạy về kêu thằng ba nó đi xe cùng ông lên đây chở tụi bây về nhà!” Tôi lo lắng, “Nhưng ông ơi, tụi con cần nhà ở trọ để đi thi tới hai ngày lận!”

Ông cười, “Yên tâm, tụi bây ở mười ngày cũng không sao!”
Vậy là ông lật đật chạy về nhà gọi ông con trai đạp thêm chiếc xe thồ nữa lên chở sáu thằng về nhà. Xin nói thêm về chiếc xe thồ, đó là chiếc xe đạp sườn ngang, được hàn bạ thêm một tuýp sắt vào sườn cho mạnh và sau yên đôn thêm tấm ván dài chừng một mét, có thể chở đến bốn người nhỏ con hoặc ba người trung bình, nhiều chiếc xe thồ có thể chở hai người tây to tướng và chạy bon bon, đương nhiên là người chở tha hồ thở dốc. Hồi đó, chưa có xe Honda ôm hay taxi, chỉ có xe thồ là chủ yếu ở miền Trung, xe xích lô, ba gác chủ yếu ở miền Nam và miền Bắc. Nhìn chung, nghề xe thồ thời đó cũng thuộc loại có thể kiếm đủ gạo nuôi gia đình bởi du lịch mở cửa, tiếp sức.

Trở lại chuyện tụi tôi, hai cha con ông cụ đưa chúng tôi về nhà trên đường Điện Biên Phủ, nhà ông ở cuối dốc Bảo Quốc, gần chùa Từ Đàm, đối diện hơi chéo chùa Tuyền Lâm. Con đường này nếu đi dài đến đoạn cua gần cuối đường là Đàn Tế Nam Giao, đi xa một chút nữa gặp chùa Từ Hiếu, gặp lăng Tự Đức và càng đi ngược lên phía thượng nguồn Hương Giang thì càng gặp nhiều cảnh đẹp cổ độ, hoang sơ. Có lẽ do sống gần chùa và nhịp sống trầm trầm nên ông bà cùng các con sống khá tĩnh lặng, ít nói, im lặng và làm việc là chính.
Ông bà chỉ cho chúng tôi một căn phòng khá rộng, riêng tôi, không hiểu sao ông cụ lại nhường cho phòng của ông, ông chuyển sang ngủ trước tấm phản và tôi có muốn từ chối cũng không được, ông bảo đó là lệnh. Chiều hôm đó, cơm nước xong thì ông cho tôi mượn chiếc xe đạp Mifa mới cứng của cô út để đi thăm điểm thi, coi đường đi, và cho biết là những ngày thi sắp tới tôi được ưu tiên dùng chiếc xe đạp này. Tối đó, bà nấu cháo gà cho cả nhóm cùng ăn, sau đó ông mở phim coi, đương nhiên hồi đó là coi băng video, muốn coi phải đi đến cửa hàng thuê phim về. Tối đó tôi cũng ngồi ăn một chút rồi lên phòng nằm nghỉ ngơi, coi sơ lại mọi thứ để sáng mai đi thi. Ông cũng ngủ sớm nhưng không ngủ ngoài phản mà vào phòng ngủ chung với tôi. Vừa bước vào phòng, ông giải thích ngay, “Ông phải vào đây ngủ, thằng Ba nó coi phim sex với mấy thằng nhỏ ngoài đó. Tụi nó là học trò mà sao dám thuê phim đó coi hè, thằng Ba không nói chi thôi ông cũng không nói. Ai làm nấy chịu, giờ mình có la cũng vậy à. Ông tin là lần này con thi đậu đó!”
Ngủ một giấc, sáng hôm sau, tôi dậy sớm, làm mấy động tác khởi động cho nóng người rồi đi tắm, chuẩn bị đi thi, tuy có sớm một chút nhưng yên tâm. Tôi vừa dắt xe ra thì bà gọi tôi vào ăn sáng, bà bảo đi như vậy quá sớm, nhiễm sương rồi cảm, khỏi thi luôn đó. Bà cho tôi một gói xôi đậu nhỏ và một bát bún hến. Bà nói, “Xôi đậu là ăn vào để cậu thi đậu, còn bún hến có cây nưa, cây môn, ngụ ý con hến đi đến môn quan cũng hóa rồng chứ không cần con cá chép, sao lại cứ phải cá chép hóa rồng, con hến cũng hóa rồng!”
Nói xong hai ông bà cười khà khà, còn tôi ngồi ăn bát bún hến, lần đầu tiên trong đời ăn bún hến, chỉ biết nói rằng nó ngon ơi là ngon!


(Tom/ Viễn Đông)

 


Lần đầu đi thi đại học, vào phòng, tự dưng người cứ hồi hộp, run run khó tả, nhất là nghĩ tới chuyện một phòng thì có 40 thí sinh mà trong đó tỉ lệ một chọi 25, như vậy trong cả phòng thi có chưa tới hai đứa đậu. Nhưng rồi nghĩ lại, không chừng cả một phòng này chọi lại hai mươi lăm phòng khác thì sao, tự dưng thấy yên tâm hơn, ít có cảm giác nhìn đâu cũng thấy đối thủ (dấu vết giáo dục xã hội chủ nghĩa hiện rõ). Thí sinh xếp theo bảng mẫu tự ABC nên hầu hết trong phòng thi đều có họ tên na ná nhau, ví dụ đứa này Trần Văn A thì đứa kia Trần Văn An, Án, Ân, Ấn… Nhìn chung là hai ngày thi với ba môn trôi qua cũng nhanh, tôi không tự tin cho mấy nhưng thấy mình làm bài ổn nên cũng không tiếc một chuyến đi, hơn nữa còn một trận nữa ở Sài Gòn nên cố gắng dưỡng sức.

Rồi kì thi Sài Gòn cũng trôi qua, tôi bắt đầu ngồi chờ kết quả, Sài Gòn thi sau nhưng lại có kết quả trước, tôi đậu điểm cao. Nhưng lạ là Huế chờ mãi vẫn không thấy kết quả. Đang phân vân không biết có nên gọi điện thoại hỏi ban giám khảo, nhưng mà nếu gọi thì cũng chẳng biết gọi ai. Thôi thì ban đầu chọn sài Gòn rồi, giờ đậu sài Gòn, chuẩn bị lên đường. Tôi nghĩ vậy và không chờ kết quả ở Huế nữa. Còn vài hôm nữa tôi lên đường vào Sài Gòn nhập học thì xuất hiện một ông người Huế, đi với chú Ba, con của ông cụ đã cho tôi ở nhờ thi đại học tại Huế, họ vào nhà tôi, ngồi chơi nói chuyện một lúc thì chú Ba nói thật đây là cha của một bạn cùng phòng thi với tôi, cùng họ tên với tôi nhưng khác mã số dự thi, cách tôi đúng một nút. Ông hỏi tôi chọn học Huế hay Sài Gòn, tôi nói tôi đã chọn Sài Gòn. Ông nói con ông chỉ thiếu có nửa điểm đậu, còn tôi thì lại dư một trường, thôi tôi nhường cho con ông. Tôi thực sự hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông nói tiếp là chỉ cần tôi im lặng, coi như không biết gì, mọi chuyện có ông lo. Ông phân trần đủ thứ. Tôi nói là tôi hứa sẽ im lặng nhưng không có nghĩa tôi đồng ý chuyện ông biến tôi thành con ông.

Tự dưng lúc đó tôi nhớ tới bát bún hến của bà, bà nói với tôi con hến cũng có quyền hóa rồng như con cá chép mà bà quên mất con hến chịu im lặng, chịu câm nín đến mức người ta nói “câm như hến” Hóa ra bát bún hến cùng lời cầu chúc của bà có linh nghiệm nhưng nó cũng dự cảm nhiều thứ.
Và hình như đó cũng là cái duyên khó nói, tiền định hay sao ấy, tôi có vợ Huế, nàng nấu bún hến ngon hết chê. Mà bún hến là món ăn rất dễ nấu nhưng khó ngon. Riêng hến chỉ cần xào giống y như xào xúc bánh tráng. Bún cũng y như loại sợi nhỏ, làm bằng bột gạo, rau sống chủ yếu là rau mùi, một ít rau muống chẻ nhỏ và bẹ môn ngọt hoặc bẹ nưa lột vỏ, ngâm nước muối, chẻ nhỏ, thái thành từng đoạn vừa đủ tầm đũa gắp, một ít tóp mỡ, đậu phụng rang, mắm tôm. Có thể nói linh hồn của bún hến lại nằm ở phần mắm. Mắm ruốc, loại mịn, ngon, trộn một chút rượu, sau đó giã ớt đỏ, ớt xanh, tỏi, chanh, đường và một chút nước lọc, trộn đều, đánh với mắm ruốc đến khi nào nổi bột. Cho rau sống vào, cho bún vào, cho vài muỗng hến xào lên trên bún, rắc thêm một ít đậu phụng rang, chan một thìa cà phê dầu phụng phi hành củ, sau đó chan mắm lên, vắt nửa trái tắc hoặc một lát chanh, trộn đều.
Mùi hến ngọt bùi, mùi bún ngọt chua, mùi rau nưa và rau mùi thơm nồng, chanh hơi chua, đậu phụng thơm ngào, ấm, béo, mùi mắm ruốc thơm ngầy ngậy… tất cả quyện lại thành một phức hợp mùi vị khó tả! Kính chúc quý vị có một bữa bún hến ngon miệng!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT