Văn Nghệ

Buổi ca nhạc với chủ đề Mùa Thu Tình Ca

Monday, 24/10/2022 - 09:39:48

Với 31 tiết mục được trình diễn liên tục với những ca sĩ tuy gọi là không chuyên nghiệp nhưng tất cả đều làm hài lòng khán giả, tiếng hát, phong cách trình diễn không thua gì các ca sĩ chuyên nghiệp.

Hợp ca nhạc phẩm Mùa Thu Paris (Thanh Phong/ Viễn Đông) 

 

Bài THANH PHONG

 

WESTMINSTER - Vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 23 tháng 10, 2022 vừa qua, hơn 200 người yêu thích âm nhạc, yêu thích mùa Thu đã đến nhà hàng Blew, Westminster tham dự buổi nhạc mang chủ đề “Mùa Thu Tình Ca” do ca sĩ Bích Thủy làm Trưởng Ban Tổ Chức và MC Ngô Ngọc Vĩnh điều hợp chương trình.

 

Buổi sinh hoạt âm nhạc có nhiều điểm khá đặc biệt: vào cửa tự do không tốn tiền mua vé, âm thanh, ánh sáng tuyệt hảo, hậu cảnh sân khấu với những phong cảnh mùa Thu thật tuyệt vời được các nhiếp ảnh gia thâu vào ống kính, và không ai biết Trưởng Ban Tổ Chức là ai vì từ lúc khai mạc đến khi chấm dứt, không có lời phát biểu nào ngoại trừ lời giới thiệu rất đơn giản của người MC.

 

Ca sĩ Kim Loan rực rỡ với tiếng hát nồng ấm Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào của NS Lê Hựu Hà. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

Mùa Thu là mùa của nhiều kỷ niệm, mùa của những lá vàng rơi, mùa của những chia ly buồn vời vợi, không chỉ trên quê hương Việt Nam như khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn than thở: “Nhìn những mùa Thu đi / Em nghe sầu vương trong nắng / Và lá rụng ngoài song / Nghe tên mình vào quên lãng / Nghe tháng ngày chết trong Thu vàng.”

 

Mùa Thu tại thủ đô Paris nước Pháp cũng lãnh mạn không kém khi Cung Trầm Tưởng sáng tác bài thơ “Mùa Thu Paris” được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, trong đó diễn tả: “Mùa Thu Paris, Trời buốt ra đi / Hẹn em quán nhỏ / Hẹn em quán nhỏ / Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề .... Mùa Thu ơi Thu / Trời mây âm u / Yêu người độ lượng / yêu người độ lượng / Và trong em tâm tưởng giam tù.”

 

Tố Loan và Kim Nhung song ca Xóm Đêm của Phạm Đình Chương. (Thanh Phong/ Viễn Đông) 

 

 

Đa số các nhạc phẩm trình diễn chiều nay đều nói về mùa Thu như: Nhặt Lá Vàng sáng tác của Hoàng Trọng; Buồn Nào Như Lá Bay của Hoàng Khai Nhan; Thu Quyến Rũ của Đoàn Chuẩn – Từ Linh; Hoa Rụng Ven Sông của Phạm Duy; Mùa Thu Cánh Nâu của Nguyễn Ánh Chín; Mùa Thu Không Trở Lại của Phạm Trọng Cầu; Buồn Tàn Thu của Văn Cao; Thu Ca của Phạm Mạnh Cương; Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn, và Mùa Thu Paris thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc được hát bởi các ca nghệ sĩ Xuân Vũ, Phạm Quang Tố-Vương Đức Hậu, Nguyễn Đăng Phúc, Kim Nhung-Tố Loan; Thúy An, Ái Loan. Riêng hai nhạc phẩm Nhìn Những Mùa Thu Đi và Mùa Thu Paris do toàn ban hợp ca.

 

 

Ngoài ra, ca sĩ Lê Hồng Quang đơn ca nhạc phẩm Mẹ Đón Cha Về của Phạm Duy; hai ca sĩ Ái Loan – Đăng Phúc song ca nhạc phẩm Nhất Quế Nhị Lan thể điệu Quan Họ Bắc Ninh; Alan Võ với Rồi Mai Tôi Đưa Em của Trường Sa và Chiều Một Mình Qua Phố của Trịnh Công Sơn; ca sĩ Bích Thủy hát Tìm Nhau của Phạm Duy và Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước; BS Vương Đức Hậu trình diễn nhạc phẩm Nhạt Nhòa của Tuấn Khanh và Cõi Vắng của Diệu Hương.

 

 

Ca sĩ Bích Thủy với Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

Ca sĩ Kim Huệ với Cô Đơn của Nguyễn Ánh Chín và Giọt Lệ Cho Ngàn Sau của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Nam ca sĩ Duy Khang hát hai nhạc phẩm Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Đoàn Chuẩn-Từ Linh và Một Mình của Lam Phương. Giọng ca Xuân Vũ qua hai nhạc phẩm Khúc Thụy Du của Anh Bằng và Nhặt Lá Vàng của Hoàng Trọng. Hai ca sĩ Kim Nhung, Tố Loan song ca Hoa Rụng Ven Sông của Phạm Duy và Xóm Đêm của Phạm Đình Chương.

 

Nữ ca sĩ Kim Loan rực rỡ trong tà áo dài tha thướt, cô đơn ca hai nhạc phẩm Tiễn Em, thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy phổ nhạc và Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào của Lê Hựu Hà. Ca sĩ Thúy An đơn ca Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy và song ca với Phạm Quang Tố nhạc phẩm Quê Hương Tuổi Thơ Tôi sáng tác của Từ Huy. Ca sĩ Huy Lai trình bày hai nhạc phẩm Mãi Mãi Một Mình của Đức Huy và Chuyện Tình Buồn, nhạc ngoại quốc, Phạm Duy soạn lời Việt.

 

Hơn 200 đồng hương có mặt trong nhà hàng Blew thưởng thức một buổi ca nhạc tuyệt vời. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

 

 

Với 31 tiết mục được trình diễn liên tục với những ca sĩ tuy gọi là không chuyên nghiệp nhưng tất cả đều làm hài lòng khán giả, tiếng hát, phong cách trình diễn không thua gì các ca sĩ chuyên nghiệp khiến mọi người hầu như ở lại đến khi kết thúc bài Mùa Thu Paris nhạc phẩm cuối cùng trong chương trình. Rời khỏi Blew giữa mùa Thu mà lòng người vẫn còn luyến tiếc: “Nhìn những lần Thu đi / Tay trơn buồn ôm nuối tiếc / Nghe gió lạnh về đêm / Hai mươi sầu dâng mắt biếc / Thương cho người rồi lạnh lùng riêng.” (Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn).

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT