Thế Giới

Buổi điều trần về cử tri bị chèn ép và cuộc tranh luận ứng cử tổng thống

Walter Tống - Vanessa White/Viễn Đông Tuesday, 23/10/2012 - 08:37:06

California là thông điệp chính yếu tại buổi điều trần thông tin về những trở ngại đối với việc tham gia đầu phiếu của cử tri, được tổ chức vào ngày 23-10-2012 tại Santa Ana, do Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa, Địa Hạt 34, chủ tọa.

Cử tri và lá phiếu 2012

Walter Tống - Vanessa White/Viễn Đông


SANTA ANA, California – Tiếp theo sau cuộc tranh luận cuối cùng, giữa mùa tranh cử tổng thống năm 2012, một cuộc điều trần tại địa phương về chuyện chèn ép cử tri cũng đề cập đến những người đi bỏ phiếu, thông báo cho họ biết một số trở ngại ngăn chặn không cho các cử tri tham gia bầu cử.
Khuyến khích công dân Hoa Kỳ quan tâm đến tiến trình dân chủ và rồi lôi kéo họ ra các phòng phiếu ở California là thông điệp chính yếu tại buổi điều trần thông tin về những trở ngại đối với việc tham gia đầu phiếu của cử tri, được tổ chức vào ngày 23-10-2012 tại Santa Ana, do Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Lou Correa, Địa Hạt 34, chủ tọa.
Mỗi thuyết trình viên tham dự đều cho rằng, mặc dù California là một tiểu bang với những điều kiện rất thuận lợi cho cử tri, so với các tiểu bang khác và quốc gia khác, vẫn còn nhiều điều phải làm. Chẳng hạn, trong kỳ bầu cử sơ bộ tháng 6-2012, chỉ có 22 phần trăm cử tri hội đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu.
Trong buổi điều trần này, hầu hết những thuyết trình viên đều khen ngợi một dự luật do Thượng Nghị Sĩ Leland Yee ở San Francisco đệ trình, đưa đến việc ghi danh cho cử tri California qua mạng. Ông Neal Kelley, giám đốc Sở Ghi Danh Cử Tri Quận Cam (OC Registrar of Voters) cho biết rằng có hơn 20.000 cử tri đã dùng hình thức ghi danh bầu cử qua mạng điện toán, chỉ tính riêng trong Quận Cam mà thôi.
Tổng Thư Ký Tiểu Bang Debra Bowen nói rằng điều cần ghi nhận là có một sự khác biệt lớn lao giữa chuyện ghi danh bầu cử trên mạng và chuyện bỏ phiếu trên mạng. Bà nói thêm rằng việc bỏ phiếu trên mạng chưa có một nơi nào trên thế giới thực hiện được trong tương lai trước mắt vì có hàng tá vấn đề có thể xảy ra khi tổ chức bầu cử qua mạng điện toán. Một số vấn đề bao gồm bị tin tặc tấn công, bị tấn công bằng cách che phủ mạng không cho cử tri bỏ phiếu, và không có cách gì để thực sự nhận diện một cử tri hội đủ điều kiện bỏ phiếu qua mạng điện toán.
Có nhiều vấn đề khác thuyết trình đoàn nêu ra liên quan đến việc làm sao thông tin đến mọi người, không phân biệt văn hóa, tuổi tác, hay tình trạng khuyết tật. Bà Michelle Romero, giám đốc chương trình “Đòi Lấy Nền Dân Chủ Của Chúng Ta” (Claiming Our Democracy) thuộc viện Greenlining Institute, nêu lên một điều là một số người, mặc dù họ có thể đọc tiếng Anh thành thạo, vẫn bị rối tung bởi những dữ kiện trình bày trên lá phiếu, và điều này cần được lưu tâm để làm cho lá phiếu dễ đọc, dễ hiểu hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào hôm 22-10-2012, Tiến Sĩ Graeme Boushey, giáo sư chính trị học tại trường đại học University of California, Irvine (UCI), nói với nhật báo Viễn Đông rằng mặc dù ông mới đến ở vùng này, nhưng ông sẽ “hết sức ngạc nhiên” nếu chuyện chèn ép hạn chế cử tri là một vấn đề tại Quận Cam. Ông cho biết thêm rằng, nói chung, hiện nay việc bỏ phiếu bầu cử tại California trở nên dễ dàng hơn, vì người ta có thể bỏ phiếu qua bưu điện hoặc ghi danh trực tuyến để tham gia bầu cử.
Thắc mắc về chuyện có hay không có một mối liên quan nào giữa việc hạn chế cử tri và việc giới hạn chuyện tham gia xuất hiện của phe thứ ba, nhật báo Viễn Đông có hỏi Tiến Sĩ Boushey rằng ông có nghĩ tình trạng thiếu đưa tin tức về các ứng cử viên thuộc phe thứ ba, trong các phương tiện truyền thông chính lưu, là một hình thức áp chế cử tri hay không. Ông trả lời rằng vì việc chèn ép cử tri hẳn phải là một hành động có chủ đích, và giới truyền thông không chủ động cố gắng để khỏi tạo điều kiện cho những ứng cử viên ấy xuất hiện tham gia, thì các phương tiện truyền thông không gây ra chuyện chèn ép cử tri như vậy.
Khi được hỏi rằng nếu có thêm nhiều tin tức về phe thứ ba thì liệu người ta sẽ bỏ phiếu nhiều hơn hay không, thì Tiến Sĩ Boushey nói rằng có một số cử tri có thể bị dẫn dụ bởi một bên thứ ba, khi họ cảm thấy rằng các đảng của mình đang trở nên quá tập trung vào các vấn đề, và phía Dân Chủ cũng như phe Cộng Hòa, đôi khi mất đi liên lạc với các cử tri của họ, khi họ không tuân thủ những lý tưởng của đảng mình nữa.
Để cung cấp tin tức sâu rộng hơn cho quí vị độc giả, thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, thuộc phe thứ ba, hoặc còn lưỡng lự chưa quyết định, nhật báo Viễn Đông tiếp tục đưa thêm tin tức bao quát về cuộc tranh luận mùa bầu cử tổng thống, giúp giữ cho cử tri những sự lựa chọn, hơn là giữ cho chính các cử tri khỏi bị chèn ép.

Những quan điểm của các ứng cử viên
Giới cử tri California sẽ có bốn ứng cử viên tổng thống cho họ bầu chọn, vào ngày tổng tuyển cử 6-11-2012: đương kim Tổng Thống Barack Obama, người được đảng Dân Chủ tái đề cử ra tranh chức tổng thống; ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts; Bác Sĩ Jill Stein, ứng cử viên của đảng Xanh; và ứng cử viên của đảng Tự Do là ông Gary Johnson, cựu thống đốc tiểu bang New Mexico.
Trong cuộc tranh luận sau cùng của mùa tranh cử tổng thống ngày 22-10-2012 ở Boca Raton, Florida, Tổng Thống Obama và Thống Đốc Romney đã tranh cãi với nhau về những vấn đề liên quan tới chính sách ngoại giao. Mặc dù Bác Sĩ Stein và Thống Đốc Johnson bị ngăn chặn không được tham gia tranh cãi, vì những qui định hạn chế tranh luận đòi phải có một số lượng cử tri đoàn ủng hộ thì mới được tham gia, nhưng tờ báo điện tử độc lập Democracy Now! đã đưa tin tức mở rộng về cuộc tranh cãi ấy, đem lại cho các ứng cử viên thuộc phe thứ ba một cơ hội, để trả lời cùng những câu hỏi được nêu ra cho các ứng cử viên thuộc dòng chính lưu.
Suốt buổi tranh luận, giữa Tổng Thống Obama và Thống Đốc Romney, dường như cả hai ứng cử viên này đều đồng ý với nhau về phần lớn trong các vấn đề chính sách ngoại giao của họ. Chẳng hạn, cả hai vị đều thảo luận về tình hình rất “nghiêm trọng” liên quan tới nạn khủng bố và “tình hình bất ổn” tại Trung Đông, biện minh cho việc họ ủng hộ sự hiện diện quân sự và cho việc rút quân khỏi Iraq, Afghanistan và Libya, cũng như những lời họ thề hứa sẽ bảo đảm rằng Iran không phát triển các khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử của mình.
Mặc dù cả hai ứng cử viên chính lưu đều đồng ý về nhiều vấn đề khác nhau, họ vẫn vẽ ra những khoản đồng ý ấy như là chuyện chống đối, trong đó Tổng Thống Obama chỉ trích chuyện Thống Đốc Romney thay đổi lập trường của mình về các vấn đề chính sách ngoại giao, trong suốt thời gian ông ra tranh cử, còn Thống Đốc Romney thì nói rằng Tổng Thống Obama không nhanh chóng đúng mức trong việc sử dụng hành động quân sự, hoặc không thực hiện đủ mức thích hợp đối với những biện pháp chế tài trong khu vực Trung Đông.
Trong khi các ứng cử viên dòng chính đấu khẩu chỉ trích lẫn nhau suốt buổi tranh cãi, thì Bác Sĩ Stein bày tỏ với Democracy Now! những quan điểm của bà về các chính sách ngoại giao. Bà nói rằng Hoa Kỳ có một chính sách về chiến tranh “được hoạch định rất kém cỏi” và “vô trách nhiệm”, chỉ dựa vào võ lực thô thiển và dầu hỏa. Bà nói thêm rằng chính sách ngoại giao của bà nhấn mạnh đến luật lệ quốc tế, nhân quyền, và ngoại giao, thay vì tập trung vào một “cuộc chiến tranh vì dầu hỏa”, và bà sẽ giúp cho nước Mỹ trở thành một quốc gia đi đầu trong việc làm chấm dứt tình trạng khí hậu thay đổi, cũng như triệt thoái quân đội Mỹ về nước, trước hạn chót là năm 2014 do Tổng Thống Obama ấn định.
Mặc dù Thống Đốc Johnson từ chối tham gia vào cuộc tranh luận do báo Democracy Now! tổ chức cùng hôm 22-10-2012, người ta vẫn đọc được các quan điểm của ông trên trang mạng chiến dịch vận động tranh cử của ông. Ông cho rằng mục tiêu ưu tiên trong chính sách ngoại giao của ông là rút quân Mỹ về nước, từ Trung Đông cũng như từ những nơi không được giới truyền thông đưa tin, chẳng hạn như Âu Châu.
Để biết thêm tin tức về chiến dịch vận động của Tổng Thống Obama, có thể vào trang www.barackobama.com.
Để biết thêm tin tức về chiến dịch tranh cử của Thống Đốc Romney, có thể vào trang www.mittromney.com.
Để tìm hiểu thêm về cuộc vận động tranh cử của Bác Sĩ Stein, có thể vào www.jillstein.org, và để biết thêm về chiến dịch vận động của Thống Đốc Johnson có thể tìm đọc ở www.garyjohnson2012.com. - (VĐ)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT