Phóng Sự

Buôn người- hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 6)

Sunday, 17/01/2016 - 09:17:46

“Hồng Thuận nghĩ những bạn tại Việt Nam mới đóng vai trò chính, còn Hồng Thuận ở Mỹ thì chỉ có thể hỗ trợ về gây quỹ, quảng bá truyền thông… nhưng những việc làm thật sự để chống nạn buôn người tại Việt Nam phải là các bạn tại Việt Nam. Thành ra nhóm đã ngưng hoạt động.”

Bài BĂNG HUYỀN

Hồng Thuận và những hoạt động chống nạn buôn người

“Hồng Thuận nhớ là vào năm 2004, khi đó Hồng Thuận vẫn còn đang học trung học ở Bolsa Grande (thành phố Garden Grove), lần đầu tiên Hồng Thuận biết về vấn nạn buôn người khi biết về tin những cô dâu Việt Nam được bán đấu giá trên mạng E Bay, thông tin đó đã từng làm sửng sốt cộng đồng người Việt mình lúc đó ở bên này. Nó được rao bán có tên, hình những người được bán, có phần để khách hàng đấu giá, do một cửa hàng của Trung Quốc, được đề bằng chữ Trung Quốc, có thể chúng chỉ nhắm vào đối tượng người mua là khách Trung Quốc, hay Đài Loan.

Hồng Thuận (Băng Huyền/ Viễn Đông)




“Tin này gây sửng sốt cho Hồng Thuận vì đây là lần đầu tiên những cô gái Việt Nam bị rao bán trên E Bay. Thường khi lên EBay, chúng ta tìm mua sách, vở, những món hàng điện tử hay các vật dụng, quần áo… Nhưng thật không ngờ lại thấy có những con người, mà lại là những cô gái Việt Nam bị bán như những món hàng như thế.”

Đây là những lời tâm sự về nguyên do Hồng Thuận tham gia vào những hoạt động chống nạn buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam. Hồng Thuận là một nữ thành viên trẻ của Việt Tân, một nhà tranh đấu nhân quyền trẻ ở Mỹ. Hồng Thuận được nhiều người biết đến qua các hoạt động tại Việt Nam khi cô có dịp về nước. Chính cô là người đứng giữa Hà Nội với những khẩu hiệu Hoàng Sa và Trường Sa. Cô cũng từng lên Tây Nguyên chụp hình về các mỏ Bauxite do Trung Quốc khai thác tạo nên dư luận lớn trong và ngoài nước sau này.

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Hồng Thuận qua Mỹ lúc 8 tuổi, theo diện H.O, vì ba Hồng Thuận là một quân nhân trong Quân Lực VNCH, đại úy pháo binh, bị đi tù cộng sản bảy năm. Hồng Thuận là con gái út được sinh ra sau thời gian ba đi tù cộng sản về lại với gia đình. Khi qua Mỹ, lúc còn đi học Hồng Thuận đã tham gia sinh hoạt trong Tổng Hội Sinh Viên Nam California, đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu.

Nhờ những sinh hoạt này giúp Hồng Thuận hiểu hơn những vấn đề đang xảy ra tại Việt Nam, nhờ vậy Hồng Thuận cũng biết được những vấn đề về nhân quyền, tình trạng buôn người, những hiện trạng khác đang xảy ra tại Việt Nam, cho Hồng Thuận cơ hội để quan tâm hơn, cảm thấy là với hiện trạng như vậy, mình không thể ngồi yên. Nhất là đối với Hồng Thuận, là một người trẻ lớn lên ở Hoa Kỳ, được đào tạo với cuộc sống mình phải có đóng góp cho xã hội.

Hồng Thuận kể, “Khi biết tin những cô dâu Việt Nam bị rao bán trên E-Bay, lúc đó Hồng Thuận chỉ thấy đau lòng chuyện đó thôi, chứ vẫn chưa thật sự bắt đầu làm gì cho vấn nạn này đâu. Cũng trong năm đó, Hồng Thuận có dịp xem một video của đài truyền hình MSNBC thực hiện một phóng sự mang tên là Children for Sale do người phóng viên của đài sang Cambodia tại Phnom Penh quay một phóng sự, giả dạng làm khách làng chơi, vô một ổ chứa tại đó, quay lại những cảnh là những trẻ em rất nhỏ, chỉ 7, 8 tuổi, phải tiếp khách, nói chuyện với khách, ra giá.

“Đau lòng nhất là khi người phóng viên này hỏi tên thì những em này nói tên mình, là những tên Việt Nam, Hoa, Thúy, Ngọc… mình nhìn thấy các em nhận ra được các em là những em bé Việt Nam. Đó là điều đã làm thay đổi Hồng Thuận rất mạnh.

Hồng Thuận càng thêm quyết tâm là khi có cơ hội làm gì đó giúp dân Việt Nam thì sẽ làm, giúp cho những trẻ em Việt, những người phụ nữ là nạn nhân nô lệ tình dục.

Tham gia vào nhóm Việt ACT

Chính trong quá trình sinh hoạt với đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu (tại Nam California) và Tổng Hội Sinh Viên Nam California, bấy giờ chị Thiện Tâm (Tammy Trần) là người sáng lập ra đoàn Thanh Niên Phan Bội Châu (tại Nam California) có lập ra nhóm Viet Act (Vietnam Alliance to Combat Trafficking- Lien Minh người Việt chống tệ nạn buôn người) do chị cùng một số bạn bè trong Tổng Hội Sinh Viên Nam California lập ra, Hồng Thuận đã tham gia vào nhóm này.

“Khi gia nhập vào nhóm Viet Act, Hồng Thuận vẫn còn đang học trung học, nên chỉ theo các anh chị giúp những việc gì trong khả năng của mình. Lần đó, nhóm có tổ chức đi bộ chống nạn buôn người khoảng năm 2006, Hồng Thuận đã đứng ra giúp hội, tìm các tài trợ của mạnh thường quân tài trợ cho buổi đi bộ đó. Hôm đó có rất nhiều nhóm, nhiều hội đoàn khác nhau, nhiều trường học khác nhau cùng tham gia, mọi người bắt đầu đi bộ từ góc đường Bolsa và Magnolia, đi xuống Brookhurst rồi trở lại. Có những sinh hoạt trong ngày như giúp cho mọi người nhận thức về vấn nạn buôn người.

“Nhóm Viet Act có làm việc chung với một tổ chức là Taiwan ACT, là một tổ chức của Linh Mục Peter Nguyễn Văn Hùng lập ra. Đây là Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô dâu Việt Nam còn được gọi là Liên Minh Chống Tệ Trạng Buôn Người Tại Đài Loan, chủ trương đấu tranh chấm dứt tệ trạng buôn bán lao động và con người Việt Nam tại Đài Loan cũng như đòi hỏi công lý và nhân quyền cho các công nhân lao động di dân và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan.

“Phương thức hành động trực tiếp hoặc gián tiếp giáo dục, nâng cao kiến thức, tạo ý thức về sức mạnh làm chủ của chính mình. Văn Phòng làm việc với các tổ chức phi chính phủ tại 3 vùng địa lý bao gồm Đài Loan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Văn phòng mở ra tại Đài Loan ở thành phố Đào Viên vào năm 2004 để trợ giúp người Việt sống và làm việc tại Đài Loan, ông đã là người chỉ trích sự bóc lột và nhục mạ người lao động và cô dâu nước ngoài, từ năm 2004 đến 2006 đã giúp đỡ hơn 2000 người Việt thoát lao động đày ải và lạm dụng tình dục, khiến cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Đài Loan vào danh sách các quốc gia cần quan tâm về nạn buôn người.

“Ông được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công nhận là anh hùng đấu tranh nhằm chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, cũng nhờ thế Đài Loan đã phần nào thay đổi chinh sách đối với người nước ngoài. Nhóm Việt Act tại Hoa Kỳ lập ra là để làm một số công tác hỗ trợ cho Taiwan ACT bên Đài Loan.”

Hoạt động tại Việt Nam

Hồng Thuận cho biết, “Vào năm 2009 Hồng Thuận về Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi qua Mỹ lúc 8 tuổi, về khoảng một năm theo một chương trình học và thực tập của đại học UC San Diego mà Hồng Thuận đang theo học lúc đó (ngành ngoại giao, chuyên về ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam).

“Trong thời gian học và làm việc gần một năm ở Hà Nội, Hồng Thuận cùng một số bạn sinh viên tại đây có lập ra một dự án về chống tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em Việt Nam. Lúc đó nhóm bạn sinh viên gồm cả Hồng Thuận làm trưởng nhóm tất cả là 10 bạn, bốn bạn từ Mỹ về, sáu bạn tại Việt Nam chọn tên gọi là Students ACT. Qua dự án này, Hồng Thuận được làm việc với tổ chức International Organization for Migration (IOM) là một tổ chức có nhiều trụ sở ở nhiều nước. Trụ sở chính là tại Hoa Kỳ, chuyên làm việc tại những quốc gia khác nhau về di trú bất hợp pháp, ngoài ra còn có nhóm chuyên về buôn bán phụ nữ, trẻ em, xuất khẩu lao động trái phép…

“Hồng Thuận cùng các bạn sinh viên trong nhóm đến nhiều thôn làng ở các tỉnh miền Bắc như Hà Tĩnh, Lào Cai, Lạng Sơn, Sapa…, đặc biệt các tỉnh gần biên giới Trung-Việt, là nơi nhiều phụ nữ và trẻ em bị dụ dỗ và bán qua Trung Quốc. Tại đây Hồng Thuận và các bạn tổ chức những buổi hội thảo để các phụ nữ trong làng biết về tệ nạn này, và hướng dẫn họ một số phương cách để nhận diện và thoát khỏi cạm bẫy của những tên buôn người. Dịp này Hồng Thuận và các bạn được nghe những người này chia sẻ những câu chuyện trong làng của họ về một người trong làng bị lừa rồi mất tích luôn mấy năm chưa trở về.
“Khi tổ chức hội thảo, Hồng Thuận và các bạn trong nhóm thực hiện một số video, với nhiều tình huống giả khác nhau để dẫn đến việc bị trở thành nạn nhân nô lệ tình dục. Đưa ra nhiều tình huống khác nhau để người dân đến dự hội thảo rõ hơn về những thủ thuật tinh vi của những người đi lừa các nạn nhân đem bán nạn nhân ra sao? Trước đó Hồng Thuận và nhóm cũng đã gặp gỡ các nạn nhân, trò chuyện với họ để nghe những câu chuyện thật rồi thực hiện nhiều tình huống khác nhau, cộng thêm những tài liệu do tổ chức IOM cung cấp.

“Trong những buổi hội thảo, ngoài đưa ra cho mọi người biết về những thủ thuật của những kẻ buôn người, mình còn giúp người dân hiểu các trẻ em rất dễ bị bắt cóc ra sao. Đưa ra những ví dụ, như 1 người lạ hăm dọa trẻ không được khóc, la, thì các em sẽ im thin thít. Chúng tôi đưa lời khuyên cho các phụ huynh nên dạy các em khi gặp người lạ uy hiếp, phải hét lớn thì người khác nghe thấy mới đến cứu được.”

Hồng Thuận nhắc lại những hoạt động của nhóm khi thực hiện dự án chống buôn người tại Việt Nam lúc bấy giờ, “Trong vòng khoảng sáu tháng nhóm ngoài những buổi hội thảo được tổ chức, nhóm còn thực hiện những buổi gây quỹ khác nhau như mướn trang phục truyền thống của Nam Hàn, Nhật Bản rồi thuê một nhiếp ảnh để các sinh viên trong trường đại học mặc trang phục này chụp hình, trả tiền. Nhiều sinh viên đến ủng hộ buổi gây quỹ này lắm.

“Nhóm đi quảng cáo cho một quán cà phê, khách nào nói biết đến quán từ nhóm Students Act thì quán sẽ trả 15 phần trăm cho nhóm từ số tiền của người khách đó ăn uống tại quán. Chúng tôi còn cho in những tài liệu, những flyer về thống kê số nạn nhân của nạn buôn người… để tạo cho người dân có nhận thức. Nhóm có tổ chức triển lãm hình ảnh, tìm những nhiếp ảnh gia chụp được những bức ảnh có tạo hình đẹp về phụ nữ Việt Nam, sự ngây thơ của trẻ em Việt Nam, mượn ảnh của các nhiếp ảnh gia để tổ chức triển lãm.

“Chúng tôi muốn qua triển lãm, người xem thấy rằng những phụ nữ, trẻ em cần được yêu thương, trân trọng chứ không thể trở thành món đồ để bị bán. Làm triển lãm tại một quán cà phê ở phố cổ Hà Nội, triển lãm rất thành công, có đông người xem, gồm người ngoại quốc và Việt Nam.”

Hồng Thuận cho biết khi thực hiện các hoạt động cho dự án chống buôn người của nhóm Students ACT tại Việt Nam, bản thân cô và nhóm không gặp khó khăn gì. Có lẽ vì lúc đó nhóm là do các sinh viên thực hiện, những người gặp đại diện chính quyền tại địa phương để xin phép tổ chức hội thảo là các bạn sống tại Việt Nam, nên không gặp khó khăn gì lắm.

“Vì vậy sau khi hoàn tất dự án, về lại Mỹ, Hồng Thuận không muốn công việc này dừng lại là một dự án cho việc học tại trường, mà muốn càng giúp được nhiều, muốn mở rộng dự án của mình rộng hơn. Hồng Thuận đã xin được giấy phép tại California, trong lúc chờ đợi để có giấy phép của Liên Bang, khi đó các thành viên trong nhóm bàn bạc với nhau qua email, điện thoại lên kế hoạch kỹ lưỡng, dự định thực hiện truyện tranh hướng dẫn cho các em hiểu về nạn buôn người và cách phòng tránh bị bắt cóc... chúng tôi đã có câu chuyện rồi, chỉ đợi in ra thôi, để đi phát cho trẻ em ở các làng khác nhau.

“Kế hoạch thứ nhì là thực hiện một chương trình cung cấp nhỏ nhỏ về tài chính cho một số gia đình có hoàn cảnh nghèo khó vài trăm mỹ kim hay $1,000 Mỹ kim để mở một cơ sở kinh doanh nhỏ. Vì vấn đề chính trong buôn người là có hai lý do, một là người ta quá nghèo và người ta thiếu nhận thức. Cái nghèo khiến sinh ra vấn đề miễn sao ở đâu có lợi tài chính là họ sẵn sàng đẩy cuộc đời vô lối chẳng có lối ra. Nhiều cha mẹ nghèo quá, nuôi con không nổi, quyết định bán con mình. Chính vì vậy, mình muốn giúp họ một số vốn để mở những cơ sở thương mại nhỏ tại làng họ đang sống… để họ kiếm sống, từ đó họ sẽ không vì đồng tiền mà bán đi bản thân mình và con cái của mình.

“Tuy nhiên cả hai chương trình trên chúng tôi vẫn chưa kịp thực hiện thì đã không thực hiện được. Dự án đầu tiên chúng tôi đã xong hết chỉ chờ in ra sách truyện tranh và mấy bạn trong nhóm đang ở Việt Nam sẽ đưa những cuốn sách đó đến tặng cho các trẻ em. Chưa kịp làm, thì những bạn của Hồng Thuận tại Việt Nam bị công an đến gây khó dễ.

“Có lẽ vì Hồng Thuận sinh hoạt với cộng đồng bên này về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam lâu năm rồi, nên chính quyền tại Việt Nam có những thông tin về Hồng Thuận.

“Công an đã làm phiền những người bạn của Hồng Thuận tại Việt Nam, đã ảnh hưởng đến các bạn ấy rất nhiều. Hồng Thuận là công dân Mỹ, sống tại Mỹ thì dễ rồi, công an Việt Nam không thể làm gì được Hồng Thuận, còn các bạn tại Việt Nam là những người phải đương đầu với bạo lực cùng những hăm dọa của công an. Không những họ bị mà gia đình của họ nữa. Những người bạn trong nhóm Students ACT đều là những sinh viên trẻ, sống chung với ba mẹ. Khi công an đến nhà hăm dọa ba mẹ làm họ sợ, do đó họ không thể nào tiếp tục cùng nhau ở lại trong nhóm này được. Hồng Thuận hiểu rõ điều đó và thông cảm cho họ.

“Hồng Thuận nghĩ những bạn tại Việt Nam mới đóng vai trò chính, còn Hồng Thuận ở Mỹ thì chỉ có thể hỗ trợ về gây quỹ, quảng bá truyền thông… nhưng những việc làm thật sự để chống nạn buôn người tại Việt Nam phải là các bạn tại Việt Nam. Thành ra nhóm đã ngưng hoạt động.”

Hồng Thuận kể, “Có một điều đáng buồn xảy ra trong chuyện này, là khi Hồng Thuận ở Việt Nam thực hiện dự án của nhóm, khi đến các làng tổ chức hội thảo thì hầu hết các hội trường tại làng luôn có những bức tượng Hồ Chí Minh và băng rôn ca ngợi đảng cộng sản Việt Nam... có điều đáng tiếc là trong lúc Hồng Thuận đứng nói về vấn nạn buôn người, các bạn bè Hồng Thuận tại Việt Nam cũng không biết về những hoạt động của Hồng Thuận về nhân quyền, họ chỉ chụp hình Hồng Thuận đứng thuyết trình tại hội thảo để lưu niệm thôi và đăng trên trang face book của nhóm. Chúng tôi có lập ra trang face book của nhóm chia sẻ thông tin thì sau đó những tấm hình của Hồng Thuận đã bị một số người xấu lợi dụng, lấy ra rồi xuyên tạc, vu khống Hồng Thuận hợp tác với cộng sản Việt Nam, bịa đặt rất nhiều điều sai sự thật, tấn công Hồng Thuận trên internet.”

Nói thêm về những ưu tư của mình, Hồng Thuận bày tỏ, “Hồng Thuận vẫn đang là người đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Riêng về vấn nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em là vấn nạn mà Hồng Thuận thấy thương tâm nhất. Chuyện đó không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà còn xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, tình trạng này rất trầm trọng, vì dưới sự cai trị của đảng cộng sản, dù bên ngoài với quốc tế, họ cho biết có những nỗ lực chống lại tệ nạn này. Nhưng thật chất bên trong, và kinh nghiệm Hồng Thuận làm việc tại Việt Nam thấy rằng có rất nhiều những công ty môi giới bán những phụ nữ, trẻ em được chính quyền bảo kê từ chính quyền địa phương cho đến cấp cao hơn. Họ có đường dây nối kết với nhau.

“Dù tệ nạn buôn người không chỉ riêng tại Việt Nam, là vấn nạn chung của cả thế giới. Nhưng ở Việt Nam có sự tiếp tay của chính quyền, nên vấn nạn này càng ngày càng tăng, chứ không được giải quyết rốt ráo. Đây là điều rất đáng buồn, vì phụ nữ Việt Nam luôn được xem là có nhiều giá trị về nhân phẩm, đức hạnh. Nét đẹp đó của người Việt Nam trong thời đại này đã bị chôn vùi đi rất nhiều qua tệ nạn này. Cá nhân Hồng Thuận rất xót xa, vì bản thân cũng là người nữ Việt Nam, mình cũng muốn thấy giá trị của người phụ nữ được tôn trọng, nhưng ngược lại mình lại thấy những câu chuyện rất thương tâm như vậy.
“Có thể Hồng Thuận nhìn nhận chủ quan thôi, nhưng thời gian về Việt Nam, tiếp xúc với nhiều người, thấy người ta rất vô cảm với những gì xảy ra xung quanh mình. Điều đáng buồn là ở Việt Nam xảy ra quá nhiều những bất công hằng ngày, nhưng mà con người Việt Nam lại coi những bất công đó như là điều quá quen thuộc, như chuyện thường. Trong khi những chuyện đó đối với những người dân khác trên thế giới là chuyện vô cùng bất công. Lẽ nào người Việt không có quyền được hưởng những quyền căn bản của đời sống như những người khác sao?

“Hồng Thuận biết có hơn 500,000 người Việt Nam đang làm việc trong hình thức xuất khẩu lao động ở khoảng 40 quốc gia trên thế giới, có khoảng 200 ngàn người xuất khẩu lao động qua Đài Loan. Hình thức lao động này được chính quyền Việt Nam tiếp tay. Phần lớn người Việt Nam vẫn trong tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, trình độ giáo dục chưa cao. Mong muốn cải thiện đời sống là nguyên nhân chính thúc đẩy người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.

“Hồng Thuận nghĩ, với sự nghèo đói, thay vì chính quyền có những chính sách để giải quyết chuyện đó thì lại không có, mà lại đi hỗ trợ giúp tăng thêm vấn đề lao động xuất khẩu. Nó đi ngược lại với ích lợi thật sự của đất nước. Vì tương lai của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào những người trẻ, nếu những người trẻ là những người phải ra nước ngoài làm nô lệ tình dục, lao động xuất khẩu… thì đất nước sẽ ra sao?”
Hồng Thuận khẳng định, “Lẽ ra việc này phải bắt đầu từ ngọn, nghĩa là Việt Nam phải có những chính sách giúp đỡ người dân nghèo để chống tệ nạn buôn người qua hình thức lao động xuất khẩu, cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, Nam Hàn.... Tạo sự nhận thức mạnh mẽ hơn cho người dân và phải giúp họ những giải pháp thoát nghèo, trở thành nạn nhân buôn người. Đó là trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước. Nhưng quan trọng nhất là giới lãnh đạo tại Việt Nam phải nhận ra điều này.”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT