Phóng Sự

Buôn người- hình thức nô lệ mới thời hiện đại (kỳ 8)

Sunday, 31/01/2016 - 09:05:12

Những chủ chứa tại Malaysia còn ăn chia với nhân viên ngồi ở cổng phi trường tại Malaysia. Khi đến, cô gái chỉ chọn cổng đó mà vào, thì sẽ qua trót lọt.”

Bài BĂNG HUYỀN

Liên Minh CAMSA (Liên minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu) (tiếp theo)

Chị Holly (Huệ) Ngô, là một thiện nguyện viên của BPSOS và là tác giả của bộ 9 CD “Đem Cô Giáo Về Nhà” (Bộ CD đàm thoại Việt ngữ dành cho các em sống ở các quốc gia nói tiếng Anh, Pháp, Đức và Hoa). Chị là thiện nguyện viên hỗ trợ gây quỹ cho 2 dự án lớn của BPSOS Chống Buôn Người và Bảo Vệ Đồng Bào Tị Nạn.

Holly (Huệ) Ngô tại tòa soạn nhật báo Viễn Đông. (Băng Huyền/ Viễn Đông)



Chị Holly (Huệ) Ngô kể, trước khi trở thành thiện nguyên viên của BPSOS (năm 2011), chị là một mạnh thường quân đóng góp cho BPSOS nhiều năm, dù không thường xuyên. Nhưng vì là mạnh thường quân, nên mỗi tháng chị nhận được tờ báo Mạch Sống (là Tạp chí của BPSOS phát hành), đọc những thông tin trong báo Mạch Sống về nạn buôn người (nạn nhân nô lệ tình dục và bị buôn lao động xuất khẩu), người Việt tị nạn tại Thái Lan (có khoảng 800 người bên đó), vì đây là 2 đối tượng được BP SOS chăm lo nhiều nhất.

“Có lẽ vì đọc tin tức này nhiều lần, dần dần tôi thấy thấm, thấy không thể đọc rồi bỏ qua nữa mà muốn bản thân mình phải làm gì đó để giúp đồng bào mình, nhất là giúp những chị em phụ nữ Việt Nam là nạn nhân nô lệ tình dục hoặc làm cô dâu Việt Nam sang Đài Loan, Hàn Quốc…, thường những nạn nhân nô lệ tình dục, cô dâu Việt Nam đa số từ các tỉnh ở miền Nam Việt Nam nhiều hơn là miền Bắc. Còn ở miền Bắc thì đi lao động xuất khẩu nhiều hơn dân miền Nam. Vì muốn đi lao động xuất khẩu, phải có tiền đóng dịch vụ, nhiều khi lên đến mấy ngàn mỹ kim, người ta phải cầm cố nhà cửa, đi không biết có được gì không, về có khi mất luôn nhà.

“Người sống trong miền Nam lại không dám liều lĩnh như vậy so với chị em ngoài miền Bắc. Chính vì không dám liều lĩnh cầm cố nhà cửa đóng tiền dịch vụ đi lao động xuất khẩu, nên những chị em ở miền Nam thường chấp nhận việc đi đại, nghĩa là họ nghe lời người rủ rê đi làm những công việc như gia nô, bán quán, thợ may… ở Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia sẽ được bao vé máy bay, lo thủ tục giấy tờ, chỉ cần qua đó làm rồi có tiền trả lại. Nhưng đâu ngờ những kẻ rủ rê ngon ngọt đó là những kẻ buôn người, đưa họ qua đến nơi bán họ vào ổ mại dâm.”

Chị Holly (Huệ) Ngô cho biết: “Dịp lễ Tạ Ơn năm 2012, tôi có qua làm việc thiện nguyện cho văn phòng chi nhánh ở Kuala Lumpur, Malaysia (là văn phòng trực thuộc liên Minh CAMSA) và có dự một phiên tòa xử buôn người làm gái mại dâm. Khi ra tòa, ngoài nạn nhân là cô gái Việt Nam bị buôn vào ổ mại dâm, còn có người chủ cũng ra tòa luôn. Nhưng nhìn người chủ dự phiên tòa rất bình thản (vì đã ăn chia với cảnh sát Malaysia), chỉ nộp phạt rồi ra về, chứ không bị bắt.

“Thường sau khi ra tòa, các cô gái Việt Nam có thời gian chờ từ 6 đến 8 tháng vào ở trong một sleter, sau đó tiếp tục chờ vài tháng nữa để được Malaysia cho tiền vé máy bay về lại Việt Nam. Nhưng không muốn để các cô chờ lâu quá, văn phòng đã gây quỹ bên Mỹ để giúp tiền cho các cô mua vé máy bay về, rồi cho thêm 50 mỹ kim để các cô tới phi trường có tiền làm lộ phí đi đường về quê nhà và một số quần áo. Tuy nhiên con số nạn nhân bị ép vào con đường mại dâm vẫn nhỏ hơn là con số tự nguyện đi vào đường mại dâm. Những cô gái Việt Nam qua Malaysia làm gái, vô tình bị cảnh sát hốt hết, bị giam, trục xuất về Việt Nam, khi họ được phép gọi điện thoại cho thân nhân, bạn bè, thì họ lại gọi cho chủ chứa, khi đó họ không cần CAMSA giúp vé máy bay, mà là chủ chứa đưa tiền cho mua vé máy bay, với hứa hẹn sau khi qua lại sẽ làm tiếp cho chủ chứa để trả nợ. Vì các cô cho rằng ở Việt Nam cũng làm gái, qua Malaysia làm gái thì tiền có nhiều hơn, vậy thì sao lại không làm?”

Nếu các cô đã bị trục xuất về Việt Nam, thì làm sao có thể quay lại Malaysia?
“Tôi cũng đã tìm hiểu thì được biết các cô này về lại Việt Nam, làm passport mới, hình của cô gái đó, nhưng tên người khác. Chính quyền Việt Nam sẵn sàng làm những Passport như vậy, chỉ cần đút lót tiền. Cô gái ấy lại tiếp tục qua Malaysia vào nhà chứa làm gái tiếp. Vì theo những cô này. Nó trở thành một con đường lẩn quẩn. Vì Việt Nam bây giờ nghèo quá, khổ quá, không còn con đường nào khác, chấp nhận kinh doanh bằng “vốn tự có”. Những chủ chứa tại Malaysia còn ăn chia với nhân viên ngồi ở cổng phi trường tại Malaysia. Khi đến, cô gái chỉ chọn cổng đó mà vào, thì sẽ qua trót lọt.”
Đường dây buôn người này từ trên xuống dưới đã ăn rơ với nhau.

Chị Holly (Huệ) Ngô kể tiếp. “Như chuyện mà báo Mạch Sống trước đây đã phổ biến về 15 cô gái Việt Nam đã bị lường gạt sang Nga với lời hứa hẹn về công ăn việc làm đàng hoàng, lương cao, nhưng rồi bị tịch thu giấy tờ, bị hoàn toàn khống chế và bị đưa vào một ổ mãi dâm của người Việt khi vừa đặt chân đến thủ đô Moscow. Trong đó có cô Huỳnh Thị Bé Hương là nạn nhân đã được giải thoát và hồi hương đầu tiên. Ngày 2 tháng 2 năm 2013, bốn nạn nhân trong đó có cô Huỳnh Thị Bé Hương đã chạy thoát khi bà chủ động mãi dâm và bộ hạ cùng vắng mặt trong chốc lát.

“Các cô này, trong đó có một em vị thành niên khi bị đưa sang Nga, đã gọi điện thoại về cho thân nhân ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ cầu cứu. Khi nhận được lời cầu cứu, BPSOS và Liên Minh CAMSA lập tức báo động cho chính phủ Hoa Kỳ và qua đó chính quyền Liên Bang Nga để chuẩn bị cuộc giải cứu. Nhưng đến ngày 9 tháng 2, vì nóng lòng nên 4 nạn nhân liên lạc với Toà Đại Sứ Việt Nam ở Moscow để xin giúp đỡ. Liền sau đó họ đã bị kẻ buôn người đến tận nơi ẩn náu bắt về.

“Kẻ buôn người cho cô Bé Hương là người chủ mưu cuộc trốn thoát và đã đánh đập cô thậm tệ. Một cô bị chấn thương đầu và cô kia, còn vị thành niên, bị chấn thương mũi.Đây là hậu quả của những trận đánh đập dã man bởi bà chủ chứa Nguyễn Thuý An sau khi những nạn nhân chạy thoát bị bà ta bắt lại. Liên Minh CAMSA đã nhanh chóng vận động các chính giới Hoa Kỳ và Nga cũng như các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ, Việt ngữ và quốc tế tạo áp lực lên kẻ buôn người và Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nga. Nhờ vậy mà cô Bé Hương đã được thả ra và đã hồi hương vào ngày 2 tháng 3 năm 2013.”

“Đường dây buôn người này rất hung hãn và táo bạo vì trông cậy vào sự bao che của một số giới chức thuộc toà đại sứ Việt Nam ở Nga. Họ đã tổ chức bắt lại bốn nạn nhân sau khi bỏ trốn, và dùng đó làm con tin để bịt miệng thân nhân ở Việt Nam. Vì vậy Liên Minh CAMSA không chọn cách giải cứu âm thầm và bất ngờ mà phải mạnh mẽ lên tiếng trước công luận nhằm bảo vệ tính mạng của các nạn nhân đang bị bắt làm con tin.”

Chị Holly (Huệ) Ngô chia sẻ, “Điều đau lòng là tình trạng các phụ nữ, thiếu nữ Việt bị lường gạt sang Malaysia và Nga ngày càng phổ biến. Họ thường là dân quê nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị kẻ gian mồi chài, lường gạt. Nhưng càng đau lòng hơn khi giới chức thuộc toà đại sứ Việt Nam lại không bảo vệ người dân mà còn bắt tay với bọn buôn người như câu chuyện 15 cô gái tại Nga.”

Còn với những người đi lao động xuất khẩu, chị Holly (Huệ) Ngô nói, “Nhiều em dưới 18 tuổi, sống ở những vùng phiá Bắc như Thanh Hóa, Hà Tĩnh… muốn đi nước ngoài làm việc kiếm tiền nhiều hơn, dù dưới 18 tuổi, nhưng chính quyền tại địa phương những em này sống vẫn chấp nhận làm giả tuổi cho các em để các em đi, chỉ cần các em đút lót chút tiền là có đầy đủ giấy tờ hợp lệ. Vì lao động xuất khẩu là chính sách của nhà nước Việt Nam. Mỗi năm nhà nước Việt Nam gửi đi cả 100 ngàn người. Thu lợi nhuận 4 tỉ dolla mỗi năm.

“Việc buôn bán trẻ em và phụ nữ (và hiếm gặp hơn là nam thanh niên) vào mục đích mại dâm là một hành động vi phạm nhân quyền một cách thô bạo, nhưng việc buôn người vào mục đích lao động tại Việt Nam vẫn phổ biến hơn. Những người đi lao động xuất khẩu vì muốn ra nước ngoài làm việc kiếm tiền gửi về lo cho gia đình mà nhiều khi gặp phải những công ty môi giới lừa bịp, họ qua đến nơi phải làm từ 12- 16 tiếng, chứ không như hợp đồng là 8 tiếng, lương thì bị cắt xén bớt, còn ăn uống, chổ ở tại những nơi không đầy đủ tiện nghi, bị công ty đưa qua giữ lấy sổ thông hành, để họ không thể bỏ trốn.”
Chị Holly (Huệ) Ngô bày tỏ ước mong của mình, “Tôi mong qua những chia sẻ của mình với độc giả báo Viễn Đông, những ai đọc bài viết này hãy tìm cách chuyển những thông tin hướng dẫn để giảm rủi ro bị lường gạt khi đi lao động ra nước ngoài mà báo Mạch Sống đã phổ biến đến rộng rãi đồng bào ở khắp nước. Mỗi người bằng phương tiện riêng của mình, xin quý vị chuyển tin về trong nước đến người thân, bạn bè, và mọi tầng lớp dân chúng chú ý đến những dấu hiệu báo động sau đây.

“Nếu công ty môi giới nói với người đi lao động ở nước khác bằng visa du lịch hoặc không có visa. Đây là dấu hiệu lừa gạt. Vì muốn lao động ở nước khác thì phải visa lao động trước khi vào nước đó. Bằng không thì là lao động chui, bất hợp pháp và hoàn toàn bị kẻ gian khống chế và dọa sẽ báo cho cảnh sát đến bắt.

“Đi lao động mà không có hợp đồng. Dẫu rằng có hợp đồng thì chưa hẳn là không bị lừa. Tuy nhiên nếu đi lao động mà không có hợp đồng thì nắm chắc là sẽ bị bóc lột vì khi đã ở đất khách, kẻ khống chế mình sẽ đặt ra nhiều đòi hỏi vô lý trong “hợp đồng miệng”, nghĩa là họ bảo sao ta phải làm vậy.

“Không phải trả phí tổn vận chuyển, làm giấy tờ, v.v. Mục tiêu của người môi giới là kiếm tiền bằng cách đưa con mồi vào tròng để thu lợi. Nếu không tính tiền trước thì họ sẽ tính tiền sau. Tính tiền trước, chưa chắc họ sẽ không lường gạt. Tính tiền sau là cách họ thả con tép để bắt con tôm. Họ sẽ tuỳ tiện áp đặt các khoản nợ không tên không tuổi để ép nạn nhân phải lao động nô dịch hay “đi khách” nhưng vẫn không bao giờ trả hết số nợ này.

“Đi lao động mà không biết chủ là ai, địa chỉ ở đâu: Điều mập mờ này báo hiệu tình trạng “trao thân cho tướng cướp”. Không biết tông tích người chủ thì gia đình không thể tìm cách giải cứu khi gặp nạn.
“Những cách đơn giản nhưng hiệu nghiệm để phòng thân:

“Nếu thấy một dấu hiệu như trên thì nên suy xét lại. Nếu có hai hoặc nhiều dấu hiệu như trên hơn thì nên dứt khoát không liều mạng.

“Nếu đang do dự, hãy liên lạc với Liên Minh CAMSA để phối kiểm trước nơi sẽ đến làm việc: email: camsa@bpsos.org, điện thoại: +603 772 68 497. Đây là số điện thoại ở Malaysia nhưng có thể giúp phối kiểm việc làm ở Nga.

“Nếu quyết định đi lao động ở nước ngoài, trước khi lên đường hãy cầm theo các số điện thoại để cầu cứu khi cần. Liên lạc với số của CAMSA Malaysia ở trên, chúng tôi sẽ cung cấp số điện thoại cầu cứu ở bất kỳ quốc gia nào khác.

“Chúng tôi rất mong đồng hương ở trong và ngoài nước giúp phổ biến thông tin này thật rộng rãi ở quốc nội, nhất là đến các vùng xa xôi. Cứ mỗi một đồng bào biết cách giữ mình thì sẽ bớt được một nạn nhân để phải giải cứu. Khi đã là nạn nhân rồi, dù được giải cứu thì cũng đã trễ. Những tổn thương có thể sẽ không bao giờ nguôi ngoai.”
“Liên lạc với CAMSA:
- Nếu gọi từ ngoài Malaysia: +603 772 68 497
- Nếu gọi trong phạm vi Malaysia: 1800 22 22 672
- Email: camsa@bpsos.org”
(Còn tiếp)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT