Hoa Kỳ

Ca ghép mặt của thanh niên California tốn hơn $1 triệu

Monday, 03/12/2018 - 08:38:00

Anh Underwood được ghép mặt vào đầu năm nay, và người hiến khuôn mặt là anh Will Fisher, một nhà làm phim 23 tuổi ở New York. Anh Underwood đã xuất hiện trên nhiều bản tin trong tuần qua, sau khi anh công bố khuôn mặt mới vào 11 tháng sau phẫu thuật.

NEW YORK - Ca ghép mặt cho anh Cameron Underwood - 26 tuổi, cư dân California – đã tốn đến hơn $1 triệu Mỹ kim. Vào 2 năm trước, anh Underwood đã định tự sát bằng cách bắn từ dưới cằm. Phát súng không khiến anh thiệt mạng, nhưng phá nát khuôn mặt khiến anh không thể thở, ăn, và nói chuyện một cách bình thường.
Ca ghép mặt tại bệnh viện Langone thuộc Đại học New York, vốn giúp anh Underwood trở lại cuộc sống bình thường, có chi phí đến $1.5 triệu Mỹ kim, theo viên chức bệnh viện mới đây cho biết.
Gần 1 phần 3 số tiền này được bảo hiểm chi trả. Một khoản tài trợ từ Bộ Quốc Phòng và từ bệnh viện NYU Langone đã góp thêm vào số tiền cần cho ca phẫu thuật. Phát súng tự sát đã khiến anh Underwood mất mũi, hàm, răng, và xương hốc mắt bị hư hại nặng.
Anh Underwood được ghép mặt vào đầu năm nay, và người hiến khuôn mặt là anh Will Fisher, một nhà làm phim 23 tuổi ở New York. Anh Underwood đã xuất hiện trên nhiều bản tin trong tuần qua, sau khi anh công bố khuôn mặt mới vào 11 tháng sau phẫu thuật.

NASA: Thiên thạch lớn có thể đâm Trái Đất năm 2023
Một thiên thạch lớn với sức công phá gấp 1,500 lần các trái bom nguyên tử được Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) gộp lại, có thể sẽ tông vào Trái Đất. Cơ quan không gian NASA cho biết, khối đá vũ trụ 2018 LF16, đường kính gần 215 mét, có tới 62 quỹ đạo ảnh hưởng khác nhau đối với Trái Đất.
Trong đó, mỗi quỹ đạo dự kiến đều gây ra một vụ va chạm với Trái Đất trong vòng 100 năm tới. Theo NASA, lần cuối cùng 2018 LF16 được quan sát là vào ngày 16 tháng 6, và các tính toán cho thấy thiên thạch này sẽ đâm vào Trái Đất trước năm 2117.
Cú va chạm kinh hoàng đầu tiên có thể xảy ra trong vòng 5 năm tới vào ngày 8 tháng 8, 2023, 3 tháng 8, 2024, hoặc 1 tháng 8, 2025. Đáng chú ý là 2018 LF16 đang di chuyển trong không gian với vận tốc hơn 54,000 cây số/giờ. Theo đo đạc, thiên thạch này “cao gấp 2 lần tháp đồng hồ Big Ben ở London, cao gấp 2 lần tượng Nữ Thần Tự Do ở New York, và cao gấp 4 lần Cột Nelson ở Quảng trường Trafalgar ở London.”
Một thiên thạch lớn như vậy có thể gây ra sức công phá tương đương trái bom hạt nhân 57 megaton của Liên Xô phát nổ năm 1961. NASA sẽ tiếp tục theo dõi thiên thạch 2018 LF16 để đưa ra cách giải quyết kịp thời.

Võ sĩ Floyd Mayweather bị phạt quảng cáo tiền ảo
SAN FRANCISCO – Võ sĩ nổi tiếng Floyd Mayweather và DJ Khaled mới đây đã bị Ủy Ban Chứng Khoán SEC truy tố vì tội quảng cáo đầu tư cho một hãng phát hành tiền ảo, mà không tiết lộ rằng họ đã được trả tiền để thực hiện việc quảng cáo này. SEC cho biết, các tiền ảo được bán trong đợt gọi góp vốn bằng tiền ảo (ICO) có thể được coi là tài sản tài chính và phải chịu sự quản lý của luật chứng khoán liên bang. Cả Khaled và Mayweather đã giàn xếp sự việc với SEC và đồng ý không quảng cáo cho bất kỳ loại tài sản tài chính nào nữa, bao gồm cả tiền ảo, trong vòng 2 hoặc 3 năm tới. Hai người cũng đồng ý nộp lại cho SEC số tiền họ được trả và đóng thêm một số khoản tiền phạt.
Theo SEC, Mayweather đã không tiết lộ rằng anh ta đã nhận $300,000 Mỹ kim từ 3 hãng phát hành tiền ảo khác nhau, bao gồm cả $100,000 từ hãng Centra Tech. Tương tự, Khaled cũng che giấu việc đã nhận $50,000 Mỹ kim cũng từ Centra Tech. Công ty này đã bị SEC truy tố vì tội gian lận khi ICO. Mayweather và Khaled đều là những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Trên trang Twitter cá nhân, Mayweather khuyến khích người hâm mộ mua tiền ảo của Centra Tech, và nói rằng anh cũng đã mua một phần. Trong khi đó, Khaled viết trên mạng rằng tiền ảo của Centra Tech là công cụ để “đổi đời.”
SEC cho biết, các vụ ICO đều có thể là gian lận, và những người muốn đầu tư cần cẩn thận với các đợt ICO được quảng cáo bởi những người nổi tiếng. Đây là lần đầu tiên SEC truy tố những người quảng cáo cho các vụ ICO và cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.

Con đường trước tòa đại sứ Saudi có thể được đổi tên thành Jamal Khashoggi
Ủy Ban Quản Lý Khu Dân Cư (ANC), chịu trách nhiệm về vấn đề đường sá, công viên ở thủ đô Washington, vào tuần trước đã bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị đổi tên con đường trước tòa đại sứ Ả Rập Saudi thành đường "Jamal Khashoggi,” nhằm vinh danh ký giả người Ả Rập Saudi bị sát hại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đề nghị đổi tên đường này sau đó được trình lên hội đồng thành phố, và nếu được phê chuẩn, con đường đi qua tòa đại sứ Saudi tại khu dân cư Foggy Bottom sẽ mang tên mới. Ý tưởng đổi tên đường bắt nguồn từ một thỉnh nguyện thư trên mạng khoảng 1 tháng trước.
"Chúng tôi đề nghị đổi tên con đường trước tòa đại sứ Ả Rập Saudi thành Jamal Khashoggi để nhắc nhở các viên chức Saudi mỗi ngày rằng, vụ ám sát đó hoàn toàn không thể chấp nhận. Đây là một cách thể hiện sự ủng hộ rộng rãi với tự do báo chí,” thỉnh nguyện thư viết.
Trước đó, ông William Kennedy Smith, chủ tịch ANC, bày tỏ hy vọng đề nghị sẽ được phê chuẩn, nhưng cũng nói rằng Ả Rập Saudi "có nhiều bạn bè và nguồn lực ở Hoa Kỳ, nên họ có thể tìm cách gạt bỏ đề nghị này.”
Khashoggi, ký giả thường xuyên chỉ trích chính quyền Ả Rập Saudi, tới Hoa Kỳ sống lưu vong vào năm ngoái và đã nhập quốc tịch. Ông đến lãnh sự quán Saudi ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2 tháng 10 để làm thủ tục kết hôn với bạn gái người bản địa và bị giết tại đây.
Các viên chức của chính quyền Trump nói rằng họ không nhận thấy vụ án có sự liên quan trực tiếp với Thái Tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, dù truyền thông trước đó dẫn nguồn tin từ CIA cho biết, cơ quan tình báo này tin rằng Thái Tử bin-Salman là người trực tiếp ra lệnh thủ tiêu ông Khashoggi.

Thành viên băng đảng trà trộn đoàn di dân để đến Mỹ
CALEXICO - Thành viên băng đảng MS-13 từ Honduras muốn lợi dụng sự hỗn loạn tại khu vực biên giới để vào Hoa Kỳ, nhưng đã bị bắt. Cơ quan Tuần tra biên giới Hoa Kỳ vào cuối tuần trước thông báo đã bắt giữ 1 thành viên thuộc băng đảng MS-13, tổ chức tội phạm nổi tiếng tàn bạo tại vùng Trung Mỹ. Kẻ này thú nhận đã trà trộn vào đoàn người di cư tới biên giới với Hoa Kỳ với hy vọng được xin tị nạn. Các đặc vụ liên bang bắt nghi can Jose Villalobos-Jobel, 29 tuổi, vào khoảng 6 giờ tối ngày 24 tháng 11, tại phía đông trạm biên giới Calexico, California.
Nghi can Villalobos-Jobel có quốc tịch Honduras và nhà chức trách Hoa Kỳ đang chuẩn bị các thủ tục để trục xuất kẻ này. Tổng Thống Donald Trump từng gọi băng đảng MS-13 là "cầm thú" và thề diệt trừ băng đảng này để "khôi phục lại bình yên cho cộng đồng.”
MS-13 là băng đảng đường phố, thành lập tại Los Angeles vào những năm 1980. Ngoài Hoa Kỳ, băng đảng này còn hoạt động mạnh ở El Salvador, Guatemala và Honduras. MS-13 chuyên buôn bán ma túy, hãm hiếp và buôn người. Thành viên nhóm có hình xăm đặc trưng trên cơ thể. Bộ Tài Chính dưới thời chính phủ Obama năm 2012 đã coi nhóm này là tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Đoàn di dân vài ngàn người, đến từ nhiều quốc gia, đang tập trung tại biên giới Mexico – Hoa Kỳ để xin tị nạn. Việc kiểm tra lời khai từ những người xin tị nạn này là rất khó, và cơ quan di trú chỉ có thể giải quyết khoảng gần 100 trường hợp xin tị nạn mỗi này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT