Hôm Nay Ăn Gì

Cá lóc um cuốn bánh tráng rau sống

Monday, 04/07/2022 - 05:58:01

Có ba lý do để tôi khẳng định rằng đây là món hiếm người giới thiệu nó, và có rất nhiều người...


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM

Có ba lý do để tôi khẳng định rằng đây là món hiếm người giới thiệu nó, và có rất nhiều người không biết về nó. Bởi cá cuốn bánh tráng có khá nhiều loại trong danh mục, nhưng chưa ai nghe tới cá lóc, vì cá lóc nhiều xương, vì cá lóc dễ bị tanh và rất khó để hấp mà cuốn với rau sống, bánh tráng mà không bị lợm mùi, khó ăn. Thế nhưng có đó, món cá lóc um cuốn bánh tráng khá là ngon và thơm.

Nhắc tới món này, tôi lại nhớ đến mấy câu lục bát của cụ Bùi Giáng và nhớ đất Gò Nổi, Điện Bàn một thuở. Hồi đó, tôi vừa xong mấy năm đại học, về quê, những ngày đầu tiên bước vào nhà là cố gắng tìm một chỗ nào đó hoặc một công việc tạm bợ nào đó để mà làm, mà kiếm cơm qua bữa, vì không thể nào ngồi nhà để tới bữa lại ăn cơm và trong bữa cơm, dường như cái nợ vay ngân hàng dành cho người nghèo mà mẹ tôi đã vay cho tôi đi học nó cứ quanh quẩn, bay chắn ngang bữa cơm, không thể nào chịu nổi.

Tháng đầu tiên, tôi đi theo một nhóm bụi đời, tay đầu sỏ của nhóm là một chủ lò mỗ bò, cứ đến tối thì cả đám xúm vào làm ruột bò, phụ chia thịt, lên đơn… sáng mai lại được trả chút công, lại được ăn cơm và ngủ nghỉ, đi chơi với chủ lò (lớn hơn tôi vài tuổi), thường thì đi chơi từ mười hai giờ trưa, sau khi ngủ dậy, ăn uống, tắm táp thì lên đường, thẳng tới mười giờ đêm mới về lò mỗ, lại lao đầu vào công việc. Tiền lương chẳng có, nhưng được cái có cái ăn và chơi thoải mái.

Tay đầu sỏ này tuy là dân giang hồ, nói tiếng trước tiếng sau vác dao tới nhà, nhìn chung rất bặm trợn, phổi bò và không hiểu lý lẽ… Nhưng bù vào đó, hắn lại rất bênh vực người yếu đuối, neo đơn. Cũng vì vậy mà tôi đi chơi với hắn được ngót nghét tháng trời, sau đó mới lên xe ra Lào Cai làm phụ hồ, rồi làm đủ thứ công việc khác. Nhưng có vẻ như khoảng thời gian giúp tôi đỡ chán chường và gần với văn chương nhất lại là tháng đầu tiên sau đại học, đi làm thuê cho lò mỗ bò và đi chơi với một nhóm giang hồ, bụi đời.


(Tom/ Viễn Đông)

Nhóm ngót nghét hai chục đứa, trong đó có hai đứa sinh viên ra trường, năm đứa học trung học phổ thông, bỏ học đi làm và cả một lố cậu ấm, toàn con nhà cán bộ, quan huyện, quan xã… Đương nhiên trừ mấy đứa sinh viên ra thì những đứa còn lại, phần lớn là chán đời, học chữ không vô hoặc chán gia đình vì thấy cha mẹ có gì đó gây bất an cho chúng. Có lẽ cũng vì vậy mà tính tình đứa nào cũng hung hăng, tàn khốc không thể tưởng.

Hồi đó, chơi đâu không cần biết nhưng cứ đến chiều thì cả nhóm rủ nhau lên nhà một đứa bụi đời trên Gò Nổi, thằng này con một, mẹ nó bị câm, nó không biết cha mình là ai. Và tôi thấy gần gũi với bụi đời cũng bởi thằng này, nó có đôi mắt buồn, gương mặt quyết liệt, nghĩa là đừng đụng tới nó, đụng mà không đúng lý lẽ thì mệt đó, nó chẳng mạnh hơn ai nhưng độ liều thì chẳng ai hơn nó. Lạ ở chỗ những đứa bụi đời, giang hồ bất chấp số má, chơi tẹt gas, tức là khi đã liều lên rồi, máu điên nổi lên rồi thì có đại ca hay ông trùm nó cũng phạng tuốt, phạng thua thì chạy như nó lại có tính ưa nghe thơ, hễ cứ nghe người ta đọc thơ thì ngồi lì. Mà ưa loại thơ cũng khó chịu bậc nhất. Như thằng Lý (tên của đứa mồ côi cha tôi kể nãy giờ) rất ưa bốn câu này “Cá khe nước cõng lên đồng/ Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng/ Tạ từ tháng chạp quay nghiêng/ Ầm trang sử lịch thu triền miên trôi…”

Tôi biết đây là bốn câu trong khổ cuối bài Mắt Buồn, tập Mưa Nguồn của thi sĩ Bùi Giáng. Rõ ràng chẳng mấy ai nhắc đến mấy câu này, nhưng sức nặng vũ trụ quan trong bài Mắt Buồn lại nằm trong mấy câu này chứ không phải “Bây giờ riêng đối diện tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con.” Lạ ở chỗ một đứa bụi đời, học chỉ mới xong nửa lớp 11, bỏ học, cũng chẳng có tủ sách nào trong nhà ngoài mấy tấm phên gió lộng. Vậy mà hắn lấy đâu ra để có bốn câu thơ thần sầu này?!

Tôi thử hỏi hắn, hắn chỉ cười, không nói, nhưng lại rủ tôi ở lại nhà hắn chơi. Nhưng không phải lúc này, nghĩa là có một bữa thuận lợi, miễn sao tôi hứa với hắn là khi hắn rủ thì tôi phải tới, ở lại. Nghe hắn tôi, tôi vốn đầu óc giàu tưởng tượng, lại thêm chuyện sợ ma nên cứ nghĩ thằng này sẽ lựa một đêm trăng sáng hoặc không trăng, rủ mình ở lại, để chứng kiến một thứ gì đó ghê gớm lắm, đáng sợ lắm… Nhất là Gò Nổi vốn dĩ đất thiêng… Thế rồi cái đêm đó cũng tới, mua giông, không có trăng sao gì ráo, hắn rủ tôi bỏ làm phụ lò mỗ một bữa, cùng đạp xe chạy lên nhà hắn. Vừa về tới nhà, hắn bảo tôi thay quần áo, theo hắn ra sông. Nói là sông chứ đây chỉ là con lạch băng qua Gò Nổi, nối với sông Thu Bồn, mùa hè nước cạn, sen nở khắp lạch, gặp mưa xuống, tha hồ mà bắt cá.

Cái lạ và vui của việc bắt cá ở sông lần này là không cần đánh lưới, cũng chẳng cần nơm gì, cứ tìm mấy cái máng nước chảy từ ruộng xuống, đưa rổ vào mà hứng thì tha hồ cá rô, cá diếc, cá chép. Nhưng lại hiếm cá tràu, tức cá lóc. Chính vì vậy, gặp con cá lóc là mừng hơn chi. Đi bốn máng, cá gặp nước mưa chảy xuống, ức nước, bơi ngược lên ruộng, chỉ việc hứng rổ, đến máng thứ năm thì gặp được con cá tràu (cá lóc) to bằng cổ tay, Lý mừng to, hò hét đã một hồi rồi ngồi hẳn vào cái hốc nước mà gào mấy câu thơ. Thực sự, giờ nghĩ lại, thằng này có máu nghệ sĩ ngoại hạng.

Xong buổi bắt cá, chắc cũng gần nửa đêm, hai thằng xách cá, pin đèn về nhà. Lúc này mẹ thằng Lý vẫn còn thức, bà nấu một ít cháo cá rô, hai đứa ăn vội mấy miếng đi ngủ. Sáng mai, lúc tôi với thằng Lý thức dậy thì mùi thơm ngào ngạt từ dưới bếp, nó làm bụng cồn cào. Hai thằng bước xuống bếp, thấy mẹ thằng Lý lúi húi dùng lửa rơm um con cá lóc bắt được tối qua. Trên bàn đã có dĩa rau sống gồm các loại rau như cải non, chuối chát xắt, một ít xà lách, rau ngò, rau mùi, húng lủi…


(Tom/ Viễn Đông)

Món cá lóc um của mẹ thằng Lý lúc đó tôi không để ý và cũng chẳng thể hỏi gồm gia vị gì, cách làm như thế nào. Tôi chỉ nhớ là bữa sáng thật ấm áp, ngon, ý vị và sẽ nhớ mãi… Giờ mẹ của Lý cũng qua đời, thằng Lý thì bôn tẩu xứ người, tôi ghé nhà mấy lần nhưng chẳng gặp nó, nhà có người bà con trong họ ở và canh tác… Thôi thì tôi nhờ bà xã tôi, thử xem nàng có làm được món này hay không. Vì tôi kinh nghiệm rằng mỗi khi nhớ món gì đó, tắc tị, không biết cách nấu thì hỏi chuyên gia bà xã, nàng sẽ có cách.

Đây là cách chế biến món cá lóc um của nàng: Đầu tiên, cá lóc làm sạch, rửa với một chút muối cho ra hết chất nhờn để cá khỏi tanh. Ướp cá cùng với một muỗng canh nước mắm, nửa muỗng dầu phi, một ít hạt tiêu, một ít hành hương giã nhuyễn và một chút đường. Trong thời gian ướp cá, chuẩn bị nguyên liệu um cùng cá lóc gồm một trái cà chua, nửa củ hành tây bổ trái cau, hai trái chuối ba hương tước vỏ, cắt lát tròn dày khoảng 5mm, hai trái khế chua và ba trái táo đỏ (nếu thích vị ngọt của táo). Xếp đều một lớp gồm những nguyên liệu trên phía dưới nồi rồi đặt cá lóc đã ướp lên trên, sau đó lại xếp thêm một lớp nguyên liệu phủ mặt cá. Đậy nắp lại và um trong vòng khoảng 10 phút, sau đó thêm khoảng nửa chén nước nóng vào, nhỏ lửa thêm khoảng 10 phút nữa là tắt bếp. Vậy là đã có một tô cá lóc um ngon lành!

Tuy món cá lóc um mà bà xã tôi làm đã có nhiều biến tấu, nhưng khi ăn, tôi cảm nhận rất nhiều mùi vị quen thuộc, chỉ khác chăng là không có mùi vị của thuở nghèo khổ, thiếu ăn và không có mùi vị của trắc ẩn số phận… Một bữa ăn hiện đại, chén, dĩa, bát, muỗng hay gia vị cũng sạch sẽ, đầy đủ hơn, món ăn, chắc chắn sẽ ngon hơn, nhưng quan trọng là cảm giác thường nhật, gần gũi, ấm áp…

Kính chúc quí vị có bữa ăn ngon miệng và ấm áp!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT