Hôm Nay Ăn Gì

Cá nục cuốn bánh tráng, rau muống

Monday, 05/10/2020 - 06:47:34

Đây là món mà mùa nào cũng cho cảm giác ngon, bụng đói hay bụng no cũng đều có thể thấy thú vị.


(Tom / Viễn Đông)

Bài TOM
Đây là món mà mùa nào cũng cho cảm giác ngon, bụng đói hay bụng no cũng đều có thể thấy thú vị. Bởi vì, nói như lời người bạn chuyên gia về ẩm thực của tôi thì “đã là người Việt, có hai thứ không thể thiếu và không thể quên, đó là mắm cáy và cá nục cuốn bánh tráng rau muống.”

Không biết người bạn này dựa trên cơ sở khoa học lịch sử hay nhân chủng học nào để đưa ra kết luận như vậy. Nhưng về mặt thực tế, hình như anh nói không sai.

Nói tới cá nục cuốn bánh tráng rau muống, có lẽ tôi phải nhắc tới thằng bạn thân của tôi, một nhà thơ hiện nay khá nổi tiếng, sống trên đất Sài Gòn. Mỗi khi tôi vào Sài Gòn chơi, ngoài việc dắt nhau đi cà phê hay uống vài ly bia, thì hẹn nhau một bữa cơm trưa với món chính là cá nục cuốn bánh tráng rau muống đã thành lệ, hình như mươi lần như chục, chưa bao giờ thiếu.


(Tom / Viễn Đông)

Số là hồi nhỏ ở quê, thời kinh tế hợp tác xã, tập trung bao cấp, ăn uống thiếu thốn, dễ gì có hạt cơm, hầu hết các bữa khoai lang độn, khoai mì độn, bắp độn, hạt kê độn thay thế cơm. Bữa cơm dọn lên chỉ thấy toàn sắn lát, chưa ăn đã nghe mùi sắn nóng lên tận thanh quản. Thế nhưng người ta cũng phải ăn, bởi cái bụng trống rỗng thiếu chất, làm việc vài giờ là đã thấy đói rã rời, cứ muốn bỏ thứ gì vào mà lấp.

Hồi đó, dường như những nhà hơi khá một chút thì có cái cối đá để giã gạo, cái cối xay bằng đá để xay bột. Nhưng đó là cối xay bột gạo, dễ gì có gạo để xay, vậy là các mẹ, các chị ngâm sắn lát, bỏ vào cối giã, rồi xay để tráng bánh. Những cái bánh tráng sắn thay thế cho những bữa cơm sắn độn (tức khoai mì độn, sau 1975 thì ít ai dám gọi là khoai mì mà phải gọi là sắn cho hợp với văn hóa mới). Thời đó, tuy nghèo đói nhưng trời thương, thịt heo, thịt gà, cá thu cá ngừ không có chứ các loại mực, ốc và cá nục thì đầy rẫy. Chỉ cần ra chợ là muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Thi thoảng, vào mùa hè còn có cá cơm than và cá cơm đục, cá liệt. Những loại cá này bây giờ trở thành thức ngon chứ hồi xưa thì mua về nấu cho heo.

Cá nục cũng vậy, nhiều hằng hà sa số, người ta mua về nấu cho heo là chính, lựa những con ngon ra hấp rồi phơi trên mái nhà. Nhà nào làm bằng tranh thì phơi bằng nong tre trước sân, hồi đó nong phơi lúa rất nhiều. Phơi khô thì mang cất kĩ, đợi mùa đông lại mang ra chiên hoặc nướng, ăn với cơm. Cá nục có cái hay là khi hấp, người ta không bỏ muối, thế nhưng phơi khô, sau đó nướng lên lại có vị hơi mặn, chỉ cần cho một chút xíu nước mắm vào là ngon đáo để, cứ như vậy ăn với rau lang luộc chấm mắm cáy nữa thì bao nhiêu cơm cũng trôi.


(Tom / Viễn Đông)

Thường thì khi hấp xong, trước khi phơi, các mẹ, các chị lựa một ít cá loại nhỏ, cho ra dĩa, ra vườn hái một mớ rau muống vào lặt lá, chẻ nhỏ, ngâm nước, múc một chén mắm cáy, giã chút tỏi, ớt, chanh, nếu có thêm chút đường hoặc chút thơm chín xắt nhỏ trộn vào nữa thì ngon hết biết. Cứ như vậy, bánh tráng sắn nhúng nước, cuốn với rau muống, cá nục, chấm mắm cáy. Bữa trưa có thể trôi qua nhanh chóng và đầy thi vị. Hồi đó người ta ăn mắm cáy dữ lắm, vì dinh dưỡng không đủ nên chẳng mấy ai sợ huyết áp cao. Hơi khác với bây giờ là người ta phải ăn mắm cáy có chừng, có người chỉ được ăn cho khỏi nhớ vị xưa bởi chứng huyết áp cao…

Thằng bạn nhà thơ của tôi cũng lớn lên nhờ món này, hồi đó nhà hắn nghèo, đông anh em nữa nên mẹ của hắn phải luôn nghĩ ra món gì đó vừa rẻ, vừa tiện lợi lại vừa có chất. Mà trong các món thời khốn khó, có món nào giàu dinh dưỡng hơn cá nục, rau muống, rồi mắm cáy nữa. Có lẽ nhờ vậy mà anh em nhà hắn tuy nghèo nhưng học hành tới nơi tới chốn.

Và hình như cũng do vậy mà thằng bạn tôi chỉ ưu tiên đãi món này cho tôi mỗi khi gặp không chừng, vì hắn với tôi vừa là đồng hương, lại vừa là bạn thân. Nhưng, cả tôi và hắn đều cảm nhận được rằng hình như món cá nục cuốn bánh tráng ở các quán, chưa gặp ở đâu ngon bằng thuở mẹ làm. Và may mắn cho tôi là ngoài bà ngoại làm món cá nục cuốn bánh tráng chấm mắm cáy cực ngon còn có bà xã tôi (mẹ tôi không biết làm món này, bởi mẹ ăn chay nhiều hơn mặn, bà chỉ giỏi các món có liên quan tới đậu hủ và tương bần). Dường như nàng, chẳng ruột thịt, cháu dâu nhưng lại thừa kế mọi tố chất của bà ngoại tôi, kể cả gương mặt thuở còn con gái của ngoại cho đến tính cách và thói quen ưa trồng cây, chăm những luống rau nhỏ xíu, rồi chế biến những món ăn dân dã…


(Tom / Viễn Đông)

Trong đó, món cá nục, rau muống cuốn bánh tráng là một trong những món dân dã mà chỉ có nàng mới chế biến “đủ tầm” (nói theo cách của thằng bạn nhà thơ sau một bữa tôi đãi hắn món này do bà xã tôi chế biến). Thường thì nàng chọn cá nục cơm, loại vừa, xương mềm, trước khi hấp, nàng cho vài hạt muối vào nồi nước sôi, sau đó cho cá vào hấp, cá chín tỏa mùi thơm thì tắt bếp, cho cá ra ngoài dĩa. Và rau muống không nên chẻ nhỏ mà để nguyên cọng, loại rau muống nước thì nên chẻ đôi, ngâm nước muối loãng một chút cho an toàn, còn rau muống khô thì chỉ cần để nguyên cọng, cho vào bánh tráng sắn đã nhúng nước, bỏ một ít cá nục vào. Cuộn bánh tráng cuốn rau muống và cá nục này sẽ được chấm vào chén mắm nêm (mắm cáy đã chín rục) có pha thơm chín, ớt, tỏi và chanh đường.

Quí vị cũng nên ăn một bữa như thế này để nhớ lại không khí quê hương thuở hàn vi, nghèo khó. Xin cầu chúc quí vị có bữa ăn ngon miệng, ý vị!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT