Phóng Sự

Ca sĩ, MC xướng ngôn viên Hương Thơ

Sunday, 04/10/2015 - 08:32:04

Xướng ngôn viên Hương Thơ chia sẻ, “Khi chuẩn bị phỏng vấn ai đó, tôi đọc rất kỹ những thông tin về người đó, kể cả những phỏng vấn trên báo hay trên tivi trước đó của người đó để tránh lập lại câu hỏi. Khi hỏi tôi luôn tìm những câu hỏi mà chưa có ai hỏi, còn những gì khán giả đã biết về người đó rồi thì luôn tránh hỏi lập lại.

Nghề xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình và MC trong cộng đồng người Việt tại Quận Cam

Bài BĂNG HUYỀN

Ca sĩ, MC xướng ngôn viên Hương Thơ
Trên truyền thanh và truyền hình, talkshow là một chương trình do một nhóm người cùng thảo luận một số chủ đề được người dẫn chương trình đưa ra, với vài vị khách mời hiểu biết rõ hoặc có nhiều kinh nghiệm liên quan đến vấn đề đang được thảo luận trong chương trình đó. Đây là một thể loại hấp dẫn khán thính giả ở không khí trò chuyện, cá tính và phong cách của người dẫn chương trình cũng như các khách mời.

Hương Thơ là một ca sĩ trước khi



Một yếu tố quan trọng không kém trong việc quyết định sự hấp dẫn của một talkshow chính là người dẫn chương trình. Người dẫn chương trình cần phải có kiến thức, sự nhạy bén, có duyên, cách dẫn dắt hấp dẫn và chân thành. Đây cũng chính là những ưu điểm của xướng ngôn viên Hương Thơ khi chị đảm nhận vai trò dẫn dắt trong chương trình talkshow Chuyện Người Chuyện Ta trên đài truyền hình SaiGon TV cùng với hai khách mời là Lê Bích Trâm và luật sư Trần Khánh Hưng. Chương trình này xoay quanh chuyện từ trong nhà cho đến bên ngoài xã hội. Với những chủ đề như “Con anh, con em, con chúng ta,” “Tình bạn khác phái," “Mẹ chồng nàng dâu,” “Những xung đột hòa giải của vợ chồng,” “Làm sao trở thành người vợ lý tưởng,” “Hệ lụy và ứng phó với ly hôn,” v.v. giúp khán giả có cái nhìn toàn diện hơn về xã hội hiện đại thông qua những quan điểm khác nhau.

Thành công với chương trình talk show và phỏng vấn

Với giọng nói trầm ấm, truyền cảm và cách dẫn dắt tự nhiên, thông minh cùng với gương mặt ưa nhìn, nụ cười tươi tắn, xướng ngôn viên Hương Thơ dễ dàng chiếm thiện cảm của người xem khi chị xuất hiện cùng với hai khách mời trong chương trình talk show Chuyện Người Chuyện Ta. Cách chị dẫn dắt cuộc trò chuyện thật tự nhiên và chân thành, không nói một cách gượng gạo, cũng không giấu những cảm xúc chân thật của mình, chia sẻ tâm sự của mình một cách thắng thắn và bộc trực, không quanh co, không giả tạo. Bởi thế chương trình của chị rất sinh động và đầy cảm xúc.

Chị không chỉ được khán giả nhớ đến trong chương trình Chuyện Người Chuyện Ta, mà còn tạo được dấu ấn riêng qua những chương trình phỏng vấn theo từng chủ đề riêng biệt với những khách mời là những chính khách, chính trị gia, luật sư, bác sĩ, nhà văn, nhân sĩ có nhiều đóng góp trong cộng đồng, v.v.
Thành công của xướng ngôn viên Hương Thơ qua những chương trình phỏng vấn này chính là cách chị đặt câu hỏi, qua đó khán giả thấy chị đã chuẩn bị kĩ, tìm hiểu sâu sắc, lường trước các tình huống của câu chuyện có thể xảy ra, đủ kiến thức để đối thoại, để hiểu những lời chia sẻ của người được phỏng vấn. Chị cũng thật tinh tế để biến cuộc đối thoại trở nên thú vị hơn với những câu hỏi thẳng thắn, bất ngờ. Đây cũng là cách mà chị đã tạo được thành công khi phụ trách chương trình Tâm Tình Nghệ Sĩ trên đài Little Saigon TV trước đây. Từ những khách mời nghệ sĩ chị mời phỏng vấn đã giúp khán giả rõ hơn hình ảnh nghệ sĩ qua chính lời kể của họ, và ít nhiều có cảm giác thú vị về những nỗi niềm của họ phía sau ánh hào quang. Để làm được điều này, theo chị người phỏng vấn nêu ra một câu hỏi hay chưa đủ, phải hỏi như thế nào đó để người được hỏi sẵn sàng bộc bạch câu trả lời chân thật nhất.
Xướng ngôn viên Hương Thơ cũng cho rằng trong kĩ năng phỏng vấn, quan trọng nhất là biết hỏi. Biết hỏi trước hết là biết lựa chọn cái gì để hỏi?

Xướng ngôn viên Hương Thơ chia sẻ, “Khi chuẩn bị phỏng vấn ai đó, tôi đọc rất kỹ những thông tin về người đó, kể cả những phỏng vấn trên báo hay trên tivi trước đó của người đó để tránh lập lại câu hỏi. Khi hỏi tôi luôn tìm những câu hỏi mà chưa có ai hỏi, còn những gì khán giả đã biết về người đó rồi thì luôn tránh hỏi lập lại.

“Trước khi phỏng vấn, tôi có hỏi người được phỏng vấn là có những câu nào không muốn tôi hỏi và cho phép tôi hỏi bất cứ điều gì ngoài những điều mà anh chị khách mời không đồng ý thôi, tránh sự sắp đặt của kịch bản, dàn dựng, để tạo được thật tự nhiên khi giới thiệu đến cho khán giả và luôn cố gắng hỏi được những tâm tư của họ, góc khuất, góc tối của họ để tạo nét riêng cho chương trình. Tôi luôn xem những chương trình phỏng vấn của đài Mỹ để học hỏi và sẵn sàng học hỏi những người đi trước có nhiều kinh nghiệm.”

Bên cạnh phụ trách chương trình Chuyện Người Chuyện Ta, phỏng vấn khách mời theo các chủ đề trên đài Saigon TV, xướng ngôn viên Hương Thơ còn đảm nhận phần đọc tin mỗi thứ Ba hằng tuần trên đài Saigon TV và mục điểm phim. Nhưng công việc chính toàn thời gian của chị được nhiều đồng hương biết đến là một Nhân viên giao tế, tại bệnh viện Orange Coast Memorial.

Ca sĩ Hương Thơ

Không chỉ được khán giả biết đến trong vai trò xướng ngôn viên, chị còn là một ca sĩ được nhiều khán giả yêu mến với chất giọng khàn nhẹ, truyền cảm, có khả năng lên những nốt cao rất tự nhiên và thể hiện những nốt trầm thật cảm xúc. Chị không chỉ hát thành công nhạc đấu tranh và đi lưu diễn gần xa cùng với Việt Dzũng, Nguyệt Ánh vào những năm cuối thập niên 1970 đầu 1980 khi chị còn là sinh viên ở đại học Orange Coast College. Mà chị còn có thể hát nhạc trữ tình (từng hát song ca cùng Vũ Kiểm tại quán cà phê Tay Trái, quán LUP của Lê Uyên Phương vào thập niên 1980), hát nhạc sôi động trong vũ trường Majestic (hát thường trực nhiều năm chung với Tuấn Ngọc, Đức Huy, Lưu Hồng, Thái Thảo, Vũ Khanh với ban nhạc Hoàng Thi Thi. Sau khi Majestic cháy phải tạm đóng cửa, chị lại được nhạc sĩ Ngọc Chánh mời hát thường trực tại vũ trường Ritz một thời gian).

Vào thập niên 1990 sau khi kết hôn với Vũ Kiểm, có một con trai, chị được Thúy Nga Paris mời cộng tác với Paris by Night khoảng ba cuốn. Sau Paris By Night, ca sĩ Hương Thơ tham gia nhóm Ngũ Long Công Chúa gồm có Thúy Vi, Ngọc Anh, Linda Trang Đài, Giáng Ngọc và xuất hiện nhiều lần trên trung trâm băng nhạc Hollywood Night. Không chỉ ca hát, chị còn làm thêm vai trò MC trong các chương trình ca nhạc và MC tiệc cưới cũng rất thành công, vì sự chu đáo, kỹ lưỡng.

Song song với việc ca hát, lúc bấy giờ Hương Thơ làm việc toàn thời gian với nghề Quality Control Inspector cho một công ty về dụng cụ y khoa. Chị luôn cố gắng làm tròn bổn phận làm vợ và mẹ, và cũng được chồng tạo điều kiện để đi lưu diễn xa ở Canada, Âu Châu và Úc Châu. Chị từng phát hành những CD cá nhân như “Em Vẫn Chờ Anh,” “Khi Em Thoáng Qua Đời Tôi,” và CD “Bình Yên” vào năm 2008 là CD cuối cùng chị thực hiện một mình sau khi chia tay với Vũ Kiểm sau 16 năm chung sống. Hiện nay chị đã tìm được hạnh phúc mới bên người chồng biết yêu thương và chia sẻ.



Luật sư Trần Khánh Hưng, Hương Thơ và Lê Bích Trâm trong chương trình Chuyện Người Chuyện Ta.

Cơ duyên vào ngành truyền thông

 

Kể về cơ duyên đến với truyền thông, xướng ngôn viên Hương Thơ cho biết, “Con trai tôi lúc nhỏ có máu văn nghệ, hát hay lắm, bé đi thi hát do đài Little Saigon TV tổ chức, cuộc thi Tài Năng Thiếu Nhi. Cháu hát bài Bà Mẹ Quê (Phạm Duy) và được hạng 1. Lúc đó đài Little Saigon Radio và TV là một công ty chung, tôi có làm quen và phụ trách một chương trình thiếu nhi cho đài, tôi viết kịch bản chứ không xuất hiện, chương trình đó có tên là Gia Đình Thỏ, do con trai tôi đóng vai chánh, chương trình này rất nổi tiếng lúc đó, tên thật của bé là Vũ Kiểm Linh. Chương trình này để các em nhỏ học tiếng Việt, văn hóa VN như “Đi thưa về trình” và hát những bài hát thiếu nhi.

Chị tâm sự, “Từ nhỏ tôi đã dạy cho con học hát tiếng Việt, đọc thơ... bé thích lắm. Vì tôi thấy khi mình qua đây không có cơ hội lớn lên ở Sài Gòn (tôi qua Mỹ lúc 15 tuổi vào tháng Tư năm 1975) nên tôi rất thích đọc văn chương Việt Nam để học hỏi thêm vốn tiếng Việt, văn hóa Việt cho mình và truyền lại cho con mình. Chương trình Gia Đình Thỏ do tôi viết kịch bản chính là cửa ngõ để tôi bước vào đài Little Saigon Radio. Vì khi viết kịch bản cho chương trình tôi thích lắm, thấy rằng truyền thông là nơi để tôi học thêm về văn hóa Việt Nam. Vì tôi đã bị bứt ra khỏi Sài Gòn, tôi không biết nhiều về Sài Gòn, về quê hương.
“Bản thân tôi rất yêu tiếng Việt, văn hóa Việt. Vì vậy tôi thấy khi vô truyền thông, sẽ có cơ hội học hỏi thêm và trau dồi tiếng Việt. Vì vậy tôi đã trở thành xướng ngôn viên của đài Little Saigon Radio.

"Khi đó tôi có đọc tin tức trên đài, có làm trong chương trình Vũ Mộng Hương gồm Vũ Kiểm- Mộng Lan- Hương Thơ. Chương trình do Trọng Nghĩa viết kịch bản. Làm một thời gian thì Trọng Nghĩa- Mộng Lan không làm nữa. Chương trình sau đó do tôi phụ trách, cũng làm theo kiểu format ba người, chọn một đề tài để nói. Tôi làm chung với Nhã Lan, Quỳnh Anh. Chương trình có tên là Nhã Quỳnh Hương. Tôi viết kịch bản cho chương trình, chọn nhạc, rồi in ra và chung tôi cùng nói chuyện với nhau. Trên kịch bản với ý chính, các xướng ngôn viên nói dựa trên kịch bản đó rồi tự sáng tạo thêm phần của mình rất tự nhiên, như diễn kịch vậy.”

Về thất bại đầu tiên của mình khi mới vào nghề, xướng ngôn viên Hương Thơ chân thành kể, “Tôi là người gốc Bắc, nhưng vì sống ở Sài Gòn, nên nói tiếng Việt, dấu hỏi, ngã sai tùm lum, viết chính tả Việt ngữ yếu lắm. Hồi đầu mới vào nghề, khi tôi đọc, anh Phạm Long nhận xét là giọng tôi có ba miền Bắc Trung Nam, có khuyết điểm là dấu hỏi, ngã đọc sai tùm lum. Mỗi ngày tôi đều học và cố gắng nên đã hoàn thiện hơn.

“Khi mới vào nghề, tôi bị chê nhiều lắm. Nhưng tôi không nản chí. Càng bị chê, tôi càng cố gắng hơn. Vì tôi là người gốc Bắc, nhưng lớn lên trong miền Nam, quen bạn miền Nam, nên giọng bị pha. May mắn tôi là ca sĩ trước khi làm xướng ngôn viên, nên chất giọng có hồn, với lại khi đọc cái gì tôi luôn hiểu tôi đang đọc gì, đặt tâm hồn mình vào đó. Người Nam thì không quan tâm lắm giọng đọc lơ lớ, họ không khó chịu. Nhưng người gốc Bắc thì khi nghe tôi đọc sai dấu hỏi, ngã... thì khó chịu. Khó khăn buổi đầu nhưng tôi không bỏ cuộc, đến giờ phút này mà tôi còn giữ được công việc xướng ngôn viên là vì tôi đã không bỏ cuộc.”

Chị bày tỏ niềm tri ân của mình, “Tôi thấy thượng đế cho tôi rất nhiều đặc ân qua công việc của mình để mình mang đến hạnh phúc cho bản thân mình và chia sẻ hạnh phúc đến nhiều người. Tôi rất biết ơn đời sống. Tôi có sự đam mê, lòng yêu âm nhạc, lòng yêu văn chương, lòng yêu tha nhân làm tôi hạnh phúc lắm. Tôi rất biết ơn anh Đinh Xuân Thái (chủ nhân đài Little Saigon TV), anh đã tin là tôi làm được, nên mới giao cho tôi làm xướng ngôn viên đọc tin tức trên đài và phụ trách một số chương trình trên đài. Tôi gắn bó với đài khá lâu, gắn bó từ khi đài mở chương trình 24/24 ngày và chỉ mới nghỉ đài khoảng ba năm nay thôi. Năm 2012 tôi về làm cho đài Saigon TV đến nay.”


Hương Thơ và Thị Trưởng Tạ Đức Trí

Nói về những huấn luyện nghề nghiệp ban đầu, chị kể, “Khi mới vào đài Little Saigon Radio làm xướng ngôn viên, những người mới như tôi được các anh như Phạm Long, Đinh Quang Anh Thái là người vào nghề trước đó, có nhiều kinh nghiệm đã huấn luyện những kiến thức căn bản. Anh giúp chúng tôi từ những gì anh đã học khi còn ở Việt Nam, do những người đi trước truyền lại về những căn bản của một xướng ngôn viên. Khi làm việc ở LSTV, anh Đinh Xuân Thái cũng mời những xướng ngôn viên gốc Việt làm cho đài Mỹ đến chia sẻ những kinh nghiệm để học hỏi thêm. Bản thân tôi cũng thường xem những chương trình trên đài Mỹ để học hỏi.”

Nói về ước mong, chị bày tỏ, “Tôi cũng có bàn với chủ đài Saigon TV, dần dần nên đi theo cách của đài Đại Hàn, sử dụng song ngữ, có phụ đề Anh ngữ, để thế hệ mai sau xem chương trình Việt ngữ có thể hiểu được. Khi tôi thực hiện chương trình Truyền Thông Việt Ngữ Hải Ngoại 40 năm nhìn lại. Tôi có phỏng vấn nhà văn Đỗ Qúy Toàn và ông Phan Huy Đạt có nói là nên có một tổ chức truyền thông để tạo một lớp huấn luyện để truyền thông của mình ngày càng đi lên như những sắc dân khác trên nước Mỹ, như Đại Hàn, Nhật Bản... Tôi xem đài Korean Arirang tôi rất thích, vì có phụ đề Anh ngữ, giúp tôi hiểu được văn hóa của họ.

“Ngôn ngữ trong nước hiện nay dùng từ ngữ lộn xộn, không còn đẹp như xưa nữa, do đó tôi nghĩ truyền thông hải ngoại là nơi bảo tồn và phát huy tiếng Việt trong sáng, nên rất cần có định hướng.
“Bây giờ trãi qua giai đoạn khó khăn, vì khởi đầu bao giờ cũng vậy. Có những đài có đường hướng đâu ra đấy, chú tâm xướng ngôn viên đọc tin phải rõ ràng. Chương trình trên đài phải có giá trị, phục vụ bổ ích cho người nghe. Tôi nghĩ từ từ điều này sẽ gạn lọc theo thời gian, trong tương lai trong cộng đồng nên có trường lớp huấn luyện cho những người trẻ yêu công việc truyền thông Việt Ngữ để học hỏi. Tôi nghĩ nếu người trẻ giỏi, họ cũng sẽ đi vào truyền thông dòng chính thôi, nhưng cũng sẽ có một số người cộng tác đài Việt ngữ. Nhưng nếu các đài Việt ngữ không phát triển, mà cứ bình bình, thì khó thu hút người trẻ đến với công việc này.”

Chị không khỏi ưu tư, “Tôi cũng lo ngại không biết ngành truyền thông Việt ngữ tại hải ngoại trong tương lai ra sao. Tùy theo chủ trương của các chủ đài. Hiện nay, vì vấn đề thương mại, lợi nhuận nên các đài bây giờ quảng bá thuốc men nhiều quá, hoặc vì thiếu tiền, nên không làm chương trình mới mà lấy chương trình bên Việt Nam chiếu lại, quảng cáo nhiều quá. Tôi mong có trường lớp huấn luyện tốt hơn. Cần quan tâm hơn để các đài phát triển mạnh hơn.

“Tôi từng học những người đi trước cho nên tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những người mới vào, sẽ nói những gì không nên. Tôi không dám nói tôi hay, nhưng tôi đã học qua rồi vì đã từng thất bại,  và tôi đã vượt qua được. Nếu ai muốn học, nhờ tôi hướng dẫn, tôi sẵn sàng chỉ những điều tôi đã từng vấp phải sai lầm để người mới tránh.”

Chị tâm sự thêm, “Nhiều người cứ cho rằng đài truyền hình phải có những xướng ngôn viên trẻ, đẹp, thì mới ăn khách, còn toàn những người già thì không ăn khách. Đó là quan niệm sai lầm hoàn toàn, như đài CNN chỉ toàn xướng ngôn viên già, nhưng vẫn là đài rất ăn khách. Đài Mỹ mướn người nhiều kinh nghiệm, giỏi nghề. Cũng có người trẻ rất giỏi, nhưng không có nghĩa phải là trẻ đẹp mới ăn khách.

“Hồi tôi trẻ, tôi rất non nớt. Khi đã hiểu đời nhiều, trình bày một tin, hay một đề tài bàn luận nào đó, luôn có gốc ngọn hơn, sâu sắc, lôi cuốn hơn. Vì khi còn trẻ, tôi hiểu vấn đề không sâu như sau này. Kinh nghiệm sống làm cho xướng ngôn viên dày dạn và thú vị để khán giả theo dõi hơn chỉ trẻ đẹp như một búp bê. Nhưng cái đẹp cũng rất quan trọng. Khó khăn nhất là giữ dáng mình khi lên truyền hình.”

Để kết thúc phần trò chuyện của mình, xướng ngôn viên Hương Thơ bày tỏ thêm, “Làm truyền thông Việt ngữ là phải làm với sự đam mê và cống hiến nhiều lắm, vì không thể sống được bằng nghề làm truyền thông. Mỗi xướng ngôn viên cần có sự sáng tạo riêng của mình, nét độc đáo của mình, để tạo nên vườn hoa nhiều màu sắc, đặc biệt tâm phải luôn chân thành, không nên giả tạo, vì khán giả có thể nhận biết ngay.

“Khán giả cũng nên thương các đài là đôi khi các đài phải sống, cho nên quảng cáo nhiều. Nên hỗ trợ cho truyền thông bằng ủng hộ những quảng cáo. Nhưng dĩ nhiên đó phải là những sản phẩm có giá trị và đúng đắn, thì đó cũng là lương tâm của ngành truyền thông.

“Riêng với cá nhân Hương Thơ trong những vai trò khác nhau, tôi luôn muốn mọi người nhìn Hương Thơ trong vai trò nhân viên giao tế của bệnh viện thì có sự tin cậy, còn Hương Thơ trong vai trò ca sĩ thì tôi mong rằng, tiếng hát của tôi đem lại những hạnh phúc cho người nghe. Dù hiện nay tôi không còn đi hát ở tiểu bang xa, nhưng thường nhận lời hát gây quỹ cho nhà thờ, nhà chùa... Với vai trò xướng ngôn viên trên truyền hình, tôi mong khán giả yêu thích những chương trình tôi thực hiện, tôi luôn cố gắng  mang lại những chương trình có giá trị cho khán giả. Tôi cảm thấy đời sống tôi rất phong phú, được khám phá những góc cạnh, môi trường khác nhau. Tôi cảm thấy rất biết ơn và hạnh phúc với những công việc hiện tại.” (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT