Văn Nghệ

Ca sĩ Thiên Tôn và tình yêu với âm nhạc

Friday, 14/04/2017 - 07:11:44

Thiên Tôn cho biết hồi đầu khi mới hát, nghe những lời phê bình của các nhạc sĩ và các khán giả, nói rất thích nghe giọng Thiên Tôn, nhưng Thiên Tôn hát có phần nặng kỹ thuật quá, nghe những lời vậy, anh suy nghĩ và sửa lại dần dần để hát sao cho tình cảm hơn, mềm mại hơn.

Bài BĂNG HUYỀN

Vẻ đẹp của giọng hát Thiên Tôn
Kể từ khi thắng giải “khán giả bình chọn” trong cuộc thi VSTAR năm 2012 do Trung Tâm Thúy Nga tổ chức, chàng ca sĩ trẻ Thiên Tôn (tên đầy đủ mà cha mẹ đặt cho anh là Nguyễn Vũ Thiên Tôn) đã trở thành gương mặt thân quen, càng ngày càng nhận được nhiều sự mến mộ từ những khán giả yêu nhạc trong cộng đồng người Việt tại quận Cam nói riêng và hải ngoại nói chung. Không chỉ là một trong những ca sĩ được “chọn mặt gửi vàng” của trung tâm Thúy Nga qua các chương trình mà trung tâm này tổ chức, Thiên Tôn còn là một trong những lựa chọn tin cậy của nhiều ban tổ chức khi thực hiện các chương trình nhạc có giá trị nghệ thuật cao, và trở thành sự lựa chọn không thể thiếu của các khán giả yêu mến dòng nhạc xưa, trữ tình và lãng mạn.


Bìa CD Hương Xưa của ca sĩ Thiên Tôn

Với dáng vẻ thư sinh, gương mặt điển trai, đôi mắt trong sáng, nụ cười hiền lành, và đầu không có tóc là nét riêng của Thiên Tôn, không bị nhầm lẫn với một ca sĩ nào khác trong làng nhạc Việt hải ngoại. Bên cạnh ngoại hình sáng sân khấu, phong cách trình diễn sang trọng, lịch lãm, thế mạnh của Thiên Tôn chính là giọng hát kỹ thuật được học hành bài bản, nhưng cũng rất đầy đặn cảm xúc, đủ để đi vào lòng người, mà gợi khơi thật nhẹ nhàng những xúc cảm dạt dào nơi trái tim người nghe.

Thiên Tôn có chất giọng nam cao mềm mại, trữ tình, âm sắc sáng, quãng giọng rất rộng và đẹp, thuận lợi để lên các nốt cao một cách thoải mái, nhẹ như không, căng tràn, chắc nịch, mà vẫn rõ lời. Với quãng trầm, nhờ có sự hỗ trợ tốt về hơi thở, tiếng hát Thiên Tôn đạt đủ độ dày, ấm mượt, đẫm đầy tình cảm, không một chút phô chênh, vênh note. Thiên Tôn có khả năng hát rất nhiều thể loại, anh có thể đầy biến hóa, phiêu linh khi hát nhạc Jaz, Blue-Jaz, vô cùng tinh tế với cách nhả chữ, luyến láy, nhấn nhá các nốt nhạc rất đẹp và cũng rất tình khi hát dòng nhạc thính phòng Việt Nam, với những tác giả tài danh Đoàn Chuẩn- Từ Linh, Cung Tiến, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng... và anh cũng thật xuất sắc khi hát nhạc kịch Broadway, Opera Tây Phương.


Ca sĩ Thiên Tôn hát trong một chương trình (hình cung cấp)

Không chỉ hát đơn ca, Thiên Tôn còn có khả năng hòa giọng ăn ý với các ca sĩ khi hát song ca hay tam ca. Nổi bật nhất trong phần tam ca là nhóm hát Kiều Tôn Bảo (Với các tiếng hát Bằng Kiều, Thiên Tôn và Đình Bảo) đã nhận được nhiều ngợi khen của khán giả qua các chương trình của trung tâm Thúy Nga tổ chức.

Sở dĩ Thiên Tôn có khả năng hòa giọng rất hay với các ca sĩ khác, vì từ lớp 9 đến lớp 12 khi anh học tại trường trung học Bolsa Grande (thành phố Garden Grove) anh đã tham gia trong ca đoàn của trường. Dù trước đó, Thiên Tôn chưa được học thanh nhạc hay học nhạc cụ nào hết, nhìn bản nhạc thấy những chấm đen trên giấy chẳng biết nốt gì là nốt gì, nhưng Thiên Tôn được trời cho khả năng thẩm âm tốt, chỉ cần nghe các bạn hát là có thể hát theo được liền. Khi vào hát trong ca đoàn của trường, anh thích thú vì có hát bè.

Thiên Tôn kể, “Nhiều người hát solo quen rồi, lúc hát bè hay bị lạc tông do nghe bè người khác, hát không quen nên lạc qua. Riêng tôi ngay từ nhỏ dù gia đình không có điều kiện cho tôi đi học nhạc, học đàn như nhiều bạn cùng trang lứa, nhưng bố mẹ, nhất là mẹ rất mê nhạc tiền chiến, những bài nhạc thính phòng Việt Nam, thường hay mở nghe, tôi cũng được nghe theo và ngấm vào mình lúc nào không hay. Tôi lại được trời cho khả năng dù nghe bè khác nhưng vẫn giữ được bè của mình dẫu rằng tôi không biết nốt nhạc gì hết ngay thời điểm đó.

“Nhạc trưởng của ca đoàn thấy tôi có khiếu thẩm âm tốt, nên dạy thêm về nhạc lý cho tôi vào những buổi after school, 4 năm ở trường Bolsa Grande từ lớp 9 đến 12 tôi gắn bó trong ca đoàn của trường từ lớp thấp nhất đến lớp cao nhất và là học sinh cưng của thầy. Cũng từ căn bản này, tôi sinh hoạt thêm ca đoàn trong nhà thờ nơi gia đình đi lễ cuối tuần, nhà thờ Saint Columban và nhà thờ Saint Polycarp.

“Tôi và mấy bạn trong trường còn lập ra một ban nhạc theo kiểu boy band nổi tiếng thời thập niên 1990, học theo những bài hát của mấy ban nhạc nổi tiếng lúc đó và tự học bè phối để hát. Ban nhạc của chúng tôi lúc đó gồm 4 bạn nam, đặt tên là DTD theo tên chữ cái đầu của 4 thành viên, tôi và một bạn người Việt Nam, một bạn người Đại Hàn, một bạn người Philippin, 4 chúng tôi không có kinh nghiệm âm nhạc gì nhiều, nhưng cả 4 đều có khả năng thẩm âm tốt nên học theo những bài có sẵn rất nhanh. Trong trường có những buổi văn nghệ nào là ban DTD của chúng tôi luôn xung phong tham gia.”

Làm thầy giáo dạy toán trước khi thành ca sĩ
Tuy rất mê nhạc, nhưng ba mẹ và các anh chị của Thiên Tôn đều khuyên Thiên Tôn không nên học ngành nhạc, mà nên chọn một ngành nghề khác để ổn định đời sống, còn âm nhạc chỉ nên là thú vui thôi. Vì vậy, Thiên Tôn đã chọn học ngành Toán để trở thành giáo viên dạy toán, vì ngoài âm nhạc, Toán là môn học Thiên Tôn rất giỏi khi còn học trung học. 2 năm đầu học college, anh đã ngưng không tham gia ca hát, nhưng tình yêu âm nhạc đã nằm sẵn trong máu rồi, nhớ quá, chịu không nổi, vì vậy khi chuyển tiếp việc học qua trường Cal State Long Beach, anh đã xin vào ca đoàn của trường. Nhưng ca đoàn của trường không phải ca đoàn hát nhạc classic mà là hát nhạc jazz, vì từ trước giờ Thiên Tôn chưa bao giờ hát nhạc Jazz, nên cũng thử thi coi sao.

Ca sĩ Thiên Tôn (hình cung cấp)



Thiên Tôn cho biết, “Khi tôi thi thử giọng để vào ca đoàn xong, thì bà phụ trách của ca đoàn rất thích và hỏi tôi đã học nhạc Jazz bao lâu rồi. Tôi cho biết chưa bao giờ học nhạc Jazz hết. Bà rất ngạc nhiên và khen tôi có thể hát rất hay nhạc Jazz và nhận tôi vào nhóm ca đoàn của trường liền. Từ đó mà nảy nở ra thể loại nhạc mới mà tôi khám phá ra được. Sau đó 2- 3 năm trời liên tục tôi đã không nghe nhạc gì ngoài nhạc Jazz.
“Trên xe mở radio là chỉ nghe nhạc Jazz thôi, làm bán thời gian thêm (đi dạy kèm toán), có tiền là mua đĩa nhạc Jazz để nghe. Hiện giờ ở nhà tôi có đến mấy trăm CD nhạc Jazz. Nhờ tập trung nghe nhạc jazz như vậy, nhạc đã thấm vào trong tôi rất sâu, rất vững. Lúc bấy giờ tôi vẫn còn tập trung học các lớp Toán là chính, nhưng không bỏ âm nhạc được, nên tôi lấy thêm một lớp Jazz và lớp lịch sử âm nhạc.”

Thiên Tôn học khoảng một năm rưỡi chuyên ngành Toán tại Cal State Long Beach, lúc ấy, anh nhận tình yêu âm nhạc của anh khó mà lụi tàn theo thời gian, vì học Toán mà trong đầu chỉ nghĩ đến nhạc Jazz, nghĩ đến bài hát, đến nốt nhạc. Thấy là mình không thể bỏ nhạc được rồi, anh quyết định học hai chuyên ngành cùng lúc luôn, vì ngành Toán anh học được một nửa đường rồi, vốn có năng khiếu nên học toán rất nhẹ nhàng. Còn nhạc thì vì quá mê, không thể bỏ được.



Nhóm Tam ca Kiều Tôn Bảo của trung tâm Thúy Nga (hình cung cấp)


Cuối cùng Thiên Tôn cũng đã hoàn tất xong cả hai chuyên ngành cử nhân Toán và cử nhân Nhạc chuyên về Jazz, sau khi học thêm 1 năm rưỡi để lấy Teaching Certificate, để xin đi dạy. Nhưng thời điểm anh ra trường năm 2009 muốn tìm việc dạy học ở các trường rất khó. Thiên Tôn đã phải làm substitute (giáo viên dạy thế) cho khoảng 3- 4 học khu một thời gian, nhưng cũng vừa đủ sống thôi. Lúc đó anh ngưng hát hoàn toàn, tập trung lo mưu sinh. Năm 2010, anh được ký hợp đồng dạy Toán một năm tại trường trung học St. Justin Martyr School Anaheim.

Cũng trong năm này, trước những áp lực của công việc tại trường học, phải vừa “dạy” vừa “dỗ” các học trò vốn được ví von đứng hàng thứ ba sau quỷ, và ma, bởi sự quậy phá, cộng thêm vì nhớ ca hát quá, nên cuối năm 2010 Thiên Tôn được người chị quen với nhạc sĩ Sĩ Dự (khi đó là chủ nhân của hội quán Lạc Cầm) rủ đến hát trong chương trình “hát với nhau” tại Lạc Cầm. Vừa đến Lạc Cầm là Thiên Tôn thích liền, với không gian thính phòng đúng nghĩa, rất ấm cúng. Lúc đó Thiên Tôn ghi danh hát 2 bài tiếng Anh, một bài nhạc Jazz và một bài nhạc Pop, đem theo sẵn CD nhạc nền để mở lên hát.

Thiên Tôn nhớ lại, “Lúc đó anh Dự cho biết hôm đó khách đông nên mỗi người chỉ hát một bài thôi, nhưng khi tôi hát xong, thì được yêu cầu hát thêm bài nữa. Vì tôi và anh Dự cũng đều thích Jazz, nên nói chuyện rất hợp. Anh đề nghị tôi ra đây thường xuyên và hãy tập hát thêm nhạc Việt, anh khen tôi hát tốt lắm. Tôi hứa tuần sau quay lại, sẽ mang bài nhạc Việt để hát. Tuần sau quay lại tôi mang bài Hương Xưa của Cung Tiến để hát. Đây cũng là lần đầu tiên tôi hát Hương Xưa. Anh Sĩ Dự khi ấy rất ngạc nhiên thấy tôi chọn hát bài vô cùng khó hát này. Còn tôi chỉ mới học thuộc bài Hương Xưa vài ngày trước đó để hát. Tôi chọn vì thích bài hát này, từng nghe Tuấn Ngọc, Lệ Thu hát. Khi đó không nghĩ là bài khó hát, mà chỉ vì thích rồi hát thôi.

“Nói chung lúc đó hát rất nhịp nhàng, nốt thì vững, nhưng mà phát âm của tôi bị rất nhiều lỗi. Có nhiều chữ phát âm giọng miền Nam, sai chính tả, các dấu thanh hỏi, ngã, nặng, chữ “ng” cuối, thường bị sai khi hát, mà không để ý. Sau khi nghe xong, anh Dự khen hát được, nhưng phát âm tiếng Việt cần phải chỉnh, sửa rất nhiều.”

Hoàn thiện cách hát nhạc Việt
Thiên Tôn thật thà kể, “Tôi qua đây định cư (năm 1994) theo diện H.O của ba, lúc tôi được 10 tuổi tiếng Việt cũng đã nói được nhiều rồi, nhưng vì ba mẹ sợ tôi quên tiếng Việt, cho nên ở nhà ba mẹ lúc nào cũng bắt nói tiếng Việt. Cuối tuần ba mẹ còn bắt đi học Việt ngữ để trau dồi thêm. Nhưng nói với hát khác nhau. Mẹ của tôi là người miền Nam, ba là người miền Trung, riêng tôi từ nhỏ lớn lên ở trong miền Nam, nên giọng lơ lớ, phát âm không chuẩn, trong khi hát nhạc thính phòng thì cần phải phát âm rõ từng chữ, từng câu. Nên hồi đầu khi tôi tập hát tiếng Việt, nhiều khi hát sai chính tả, hoặc sai cách phát âm chữ này chữ kia, nên lúc tập hát phải luyện thêm cho nó rõ thêm. Cái khó là những bài nhạc xưa, những ca khúc của Cung Tiến, Đoàn Chuẩn- Từ Linh, Phạm Duy, Tuấn Khanh, Trịnh Công Sơn... có những lời phong phú văn thơ, triết lý, mà ngày thường không thường dùng, nên nhiều khi cũng không hiểu là tác giả muốn nói gì. Những từ khó nếu hỏi được tác giả thì càng tốt, nhưng nếu không có cơ hội đó thì tôi cũng hỏi những người lớn hơn, hay hỏi ba mẹ những câu đó nghĩa ra sao. Đây là điều mà đến nay tôi vẫn phải học hoài khi hát nhạc Việt.”

Sau khi Thiên Tôn hát với nhau ở Lạc Cầm được vài tháng, nhạc sĩ Sĩ Dự đã mời anh hát mở màn cho những ca sĩ nổi tiếng như Ý Lan, Quang Tuấn, Trần Thu Hà... có chương trình tại Lạc Cầm, và là ca sĩ địa phương của Lạc Cầm, chứ không chỉ tham gia hát cho nhau nghe nữa.

Thiên Tôn mỉm cười khi nhớ lại kỷ niệm cũ, anh hài hước kể, “Chừng 6 tháng sau khi hát tại Lạc Cầm cho những ca sĩ nổi tiếng khác, năm 2011, tôi quyết định làm live show cho riêng mình. Coi như là “điếc không sợ súng”. Vì nhiều ca sĩ hát bao nhiêu năm rồi, còn chưa dám làm live show vậy mà tôi “cả gan” thực hiện live show cho mình. Lúc đó khán giả đa số là người quen đi ủng hộ, vì phần đông khán giả vẫn chưa biết tôi là ai. Đó là live show đầu tiên đến giờ tôi vẫn còn nhớ.”

Từ năm 2011, ca sĩ Thiên Tôn đã ngưng không còn xin việc để làm thầy giáo dạy toán nữa mà chuyển qua dạy thanh nhạc cho vài trường tư của người Mỹ, đến năm 2012 sau khi thi VSTAR, anh đã chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp trong cộng đồng Việt Nam. Khoảng 3 năm nay Thiên Tôn không còn dạy nhạc nữa, mà tập trung ca hát và ngày thường không đi hát ở tiểu bang xa, thì anh làm bán thời gian trong nhà thờ, sắp xếp, chọn lựa những bài hát cho các lễ của nhà thờ hằng tuần. Và đảm nhận hát solo cho lễ không có ca đoàn.

Tình yêu âm nhạc
Thiên Tôn tâm sự, “Âm nhạc đem lại nhiều điều cho tôi lắm. Đã nhiều lần rồi, có lúc tôi nản chí, ngưng hát, chỉ tập trung làm việc khác để sống, nhưng âm nhạc là điều không thể thiếu được. Bây giờ muốn đi kiếm tiền thì vẫn có nhiều việc để kiếm tiền, nhưng chưa chắc cho mình hạnh phúc. Tôi thấy lúc nào có những hoạt động về ca hát thì tôi cũng hạnh phúc hơn. Thực sự âm nhạc nuôi sống tâm hồn tôi và mang lại niềm hạnh phúc cho tôi. Còn về tiền bạc thì có tháng dư dả, có tháng không, nhưng tôi sống rất đơn giản, không cần phải sắm xe sang, mặc đồ hiệu cao cấp. Ngày nào không còn kiếm tiền được với việc ca hát thì sẽ tìm việc khác kiếm sống, nhưng vẫn không từ bỏ âm nhạc. Điều mất đi mà âm nhạc lấy của tôi là thời gian với gia đình, bạn bè. Nhiều khi cũng hơi buồn, vào những ngày lễ lớn, gia đình có những buổi tiệc sum họp, thì tôi lại đang ở tiểu bang xa, lạnh lẽo trong hotel để chờ đi hát show. Nhưng bù lại những ngày thường, tôi dành nhiều thời gian với người thân trong gia đình mình.”

Thiên Tôn cho biết hồi đầu khi mới hát, nghe những lời phê bình của các nhạc sĩ và các khán giả, nói rất thích nghe giọng Thiên Tôn, nhưng Thiên Tôn hát có phần nặng kỹ thuật quá, nghe những lời vậy, anh suy nghĩ và sửa lại dần dần để hát sao cho tình cảm hơn, mềm mại hơn.

Anh chia sẻ, “Mỗi bài hát tôi chú trọng để hiểu phần lời nhiều hơn. Tìm hiểu câu chuyện của bài hát đó ra sao, có thể mình không biết hết câu chuyện đặc biệt của tác giả khi viết ca khúc, nhưng có thể tưởng tượng được. Tôi đang trong thời gian hoàn thiện mình, làm sao hát cho tình cảm hơn, hát sao thật nhẹ nhàng, đơn giản nhưng vẫn đầy cảm xúc. Tôi thấy mình chững chạc hơn trong cách hát, không còn khoe giọng nữa. Như bài Chiều Về Trên Sông của Phạm Duy vẽ lên một bức tranh rất đẹp. Khi hát tôi hình dung mình như một họa sĩ vẽ lên hình ảnh đẹp ấy gửi đến người nghe. Nhưng nhạc nếu chỉ chú trọng lời thôi vẫn chưa đủ, vì tôi thấy người Việt hơi chú trọng lời mà quên đi giai điệu, nên khi chọn tông,tôi luôn chú trọng độ rung trong ngực sao vừa đủ diễn tả được cảm xúc bài hát. Do vậy tôi chọn tông cho ca khúc nhiều khi lấy đi lấy lại hoài mà vẫn chưa vừa ý, đến khi nào hát lên nốt đó, độ rung trong ngực đem lại cảm xúc cho mình thì mới đã. Hồi đầu tôi thích nghe nhiều loại nhạc khác nhau, thần tượng nhiều ca sĩ tài danh, nên rất dễ bị ảnh hưởng những gì mà tôi nghe một cách vô thức. Nhưng sau đó tôi biết chọn những cái hay của người khác để làm nét riêng cho mình, tránh copy cách hát của thần tượng mình yêu mến.”

Anh kể, “Tôi có những kỷ niệm rất cảm động, có một lần tôi đi hát, vào giờ giải lao, một bác lớn tuổi chân đi hơi cà nhắc đến ôm tôi rồi nói, “Cám ơn con đã giữ nền âm nhạc Việt mình cho thế hệ trẻ, hát những bài nhạc này, vì bác rất mê, con trẻ mà hát dòng nhạc này bác rất cảm động. Hồi sáng này bác vào emergency room, khi bệnh viện cho bác về, bác kêu con bác chở bác đến nghe con hát tối nay vì bác đã mua vé và không muốn bỏ lỡ nghe con hát.” Nghe vậy tôi cảm động lắm, tôi rơm rớm và nói bác phải lo sức khỏe chứ, bác có cần nghỉ ngơi không. Bác nói bác đến đây là thấy khỏe hơn nữa.

“Những kỷ niệm đẹp với khán giả như vậy làm tôi thêm phấn khởi để tiếp tục hoàn thiện mình lên mỗi ngày.”
Thiên Tôn nói anh mong sao mình sẽ có thêm nhiều khán giả trẻ yêu thích dòng nhạc thính phòng mà anh hát, vì âm nhạc Việt Nam đẹp lắm, nhất là những bài nhạc xưa. Nếu để mất đi nơi hải ngoại này thì đáng tiếc vô cùng.

Anh cho biết sau CD cá nhân mang chủ đề Hương Xưa và CD tam ca hát chung với Bằng Kiều và Đình Bảo, dự án nghệ thuật sắp tới sẽ thực hiện CD Thánh Ca, hiện Thiên Tôn đang bắt đầu chọn bài. Sẽ có những bài tiếng Latin, tiếng Anh có lời Việt, Thiên Tôn sẽ hát cả hai song ngữ. Hoặc những bài latin xưa rất hay, hát theo kiểu acapella. Đây là dự án nghệ thuật mà anh muốn làm từ lâu rồi, nhưng đến bây giờ mới có cơ hội.

Để thay lời tạm biệt trong phần trò chuyện của mình, Thiên Tôn nói, “Cám ơn nhật báo Viễn Đông tạo cơ hội cho tôi có cuộc phỏng vấn để trò chuyện với độc giả báo Viễn Đông.

Tôi cũng cám ơn tất cả những khán giả đã yêu thương tôi bấy lâu nay, tiếp tục ủng hộ tôi, lúc nào gặp gỡ thêm khán giả mới tôi rất vui, hạnh phúc, nhất là khán giả trẻ, thì thấy nền âm nhạc Việt vẫn còn tiếp tục tại hải ngoại. Tôi luôn mong muốn làm cây cầu giới thiệu những bài hát trong kho tàng âm nhạc Việt cho những bạn trẻ là tôi thấy hạnh phúc lắm. Mong khán giả tiếp tục ủng hộ và luôn thương mến Thiên Tôn!” (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT