Hôm Nay Ăn Gì

Cá suối chiên chanh sả

Thursday, 17/09/2020 - 07:05:42

Trong hai năm đi làm phim phóng sự, lội khắp đất nước, tiếp xúc nhiều người, nhiều cảnh đời, cỏ lẽ, người để lại ấn tượng thân thiết trong tôi nhất phải nhắc tới người miệt Tây Nam Bộ


Cá suối chiên giòn Sapa (Hình: Hoàng Việt Travel)

 



Bài TOM

Trong hai năm đi làm phim phóng sự, lội khắp đất nước, tiếp xúc nhiều người, nhiều cảnh đời, cỏ lẽ, người để lại ấn tượng thân thiết trong tôi nhất phải nhắc tới người miệt Tây Nam Bộ và người vùng núi Tây Bắc. Nếu người Tây Nam Bộ khảng khái và hào sảng bao nhiêu thì người miền núi phía Bắc trầm lặng và sống thật bấy nhiêu. Kẻ nào có ý định chơi xỏ lá mà gặp người Tây Nam Bộ hoặc người miền núi phía Bắc thì trúng đậm nhưng rồi sẽ không còn cơ hội chơi với họ lần sau. Và nếu nói về món ăn làm nhớ, có lẽ là món cá suối chiên giòn sả chanh của người Thái, Mường và HMông ở Tây Bắc. Đây là món dễ làm và dễ nhớ.

Lần đó, cách đây ba năm, tôi đến Sapa, cái cảm giác đầu tiên khi bước xuống Sapa, sau một đêm ngồi tàu hỏa từ Hà Nội lên Lào Cai, sau đó nghỉ ngơi, đến 6 giờ chiều thì lên xe đi Sapa, gần 7 giờ tối, bước chân xuống thị trấn cổ này, con trai tôi lạnh run cầm cập. Bà xã tôi choàng vội chiếc áo gió cho bé và cả gia đình chạy nhanh về khách sạn. May sao, chủ khách sạn là một người khá lịch thiệp và nhiệt tình, anh đến đón chúng tôi sớm nhất có thể, kéo vali giúp chúng tôi, kể ra cũng có chút ấm. Nhưng sáng hôm sau, khi đi dạo thị trấn Sapa thì hỡi ôi, bởi hàng hóa ở đây toàn hàng Tàu, thức ăn cũng của Tàu nhiều hơn xứ Việt, nhìn đâu cũng thấy Tàu. Thôi thì đi dạo một vòng, trở về khách sạn nghỉ ngơi để bắt xe đi qua thị trấn Bắc Hà. Bắc Hà là thị trấn cổ, gần với Trung Quốc hơn Sapa nhưng nghe đâu họ không chấp nhận hàng Tàu.



(Tom/ Viễn Đông)

May mà trên đất Sapa vẫn còn một chút gì đó để ấm áp, bữa cơm tối ở khách sạn, chủ khách sạn rót mời gia đình tôi một ly rượu táo mèo và một dĩa cá suối chiên giòn, khá ngon và thú vị. Nhưng lúc đó mệt quá, tôi chẳng kịp hỏi cách làm và cả nhà cũng không để ý gì cho mấy. Cho đến khi tới Bắc Hà, gặp Vàng Seo Bao mới thấy câu chuyện trở nên thú vị. Số là Vàng Seo Bao ở tận trên đỉnh Hoàng Thu Phố, cách thị trấn Bắc Hà chừng mười cây số đường đèo quanh co, nơi có những cây chè tuyết san ngàn năm tuổi, gốc sần sùi và giá lạnh nhưng mùi thơm của lá có thể khiến cho người ta không thể quên được cả nó và vùng đất nó sinh trưởng.

Ở chợ phiên Bắc Hà, chúng tôi gặp cơ man các loại hàng hóa thuần Việt, từ cái giỏ tre của người Thái, lưỡi cày gỗ, bộ khèn cho đến chợ chó, chợ trâu, chợ rượu ngô, chợ phong lan và chợ trái cây, toàn táo, lê, hồng Bắc Hà, trồng trên núi cao, da dẻ sần sùi, dáng dấp xấu xí nhưng vị ngọt và thơm khó tả… Buổi chiều, chúng tôi chạy xe máy lên Hoàng Thu Phố và ghé nhà Bao, bởi sáng đó anh chàng có mặt ở chợ bắc Hà, đi bán rượu ngô và lạc đỏ (đậu phụng đỏ màu huyết dụ, chỉ có ở Tây Bắc), gặp chúng tôi, trò chuyện, anh giới thiệu về Hoàng Thu Phố của anh và hẹn chúng tôi ở đây.


(Tom/ Viễn Đông)

Lần đầu tiên đi một con đường vòng vèo, nhỏ và nguy hiểm nhưng đẹp không thể tả, vì đi đâu cũng thấy trước mặt một bức tranh núi xanh, mây trắng và khói lam, gặp những đám ruộng bậc thang, gặp những ngôi nhà sàn lợp tranh vàng lấm tấm bên chân ruộng bậc thang, bên một gốc cổ thụ, cảnh cứ như trong mơ chứ không thực. Lên đến Hoàng Thu Phố thì gặp mưa, những mái nhà bốc khói càng khiến cho phong cảnh trở nên huyền bí. Chúng tôi gọi điện thoại cho Bao thì không có sóng, định quay trở về thì gặp Bao đứng ở ngã ba đầu bản, đón chúng tôi về nhà.

Ngồi nghe Bao kể chuyện thiếu nữ và trẻ em ở đây bị bắt cóc bán sang Trung Quốc, nhiều gia đình mất con vĩnh viễn, tự dưng thấy nghèn nghẹn vì chúng tôi vẫn ngỡ nơi này rất bình yên. Trò chuyện một lúc, Bao lấy mẻ cá suối, lấy một ít lá chanh và lá sả, phi chảo dầu lên và cho cá suối vào chiên, sau đó bỏ thêm sả xắt lát và lá chanh già vào. Bao chiên chưa đầy năm phút thì chảo cá đã chín vàng, giòn rụm. Chúng tôi lấy làm lạ vì để chiên số lượng cá nhiều như vậy trong một chiếc chảo nhỏ, chỉ bảo đảm chín không thôi cũng đã khó.



(Tom/ Viễn Đông)

Hình như đoán được thắc mắc của chúng tôi, Bao nói, “Nhờ lá chanh và sả nó đốt cá chín vàng đấy, dầu chỉ là cái cớ thôi!”

“Vậy nghĩa là sao Bao?” tôi hỏi.

“À, dầu phụng là tinh dầu của đậu phụng đúng không? Tinh dầu động phụng có nhiệt độ không cao lắm đâu, mình chỉ mượn nó thôi, tinh dầu sả và tinh dầu chanh mới là chất chính để chiên. Hai thứ này chiên cá nhanh giòn và thơm lắm. Tinh dầu đậu phụng chỉ là chất dẫn xuất hai loại kia thôi!”
Dĩa cá suối chiên giòn được mang ra, một ít rượu ngô, đương nhiên là tôi không dám uống bởi tôi chạy xe, chỉ ngồi nhấm nháp một chút cá, giờ thoải mái, mới thấy cá thơm, ngon và có hương vị đặc biệt. Khi chúng tôi ăn xong, gật gù khen cá suối ngon thì Bao mới cười ha hả, “Tao nói rồi, đâu phải lúc nào người Kinh cũng tinh ranh hơn bọn tao!”
“Vậy nghĩa là sao?”

“Là thực ra cá này là cá đồng bằng, tao mua để dành ngoài suối, nước suối lạnh, nó chết ba ngày vẫn còn tươi, còn cá suối dễ gì bắt được! Nói vậy để mày thấy là cá nào mà chiên theo công thức của người Mèo (HMong xanh) tụi tao cũng ngon cả!”

Chúng tôi tạm biệt Bao, một người bạn có họ hàng với vua Mèo, có đời sống khá thú vị, là chủ của vườn chè tuyết san ngàn năm tuổi mà có dịp tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác. Có lẽ, cách làm món cá suối chiên sả chanh, Bao đã nói rõ với quí vị rồi.

Xin cầu chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng và thú vị!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT