Thể Thao

Các đợt chuyển nhượng cầu thủ bóng đá Âu Châu kết thúc với hàng tỉ đô mua bán

Thursday, 03/09/2015 - 07:28:41

Những cầu thủ thuộc loại có giá như vậy thì tại sao đội có họ trong tay lại chịu nhả ra? Có khá nhiều lý do, nhưng tạm nêu ba lý do: Vì một lẽ nào đó, cầu thủ muốn đi có cái gì đấy không ăn ý với huấn luyện viên của mình, với đội của mình, và rộng hơn, với môi trường sinh hoạt nơi mình đầu quân.

Cầu thủ De Bruyne mà Manchester City mua của đội Wolfsburg với giá 76 triệu Euros. (Getty Images)

Các đợt chuyển nhượng cầu thủ bóng đá Âu Châu kết thúc với hàng tỉ đô mua bán

Bài THANH NGUYỄN

Gọi là “chuyển nhượng” cho lịch sự, bởi đàng nào thì tiếng Anh họ dùng chữ “transfers,” số nhiều, thế nhưng khi báo chí đúc kết tinh hình sau ngày 1 tháng 9 là ngày cuối của khung thời gian hạn định mà UEFA cho phép các đội banh trên toàn cõi châu Âu “chuyển nhượng” cầu thủ thì chả còn ai mập mờ gì nữa với những con số kết toán về “mua” và “bán.” Các “món hàng” không có gì khác hơn là cầu thủ bóng đá.

Chẳng hạn như người ta cho biết là bên Tây Ban Nha thì 20 đội của hiệp hội bóng đá hàng đầu trong nước - La Liga- đã chi ra tương đương $626 triệu Mỹ kim để “rước” - ta lịch sự thay cho chữ “mua” - cầu thủ về cho đội mình, và thu được tương đương $450 triệu sau khi “cho đi” – ta thay cho chữ “bán”- cầu thủ của đội mình cho đội khác.

Tình hình ở Premier League bên Anh, Ligue 1 bên Pháp, Bundesliga bên Đức, Seria A bên Ý thì cũng đại để như vậy, tuy có nơi thu nhiều hơn chi và ngược lại. Miễn không nên hiểu là các hiệp hội bóng đá làm ăn khấm khá hay không là từ số sai biệt giữa các khoản thu và chi vừa nêu. Nên hiểu những con số đó theo nghỉa “đầu tư.” Còn lời lỗ thực sự nơi tùng đội là ở những mặt hoạt động khác.

Chẳng hạn như Manchester United ở bên Anh vào những ngày chót của thời gian được phép “mua bán” đó mà có rước cậu Anthony Martial từ đội Monaco về với cái giá khiến cho giới bình luận về bóng đá từ Pháp qua Anh, và cả Âu Châu, sững sờ là trên $49 triệu đồng Euros để về phụ với Wayne Rooney trong vai tiền đạo trên sân thì mục đích không có gì khác hơn là đội M.U. có thắng nhiều trận trong và ngoài nước thì mới kiếm tiền được ở các mặt khác.

Và cũng chính vì cái vụ chuyển nhượng cầu thủ vào mùa Hè giữa hai mùa bóng mà khi các đội trở lại sân cỏ trong mấy tuần vừa qua chẳng hạn để bắt đầu mùa bóng mới thì những ai hâm mộ đội này hay đội kia bên Âu Châu, cũng như các nơi khác trên thế giới, đều cần phải giương mắt mà xem cho thật kỹ xem cái đội mình ngưỡng mộ năm trước và những năm trước nữa có còn đúng là nó hay không. Tức là phải chịu khó nhìn kỹ xem có đúng từng ấy gương mặt hay không. Bởi sự thể, chắc chắn 100 %, là tất cả những tên tuổi cùng gương mặt mình quen thuộc trong năm trước thì nay một số đã ra đi không hẹn ngày trở lại!

Ta cứ tính như sau. Các hiệp hội bóng đá Âu Châu, từ Premier League qua Ligue 1, Bundesliga, Serie A, La Liga thì hiệp hội nào, ở những nhóm hàng đầu đó cũng đều có chừng 20 đội. Mỗi đội, tùy giàu nghèo, đều có trung bình từ 24 đến 26 cầu thủ dưới trướng.

Manchester United là đội giàu nhất bên Anh thì có khả năng nuôi một lúc đến 30 cầu thủ; trong khi Bayern Munich và Juventus “chỉ có” được 29. Nhân con số trung bình 24 với 20 đội thì chẳng hạn như bên Anh, ta có tổng cộng khoảng 480 cầu thủ. Vậy thì trong mùa Hè vừa rồi con số các cầu thủ đã rời khỏi đội mình để đi đội khác trong cũng như ngoài nước ở Premier League là 149 tính cho đến ngày giờ này. Tức là 31% của tổng số. Gần 1/3 của tổng số thì tức là trung bình cứ mỗi đội có khoảng ¼ cầu thủ không còn ở đội cũ của mình.

Có một câu hỏi cần được nêu ra, thế nhưng trước đấy ta cần có vài số liệu để “làm nền” cái đã!

Baba Rahman từ đội Augsburg qua Chelsea với cái giá 26.8 triệu Euros. Pedro Rodriguez từ Barcelona qua Chelsea: 27 triệu. Christian Benteke từ Aston Villa qua Liverpool: 46.5 triệu. Roberto Firmino từ Hoffenheim qua Liverpool: 41 triệu. Nicolas Otamendi từ Valencia qua Manchester City: 45 triệu. De Bruyne từ Wolfsburg qua Manchester City: 76 triệu. Raheem Sterling từ Liverpool qua Manchester City: 69.4 triệu. Anthony Martial từ Monaco qua Chelsea: 49 triệu. Morgan Schneiderlin từ Southampton qua Manchester City: 35 triệu. Bastian Schweinsteiger từ Bayern Munich qua Manchester United: 20.25 triệu.

Trên đây là 10 trường hợp tiêu biểu đối với Premier League bên Anh, với những giá chuyển nhượng cao nhất.

Vậy thì câu hỏi được nêu ra: Những cầu thủ thuộc loại có giá như vậy thì tại sao đội có họ trong tay lại chịu nhả ra? Có khá nhiều lý do, nhưng tạm nêu ba lý do: Vì một lẽ nào đó, cầu thủ muốn đi có cái gì đấy không ăn ý với huấn luyện viên của mình, với đội của mình, và rộng hơn, với môi trường sinh hoạt nơi mình đầu quân.

Thứ hai: Mỗi cầu thủ đều chuyên về một vị trí trên sân cỏ; người chuyên chạy tiền đạo, người chuyên chạy hàng trung vệ, người chuyên thủ ở tuyến hậu vệ. Chẳng hạn như đội Manchester United tiếng tăm như thế, với đạo quân có tiếng như vậy, thế nhưng hàng trung vệ vẫn không có một đôi người cho thật vững để vừa đảm trách tuyến đầu phòng vệ, vừa nhạy bén trong việc điều phối trận đấu, biết đường mà cung cấp ban cho hàng tiền đạo làm bàn cũng như hỗ trợ tiền đạo để tấn công làm bàn.

Tức là: “Tôi thiếu nhân vật này mà anh có nhưng anh có dư thì tôi mua của anh”! Ngoài chuyện “dư” hay “thiếu” lại còn chuyện khác, quan trọng hơn: Đá banh là một trò đồng đội. Một cầu thủ có tài thế nhưng nếu đứng chung với đội ngũ này thì có khi lại không hữu hiệu như khi đứng chung với đội ngũ kia. Angel Di Maria, cầu thủ người Argentina khi ở với Real Madrid thì rất hữu hiệu, nhưng huấn luyện viên Ancelotti thấy tin tưởng vào một trung vệ khác hơn là Di Maria thì Di Maria đành phải tìm đường qua Manchester United, nhưng qua đến đấy thì lại không còn hữu hiệu như khi ở với Real Madrid cho nên M.U. tìm cách bán cậu ta cho Paris Saint Germain.

Để coi xem người Argentina chơi với người Tây Ban Nha của Real Madrid thì hữu hiệu, qua đến bên Anh với đám cầu thủ người Anh thì kém hữu hiệu; bây giờ qua chơi với các đồng đội người Pháp sẽ ra sao thì mùa bóng 2015-16 này ta mới biết được. Và lý do thứ ba thì cũng không qua khỏi chuyện tính toán hơn thiệt về tổ chức đội ngũ và chuyện tiền nong. Ngân quỹ đang có vấn đề mà bán được một cầu thủ chừng 70 triệu Euros thì còn đợi gì mà không bán? Xong rồi thì mua về một anh nào đấy rẻ hơn nhưng huấn luyện viên của mình vẫn cho là “xài được” thì cứ việc mua!

Cầu thủ Anthony Martial mà Manchester United mua của Monaco với giá 49 triệu Euros. (Getty Images)

Nhưng chỉ có thủ môn De Gea ở đội Manchester United là vừa rồi thiệt thòi hơn cả. De Gea là thủ môn cho đội tuyển quốc gia của Tây Ban Nha. Tức là phải thế nào thì đội tuyển quốc gia người ta mới chọn làm thủ môn. Bởi thế mà Real Madrid mới thủ thỉ với De Gea: “Cậu là dân Tây Ban Nha thì về đây với bọn tớ chứ ở mãi bên đó làm cái gì?”

De Gea cũng muốn về, thế nhưng Manchester United đòi giá cao. Đôi bên kỳ kèo bớt một thêm hai, đến khi ngã giá đâu đó xong xuôi thì thủ tục giấy tờ phía M.U. trễ nải, hết hạn chuyển giao thì Real Madrid cũng đành trơ mắt ếch ra mà không rước được De Gea trong khi Manchester United đã sẵn sàng bán nhưng lại không bán được. Mà không bán được thì năm tới đây De Gea thênh thang quay về xứ với Real Madrid mà Manchester United chẳng được một xu teng nào vì người ta đã mãn hợp đồng!

Bởi thế mà vừa rồi Manchester United đang rầu rĩ về vụ đấu 4 trận thắng 2 hòa 1 thua 1, đứng hạng 5 trong Premier League thì báo chí bên Anh lại cứ thế bới móc, chỉ trích là “món hời” có thể bán được thì lại không lo bán, để đến giờ chót thì mua về cái món Anthony Martial của Monaco với cái giá 49 triệu Euros mà báo chí họ cho là cái giá “điên khùng”! (tn)

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT