Mẹo Vặt

Các dưỡng chất chính cho cây vườn: NPK

Thursday, 19/10/2017 - 08:38:56

Ông bà mình có câu “trời sinh voi sinh cỏ,” nhưng các thầy cô bảo rằng câu nói ấy bây giờ chỉ còn ý nghĩa tinh thần mà thôi, chứ thực tế nếu chỉ dựa vào dưỡng chất có sẵn trong thiên nhiên thì chắc chắn hằng tỷ người trên thế giới sẽ... chết đói.

Bài VŨ HẰNG

Trong công tác săn sóc vườn tược, Hằng đã nhiều lần nhắc tới NPK, là những ký hiệu mà các bạn thường thấy ghi rõ trên các bao phân bón bán ngoài cửa hàng. Bàn luận về việc tận dụng lá vàng, vỏ vụn… để làm mulch mới đây, em cũng nhiều lần nhắc các bạn: Coi chừng! Đừng để mulch giành N với cây. Như vậy, N hoặc NPK phải là cái gì quan trọng lắm. Nhưng nó quan trọng tới mức nào, có thể đo lường được không?

NPK và sự phát triển của cây

Nói một cách vắn tắt, NPK là ký hiệu của ba dưỡng chất chính rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của cây, nhưng ở từng giai đoạn, thứ này có thể cần nhiều hơn thứ kia. Đây là những dưỡng chất thiết yếu mà nếu không được cung cấp đủ, cây cối sẽ èo uột, chậm sinh hoa kết quả, và trở nên yếu đuối khi gặp thời tiết khắc nghiệt hoặc sâu rầy tấn công.


Ba dưỡng chất căn bản: NPK

Không một thứ cây nào trong thiên nhiên không cần NPK. Trong công nghiệp nuôi trồng, nhà nông đương nhiên cần tới rất nhiều NPK mới có được mùa màng tươi tốt, cung ứng đủ rau trái và ngũ cốc cho thị trường.
Những dưỡng chất này ở đâu ra? Chúng là sản phẩm của thiên nhiên, có sẵn trong đất. Không kể các thứ cây dại mọc trong rừng núi, còn các thứ cây nông nghiệp như rau, trái, lúa, gạo… thì không thể chỉ trông nhờ vào nguồn dưỡng chất có sẵn trong đất. Bởi vì, có thể khu đất chúng ta làm chủ tự nó không đủ dưỡng chất, hoặc đã được canh tác quá nhiều, mùa màng đời trước ăn hết dưỡng chất, đất trở nên khô cắn chẳng còn gì bồi bỏ cho mùa màng đời sau.

Ông bà mình có câu “trời sinh voi sinh cỏ,” nhưng các thầy cô bảo rằng câu nói ấy bây giờ chỉ còn ý nghĩa tinh thần mà thôi, chứ thực tế nếu chỉ dựa vào dưỡng chất có sẵn trong thiên nhiên thì chắc chắn hằng tỷ người trên thế giới sẽ... chết đói.


Tác dụng của từng loại dưỡng chất đối với cây

May thay, các khoa học gia trong ngành nông nghiệp đã kịp thời khám phá và gọi ra tên của từng thứ dưỡng chất cần thiết. Đó là Nitrogen (N), Phosphorous (P) và Potassium (K). Và kỳ diệu hơn nữa, các bậc sư phụ của chúng ta còn có thể gom được đủ yếu tố cần thiết để chế biến ra Nitrogen, Phosphorous và Potassium. Theo các thầy cô trong Trung Tâm Quốc Tế Phát Triển Phân Bón (IFDC) thì có tới nửa phần nhân loại hiện nay sống được là nhờ ngành công nghiệp thực phẩm đã khám phá ra vai trò của dưỡng chất và tận dụng được chúng trong công tác nuôi trồng các loại cây thực phẩm.

Những thứ “trân châu bảo ngọc” này bây giờ đã lan tràn mọi nơi, mà bất cứ ai – dù nông dân thứ thiệt hay chỉ là người làm vườn a-ma-tưa – cũng có thể dễ dàng mua được từ trong các khu Gardens của các cửa hàng lớn như Walmart, Target, Home Depot, Lowes…. Chúng ta thử tìm hiểu vai trò của từng loại dưỡng chất này thế nào nhé!


Nitrogen (N) cần cho cây lá lên xanh

Vai trò Nitrogen

Nói một cách vắn tắt, Nitrogen cần thiết khi cây đang... tuổi ăn tuổi lớn, cần thiết cho mọi nhu cầu phát triển, như tiếp sức cho cây đơm lá, tăng cường khả năng chống lại bệnh tật, sâu rầy. Cụ thể, bạn có thể thấy sự hiện diện rõ nét của Nitrogen trong những tàng lá xanh rậm rịt. Bạn để ý hai chữ: Xanh và Rậm Rịt. Nghĩa là, nếu lá trổ ra vàng vọt hay thưa thớt, ấy là dấu hiệu cây thiếu Nitrogen. Lá vàng, thưa thớt thì làm sao cây đủ mạnh để đơm hoa, kết trái?

Tất cả mọi loài cây cối thảo mộc đều cần Nitrogen. Một cuộc nghiên cứu của các thầy cô trong ngành nuôi trồng cho biết, không có Nitrogen, lượng thâu hoạch ngô bắp sẽ giảm 41%, gạo giảm 37%, lúa mì giảm 16%. Các bạn thấy Nitrogen quan trọng ghê chưa?


Ký hiệu và dung lượng NPK được trình bày rõ ràng trên bao bì

Vai trò Phosphorus

Phosphorous (P) giúp cho rễ phát triển, kết củ, cây trổ hoa đơm trái, … tăng sức mạnh chống lại bệnh tật. Thiếu P, cây cối lùn tịt, lẹt đẹt, chẳng sao lớn được. Nuôi cho đến già cũng chẳng thấy nở hoa, kết trái. Bởi vì, cây yếu ngay từ dưới rễ, hệ biến dưỡng thực phẩm không làm việc hiệu quả, khiến mọi thành phần của cây đều thiếu ăn, ốm đói.

Vai trò Potassium

Potassium (K) điều hòa khả năng biến dưỡng, điều hòa áp lực cũng như thông thương của nước bên trong các tế bào, và giữa các tế bào thân cây. K cũng cần thiết cho sự phát triển của rễ, tăng cường sức chống bệnh của cây.

Đầy đủ và sung mãn K, cây cối mới khỏe mạnh, tán lá rộng, sắc màu lung linh, trổ hoa rực rỡ, quả lành, quả ngọt. Được định nghĩa là “phẩm chất của cây,” thiếu K thì cây sẽ còi cọc, thâu hoạch kém cỏi.
Tóm lại, ba dưỡng chất vừa kể đều là thiết yếu. Rất may, chỉ có 3 chứ không phải là 30, nên dễ nhớ cho những nhà vườn tài tử như chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải đánh giá đúng vai trò của từng loại, và cung ứng đúng mức cho cây, bằng cách nâng cao khả năng tổng hợp của đất, hoặc tiếp nạp dưỡng chất qua phân tổng hợp. Có đủ ba chất này thì cây xanh, hoa lành, trái ngọt… sẽ là phần thưởng đương nhiên, không thể không có.

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT