Thế Giới

Các sư Thái Lan bị bệnh vì sự cúng dường của dân

Sunday, 03/06/2018 - 10:06:42

Theo truyền thống, các nhà sư và những người mới tu rời khỏi chùa lúc sắp bình minh, và đi bộ trì bình trên đường phố đón nhận thức ăn trong bình bát.


Bà Somwong Palakawong đã cẩn thận, chỉ cúng dường món rau cho các sư. (ABC Úc)

BANGKOK – Giới luật đối với tu sĩ Phật Giáo đang khiến các nhà sư tại Thái Lan bị mập ra, và đáng ngại hơn nữa là họ bị những chứng bệnh liên quan đến đường và tiểu đường. Theo giới luật, những người tu theo Nguyên Thủy Nam Tông không được ăn sau giờ ngọ, tức là sau 12 giờ trưa, và họ chỉ được ăn một bữa lớn trước ngọ.

Giới luật từ ngàn xưa này đang gây bệnh cho các nhà sư tại Thái Lan. Theo một bài phóng sự của chương trình sức khỏe đài ABC tại Úc, giới luật về việc thọ trai đang làm cho các nhà sư mập ra, vì những loại thức uống thời nay có nhiều chất đường.

Một nữ chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu tại Thái Lan cho biết, những dữ kiện mới nhất cho thấy 48 phần trăm trong tổng số sư sãi tại nước này đã bị béo phì, và hơn 10 phần trăm mắc bệnh tiểu đường.
“Nhiều nhà sư bị béo phì hoặc có vấn đề với đầu gối hoặc chân,” Sư Phra Sajjayanoe, 34 tuổi, nói với đài ABC. Sư này đang tu gieo duyên, tạm ngưng công việc sửa xe đạp để trở thành một tu sĩ trong mấy tuần. Sư cho biết thêm, “Một số tu sĩ bị tiểu đường và bị cưa cụt chân, nên họ không thể bước đi được.”
Khi các nhà nghiên cứu khảo sát về thói quen ăn uống của các nhà sư, ban đầu họ thấy khó hiểu về việc nhiều nhà sư bị tiểu đường hoặc bị mập phì, mặc dù lượng calotie tiêu thụ gần bằng những người không tu.
Các chuyên gia ghi nhận tổng khối lượng calorie của các nhà sư (1,350) là gần bằng tổng số lượng của nam giới người Thái Lan ở Bangkok (1,500).

“Khi chúng tôi thực sự nghiên cứu về vấn đề này, chúng tôi ngạc nhiên khi khám phá thủ phạm là nước uống,” nữ chuyên gia dinh dưỡng Jongjit Angkatavanich, từ Khoa Dinh Dưỡng Và Cách Ăn Uống của Đại Học Chulalongkorn giải thích.

Các nhà sư bị cấm ăn sau giữa trưa, nhưng nhiều vị được phép uống nước ngọt để duy trì năng lượng trong cơ thể.

Bà Jongjit nói, “Trong Phật giáo, chúng tôi gọi đó là panna (dược thực), thuật ngữ tiếng Pali để chỉ thức uống mà các nhà sư được phép uống sau giờ ngọ. Nhưng hiện giờ loại thức uống được dâng cho các sư đã thực sự thay đổi... nó là nước soda, nó là thức uống chứa chất đường.”

Bà so sánh vấn đề béo phì của các nhà sư Thái Lan với vấn đề tương tự của các thanh thiếu niên Mỹ được nuôi lớn bằng thức ăn nhanh và nước ngọt giải khát.

Bà Jongit nói, một vấn đề khác là phẩm chất của thực phẩm được cúng dường cho các nhà sư.
Theo truyền thống, các nhà sư và những người mới tu rời khỏi chùa lúc sắp bình minh, và đi bộ trì bình trên đường phố đón nhận thức ăn trong bình bát.

Sự hỗ trợ của cộng đồng cho ngôi chùa địa phương của họ rất thịnh đạt, ngay cả ở thủ đô.
Một người cúng dường là bà Somwong Palakawong. Bà nói, “Tôi thường dâng đồ chấm có gia vị và rau quả, nhưng không cúng cà ri hay thức ăn có chất dầu.” Bà thường đặt các món rau  trong bình bát của các sư.
Bà Somwong nói, “Tôi sẽ không dâng cúng những món tráng miệng ngọt, vì nó sẽ làm cho các sư béo ra.”
Nhưng không phải tất cả những người thí thực đều cẩn thận như bà Somwong.
Sư Phra Sajjayanoe nói, “Một số thực phẩm có quá nhiều bột ngọt gây ra bệnh tật và béo phì. Đôi khi cơm và cà ri bị thiu... hoặc món tráng miệng bị mốc.”

Trước tình trạng như vậy, một số nhà sư đã tránh được những cạm bẫy thời đại, vẫn giữ được thân hình thon gọn và sống lâu hơn cả tuổi thọ trung bình của người Thái Lam.
Sư Phra Samusupan, 90 tuổi, cho biết bí quyết của sư là tránh ăn thức ăn cay. Sư nói, “Các nhà sư nên ăn đúng lượng thực phẩm, ăn vừa đủ no, đừng ăn quá nhiều.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT