Người Việt Khắp Nơi

Các trường Quận Cam thiếu lớp tiếng Việt dù dân số gia tăng

Thursday, 20/10/2011 - 08:46:44

Số lượng những người Mỹ gốc Á Châu ở Quận Cam đang tăng lên, nhưng không nhất thiết là họ được đại diện trong chương trình học ngoại ngữ tại các trường công lập địa phương.

Vanessa White/Viễn Đông


Trường trung học La Quinta tham gia diễn hành Tết Canh Dần 2010 trên phố Bolsa -
ảnh tài liệu: Vi Lang/Viễn Đông

QUẬN CAM, California – Số lượng những người Mỹ gốc Á Châu ở Quận Cam đang tăng lên, nhưng không nhất thiết là họ được đại diện trong chương trình học ngoại ngữ tại các trường công lập địa phương. Nói một cách thiết thực hơn, số dân Việt Nam thiếu mất một sự đại diện như thế.
Quận Cam là nơi có đông người Việt nhất, ở bên ngoài nước Việt Nam, và có thể trở thành một tiểu nhóm lớn nhất của những người gốc Á Châu tại tiểu bang California, tính cho đến năm 2030, theo một bản phúc trình Đánh Giá Nhu Cầu Quận Cam (OCHNA) năm 2010 dự đoán. Còn thống kê dân số Hoa Kỳ năm 2010 cho thấy có trên 183.000 người Việt Nam sinh sống tại Quận Cam, tăng 35,6 phần trăm từ kết quả thống kê dân số năm 2000.
Từ cuối thập niên 1970, số lượng những người Việt Nam càng ngày càng gia tăng ở Quận Cam, hiện nay chiếm hơn 6 phần trăm dân số Quận Cam.
Mặc dù được phân bố phần lớn ở hai thành phố Garden Grove và Westminster, dân số gốc Việt được phân tán trên khắp Quận Cam. Tuy nhiên, chỉ những nơi nào đông người Việt Nam cư ngụ nhất thì nơi đó mới có những lớp tiếng Việt trong các trường công lập.

* Các trường công mở lớp Việt ngữ
Trường trung học Bolsa Grande High School (HS) ở Garden Grove, cũng như hai trường trung học La Quinta HS và Westminster HS ở Westminster là những trường trung học công lập duy nhất tại Quận Cam có mở các lớp dạy tiếng Việt cho học sinh của trường. Westminster HS, thuộc Học Khu Huntington Beach High School District (HBUHSD), đã cho thêm môn Việt ngữ vào trong chương trình dạy các ngoại ngữ thế giới trong năm 1999. Trong khi đó, trường Bolsa Grande và La Quinta đưa thêm môn tiếng Việt vào chương trình vào năm 2002.
Trường Bolsa Grande và LaQuinta thêm lớp tiếng Việt sau khi các phụ huynh nói với các giới chức nhà trường rằng các em học sinh người Mỹ gốc Việt, chiếm hơn một phân nửa trong tổng số học sinh của cả hai trường này, đều không học tiếng mẹ đẻ của mình.

* Ai học lớp Việt ngữ?
Giáo viên dạy tiếng Việt tại trường trung học La Quinta, ông Leon Nguyễn, nói với nhật báo Viễn Đông rằng trong các lớp tiếng Việt bậc 1 và bậc 2 mà ông giảng dạy, có sĩ số từ 42-48 học sinh, có đến 90 phần trăm là học sinh người Mỹ gốc Việt sinh ở Hoa Kỳ; trong khi 9 phần trăm là học sinh Việt Nam sinh ở Việt Nam, và 1 phần trăm là học sinh không phải người Việt Nam.
Tất cả những học sinh nào muốn tốt nghiệp một trường trung học công lập ở California đều phải học một ngoại ngữ, hoặc học một lớp nghệ thuật thị giác và diễn xuất, trong vòng ít nhất một năm. Điều này có nghĩa là tất cả các học sinh trung học ở California đều có cơ hội học tiếng Việt trong ít nhất là một năm. Tuy nhiên, họ có thể có hơn một cơ hội để học tiếng Việt, vì việc nhập học vào trường đại học trong hệ thống công lập California State University (CSU) đòi buộc các sinh viên phải theo học cùng một thứ ngoại ngữ trong íùt nhất hai năm. Muốn vào học tại trường đại học thuộc hệ thống University of California (UC), các học sinh cũng phải bỏ ra ít nhất hai năm để học cùng một ngoại ngữ, mặc dù trường đề nghị họ học ba năm.
Nếu các học sinh chọn tiếng Việt làm một ngoại ngữ, thì chương trình học của họ sẽ tập trung vào việc phát triển những năng khiếu nghe, nói, đọc và viết tiếng Việt, cũng như tiếp xúc với nền văn hóa Việt Nam.

* Những trở ngại cho việc mở lớp tiếng Việt ở các trường công
Tiến Sĩ Đặng Võ Thúy, người đứng đầu công việc thu thập dữ liệu cho Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt tại đại học UC Irvine, nói với nhật báo Viễn Đông rằng giới trẻ Mỹ gốc Việt có thể cảm thấy một sự đứt đoạn với ngôn ngữ và văn hóa của tổ tiên mình. Bà nói tiếp rằng một số cha mẹ người Việt muốn cung cấp cho học mình những tiền đồ tương lai tại Hoa Kỳ, chứ không cố thủ mãi trong một nước Việt Nam của quá khứ. TS. Thúy nói với Viễn Đông: “Các bậc cha mẹ không kể cho con cái biết nhiều về Việt Nam và cuộc sống của họ trước khi di cư”. Bà nói thêm rằng nhận thức về dĩ vãng sẽ đem lại cho giới trẻ người Mỹ gốc Việt một quan hệ mật thiết với ngôn ngữ và văn hóa của tổ tiên họ.
Thế nhưng có những mối trở ngại khác, ngăn chặn chuyện các trường mở lớp dạy tiếng Việt như là một ngoại ngữ. Vì các ngôn ngữ Á Châu, như tiếng Việt, Hàn ngữ, Hoa ngữ và tiếng Nhật, từ trước đến nay đều không được đem ra dạy cho học sinh như những thứ ngoại ngữ truyền thống Đức, Pháp và Tây Ban Nha, cho nên không có sẵn nhiều loại sách giáo khoa để lựa chọn, hoặc không có những chương trình kiểu mẫu để noi theo.
Ngoài ra còn có một chướng ngại khác, liên quan tới vấn đề chọn phương ngữ nào của tiếng Việt để dạy cho học sinh, vì Việt ngữ có nhiều giọng địa phương khác nhau.
Ông Leon nói với Viễn Đông: “Tôi cố gắng dạy cả hai phương ngữ trong lớp của tôi. Tuy nhiên, khi phát âm, tôi thường thiên về giọng miền Bắc, bởi vì cách phát âm kiểu này chính xác hơn và rõ ràng hơn khi nói chuyện”.

* Ý tưởng để suy gẫm
Liệu việc mở các lớp tiếng Việt tại ba trường nói trên, có giúp được hay không cho những học sinh người Mỹ gốc Việt đang học ở các trường này nối kết được với di sản văn hóa của họ, thông qua ngôn ngữ? - (VW)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT