Mẹo Vặt

Cách trồng hoa giấy

Tuesday, 19/04/2011 - 07:18:51

Thấy Hằng nói loanh quanh líu cả lưỡi cũng không ra khỏi chữ “giấy”, ông xã em mới giúp thêm một lời, “Nói một cách khác đó là đồ thật, ...

Vũ Hằng/Viễn Đông

Tên gọi hoa giấy nhưng đây là hoa thật, hoa mọc trong trời đất, chứ không phải là hoa… giấy.


Thấy Hằng nói loanh quanh líu cả lưỡi cũng không ra khỏi chữ “giấy”, ông xã em mới giúp thêm một lời, “Nói một cách khác đó là đồ thật, không phải là… đồ sơn chứ gì. Vậy thì anh hiểu rồi!”
Chắc các bạn cũng hiểu ý em như vậy. Chả là vì, mấy hôm trước Hằng học được một trường hợp rất ngộ: Một bạn đọc cho biết là ảnh có 2 cây “bông giấy”, một cây thì ít lá mà nhiều hoa,còn cây kia chỉ toàn lá nhưng lại ít hoa. Hằng xin đăng lên đây để bạn nào có cách làm cho cả 2 cây đều có nhiều hoa được thì mách giúp nhé.
Riêng Hằng nghĩ rằng, trường hợp ấy nghe có vẻ nan giải nhưng chắc chắn phải có một lý do, chứ ông trời đâu có thể “con yêu con ghét” khơi khơi như vậy được. Nhưng trước hết Hằng đề nghị mình nên bỏ chút giờ tìm hiểu về hoa giấy đã nhé.

* Hữu sắc vô hương

Hoa giấy có nhiều màu khác nhau giữa cây này với cây khác. Nhưng một cây có thể có nhiều hoa khác màu, một đóa hoa có nhiều cánh khác màu, thậm chí một cánh hoa cũng có thể có nhiều phần khác màu. Tuyệt vời là thế!
Người mình hay trồng hoa giấy làm hàng rào do thân cây lớn mà lại có thể uốn lượn làm thành một tường hoa bảo vệ vững chắc quanh nhà. Điệu đà hơn, bạn có thể trồng hoa giấy trong chậu, đặt hai bên lối đi dẫn vào nhà, khiến cho bước chân chúng ta thung thăng như lạc vào tiên giới. Đẹp thế, nhưng tiếc một điều là hoa giấy không có hương, tiêu biểu của loài “hữu sắc vô hương”, chắc vì vậy mà bị thiên hạ gọi là “giấy” chăng?

* Tắm nắng đầy đủ

Nói về trồng hoa giấy, bạn nên để ý những điểm sau:
Ưa nắng: Hoa giấy có nguồn gốc từ Brazil, là đất nước vùng nhiệt đới. Nên hoa giấy cần tắm nắng ít nhất 6 tiếng một ngày trong khí hậu ấm áp (từ 70 tới 85 độ F vào ban ngày, và 60 tới 70 độ vào ban đêm), rất thích hợp với trời đất nam California. Nếu cây của bạn không trổ bông thì xem lại, có phải nó ở trong vùng râm mát, không đủ thời gian tắm nắng hay không.
Tưới nước: Hoa giấy không thích bị “ướt giò”, tức là sũng nước quá lâu. Thực ra, cũng chẳng có mấy loại cây thích sũng nước cả. Chính vì thế, đất phải có độ tháo nước thích hợp (well-drained) để khi tưới, nước có thể thấm xuống tới tận rễ và mau chóng thoát đi nơi khác. Không nên dùng vòi tưới theo chu kỳ tự động mà phải xem để biết chắc đất đã khô hẳn nước chưa trước khi tưới lần tiếp theo.
Bón phân: Khi cây đã trổ hoa, để sắc hoa lâu bền, bạn có thể bón phân NPK theo công thức 10-10-30. Không bao giờ bón phân vào đất khô, mà luôn luôn hòa loãng phân với nước. Khi hoa tàn rồi, để chuẩn bị cho chu kỳ nở kế tiếp, bạn bón phân NPK trở lại theo công thức 20-20-20, tưới ít để giữ ẩm cho cây, chờ cây đâm chồi cho đợt nở hoa kế tiếp.

* Thích bị bạc đãi?
Ai trồng hoa giấy cũng để ý điều này, đó là đất dưới gốc cây trông có vẻ rất khô khan cằn cỗi. Đúng vậy, và đây là bí quyết để hoa giấy trổ bông: Hoa giấy thích bị... bạc đãi! Vì cây càng tốt thì càng khó ra hoa.
Nguyên tắc chung là lúc đầu nên chăm bón để cho cây lớn khỏe, xanh tốt, nhưng khi lá ra đã gần kín rồi, thì bạn nên ngưng lại, đừng chăm sóc tưới tắm gì nữa, mục đích để cho đất cằn khô và điều kiện sống... khắc khổ.
Nếu cây đã sống lâu năm, nhưng mùa này cây lại tỏ ra xanh tốt khác thường, với những lá to và xanh đậm, thì bạn nên hái bớt lá, chỉ để lại khoảng non nửa số lá, để kích thích cho cây ra hoa.
Nếu là cây mới trồng lại trong bồn thì nên chăm sóc cho cây bén rễ, sống ổn định rồi thì nhặt bỏ hết các lá cũ. Tiếp tục săn sóc cho đến khi cây nẩy chồi thì dừng lại, đừng tưới bón gì nữa. Mục đích là để cho đất trong bồn khô cằn, thúc ép cho cây nảy hoa. Khi hoa đã nở đều trên cây, bạn có thể tưới nước trở lại để giữ cho hoa được tươi lâu và bảo tồn được màu sắc.
Trở về câu hỏi được nêu ra trên đây, Hằng thấy bạn chưa nói rõ về tình cảnh hai cây, chẳng hạn có trồng gần nhau không? Có cây nào ở trong bóng râm không? Độ “tắm nắng” có đủ không?.... Nếu tất cả mọi yếu tố tác động bên ngoài giống nhau mà kết quả lại khác, thì bạn còn một cách: Thử đất để xem các dưỡng chất nuôi cây khác nhau về điểm nào, nhờ đó mình mới biết đường mà gia giảm về phân bón.

Vuhang231@yahoo.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT