Người Việt Khắp Nơi

Cái chết của một phụ nữ Việt không ai hay biết, ngoại trừ một người

Monday, 30/05/2016 - 11:58:40

Phụ nữ trong chuyện là một thuyền nhân, từng đến Úc tị nạn đầu thập niên 1980. Cô sống một mình tại thành phố Brisbane ở đông bắc nước Úc, không bà con quyến thuộc nào nơi xứ người.

Cho tới ba tuần sau khi Nguyễn Thiếu Vân qua đời thì mới có người gọi báo cảnh sát cô đã mất tích. Đây là câu chuyện của Vân, được báo Brisbane Courier Mail viết lại trong mục hình sự vào tuần cuối cùng của tháng Năm 2016, kể lại một mối tình buồn xảy ra gần bốn thập niên trước. Qua câu chuyện này, người đọc cũng thấy được một phần nào hoàn cảnh của người tị nạn thuở ban đầu mới thoát khỏi chế độ cộng sản Việt Nam.

 


Nguyễn Thiếu Vân



Cao Mộc Liên và vợ con



Phụ nữ trong chuyện là một thuyền nhân, từng đến Úc tị nạn đầu thập niên 1980. Cô sống một mình tại thành phố Brisbane ở đông bắc nước Úc, không bà con quyến thuộc nào nơi xứ người.

Tuy sống chung nhà với một người khác, người này đi làm giờ giấc khác biệt với Vân, nên cả hai cũng rất ít khi gặp nhau. Mặc dù Vân có vài người bạn sống ở Úc, những người ấy cũng không biết cô đã đi đâu, và chính bản thân họ cũng ngại tiếp xúc với nhà chức trách khi họ nghi ngờ cô đã biến mất một cách bất thường.

Vân chuyên may yếm tại một xưởng may ở thị xã Hendra. Tại xưởng này, cuối cùng thì một người sếp đã gọi báo cảnh sát vì không thấy Vân đến làm trong một thời gian quá lâu.

Ngay từ lúc mở hồ sơ điều tra, các thám tử đã xem sự mất tích của Nguyễn Thiếu Vân là một án mạng. Tại sao vậy?

Lần cuối cùng có người thấy cô Vân 22 tuổi còn sống là ngày 17 tháng Năm, 1982. Lúc đó cô nói với một người sống chung nhà tại đường Baxter Street, Fortitude Valley rằng cô đi đến lớp học Anh Văn.

Ngoài dữ kiện đó, các thám tử thấy trương mục trong ngân hàng của Vân vẫn còn nguyên, không có gì thay đổi trong nhiều ngày, và cô rời nhà chỉ với một bộ quần áo trên người với một chút tiền mặt.
Chánh Thanh Tra Merv Hoppner kể lại với báo chí hồi đó, “Chúng tôi đã có nhiều thám tử làm việc trong vụ án này. Chúng tôi điều tra từ nơi đây (Brisbane) đến tận Gold Coast. Thế nhưng chẳng tìm thấy dấu vết gì của cô ấy.”

“Chúng tôi biết một dữ kiện là cô không liên lạc với cha mẹ, và đó là một điều bất thường vì trước đó cô vẫn thường tìm cách liên lạc với các thân nhân.”

Trở ngại lớn nhất mà cảnh sát gặp trong cuộc điều tra là trở ngại ngôn ngữ khi họ tiếp xúc với các nhân chứng. Cảnh sát nhận thấy người Việt trong cộng đồng ở đây tuy cùng nói tiếng Việt nhưng có giọng nói từ các miền khác nhau. Và vì vậy cảnh sát cần phải có thông dịch viên từng miền cho các nhân chứng.
Các bạn của Vân cho rằng cô chết một mình, qua đời trong nỗi buồn của riêng cô.

Với cuộc sống đơn chiếc ở xứ lạ quê người, Vân bám vào tình yêu chớm nở trong lòng từ lúc gặp một anh đồng hương trong một rạp chiếu phim một năm trước đó.

Hai người đã có những ngày yêu thương mặn nồng chăn gối, và rồi cuộc tình phải đến lúc chấm dứt khi vợ và đứa con trai mới sanh của người đàn ông thoát khỏi Việt Nam trong một cuộc hành trình vượt biên đầy gian nan. Có lẽ trước đó Vân không biết người tình của cô đã có vợ.

Lương Hậu Cẩn, một người bạn của Vân, kể rằng cuộc đoàn tụ đầy xúc động giữa người tình của Vân với vợ của anh đã giáng xuống một kết cục đau thương cho những mơ ước của Vân.

Ngày ấy cha mẹ của cô vẫn kẹt ở Việt Nam, và hai người anh của cô đang sống trong trại tị nạn tại Hong Kong. Với mối tình vuột mất ngoài tầm tay, cô sống trong cô đơn giữa thế gian.
Vào đêm trước khi Vân biến mất, vài người bạn đã thấy cô khóc sụt sùi, nức nở.
Một người bạn nghe cô nói, “Mình cô đơn quá, thà chết còn sướng hơn.”

Hai tháng sau khi Vân mất tích, anh tình nhân mới hướng dẫn cảnh sát đến một ngôi mộ không sâu, với xác được lấp dưới cát và đá tại Công Viên Quốc Gia Noosa.

Tình nhân một thuở của Vân là anh Cao Mộc Liên. Liên nói anh không giết cô Vân. Anh vô tội mặc dù đã đưa cảnh sát đến tận nơi anh đã chôn xác của người yêu.

Ngày ấy, năm 1982, anh Liên được 28 tuổi. Cảnh sát đã phỏng vấn Liên ba lần trước khi anh nhận tội chôn xác của Vân vào ngày 21 tháng Bảy.

Các thám tử nói rằng nếu Liên không dẫn họ đến tận nơi chôn xác thì có lẽ không bao giờ họ tìm ra thi thể của Vân.

Xác đã bị rữa khá nhiều, không còn gì ngoài một chút vải khi cảnh sát đến ngôi mộ vào lúc 1 giờ sáng. Trong đêm tối, Liên đã cầm đèn pin hướng dẫn cảnh sát đi sâu vào vùng đất có nhiều bụi cây thấp, chỉ cho họ xem nơi anh đã vùi xác Vân bên dưới mấy tảng đá gần bờ biển.

Địa điểm nằm sâu trong công viên khoảng 4.5 km từ cổng vào. Mặc dù đưa cảnh sát đến nơi chôn xác, Liên đã không nhận tội giết Vân.

Anh kể rằng trong ngày Vân mất tích, anh lái xe đưa hai người vào công viên để nói về mối tình của họ.
Liên tường thuật với cảnh sát rằng Vân đã quày quả bỏ đi sau khi hai người cãi nhau kịch liệt, và đến khi anh đi tìm Vân thì phát giác cô đã nằm dưới nước biển. Liên đưa Vân lên bờ, tìm cách cứu người yêu nhưng không thành, anh kể.

Liên nói rằng anh đã chôn xác và quyết định không báo cảnh sát vì anh sợ mình sẽ bị đổ lỗi cho cái chết của Vân.

Tại tòa án, một công tố viên nói rằng anh Cao Mộc Liên “đã có ý định sát nhân” khi lái xe đưa Vân vào Noosa National Park ngày hôm ấy, vì không ai lại lái xe quá xa như vậy chỉ để có một cuộc nói chuyện. Noosa nằm cách thành phố Brisbane khoảng 145 cây số về hướng bắc.

Cũng tại Tòa Thượng Thẩm Brisbane, người ta được biết Vân đã quấy nhiễu Liên rất nhiều từ ngày anh quyết định cắt đứt mối quan hệ vì vợ con đã đến Úc vào cuối năm 1981.

Tòa được biết Vân đã đến căn chung cư của cặp vợ chồng ít nhất ba lần trong lúc Liên đang đi làm. Cô ném đá vào căn chung cư này.

Theo lời kể của Liên, trong lúc hai người cãi nhau tại công viên Noosa, có lúc Vân nói muốn giết chết vợ của Liên. Công tố viên Angelo Vasta cho biết anh Liên đã không có ý định bỏ vợ để theo Vân.
Vợ của anh là cô Liễu. Cô đã vượt biên bằng đường bộ, đi suốt 45 ngày từ miền Tây Việt Nam để qua Cam Bốt. Trên tay của Liễu, cô luôn ôm chặt đứa con trai mới sanh của hai vợ chồng.

Anh Liên đã gởi tiền từ Brisbane về cho vợ, và nhờ đó vợ có đủ tiền để trả cho những người hướng dẫn cô thoát khỏi một đất nước đang lâm vào cảnh tang tóc, bần cùng trong những năm đầu mà chế độ cộng sản tàn ác được áp đặt tại miền Nam Việt Nam sau năm 1975. Nếu bị bắt, những người vượt biên như Liễu sẽ bị giam trong tù, có khi bị đánh đập cho đến chết.

Cuối cùng Liễu và em bé đã đến được biên giới Thái Lan một cách an toàn. Cô sống ở đó được một năm trước khi được bảo lãnh qua Úc để đoàn tụ với chồng.

Khi biết vợ con của Liên đã đến Úc, Vân đã gây áp lực với tình nhân, muốn anh ta phải bỏ vợ dù biết Liễu đã trải qua nhiều gian khổ trên hành trình từ Việt Nam đến Úc.

Ông Donald John Ryan, một người sếp tại xưởng sản xuất của anh Cao Mộc Liên, kể rằng Vân thường đến thăm Liên trong giờ nghỉ giải lao. Thế nhưng từ khi vợ của Liên qua được đến Úc, Vân không ghé xưởng thường như lúc trước.

Ông Ryan cho biết ông từng nói với Liên rằng anh phải cẩn thận, không nên chơi đùa với tình yêu của hai phụ nữ như vậy. Thế nhưng Liên nói rằng ở Việt Nam thì đàn ông có hai, ba bà tình nhân là chuyện bình thường.

Tại tòa, người ta được biết trong ngày Vân mất tích thì Liên không đến xưởng, và sau đó anh gọi vào để cáo bệnh, nói rằng anh đã uống thuốc và cảm thấy rất buồn ngủ.

Ông Ryan cho biết Liên có kể cho ông nghe rằng Vân đã bị chết đuối ở công viên và anh đã chôn xác cô ở đó trước khi báo cảnh sát.

Một chuyên viên pháp y nói với quan tòa rằng xác của Vân không có dấu vết của sự bạo động, và Vân từng được biết là người không biết bơi, rất có thể cô đã bị đuối nước.

Kết quả giảo nghiệm thi hài cũng cho thấy Vân đã có quan hệ tình dục trong vòng hai tuần trước mất tích. Liên không nhận có tình dục với Vân từ ngày vợ đến Úc.

Tòa cũng được nghe các chuyên viên nói rằng vào thời điểm Vân mất tích, với mức thủy triều và sức mạnh của sóng biển thì Liên không thể mang được xác lên bờ như lời anh từng mô tả.
Liên điều trần trước tòa rằng anh có cãi nhau với Vân trước khi cô chết, nhưng anh không giết cô. Anh kể rằng Vân đã tát mạnh vào mặt anh khi nghe anh nói không thể bỏ vợ.

Tòa được biết Vân đã nổi giận, khóc trong đau khổ trong lúc bỏ đi, sau khi bị anh Liên đưa hai tay lên như muốn bóp cổ cô nhưng rồi buông tay ra.

Liên cho biết sau khoảng 20 phút từ lúc Vân bỏ đi, anh mới đi tìm cô và thấy cô trôi trên mặt sóng. Anh nói anh chạy đến cứu nhưng gặp khó khăn vì những tảng đá rất trơn trợt. Đến khi mang được Vân lên bờ cát, anh cầm hai chân Vân và dốc ngược cơ thể, thấy nước chảy ra từ miệng và mũi.

Liên kể trước tòa rằng anh đã tìm cách hô hấp nhân tạo, đặt tay trên ngực, vỗ tay vào mặt và gọi tên Vân nhưng thấy cô nằm bất động.

Liên cho biết anh phải nói dối với cảnh sát vì anh rất sợ chuyện gì có thể xảy ra, vì anh đã có những kinh nghiệm hãi hùng với công an tại Việt Nam.

Thẩm Phán Peter Connolly nói với bồi thẩm đoàn rằng vụ án này được xử dựa trên những chứng cớ do hoàn cảnh và không có một chứng cớ trực tiếp cho thấy Vân đã chết như thế nào.

Bồi thẩm đoàn gồm toàn phái nam. Thẩm phán khuyên họ không nên để cho quyết định của họ bị ảnh hưởng bởi tình cảm hoặc ý kiến thiên vị.

Thẩm phán nói rằng cô Vân là một kẻ lạ mới đến sống trên một đất nước xa lạ, và cuộc đời của cô đã trở nên tươi sáng hơn khi cô gặp anh Liên. Thế nhưng khi vợ của Liên đến Úc, mối tình bị cắt đứt và cuộc đời cô một lần nữa bị quay trở về bóng tối của đau thương.

Ông Connolly nói rằng Vân có thể cảm thấy hoàn toàn tuyệt vọng khi mà niềm tin yêu, hạnh phúc duy nhất trong đời cô nay đã không còn.

Thẩm phán cũng khuyên họ nên thông cảm trường hợp của Liên, khi ông nhắc đến hoàn cảnh đau thương của hàng ngàn người Việt tị nạn. Họ phải trải qua những kinh nghiệm sống trong nỗi sợ hãi tột cùng với công an tại Việt Nam thời bấy giờ, nên họ chấp nhận mọi hiểm nguy khi vượt biên bằng đường bộ hay vượt biển, để thoát cộng sản.

Bồi thẩm đoàn đã phải nghị luận suốt 11 tiếng đồng hồ, bàn qua xét lại trước khi đi đến kết luận rằng anh Liên không mang tội sát nhân trước cái chết của Vân.

Sau khi nghe phán quyết, Liên nói với báo chí qua một thông dịch viên, “Tôi biết họ sẽ tin những gì tôi nói, vì đó là sự thật.”

Anh được vợ ôm chầm tại tòa khi hai người nghe phán quyết. Người vợ đã có mặt trong tòa trong suốt chín ngày xét xử. Sự hỗ trợ của vợ là một trong những yếu tố mạnh mẽ nhất giúp anh trải qua được vụ án này.

Anh nói trong ngày nghe phán quyết vô tội, “Điều tôi mong muốn nhất là làm lại cuộc đời với gia đình của tôi.”

Còn Vân, cô gái ấy đã ôm mối tình dang dở lao xuống sóng biển Noosa, để lại một thế gian đầy khổ đau và chẳng mấy ai nhớ đến cô.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT