Văn Nghệ

Cảm xúc và dư âm từ đêm nhạc thính phòng Đêm Nhớ Về Sài Gòn

Friday, 07/04/2017 - 07:40:33

Hai MC điều khiển chương trình là nhạc trưởng Thomas Ngô (cũng là người biên tập, dàn dựng chương trình) và Uyển Diễm, đã góp phần tạo nên một sự gắn kết vô hình, cuốn hút khán giả “phiêu” cùng các ca sĩ suốt hơn 3 giờ đồng hồ.

Bài BĂNG HUYỀN

Trong không khí thân mật, cảm động bởi sự giao hòa và đồng điệu giữa các khán giả ngồi kín các hàng ghế tại Hội Trường Nhật Báo Người Việt vào tối thứ Bảy, ngày 1 tháng 4, 2017, với cõi nhạc, với vẻ đẹp trong từng giọng hát các ca sĩ Quang Tuấn, Anh Dũng, Bích Vân, Lê Hồng Quang, Hoàng Anh Thư; dìu nâng những tiếng hát thêm thăng hoa là những âm thanh mộc mạc, giàu cảm xúc của các nhạc cụ dương cầm, vĩ cầm, tây ban cầm qua tiếng đàn điêu luyện của các nhạc sĩ trong ban nhạc Little Saigon Music Association gồm năm violins (do Phạm Văn Phúc, Nguyễn Trường, Nguyễn Tâm, Trần Tiffany Hoàng, Cao Quân), piano Quốc Vũ, contrabass Cao Vinh Quang, guitar Nguyễn Phương Thảo và Ngô Bảo Quốc.


Ba giọng nam từ trái Lê Hồng Quang, Quang Tuấn, Anh Dũng cùng hòa giọng với nhau thật ăn ý khi hát “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” mở đầu chương trình đêm nhạc thính phòng Đêm Nhớ Về Sài Gòn. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Người hát, người đàn và người nghe đã có ba giờ đồng hồ ngồi lại bên nhau trong đêm nhạc thính phòng “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” do Little Saigon Music Association và thân hữu tổ chức, gợi nhớ những hoài niệm xa xôi một thời đầy cảm xúc của nền tân nhạc Việt Nam, có yêu kiều, sang trọng nhưng cũng có cả bình dị, thân thương.


Năm tiếng hát Quang Tuấn, Bích Vân, Lê Hồng Quang, Hoàng Anh Thư và Anh Dũng cùng hòa giọng trong ca khúc “Xuân và Tuổi Trẻ” để chào tạm biệt khán giả. (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Những ca khúc được chọn hát trong chương trình là những “ca khúc nghệ thuật” đã lưu dấu rất sâu trong trái tim của biết bao người yêu nhạc; là những tuyệt phẩm về tình yêu, tình đời, tình mẹ, tình của người Việt lưu lạc tha hương, luôn nhớ về chốn cũ, đã được các nhạc sĩ dệt nên những chuỗi âm thanh tuyệt đẹp với lời ca là ngôn ngữ nhạc thơ, thơ nhạc huyền ảo, tinh tế, sâu lắng.

Năm tiếng hát, mỗi người mỗi vẻ, mỗi giọng ca đều chứa đựng trong đó tình yêu với tác phẩm, sự trân trọng với các tác giả, với người nghe. Những tác phẩm mà họ thể hiện đã truyền cảm xúc của người hát, của bài hát đến với người nghe thật đầy đặn, cuốn người nghe bước vào không gian âm nhạc đầy cảm xúc bằng chính giọng hát tuyệt vời của mình. Họ đã cùng các thành viên của ban nhạc Little Saigon Music Association tạo nên một đêm nhạc lưu lại trong sự hoài nhớ của người hâm mộ, giúp khán giả trải nghiệm từ cái da diết đau thương tới những khoảnh khắc bùng cháy trong từng nốt nhạc.

Hai MC điều khiển chương trình là nhạc trưởng Thomas Ngô (cũng là người biên tập, dàn dựng chương trình) và Uyển Diễm, đã góp phần tạo nên một sự gắn kết vô hình, cuốn hút khán giả “phiêu” cùng các ca sĩ suốt hơn 3 giờ đồng hồ.


Ban nhạc và hai MC Uyển Diễm- Thomas Ngô (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Điểm nhấn đặc sắc của âm nhạc mộc mạc unplugged
Hai-mươi hai tiết mục được dàn dựng hoàn toàn trên nền nhạc acoustic mộc mạc, giản dị và thanh thoát, giúp người nghe cảm nhận sự nền nã, mềm mại, qua những ngón đàn tài hoa với kỹ thuật chơi nhạc xuất sắc của các nhạc sĩ trong ban nhạc, âm thanh réo rắt của tiếng dương cầm Quốc Vũ hòa quyện với bè dây da diết của các nhạc sĩ violon cùng âm hưởng đầy đặn, mạnh mẽ của tiếng đàn contrabass Cao Vinh Quang.
Tiếng đàn guitar mộc mạc của Nguyễn Phương Thảo, Ngô Bảo Quốc nhấn nhá khi trầm khi bổng; những nét giai điệu trữ tình, kỹ thuật reo dây tuyệt vời của Nguyễn Phương Thảo cùng phần hòa âm tinh tế qua từng tác phẩm do Thomas Ngô, Nhật Trung, Cao Vinh Quang đảm nhận.
Những âm giai ấy như dải lụa dìu nâng các tiếng hát thêm đẹp hơn, nồng đượm hơn.

Vẻ đẹp của các giọng ca qua từng tiết mục
Mở đầu chương trình, ba giọng nam Quang Tuấn, Anh Dũng và Lê Hồng Quang cùng hòa giọng thật ăn ý khi hát “Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội” (Phạm Đình Chương) gợi lại một dĩ vãng bồi hồi, sâu lắng về nơi cố quốc Hà Nội, Sài Gòn cho những người Việt ly hương.


Ca sĩ Lê Hồng Quang hát Thiên Thai (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Lê Hồng Quang

Mạnh mẽ và khá truyền cảm, ca sĩ Lê Hồng Quang đã làm sống lại cảm xúc cho khán giả yêu nhạc xưa khi thể hiện vẻ đẹp mênh mang, bay bổng phiêu bồng của ca khúc “Thiên Thai” (Văn Cao). Anh và ca sĩ Anh Dũng khá thành công với những luyến láy, bỏ nhỏ, lên bổng, xuống trầm khi cùng song ca “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” (Đoàn Chuẩn & Từ Linh). Còn với ca khúc “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn” (Nhạc Phạm Đình Chương, thơ Du Tử Lê), “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” (Tô Vũ), ca sĩ Lê Hồng Quang đã chuyên chở thật trọn vẹn những thổn thức của cõi nhạc Phạm Đình Chương và Tô Vũ.

Ca sĩ Anh Dũng hát “Tình Tự Mùa Xuân” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Anh Dũng
Ca sĩ Anh Dũng đã cuốn hút người nghe ngay ca từ đầu tiên của bài hát “Tình Tự Mùa Xuân” (Từ Công Phụng), giọng ca truyền cảm của anh giúp người nghe cảm nhận được trọn vẹn tiếng tơ lòng tinh tế, sự nồng nàn, nhẹ nhàng nhưng cũng thật cuồn cuộn bão giông trong tác phẩm. Và khi anh ngân nga nhạc phẩm “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” (Trầm Tử Thiêng), “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (nhạc Phạm Đình Chương, phổ thơ Quang Dũng), từng chữ của bài hát, chữ nào nhấn nhá, chữ nào ngắt câu, được anh ca rất đặc sắc, miêu tả vẻ đẹp âm điệu chậm, buồn, nét u sầu, hoài niệm, khắc khoải của từng ca khúc. Anh không chỉ chinh phục người nghe bằng tiếng hát, trước mỗi ca khúc anh còn giới thiệu vài lời để dẫn vào bài hát rất đỗi nhẹ nhàng, truyền cảm.



Ca sĩ Hoàng Anh Thư hát “Chiếc Lá Cuối Cùng” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Hoàng Anh Thư
Tiếng hát dịu êm, tươi mát của Hoàng Anh Thư đã gợi mở cho người nghe cảm xúc thênh thang, cháy bỏng, với đủ đầy cảm xúc mạnh mẽ, dữ dội và dịu êm qua các ca khúc “Chiếc Lá Cuối Cùng” (Tuấn Khanh), “Mộng Chiều Xuân” (Ngọc Bích), Cho Em Quên Tuổi Ngọc (Lam Phương), “Mưa Hồng” (Trịnh Công Sơn).
Còn khi cô song ca với Quang Tuấn ca khúc “Đến Vì Tình” của nữ nhạc sĩ Bích Phượng, là tác giả nữ duy nhất, trẻ nhất có ca khúc được hát trong đêm nhạc, giọng nam trầm ấm mượt mềm của Quang Tuấn hòa quyện cùng giọng nữ cao thanh thoát của Hoàng Anh Thư một cách ăn ý, bè phối nhịp nhàng, người này nâng người kia lên, biến cảm xúc trong bài hát lúc thì cuộn dâng mạnh mẽ, khi lại êm đềm, sâu lắng.

Bích Vân
Giọng ca luôn biến hóa, giàu cảm xúc, lúc nồng nàn, say đắm, lúc cháy bỏng, khát khao của Bích Vân thật tuyệt khi cô vừa hát vừa đệm dương cầm cho mình cả hai lời (lời đầu tiên sáng tác năm 1965 và lời hai của bài Không Tên Cuối Cùng Trở Lại) ca khúc “Bài Không Tên Cuối Cùng” của Vũ Thành An. Bài hát chất chứa những day dứt của một chuyện tình buồn, có phần nức nở, ai oán, nhưng Bích Vân đã không cường điệu khi thể hiện, nhờ biết tiết chế, dồn nén, giúp người nghe cảm nhận được nỗi đau như nhóm lửa âm ỉ dưới cơn mưa, không nên lời mà vẫn vang dội.


Ca sĩ Bích Vân hát “Nửa Hồn Thương Đau” (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Lối hát tự sự, nhấn vào các con chữ giúp tăng thêm chiều sâu cho câu hát, chứ không phải sự phô diễn quãng giọng đơn thuần khi cô hát “Nửa Hồn Thương Đau” (Thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Phạm Đình Chương), những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca, khi Bích Vân hát “Người Đi Qua Đời Tôi” (nhạc Phạm Đình Chương, phổ thơ Trần Dạ Từ), “Niệm Khúc Cuối” (Ngô Thụy Miên), cô đã xuất sắc chuyển tải nỗi lòng của tác giả, những day dứt, u uẩn, cái bi ai, đau thương của cuộc tình chia xa không chỉ bằng giọng hát hực lửa bên ngoài mà còn chinh phục người nghe bằng sức nặng nội tâm rất sâu bên trong, hát như để giải tỏa chính những tâm trạng của mình, diễn đạt tâm hồn mình, kể câu chuyện của mình.

Quang Tuấn
Đêm nhạc thính phòng “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” càng đẹp hơn với tiếng hát của Quang Tuấn, giọng nồng ấm, ru êm của anh với độ ngân đầy khắc khoải, da diết, như rót tâm sự vào trái tim người nghe, làm lay động cả khán phòng với những nốt trầm bổng da diết, nét buồn bâng khuâng luyến nhớ với “Riêng Một Góc Trời” (Ngô Thụy Miên), “Trên Ngọn Tình Sầu” (Từ Công Phụng). Và lưu lại nhiều cảm xúc nhất, nhận được những tràng pháo tay dài không muốn dứt nhất là khi Quang Tuấn vừa ôm đàn guitar tự đệm cho mình khi hát “Đường Xa Vạn Dặm” (Trịnh Công Sơn), và ca khúc “Tình Em Là Sóng Vỗ” (Bích Phượng).


Ca sĩ Quang Tuấn vừa đệm đàn vừa hát “Đường Xa Vạn Dặm” (Băng Huyền/ Viễn Đông)


Ngón đàn nhẹ nhàng, tình cảm, thâm trầm và rất mộc mạc của Quang Tuấn hòa cùng giọng hát như đang kể một câu chuyện, với việc nhấn vào từng chữ, ngắt nghỉ một cách đầy tinh tế, như thể rút ruột rút gan, mang theo cả những nỗi niềm riêng không thể khỏa lấp trong tâm hồn về nỗi đau mất mẹ, khiến mọi người như lặng đi và không ít khán giả đã rơi lệ, thổn thức khi nghe anh hát. Còn với “Tình Em Là Sóng Vỗ” của Bích Phượng, giọng hát của Quang Tuấn tựa như con thác nhẹ nhàng, u uẩn nhưng cũng có lúc mãnh liệt, dữ dội, cách ngân nga thật dung dị như kể chuyện, thỏa sức lả lơi, phiêu lãng cùng giai điệu, lời ca mang lại nhiều tình cảm cho người nghe, như xoáy vào hồn người nghe, bắt người nghe phải xót xa, cảm nhận trọn vẹn những trải lòng rất “tình” của nữ nhạc sĩ Bích Phượng trên từng nốt nhạc, từng lời ca có lúc quay quắt, đau đớn, nhưng vẫn đầy tình yêu và sự thứ tha.

Biển ơi biển hỡi
Sao biển vẫn chơi vơi
Hoàng hôn đang chìm xuống tâm hồn
Ngọn sóng trào dâng mãi trong tôi.
Gợi lại bao xót ca cuồn cuộn thương nhớ

Sau những trầm lắng với những cung bậc da diết yêu thương, năm tiếng hát Quang Tuấn, Anh Dũng, Bích Vân, Lê Hồng Quang, Hoàng Anh Thư cùng hòa giọng với nhau, gửi đến người nghe vẻ đẹp rộn ràng, tươi vui của ca khúc “Xuân Và Tuổi Trẻ” (La Hối) và đây cũng là ca khúc để chào tạm biệt khán giả.
Lẽ ra buổi diễn sẽ hoàn hảo hơn nếu âm thanh đêm nhạc đôi lúc không bị ù, bị rè khi ca sĩ hát hay MC giới thiệu bài ca. Nếu bỏ qua khiếm khuyết của âm thanh thì tổng thể chương trình của đêm nhạc thính phòng “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” rất tuyệt. Đó là món quà âm nhạc thật đẹp của ban tổ chức đã gửi tặng cho những khách tri âm.


Hai MC Thomas Ngô- Uyển Diễm (Băng Huyền/ Viễn Đông)

Người nghe đã mang theo về nhà những dư âm của lời ca, tiếng hát, âm giai của dàn nhạc và những hoài niệm đẹp của âm nhạc Việt Nam. Giúp người nghe càng thêm yêu, thêm quý gia tài các tuyệt phẩm âm nhạc Việt Nam. Những ca từ vừa bay bổng trong tình yêu, vừa ngậm ngùi cho thân phận Việt Nam, vừa mênh mang, lãng đãng, và dịu dàng như những lời tâm tình thủ thỉ, nhưng cũng thật rộn ràng sắc xuân, giàu sức sống.

Bởi vậy mà người nghe tìm được sự đồng cảm trong đó, thấy được sự chiêm nghiệm trong đó, cảm thấy yêu nó, vì đã đánh thức những giấc mơ yêu thương. (bh)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT