Đời Sống Việt

Càn Khôn Thập Linh và tôi

Wednesday, 05/04/2017 - 07:54:23

Mỗi thế đều có hình ảnh quán tưởng riêng. Sau khi tập thế nào xong thì đứng yên bất động, kiểm soát nhịp tim, thả lỏng từ đầu đến chân, thở nhẹ và sâu, sau đó quán tưởng.

Bài TRẦN BẠCH LAN

(L.T.S. Bài này được viết nhân dịp Trung Tâm Từ Bi Phụng Sự sắp tổng khai giảng các lớp thể dục dưỡng sinh vào ngày Chủ Nhật tới đây, 9 tháng 4, từ 10 giờ sáng đến 1 giờ trưa, tại 420 S. Brookhurst St., Anaheim, CA 92804. Liên lạc 714-625-8966).



Các bạn thân mến,
Những năm gần đây, có những bạn gặp lại Bạch Lan đã thắc mắc khi thấy BL trông càng ngày càng khỏe ra mặc dù đã qua tuổi "Lục thập nhi nhĩ-thuận.” So với hình ảnh gần 20 năm trước, mặc áo size #8 hoặc size #10 (USA), nay chỉ còn size # 4 hoặc size #6, có khi lọt được vào size #2 (mình nghĩ có lẽ họ gắn nhầm size# mà thôi). Có ba chị khóa đàn anh đã buột miệng, "BL lấy lại phong độ rồi đó nghe.” Thậm chí gần đây, cô bạn gái thân cùng lớp ngày xưa gặp lại đã thì thầm hỏi, "BL có đi căng da mặt không?”

Sở dĩ mình được khỏe mạnh là nhờ tập Càn Khôn Thập Linh (Integral Tai Chị, viết tắt là CK10). Đây là môn dưỡng sinh được thầy Hằng Trường sáng lập, thầy là học trò của Thầy Tuyên Hóa, và Thầy Tuyên Hóa lại là học trò của thầy Hư Vân. Những ai mê đọc sách dịch của Nguyên Phong như mình thì chắc đã không bỏ sót cuốn Đường Mây Trên Đất Hoa nói về cuộc đời ngài Hư Vân, những năm tháng bị đọa đày dưới chế đó Cộng Sản Trung Hoa.

Nhớ lại cách đây gần 15 năm, đi thăm Yellow Stone. Đoàn du lịch đã ghé vào thăm một cái trail nhỏ màu vàng rất đẹp, mình leo xuống nhưng leo lên không nổi, thở ì ạch, mệt quá, may nhờ các cháu gọi bằng cô đi theo chúng nó đẩy mình đi, mặt mày xanh như tàu lá, tim đập loạn xạ.

Các bà chị chứng kiến đều lo lắng tưởng mình ngất xỉu không chừng.
Vào năm 2004, thầy Hằng Trường mở khóa học Càn Khôn Thập Linh đầu tiên ở Quận Cam, mình được may mắn tham dự mỗi tuần hai đêm, mỗi đêm học hơn hai tiếng đồng hồ. Lúc đầu học, đói bụng quá, học xong là ra tiệm ngồi ăn mỗi người một tô hay một đĩa cơm, mì, bún, v.v.. Ăn ngon lành lắm. Trong vòng hai tuần lễ lên 5 lb. Quá khiếp vía, mình không ăn nữa, ăn chiều trước khi tập và chịu đói bụng, uống nước ấm, ăn trái cây chút chút thôi.

Học được sáu tháng thì có chuyến đi Bryce Canyon theo các chị mình. Tại đây, mình đã leo lên xuống mỗi ngày hai trail, sáng sớm và chiều tắt nắng. Những trail này dài lắm, có trail rất hiểm trở, ngoằn nghèo, mình vẫn đi được. Dĩ nhiên mệt thì đứng nghỉ vài phút rồi tiếp tục đi nhưng tuyệt nhiên không ngộp thở như hồi trước đây. Nhìn sức khỏe của mình tiến bộ, các chị mình rất mừng vì các bà ấy ngày nào cùng đi bộ rất sớm, chiều tối đi làm về là đạp xe đạp dọc theo sông Charles trong những ngày hè nóng hay mát mẻ mùa xuân ở xứ Boston. Chưa kể cuối tuần là chèo thuyền đua nhau ở cái hồ sau nhà cô em gái mình. Các chị mình khuyên nhủ, "Rán tiếp tục học CKTL, em đi đúng đường rồi đó.” Năm 2009, leo núi ở Cam Bốt, mình đã cùng con gái út dẫn đầu đoàn leo núi, thay vì trước đây luôn luôn là người "áp chót.”

Từ khi học môn CKTL sức khỏe càng ngày càng tiến bộ, thay vì mỗi lần đi làm về là nằm ì trên ghế sofa cả tiếng đồng hồ mới lấy lại sức để lo việc nhà, mình đã bắt tay vào công việc nhà ngay không cần nghĩ ngợi gì cả. Tập CKTL một thời gian máu huyết được lưu thông, huyết áp quân bình nên vấn đề ăn uống không bị cơ thể đòi hỏi nữa, nhờ thế giảm cân từ từ. Khi cơ thể khỏe ra, bạn thấy yêu đời, lạc quan trước mọi sự việc. Trí óc trở nên sáng suốt, suy nghĩ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc hơn, do người mình bình tĩnh hơn trước. Không còn bồn chồn, nóng giận mà chỉ tĩnh lặng nhận định vấn đề.

Mình tự nghĩ, làm việc thiện giúp người nghèo là điều tốt, đem sức khỏe cho người cũng là một việc thiện. Được có sức khỏe là một điều hạnh phúc, thế nên mình hăng hái tham gia khóa học huấn luyện để trở thành huấn luyện viên môn dưỡng sinh CKTL, với mơ ước có cơ hội đem sức khỏe đến cho mọi người như mình đã có được. Viết đến đây, mình không quên cảm ơn ngoài Thấy Hằng Trường còn có Sheila, anh Hiển, cô Thủy, Gina, chị Sương, Yến Sầm, Quý Minh đã chỉ dạy tận tình cho BL, mình cũng không quên cảm ơn vợ chồng Lê Hiếu Nghĩa (Nghĩa học khóa DS17) đã năn nỉ, đón đưa mình đi học trong giai đoạn đầu. Nếu không có những người này mình không thể có sức khỏe, tươi trẻ, vui vẻ như ngày hôm nay.

Sau khi theo học khóa huấn luyện một thời gian vào năm 2006, mình đã trở thành huấn luyện viên. Thời gian qua, được theo chân Thầy và các anh chị của hội Từ Bi Phụng Sự đi Đài loan, Pháp, Đức, các tiểu bang ở My phụ tập CKTL để bắt đầu phát triển môn học này, chưa kể hàng tuần về San Diego trong những năm tháng đầu tiên chưa có huấn luyện viên, đáp ứng lời kêu gọi của chị Hiển khoa DS17.

Hiện tại BL dạy cho các học viên lớp Intro. CK10 và lớp 1A hàng tuần ở Quận Cam. Các học viên thỉnh thoảng đã cảm ơn vì được khỏe ra, tay chân mềm mại hơn, ít đau hơn khi đưa tay cao lên, nhất là các học viên bịnh ung thư, cần tập để có sức khỏe đi xạ trị, v.v..

Sơ lược về các lớp Càn Khôn Thập Linh

Môn dưỡng sinh CKTL gồm có 10 thế, thế đầu “Càn” là trời, thế cuối “Khôn” là đất và ở giữa có tám thế mang tên tám linh vật (Cóc, Trâu, Hạc, Rồng, Phụng, Cọp, Bướm, Rùa). Mỗi thế có liên hệ đến hệ thống bảy luân xa (tiếng Phạn là chakra) dọc xương sống, từ xương cùng lên huyệt Bách hội.

Luân xa là những trung tâm năng lượng (bioenergy field ) có khả năng ảnh hưởng đến từ trường và điện năng của con người. Nó ảnh hưởng đến từng cơ phận của thân xác cũng như tình cảm và hoạt động trí óc.

Trong giai đoạn sơ cấp (lớp intro), bạn cần tập kiên trì lúc đầu 8 lần một thế, tập mỗi ngày, từ từ tăng lên, tùy theo sức khỏe của mỗi người. Thầy khuyên, "Giai đoạn đầu, các bác cứ tới hết tất cả lớp Intro mỗi ngày để tập.”

Con người có hai phần Tâm và Thân được nối nhau bởi hơi thở. Thông thường khi nghe hơi thở người khác bạn biết ngay là họ khỏe hay yếu. Khi cơ thể yếu, tâm bạn yếu theo, tập CKTL là phối hợp thân tâm là một. Tai chi xưa hay nói Ying-Yang, ngày nay mình nói về negative, positive. Thái cực là trạng thái âm, dương là nguyên lý trong vũ trụ. Khi tâm và thân bị tách ra do hơi thở không tốt, cuộc sống cũng không tốt luôn.
Có năm cách thở trong khi tập Càn Khôn Thập Linh:

1. Thở mạnh (forceful breathing): thường thở bằng mũi, hít vô thở ra thật mạnh.
2. Thở sâu (deep breathing): thở bằng mũi, dùng hoành cách mô, thở vào phình bụng, thở ra xẹp bụng.
3. Thở lâu (long breathing): thở chậm và nhẹ, như khi hành thiền.
4. Thở dài hay thở buông xả (release breathing): thở hà hơi thả ra những phiền muộn.
5. Thở đạo dẫn (tao-yin breathing): dùng hơi thở kéo năng lượng tiềm tàng trong cơ thể theo ý mình.
Học viên tập thở khi học CKTL thường để lưỡiđụng một chútvào nóc vọng (palate) luôn luôn thở bằng mũi. Giai đoạn đầu học viên cần tập đúng thế CK10, thở mạnh để có nhiều oxygen vào phổi. Sau sáu tháng tập CK10 đã tường tận làm đúng các thế, học viên được hướng dẫn về cách thở, học càng cao thì sự hướng dẫn hơi thở càng chi tiết hơn.

Thân làm động tác, tâm chú ý vào hơi thở để thân tâm hợp nhất (an lạc) là điểm mong muốn sau cùng của môn CKTL, khi đó bạn làm thật nhiêu lần, nhiều thế cũng không mệt vì đã đi vào trạng thái flow (lưu xướng).
Thường sau mỗi thế thì học viên đứng bất động, thả lỏng từ đầu đến chân, lưỡi để bình thường, thở nhẹ, chậm, sâu.

Thói thường, ai cũng ưa mở mắt nhìn người khác mà ít khi nhìn lại mình, nhìn lại cơ thể của mình đang mệt mỏi, tim đang đập mạnh cần nghỉ ngơi. Phút thả lỏng vừa nêu trên rất cần thiết để tập quay nhìn lại mình (self awareness). Sau khi tập hết 10 thế, cần để 15 phút nằm giả chết (corpse pose). Giai đoạn giả chết rất quan trọng cũng bằng giai đoạn tập vì lúc này năng lượng được giữ lại trong cơ thể mình nhờ vậy bạn thấy khỏe liên tục trong hai ngày tiếp.

Mỗi thế CKTL có ảnh hưởng lên một hay nhiều luân xa.
Theo y học Đông Phương, khi cơ thể được đả thông kinh mạch thì khỏe ra. Thế nên khi luyện tập CKTL các luân xa được tác động, khiến các kinh mạch được đả thông, chưa đủ, còn ảnh hưởng đến tâm lý, trí năng và tâm thức. Điều này cũng dễ giải thích: khi mình khỏe thì mình không quạu hay cau có khi ai hỏi tới, mình có khả năng cởi mở hơn.

CKTL là sự phối hợp giữa môn Tai chi Trung Hoa xa xưa, yoga Ấn độ và các thế võ khác. Nhưng, CKTL chú ý đến cột xuống sống, uốn éo, và quay nhiều hơn.
Tập Càn Khôn Thập Linh có 3 giai đoạn:

1. Giai đoạn khỏe mạnh, trị bịnh
Nhờ tập CKTL cơ thể trở nên dẻo dai, đầu óc minh mẫn hơn. Bạn tập ngày hôm nay năng lượng giữ lại hai, ba ngày tiếp, bạn cảm thấy khỏe, làm việc không mệt nữa.

2. Giai đoạn khai tâm
Vừa tập vừa quán tưởng là giai đoạn học CKTL lớp cao hơn. Nhờ quán tưởng bạn đào sâu được tâm thức mình, mở rộng thế giới nội tâm. Khả năng nhìn lại mình, sửa đổi những tánh xấu, hạn hẹp. Thói thường ai cũng ưa nhìn ra ngoài, bắt lỗi người khác, tập Càn Khôn Thập Linh là bạn quay về với mình, theo dõi tâm thức mình, cơ thể mình rồi từ đó sửa đổi cho tánh tình, tâm mình được tốt hơn.

Ví dụ khi bạn tập con Trâu, cử chỉ đẩy tay ra phía trước, cho bàn tay rớt xuống, mở nguyên cánh tay rộng ra là hình ảnh:Đây trừ phiền não / Buông xả vạn duyên / Khai mở tâm lượng / Trở về nhà Phật (hay nhà Chúa tùy tôn giáo của bạn).

Đây là khẩu quyết (mantra) của thế con Trâu. Khi làm thế con Trâu, bạn là con Trâu đang ở bùn lầy (bùn tượng trưng dục vọng), hình ảnh nặng nề của trâu là biểu hiện lòng tham, sân, si do dục vọng của thân xác. Trâu và bùn là hình ảnh nhắc ta hễ tham lam muốn chiếm đoạt thì sân hận càng lún sâu.

Hình ảnh để mình quán tưởng là Trâu ra khỏi bùn, rùng mình để bùn rớt khỏi thân mình, trâu nhìn trời xanh, đất rộng hòa hợp, nguyện mở lòng ra khỏi trạng thái ích kỷ, nhỏ nhen, nguyện hướng tới mục đích cao thượng, tạo dựng mối liên hệ với tha nhân dựa trên tánh vị tha, trên tình thương mến, quan hoài.
Sự quán tưởng thuần thục, ăn sâu vào tâm thức sẽ giúp ta nhìn ra được mục đích và lý tưởng lâu dài trong cuộc sống, nhờ vậy ta không dễ dàng sa đọa vào dục vọng nhất thời. Ngoài ra, nhờ quán tưởng ta hóa giải được tánh tham lam, giận dỗi, ghen tương, đốkỵ.

Mỗi thế đều có hình ảnh quán tưởng riêng. Sau khi tập thế nào xong thì đứng yên bất động, kiểm soát nhịp tim, thả lỏng từ đầu đến chân, thở nhẹ và sâu, sau đó quán tưởng.

Hoặc trong khi tập mỗi thế ta đọc khẩu quyết của mỗi thế và quán tưởng theo ý nghĩa của các khẩu quyết đó.

3. Giai đoạn tu toàn diện
Tu toàn diện là lối tu chú trọng sự cân bằng và phát triển mọi phương diện từ thể xác, tâm linh, trí năng, đạo đức, quan hệ với tha nhân, mức trưởng thành của bản ngã và tâm linh mình. Trong giai đoạn này bạn cần tập thiền quán.

Tóm lại tập Càn Khôn Thập Linh bạn được thân thể khỏe mạnh, thân khoẻ và tâm cũng được tu dưỡng, thân tâm điều hợp để chuẩn bị cho sự tiến hoá của tâm linh.

Mời các bạn thử học Càn Khôn Thập Linh. Các bạn sẽ thấy khỏe ra, và yêu đời hơn là điều chắc chắn nhất.
Muốn hiểu rõ thêm bạn vào trang mạnghttp://www.thayhangtruong.com.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT