Hoa Kỳ

Cần sa, nước và kỳ thị người Á Châu tại Siskiyou

Monday, 19/07/2021 - 09:49:57

Hơn 600 người Mỹ gốc Hmong từ khắp California và từ các tiểu bang xa đã đến trước tòa án hạt Siskiyou County ở thành phố Yreka, để yêu cầu chính quyền liên bang hãy mở một cuộc điều tra về vụ cảnh sát bắn chết một người Hmong...


Một người Hmong biểu tình tại Yreka ngày 17 tháng 7, 2021. (Manuel Ortiz/ EMS)

Bài SANDY CLOSE

YREKA, California (EMS) - Hơn 600 người Mỹ gốc Hmong từ khắp California và từ các tiểu bang xa như Wisconsin và Minnesota đã đến trước tòa án hạt Siskiyou County ở thành phố Yreka hôm thứ Bảy, để yêu cầu chính quyền liên bang hãy mở một cuộc điều tra về vụ cảnh sát bắn chết một người Hmong ngày 28 tháng Sáu.

Cuộc biểu tình đã biến một quận hạt thưa dân nằm ở chân núi Shasta trở thành một địa điểm mới nhất trong cuộc tranh đấu chống kỳ thị người Á Châu tại California. Đó là ý kiến của bà Mai Vang, Nghị Viên Thành Phố Sacramento, khi được hỏi ý kiến về cuộc biểu tình của người Hmong hôm 17 tháng Bảy.

Hạt Siskiyou đang có nhiều người Mỹ gốc Hmong, Lào, Cam Bốt, và Trung Hoa sinh sống. Trong số này có những người đến đây để trồng cần sa hợp pháp trong lúc kỹ nghệ này đang phát triển.

Vụ bắn chết người Hmong đã gây căng thẳng về chủng tộc giữa chính quyền địa phương và những người trồng cần sa. Hiện nay, tuy California đã cho phép trồng sa, thế nhưng tại Siskiyou County thì người dân không được trồng cần sa ở ngoài trời. Còn trồng trong nhà thì tối đa chỉ được trồng 12 cây mà thôi.

Nạn nhân bị bắn chết đưa đến cuộc biểu tình của hàng trăm người Hmong là anh Soobleej Kaub Hawj, 35 tuổi. Anh đã lái xe chạy lầm đường tại một trạm kiểm soát được dựng trên bang lộ Highway A 12 gần thị xã Weed, trong lúc chính quyền ban lệnh bắt buộc người dân phải di tản vì đang có vụ cháy rừng Lava. Vợ và ba con của anh Hawj đã ngồi trong chiếc xe chạy đằng sau anh.

Theo lời của các viên chức công lực, anh Hawj đã quay đầu xe lại về hướng khu vực đang được ban lệnh di tản. Họ nói rằng anh bị cảnh sát chặn xe và anh đã chĩa một khẩu súng tay bán-tự động về phía cảnh sát.
Trong khi đó, các nhà hoạt động cộng đồng lại nói rằng trời lúc đó quá tối để có thể thấy rõ bên trong chiếc xe truck của anh Hawj. Một nhân chứng đã chụp một bức hình cho thấy bên ngoài thân xe đã có 21 lỗ đạn, và hai bên cửa sổ của xe đều bị bắn bể tan tành.

Các nhà hoạt động cho biết một nhân chứng khác đã thâu video và ghi nhận có ít nhất từ 40 đến 60 phát súng đã nổ.

Sở Cảnh Sát Hạt Siskiyou chưa có một thông báo chính thức về vụ bắn chết anh Hawj, nhưng trên trang Facebook thì Sở Cảnh Sát có nói rằng những vụ bắn liên quan đến cảnh sát đều rất phức tạp và cần thời gian để điều tra. Một khi cuộc điều tra kết thúc thì công chúng sẽ được nghe kết quả.


Một người Hmong biểu tình tại Yreka ngày 17 tháng 7, 2021. (Manuel Ortiz/ EMS)

Thế nhưng anh Zurg Xiong, một nhà hoạt động 33 tuổi, đã yêu cầu cảnh sát và chính quyền phải công bố những video mà cảnh sát đang có về vụ bắn. Anh Xiong là người đứng đầu trong cuộc biểu tình yêu cầu công lý cho anh Hawj. Xiong đã tuyệt thực từ ngày 9 tháng Bảy.

Nhân vụ bắn này, anh Xiong cũng kêu gọi chính quyền địa phương cũng như sở cảnh sát hãy ngưng thái độ kỳ thị chủng tộc đối với cộng đồng người Hmong, đặc biệt là đối với các nông dân Hmong, những người đã mang nghề nông của họ từ quê hương đến Bắc California.

Anh Xiong nói rằng anh sẵn sàng tuyệt thực cho đến chết nếu không có công lý cho anh Hawj.

Cuộc biểu tình đã có sự tham dự của nhiều cựu chiến binh lớn tuổi từ cuộc chiến Việt Nam. Họ nói rằng các nông dân Hmong đã bị chính quyền địa phương miệt thị bằng từ ngữ “Hmong cartel” (băng đảng ma túy Hmong).

Như nhiều người có mặt tại cuộc biểu tình, Bác Sĩ Lee Yao Pang từ Sacramento nói, “Tại sao họ ghét người Hmong?” khi ông nhắc tới hàng chục phát đạn bắn vào xe của anh Hawj.

Bác Sĩ Pang nói thêm về người Hmong trong cuộc chiến Việt Nam, “Chúng tôi đã phục vụ quân đội Hoa Kỳ trong cuộc chiến bí mật tại Lào, chúng tôi cứu các phi công Hoa Kỳ, chúng tôi mất hơn 35,000 người khi hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ. Vậy mà bây giờ chúng tôi bị xem như những kẻ đang bí mật buôn ma túy ở đây.”

Một trong những người có mặt trong cuộc biểu tình là ông Ed Szendrey, cựu trưởng điều tra viên của Phòng Biện Lý Hạt Butte County. Ông từng trợ giúp các cựu chiến binh từ cuộc chiến bí mật kể từ thập niên 1990. Ông đã từ Chico đến Yreka để ủng hộ người Hmong.

Ông nói, “Nếu là băng đảng ma túy thì tại sao họ đến đây để biểu tình trong ôn hòa và kêu gọi sự đối thoại giữa chính quyền với cộng đồng Hmong.”

Ông Ed Szendrey nói về ý tưởng kỳ thị của một số người địa phương và các viên chức trong chính quyền, “Họ nghĩ rằng mỗi một giọt nước đều được dùng để trồng cần sa. Người ta cũng dùng nước để nấu ăn, để tắm, để sống chứ. Những người lớn tuổi đã phải ra suối để lấy nước.”


Anh Zurg Xiong, bên phải, đã tuyệt thực từ ngày 9 tháng 7 để đòi công lý trong vụ cảnh sát bắn chết anh Soobleej Kaub Hawj. (Manuel Ortiz/ EMS)


Ông Ed Szendery cũng kêu gọi Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ hãy điều tra vụ bắn chết anh Hawj.

Hai-mươi bốn ngày trước khi xảy ra vụ bắn chết anh Hawj, có sáu người Mỹ gốc Á Châu đã nạp đơn xin tòa hãy ngăn chặn Sở Cảnh Sát Hạt Siskiyou trong việc theo dõi những xe chở nước đến vùng chân núi Mount Shasta Vista, nơi có đa số người Hmong sinh sống và trồng trọt. Họ nói rằng quyền vận chuyển nước vào khu vực đã bị xâm phạm.

Về phía cảnh sát, họ nói rằng nhà chức trách từng tịch thu hàng ngàn cân cần sa trồng bất hợp pháp, với trị giá từ $59 triệu đến $179 triệu nếu được bán ở đường phố.

Chính quyền địa phương cũng cấm người dân không được sở hữu những thùng chứa nước với dung tích hơn 100 gallons. Cộng đồng người Hmong nói rằng luật cấm này đã có ý kỳ thị người Hmong và cho rằng bất cứ xe tải nào chở nước đều là được dùng để trồng cần sa.

Cô Mary Ly, một phụ nữ dưới 30 tuổi và có hai con, cho biết vào năm ngoái cô đã dọn nhà từ Denver đến vùng Siskiyou để chăm sóc mẹ già. Cô nói rằng từ khi Hạt Siskiyou thông qua luật giới hạn việc vận chuyển nước, cô cảm thấy mình và những người Hmong bị dòm ngó, thù ghét mỗi khi họ xuống phố.

Mary Ly làm việc trong tiệm bán hàng lẻ. Cô nói rằng cô thường thấy các nhân viên Mỹ bày tỏ thái độ khinh thường những người Hmong lớn tuổi. Cô nói, “Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự kỳ thị như vậy trước đây.”

(Trích từ bài viết của Sandy Close với phần cộng tác của ký giả Sunita Sohrabji, được Ethnic Media Services (EMS) gởi đến Viễn Đông News)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT