Thế Giới

Canada tuyên bố không e ngại trước áp lực của Trung Cộng

Friday, 18/01/2019 - 08:21:55

Các cơ quan an ninh Canada đang cân nhắc xem có nên dùng thiết bị của Huawei hay không, trong lúc nước này chuẩn bị áp dụng công nghệ 5G. Mạng 5G nếu bị xâm nhập an ninh sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn, khiến các chính phủ đều coi mạng viễn thông này là tài sản chiến lược.

OTTAWA – Bộ trưởng an ninh công cộng Canada vào ngày thứ Sáu nói rằng, nước này sẽ không e ngại trước áp lực của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ trả đũa nếu hãng Huawei bị cấm không được cung cấp thiết bị cho mạng 5G của Canada.
Đã có những cáo buộc cho rằng hãng Huawei bị kiểm soát bởi đảng Cộng Sản cầm quyền tại Trung Quốc, hoặc bị yêu cầu phải phục vụ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh. Hoa Kỳ, Úc, Nhật, và nhiều nước khác, đã ra lệnh kiểm soát việc sử dụng thiết bị của Huawei.
Bộ Trưởng An Ninh Công Cộng Ralph Goodale nói, Canada sẽ không nhượng bộ đối với các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. “Đó là một thách thức rất lớn, nhưng chúng tôi sẽ không ngần ngại trước những việc mà chúng tôi cho là cần thiết và quan trọng đối với lợi ích của Canada,” ông Goodale nói.
Trước đó vào ngày thứ Năm, Đại Sứ Trung Quốc tại Canada, ông Lu Shaye, đã đe dọa rằng Canada sẽ gánh chịu hậu quả nếu cấm hãng Huawei tham gia mạng 5G của nước này.
Về vấn đề Huawei, Thủ Tướng Justin Trudeau nói, “Một trong những điều đáng lo ngại là sự pha trộn giữa lợi ích thương mại và lợi ích chính trị của Trung Quốc. Đây là mối băn khoăn của Canada và mọi nước trên thế giới.”
Các cơ quan an ninh Canada đang cân nhắc xem có nên dùng thiết bị của Huawei hay không, trong lúc nước này chuẩn bị áp dụng công nghệ 5G. Mạng 5G nếu bị xâm nhập an ninh sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn, khiến các chính phủ đều coi mạng viễn thông này là tài sản chiến lược.

Đức xem xét bỏ Huawei khỏi mạng 5G
BERLIN - Sau nỗ lực cảnh báo của Mỹ, chính phủ Đức dường như đã cẩn thận hơn trước nguy cơ đe dọa bảo mật từ Huawei. Truyền thông Đức dẫn các nguồn tin từ chính phủ cho biết, Berlin đang xem xét việc ban hành các tiêu chuẩn bảo mật mà Huawei hiện không thể đáp ứng, nhằm ngăn chặn hãng viễn thông Trung Quốc tham gia mạng di động 5G. Giới truyền thông còn tiết lộ thêm rằng, các viên chức còn đang cân nhắc thay đổi luật viễn thông như một giải pháp để hạn chế hoạt động của Huawei.
Hành động này dường như đối lập với tuyên bố của hính phủ Đức đưa ra hồi tháng 10, 2018, nói rằng họ không có cơ sở pháp lý để loại bỏ bất cứ nhà cung cấp nào ra khỏi việc lắp đặt mạng 5G sắp tới, bất chấp khuyến cáo của Hoa Kỳ. Washington từng thông báo với các đồng minh rằng Huawei bị chính quyền Trung Quốc điều khiển, và các thiết bị của hãng này đe dọa sự bảo mật thông tin.
Tuy nhiên, Huawei cho biết những cáo buộc này không có căn cứ. Hoạt động kinh doanh của Huawei gặp khó khăn sau khi Canada bắt giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Hoa Kỳ, với cáo buộc lừa dối các ngân hàng quốc tế, vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Sự việc khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa ngày càng lạnh nhạt.

Nga bác bỏ cáo buộc bán công nghệ hỏa tiễn cho Bắc Hàn
MOSCOW – Đại sứ Nga tại Bắc Hàn vào ngày thứ Sáu đã bác bỏ cáo buộc cho rằng Moscow bán công nghệ hỏa tiễn cho Bình Nhưỡng. Tổng Thống Donald Trump vào ngày thứ Năm công bố Báo cáo đánh giá phòng thủ hỏa tiễn (MDR) mới của Ngũ Giác Đài, trong đó khẳng định Bắc Hàn vẫn là "mối đe dọa nghiêm trọng" mà Washington cần chú ý. Báo cáo cho biết Bắc Hàn gần đây đạt được thành tựu đáng kể trong việc phát triển hỏa tiễn đạn đạo, nhờ được Nga chuyển giao công nghệ hỏa tiễn và phòng không.
Trước cáo buộc này, Đại sứ Nga tại Bắc Hàn Alexander Matsegora cho rằng, những tuyên bố của Hoa Kỳ là một chiều và thiếu căn cứ. "Washington không tìm được bằng chứng nào cho cáo buộc này và chỉ đang tìm cách lừa gạt mọi người,” ông Matsegora nói.
Đây không phải lần đầu tiên Nga bị cáo buộc hỗ trợ Bắc Hàn về công nghệ hỏa tiễn. Hồi tháng 8, 2017, Cơ quan không gian Ukraine cho rằng động cơ RD-250 mà Bắc Hàn dùng cho hỏa tiễn đạn đạo là có nguồn gốc từ Nga, và thường được gắn cho các hỏa tiễn đẩy Cyclone-2 và Cyclone-3 trong chương trình không gian Nga.
Bắc Hàn hồi giữa năm 2017 đã phóng thử thành công 2 hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14. Hwasong-14 được đánh giá là bước tiến lớn trong chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Bình Nhưỡng, có thể bắn tới các thành phố lớn ở miền đông Hoa Kỳ.

Singapore sẽ thay phi đội F-16 bằng F-35
SINGAPORE CITY - Bộ Trưởng Quốc Phòng Singapore vào ngày thứ Sáu nói rằng, các chiến đấu cơ F-35 của hãng Lockheed Martin là loại máy bay phù hợp nhất để thay thế cho phi đội F-16 của nước này, và Singapore dự định sẽ mua trước một vài chiếc F-35 để đánh giá. Là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất Đông Nam Á, Singapore là một trong các khách hàng lớn của các hãng công nghiệp quốc phòng quốc tế, mỗi khi nước này muốn đầu tư vào công nghệ mới và nâng cấp thiết bị. Phi đội của Singapore có khoảng 60 chiếc F-16, với những chiếc đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 1998, và sẽ về hưu không lâu sau năm 2030.
Trong thông điệp trên Facebook, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ng Eng Hen viết, các cơ quan quốc phòng đã xác định F-35 là chiến đấu cơ phù hợp nhất để thay thế cho phi đội F-16, và Singapore sẽ mua trước một vài chiếc để đánh giá năng lực của F-35, trước khi quyết định thay mới toàn bộ phi đội. Bộ Trưởng Ng nói, các viên chức quốc phòng sẽ liên lạc với những người đồng cấp Hoa Kỳ để thảo luận việc mua bán, tuy nhiên, quá trình này sẽ mất từ 9 đến 12 tháng để hoàn thành các chi tiết cho hợp đồng.
Với quyết định này, Singapore sẽ là quốc gia châu Á thứ 3 sau Nhật và Nam Hàn đặt mua chiến đấu cơ F-35. Các thông báo của Nhật, Nam Hàn, và Singapore được đưa ra sau khi Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái nói rằng, nước này sẽ dùng chiến đấu cơ nội địa J-31 cho các nhiệm vụ quân sự trong nước. J-31 là chiến đấu cơ tàng hình do Trung Quốc tự sản xuất, được giới chuyên gia nhận xét là có rất nhiều điểm tương đồng “đáng ngạc nhiên” với F-35.

Ô nhiễm không khí tại Bangkok ngày càng trầm trọng
THÁI LAN - Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Bangkok của Thái Lan đang ngày càng tồi tệ, đe dọa sức khỏe người dân nước này. Bộ Tài Nguyên Môi Trường Thái Lan vào ngày thứ Sáu đã ra lệnh khuyến cáo về nạn ô nhiễm không khí Bangkok và những vùng lân cận. Theo đó, nhà chức trách cho biết, tại rất nhiều khu vực trong nội thành thủ đô Bangkok và những khu vực lân cận, nồng độ khói/bụi siêu nhỏ đã vượt ngưỡng cho phép và có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Ông Sonthi Khachavat – Chuyên gia lĩnh vực môi trường thuộc Tổ chức môi trường Thái Lan - cho biết, nạn ô nhiễm môi trường ở Bangkok trong thời gian qua đến từ từ nhiều yếu tố như thời tiết khô hạn, các công trình lớn được thực hiện hàng loạt, lượng khí thải từ xe cộ tăng đáng kể.

Vợ cựu chủ tịch Interpol xin tị nạn ở Pháp
LYON - Bà Grace Mạnh, vợ cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ, dự kiến sẽ nộp đơn xin tị nạn ở Pháp. "Tôi cần chính phủ Pháp hỗ trợ, bảo vệ tôi và các con. Tôi sợ bị bắt cóc,” bà nói với truyền thông Pháp hôm thứ Sáu, bày tỏ lo ngại về tính mạng của bà và người thân, dù gia đình bà đang được cảnh sát Pháp bảo vệ. Bà Mạnh vẫn ở thành phố Lyon, Pháp, từ khi chồng bà biến mất sau chuyến trở về Trung Quốc hồi tháng 9 năm ngoái. Trung Quốc sau đó xác nhận đang điều tra cựu chủ tịch Interpol vì bị nghi nhận hối lộ và một số tội danh khác.
Theo bà Mạnh, đầu tháng 10, 2018, trước khi Trung Quốc xác nhận ông Mạnh bị điều tra, có hai thương gia Trung Quốc, trong đó có một người bà quen biết, đã đến thăm nhà. Hai người này mời bà cùng đến Czech trên một máy bay tư nhân nhưng bà Mạnh đã từ chối. "Tôi nghĩ đó là một âm mưu bắt cóc,” bà Mạnh nói, và cho biết đó là nguyên nhân khiến bà yêu cầu được cảnh sát Pháp bảo vệ.
Lãnh sự quán Trung Quốc ở Lyon sau đó cũng thông báo nhận được thư của ông Mạnh, nhưng yêu cầu bà phải đích thân đến nhận. Bà Mạnh sau đó yêu cầu họ giao thư cho cảnh sát Pháp, hoặc yêu cầu cảnh sát Pháp được phép đi cùng bà đến lãnh sự quán, nhưng cuối cùng đã không được lãnh sự quán Trung Quốc hồi đáp. Trong cuộc phỏng vấn hôm 10 tháng 1, bà Mạnh nói từ tháng 9 năm ngoái tới nay, bà không nhận được tin tức gì về chồng hay gia đình ở Trung Quốc. Điện thoại và trương mục Internet của bà ở Trung Quốc đã bị chặn. Bà cũng nhận được "các cuộc gọi lạ,” và từng bị 2 người Trung Quốc đi theo vào một khách sạn. Trung Quốc đến nay chưa truy tố Mạnh Hoành Vĩ và cũng chưa công bố kế hoạch đưa ông này ra xét xử.

Malaysia kiện một tiểu bang vì cấp giấy phép phá rừng
KUALA LUMPUR – Bộ Trưởng Tư Pháp Malaysia Tommy Thomas hôm thứ Sáu cho biết Thủ Tướng Mahathir Mohamad và nội các của ông đã đệ đơn kiện chính quyền bang Kelantan, vì đã cấp giấy phép cho các hãng tư nhân phá rừng để làm đồn điền. Đơn kiện của chính phủ Mahathir đại diện cho bộ tộc Temiar ở bang Kelantan, nơi đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) đối lập đang nắm quyền. Theo đơn kiện, chính quyền Kelantan đã cho phép các hãng tư nhân đem máy móc hạng nặng đến vùng đất của người Temiar để phá rừng, đốn hạ nhiều cây gỗ, để lấy đất trồng cao su và sầu riêng.
"Chính quyền liên bang đang thực hiện thủ tục pháp lý đại diện cho người Orang Asli, để bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của họ,” Bộ Trưởng Thomas nói, nhắc đến tên gọi khác của bộ tộc Temiar. Năm tổ chức tư nhân cũng bị kiện trong vụ này, nhưng ông Thomas không nêu đích danh. Chính quyền Mahathir cũng đang thúc đẩy việc công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của bộ tộc Temia,r để ngăn hành động xâm phạm của các công ty tư nhân. Nạn phá rừng kéo dài hàng chục năm qua ở Malaysia đã khiến nhiều cộng đồng thiểu số ở Kelantan phải chuyển chỗ ở. Sự phát triển của thị trường bất động sản cùng các đồn điền trồng cọ, cao su và sầu riêng đã đẩy nhiều bộ tộc vào tình cảnh mất đất. Các nhà hoạt động xã hội từng chỉ trích các chính quyền Malaysia tiền nhiệm, do không bảo vệ được các cộng đồng thổ dân bản địa.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT