Bình Luận

Cảnh đau lòng

Monday, 30/12/2019 - 08:01:26

Giáo viên lớp Một của một trường tiểu học tại Hồ Tân (Hotan- tỉnh Tân Cương-Trung Quốc) viết trên mạng


Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Giáo viên lớp Một của một trường tiểu học tại Hồ Tân (Hotan- tỉnh Tân Cương-Trung Quốc) viết trên mạng, “Nó ngoan, nó học giỏi, ai cũng thương nó, nhưng điều khổ tâm là nó thường gục xuống bàn, khóc một mình. Nó bảo tôi nó nhớ mẹ nó. Tôi không dám hỏi nó nữa, vì nó chỉ biết mếu máo gọi 'mẹ'."
Bé lên 4, hay lên 5? Bé tên gì? Không ai biết, mọi người chỉ có thể đoán là bé còn bé lắm, vì mới học lớp Một; nhưng ai cũng biết Bé là một trong những đứa trẻ Duy Ngô Nhĩ (sắc dân Uighur, sống tại tỉnh Tân Cương), nơi đang có hàng trăm ngàn đứa trẻ học tiểu học, ở nội trú như hoàn cảnh đau lòng của đứa bé được một giáo viên đưa lên mạng.
Tân Cương nằm trong lãnh thổ Tầu, đó là lý do cho phép người Tầu 'Trung Quốc hóa' thế hệ sắp lớn của người Duy Ngô Nhĩ . Chính phủ Tầu giải thích là họ không muốn khác biệt văn hóa và tín ngưỡng tạo ra những va chạm đẫm máu, kéo dài từ thế hệ này, sang thế hệ sau như hiện nay.
Dĩ nhiên đó cũng là một góc nhìn -góc nhìn của thực dân Tầu; họ coi những đứa trẻ, con của người Duy Ngô Nhĩ, như những cục bột mới, muốn nắn ra hình thù gì chỉ tùy người thợ làm bánh.


Fatima, một bé gái 9 tuổi người Duy Ngô Nhĩ, đang khóc trong lúc được phỏng vấn tại một trường học ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 29 tháng 11, 2019. Fatima là một trong vài chục học sinh đã bị mất hết cha mẹ trong các trại giam tại Tân Cương. (Getty Images)



Người Duy Ngô Nhĩ như trong hình này có nước da, vóc dáng giống như người Tầu. Ảnh được chụp tại Tân Cương năm 2018. (Getty Images)


Điều đau lòng nhất là bé chưa biết than thở, chỉ thường gục trên bàn học và thầm lặng khóc; bố, mẹ của những đứa trẻ đang học tiểu học theo quy chế nội trú này đều đang bị giam, hoặc đã bị giết về tội chống chính quyền Trung Quốc, vấn đề mà người Tầu đang giải quyết bằng cách 'Trung Quốc hóa' thế hệ sau. Họ hy vọng việc học và hiểu văn hóa Tầu sẽ giúp thế hệ sau của người Duy Ngô Nhĩ hiểu và tham gia vào chính sách đồng hóa của Tầu.
Người Duy Ngô Nhĩ thuộc giống dân Á Châu, mầu da, nét mặt giống như người Việt, người Tầu,...; khác biệt là họ theo đạo Hồi. Thống thuộc huyết thống và tôn giáo khiến họ có thiên hướng chống Trung Quốc; sức chống đối đó có thể không gây ra những hậu quả quá đáng, nếu người Tầu cũng chấp nhận - như người Mỹ hay người Việt Nam chấp nhận- sự khác biệt văn hóa, chủng tộc của những sắc tộc thiểu số sống trong lãnh thổ của họ.

Người Tầu không chấp nhận giải pháp dễ đó, họ chọn giải pháp đồng hóa; họ tin là, sau 12 năm học hết 2 cấp tiểu học và trung học những đứa bé bị đảng cộng sản giáo dục toàn diện -trí, đức, và thể dục- sẽ bị Tầu hóa, cộng sản hóa khi vào đại học Trung Quốc hay ra ngoại quốc du học, và thế hệ đó sẽ giải quyết vấn đề hai sắc tộc một lãnh thổ vì có chung một lý tưởng - lý tưởng cộng sản.
Dĩ nhiên đó chỉ là lý thuyết.
Người giáo chức đưa lên mạng hoàn cảnh của đứa bé vô danh trong vài chục đứa bé vô danh mà ông ta phụ trách việc trí dục mỗi ngày vài tiếng đồng hồ, cho biết thêm những chi tiết khác: mẹ đứa bé đang sống trong trại tập trung nhiều phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, chồng của những phụ nữ đó đã chết, hoặc bị giam riêng ở những trại tập trung khác, hàng trăm trại như vậy được tổ chức trên lãnh thổ Tân Cương, dưới hình thức những khu kinh tế mới.
Nhìn theo góc cạnh chính trị, thì chính những trường tiểu học nội trú cũng chỉ là những trại tập trung trá hình, mà tù nhân -những đứa trẻ 5 tuổi trở lên- bị giáo hóa trên mọi phương diện. Vài trăm trường tiểu học nội trú như vậy đang âm thầm hoạt động trên lãnh thổ Tân Cương.
Trong ba năm vừa rồi hàng triệu người thuộc hai sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan đã bị gửi vào những trại tập trung; họ là tín đồ Hồi Giáo.

Chế độ giam giữ tập thể đó đã bị thế giới lên án; tại Hoa Kỳ đang có một nỗ lực lưỡng đảng vận động xin Tổng Thống Trump lên tiếng về chế độ tàn độc đó.
Chính quyền cộng sản Trung Hoa đặt nhiều hy vọng vào nửa triệu đứa bé đang sống trong những trường tiểu học nội trú tại Tân Cương; họ nỗ lực trình bày cuộc sống vật chất đầy đủ của những đứa bé này như một cải thiện nhắm vào cuộc sống thiếu thốn, nghèo khổ trên đất Trung Hoa,
Tân Cương có trên 800 thị trấn, và kế hoạch của đảng cộng sản Trung Hoa là tạo ra cho mỗi thị trấn tối thiểu hai trường tiểu học nội trú. Để chống lại dư luận quốc tế đang lên án chính sách kỳ thị và cưỡng bách giam giữ trẻ con, người Tầu tổ chức nhiều trường gương mẫu với những sinh hoạt vui, nhộn cho học sinh, phòng học sáng sủa, rộng rãi, phòng ăn với những thực đơn dinh dưỡng, đầy đủ, ngon miệng, phòng ngủ khang trang, rộng rãi. Họ mời phóng viên truyền thông quốc tế đến thăm viếng.
Trung Cộng thành công giới hạn tại Tân Cương, nhiều nông dân thuộc những xóm, làng xa xôi, việc giáo dục con cái khó khăn đang xin gửi con vào học tại những trường nội trú đã miễn phí mà con cái họ lại được dinh dưỡng đầy đủ.


Một trường tiểu học nội trú tại Tân Cương (Getty Images)


Vị trí Tân Cương trên bản đồ Trung Quốc

Báo chí nhà nước, và những tài liệu của chính phủ Trung Quốc mô tả chính sách 'trường tiểu học nội trú' (TTHNT) là chính sách ưng ý của chủ tịch Tập Cận Bình; những khu kinh tế mới, và hệ thống 'trại cải tạo' trong tỉnh Tân Cương là hai thành phần khác của chính sách. Bắc Kinh đưa dân Tân Cương đi vùng kinh tế mới, hoặc nhốt họ vào trại cải tạo để đem con họ bỏ vào những TTHNT
Vai trò của hệ thống TTHNT tại Tân Cương là những cái máy ấp trứng, để ấp ra một thế hệ -thế hệ cán bộ cộng sản mới tại Tân Cương.
Nhà nghiên cứu Adrian Zenz của hội Victims of Communism Memorial Foundation (Hội Nạn Nhân Cộng Sản) tại Washington, nhận định mục đích của Trung Cộng là tạo ra một thế hệ cán bộ cộng sản mới, người Tân Cương, thấm nhuần lý thuyết cộng sản, và không thống thuộc tín ngưỡng Hồi Giáo.
Những cán bộ Trung Cộng đang chủ trương chính sách Trung Quốc Hóa người Tân Cương đáng bị đảng Trung Cộng phạt nặng về tội không thuộc sử Tầu.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Getty Images)

Trung Quốc đã cai trị Việt Nam trong suốt 1,000 năm, mà có người Việt nào bị Tầu hóa đâu, kể cả những ông Trùm cộng sản như đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phúc và bọn đồng đảng có ăn gian, nói dối như Tầu, có chủ trương 'ngu dân' như Tầu, nhưng chỉ ăn gian, chỉ nói dối, và chỉ chủ trương ngu dân sau khi đã Việt hóa những chính sách này.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT