Hôm Nay Ăn Gì

Canh dưa hồng, dưa hấu nấu với tôm

Monday, 22/06/2020 - 05:27:40

Canh dưa hồng, dưa hấu nấu với tôm


(Tom/ Viễn Đông)


Bài TOM
Với ai thì sao không biết, riêng tôi, tôi tin vào luật nhân quả và tin vào cái điều gì đó gọi là tiền kiếp. Bởi có đôi khi, tin hay không tin thì tùy nhưng có những thứ diễn ra trong cuộc đời mà nếu ngồi chiêm nghiệm lại, thì có vẻ như nó thuộc về duyên phận hay tiền kiếp gì đó, khó nói. Và đương nhiên có không ít những chuyện khiến người ta suy nghĩ về nhân quả, tiền kiếp. Và trong mỗi câu chuyện ấy lại gắn với nhiều thứ, trong đó, một món ăn nào đó cũng đóng vai trò không nhỏ. Trong câu chuyện của tôi có gắn với bát canh dưa hồng và dưa hấu non.

Chuyện là thế này, không hiểu gia đình ông bà tôi có liên hệ như thế nào với gia đình cô giáo của tôi, mà cứ theo từng thế hệ, gia đình cô giáo của tôi cứ làm thầy gia đình tôi. Mà làm thầy trong bối cảnh cũng khá đặc biệt. Đầu tiên là cô Ảnh, cô giáo hồi tiểu học, dạy tôi năm lớp hai, cô giáo mà tôi thương nhất và khi nghĩ đến thầy cô thì tôi nghĩ ngay đến cô Ảnh, thế nhưng chưa có ngày hiến chương nhà giáo nào tôi đến thăm cô. Thậm chí tôi chỉ gặp lại cô trong một dịp khá đặc biệt, đó là đám tang thân mẫu cô.

Và cháu gọi cô Ảnh bằng cô ruột lại là cô giáo tiểu học của con trai tôi, cô giáo nó thương nhất, cô giáo mà mỗi khi chúng tôi có công việc đi đâu xa thì con tôi bảo “Thôi ba mẹ cứ lo công việc, con ở lại nhà cô!” Bà xã tôi mừng vì cháu gắn bó với cô giáo, nhưng cũng có lúc nàng thấy ngại, rồi thử hỏi, “Nhà cô của con có gì đặc biệt mà con thích ở lại dữ vậy?” Cu cậu trả lời ngay, “Nhà cô có món canh dưa hồng con thích lắm!” Nàng thấy vui, còn tôi lại xúc động, bởi cu cậu cũng đang học lớp hai, bằng lớp ngày xưa tôi học cô Ảnh, và tôi cũng nhớ tới cô với món canh dưa hồng.


(Tom/ Viễn Đông)


Số là hồi đó, năm tôi học lớp hai thì đất nước đang thời kinh tế tập trung bao cấp toàn phần, mọi thứ đều dựa vào nhà nước, giáo viên ăn uống thiếu thốn, mọi thứ diễn ra rất kinh dị. Tôi còn nhớ trường tôi học, tức trường cô Ảnh dạy cũng là trường mẹ tôi dạy văn cấp hai. Hồi đó, thiếu cơ sở, nên cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở học chung, chừng 30 lớp, có dãy phòng tập thể của các giáo viên từ ngoài Bắc đưa vào. Trong trường có hai cô giáo nổi tiếng là “gà mái tơ” bởi ngoài việc dạy, tối lại họ còn “tiếp khách” để kiếm thêm thu nhập. Hai cô này tên M. và H., từ ngoài Bắc vào nhận công tác tại trường, được chia cho hai căn phòng tập thể. Các cô có chồng đi bộ đội ngoài Trường Sa nên được chiếu cố giúp đỡ khá nhiều, được sắp xếp ở cạnh phòng nhau để dựa nhau, đỡ đần nhau mà sống. Thế nhưng giữa hai cô giáo xa quê này có mối hiềm khích ngấm ngầm, thậm chí có lúc đập nhau trước mặt học sinh.

Sau này, khi hai cô bị kỷ luật và trả về đơn vị cũ ngoài Bắc thì bọn học trò chúng tôi mới vỡ lẽ là các cô đã làm thêm ca đêm để kiếm tiền. Cứ tối đến thì có vài tay ăn chơi đi xe gắn máy (thời đó tay nào có xe gắn máy phải là thứ giàu có rồi) vào phòng của hai cô, tắt đèn, xong lại đến phiên khác. Lâu dần, khu tập thể của trường cứ giống như cái động, người ta lời ra tiếng vào nhưng trường này có lợi thế cho các cô là nổi tiếng nhiều ma.

Vì trường xây dựng trên nghĩa trang cũ, bên cạnh một ngôi đình làng, trước đình làng có cây gáo to, khi xây dựng, người ta đào qua quýt các ngôi mộ rồi đắp thành cái ụ to tướng bên cạnh gốc gáo cổ thụ. Trong số những đứa học sinh đi lao động công ích để xây dựng trường có anh Hải, anh thằng Hậu cùng lớp với tôi. Anh Hải học lớp 6, sau giờ đi lao động về thì điên luôn. Số là anh đi xúc đất đổ vào xe bò để kéo đắp gốc gáo, trong lúc nhấn mũi xẻng để lấy đất, thấy cấn, anh đạp xẻng thật mạnh chân, nghe “rốp,” rút cách chi xẻng cũng nằm trơ dưới đất. Hì hục mãi kéo lưỡi xẻng không lên, ba bốn đứa xúm nhau nạy, lưỡi xẻng bật lên mang nguyên một cái hộp sọ người theo, dính trong lưỡi xẻng. Cả đám bỏ chạy, ông Năm bảo vệ trường ra tháo lưỡi xẻng khỏi hộp sọ và chôn lại chỗ cũ, tiếp tục đắp đất lên thành gò.

Thời đó, chuyện đào trúng mộ nghe cứ như đào đụng một que củi, giờ nghĩ lại còn thấy nổi gai ốc. Anh Hải của Hậu về nhà bỏ ăn, sốt li bì, gia đình mời thầy cúng nhưng cũng không cứu được, sau đó anh điên, đi lang thang, rồi anh chết năm tụi tôi vào lớp 10.

Tự dưng nói chuyện các cô làm tăng ca lại chuyển sang chuyển anh Hải, chuyện gốc gáo, chuyện xác người. Là vì hồi đó trường tôi học nổi tiếng ma, chẳng mấy ai dám tới vào ban đêm. Thế mà ban đêm các cô một thân một mình ở trong các căn phòng tập thể ngay góc sau của trường, nằm giáp với bụi tre và một khu miếu khác cùng với nhiều ngôi mả cổ. Thực tâm mà nói, giờ mới hiểu, mới dễ thông cảm, các cô không kiếm thêm bạn để ngủ đêm cũng là chuyện lạ. Và thời đói khổ, hơn nữa sống thiếu thốn, nhục nhằng, người ta dễ buông thả, sa ngã… Thực lòng là bây giờ nhìn lại, thấy kiếp làm nhà giáo xã hội chủ nghĩa của các cô, trong ngôi trường thời tôi học tiểu học, hình như chỉ có hai lối thoát, hoặc là biến cái trường thành nhà thổ, hoặc là ra nhà thương điên. Và các cô đã chọn cách thứ nhất. Nhưng cách chọn của các cô là tai họa của các cô.

Một bữa, hiệu trưởng, công an, thuế vụ, đảng bộ địa phương phục kích (mà theo tôi nghĩ là do họ sợ ma, sợ bị đánh mới kéo cả “liên ngành” đi như vậy chứ hồi đó chẳng mấy ai dây dưa vào những chuyện riêng tư, đụng đến vợ của lính đảo, bởi lính đảo, lính Campuchia, lính Tây Bắc về liều lắm, có gì chướng tai gai mắt họ là mệt chuyện). Sau buổi “bắt quả tang,” lập biên bản tại chỗ đó thì các cô bị trả về đơn vị cũ, hình như ngoài Thanh Hóa, sau đó nghe đâu bị khai trừ khỏi ngành. Nhìn chung thì mọi chuyện đã rõ, cũng chẳng oan gì cho hai cô. Nhưng rõ ràng, khi bước vào nghề phấn trắng bảng đen với ước mơ đẹp, để rồi khi ra khỏi ngành với ê chề thì xét trên góc độ con người, thấy họ cũng có gì đó tội nghiệp, đau đớn… Và sau lần vỡ tổ của hai cô giáo miền Bắc, cô Ảnh của tôi cũng không muốn dạy tại trường này nữa, quyết tâm xin chuyển trường. Với các học trò khác của cô, không biết tụi nó vui buồn ra sao, nhưng với tôi, đây là cái tin buồn hơn gì hết.



(Tom/ Viễn Đông)

Bữa cô chia tay với lớp, vì thời nghèo đói nên cũng chẳng có bánh kẹo chi ngoài mấy câu nói chia tay, rồi cô rươm rướm nước mắt, dạy tiếp cho hết buổi. Xong buổi dạy, nặng nề kinh khủng, cô nói tôi lên văn phòng xin mẹ cho tôi ăn cơm trưa với cô. Vậy là mẹ đạp xe về nhà, còn tôi ngồi lên xe đạp của cô, cô chở về nhà ăn cơm trưa. Bữa cơm hôm đó cô nấu món đặc biệt gồm cá nục khô chiên giòn và bát canh dưa hồng với tôm khô. Nhà cô chỉ có hai chị em và người mẹ không già lắm nhưng bị điên. Cô nói rằng hồi trẻ mẹ cô đẹp lắm, lấy chồng xong, đến khi sinh đứa con thứ hai, tức là em trai cô, thì cha cô bỏ theo người đàn bà trẻ, mẹ cô nổi cơn sản hậu và điên từ lúc đó. Bữa cơm đó cũng là bữa cơm cuối cùng, lần gặp cuối cùng của tôi với cô giáo mà tôi thương yêu nhất. Bẵng đi vài chục năm sau…

Tôi làm trưởng ban phụ huynh của lớp con trai tôi, hay liên lạc với giáo viên chủ nhiệm, tôi mới phát hiện ra cô giáo của con tôi là con của người anh em mà tôi rất quí, từng gần như vào sinh ra tử với tôi trong đời sống và khi tôi khó khăn nhất luôn có anh bên cạnh, khi anh tuyệt vọng nhất cũng có tôi. Tôi chỉ biết rằng anh có người mẹ già bị bệnh nằm một chỗ và đàn con đi học, đứa nào cũng học rất giỏi nhưng nhà khó khăn nên con anh phải đi bưng thức ăn cho đám cưới, đi dạy thêm, đi giữ xe, rửa chén bát… Tôi cảm phục gia đình anh và thương cảnh của anh… Tôi chỉ biết chừng đó cho đến ngày bà nội của cô chủ nhiệm con trai tôi, tức mẹ của anh qua đời. Nhà vắng, chỉ có anh cùng ba đứa con gái, bà con họ hàng cũng hiếm hoi, mẹ mất là anh gọi điện thoại tôi chạy xuống ngay. Hai anh em lo chuyện thuê dịch vụ hậu sự, rồi chờ người chị về. Lúc người chị về, tôi ngớ người nhận ra cô giáo Ảnh của tôi. Cô trò gặp lại nhau sau hơn ba chục năm trong một hoàn cảnh phải nói là buồn. Ngày cô đi xa cũng buồn mà ngày cô trở về cũng buồn.

Thế rồi sau đám tang bà cụ hơn năm, cô Ảnh lại về thăm nhà mẹ, cô gọi cho tôi, “Con rảnh không, xuống nhà cô ăn cơm trưa!” (thầy cô tiểu học xưng với học trò là thầy - con hoặc cô - con chứ không thầy - em, cô - em như các cấp lớn hơn). Tôi “dạ”, liền sau đó thì cô chủ nhiệm của con tôi cũng gọi cho con tôi với nội dung y như cô Ảnh gọi cho tôi, vậy là con tôi “dạ”, hai cha con chở nhau đi. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có cá nục khô chiên giòn và canh dưa hồng, dưa hấu non nấu với tôm khô nhưng lại ngon vô cùng. Cái ngon của ba mươi năm trước chạm vào ba mươi năm sau cũng trong cảnh nghèo túng, chưa tìm ra lối thoát…
Trời nắng nóng, một trái dưa hấu non cạo đi lớp vỏ bên ngoài, xắt nhỏ, một trái dưa hồng cũng cạo vỏ, xắt nhỏ. Bắc một nồi nước sôi, cho tôm khô đã rửa sạch vào, sau đó cho một chút nước mắm rồi đợi nước sôi lại, cho dưa hồng, dưa hấu vào, đợi nước sôi lại lần nữa thì tắt bếp, tuyệt nhiên không bỏ thêm bột ngọt hay bột nem. Vì vị ngọt của tôm khô và dưa hồng thì không có thứ bột nem, bột ngọt nào bằng. Khi múc canh ra bát, cho thêm một ít hành ngò xắt nhỏ vào nữa, coi như có một bát canh mát, ngọt dịu giữa mùa nắng nóng. Mà cũng có khi, đó là bát canh có gắn với một chút kỉ niệm nào đó của thuở cơ hàn, của thời thơ ấu, của những ngày mẹ đi chợ xa, đường làng nắng nóng, đất bụi mù mịt, anh em quây quần bên mâm cơm nhà nghèo, có bát canh dưa hồng như một sự cứu rỗi cái nắng mùa hè… Âu cũng là niềm vui ấm áp!

Kính chúc quí vị có một bữa cơm vui vẻ, ấm áp và ý vị!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT