Hôm Nay Ăn Gì

Canh hến lá me và biến tấu

Monday, 24/08/2020 - 05:07:43

Người miền Trung quen với nắng gió, mùa hè đổ lửa với gió Hạ Lào, mùa đông mưa thối đất và lạnh căm với gió mùa đông bắc, dường như chẳng có cái khổ nào là người miền Trung không nếm trải.


(Hình: Việt Giải Trí)


Bài TOM

Người miền Trung quen với nắng gió, mùa hè đổ lửa với gió Hạ Lào, mùa đông mưa thối đất và lạnh căm với gió mùa đông bắc, dường như chẳng có cái khổ nào là người miền Trung không nếm trải. Giả sử như Sài Gòn, Hà Nội mệt mỏi, thở than với ngập lụt màu mưa thì với người miền Trung, chuyện ấy “xưa rồi Diễm ơi!” Giả sử như người Hà Nội hay Sài Gòn than trời nóng đến vã mồ hôi, thì trong cái nóng ấy, nông dân miền Trung vẫn cứ lầm lì tát nước ruộng dưa hay nhổ cỏ lúa, làm cỏ sắn, thậm chí cuốc đất chuẩn bị gieo trồng rau đậu… Chuyện ấy có từ xưa, và nay cũng có. Mà hình như cũng từ cái nắng, cái gió miền Trung, tạo hóa đã ban cho người Trung cây me đất hay đọt me nhót, con hến. Những thứ này thì đâu mà không có, nhưng nấu canh hến me đất hay biến tấu canh hến, hình như chỉ có người miền Trung mới thấm thía.

Thử làm một cuốc phượt bằng xe máy từ đầu phía Nam miền Trung, tức Ninh Thuận, ra thẳng phía Bắc miền Trung, tức Nghệ An, cơ man nào là các món đặc sản nhà vườn, đặc sản quê kiếng miền Trung loáng thoáng hai bên đường. Sang có, bình dân có, tiền triệu có, tiền vài ngàn đồng cũng có nốt [1 triệu đồng VN là khoảng $43; hơn 23,000 bằng $1]. Từ món dê núi ở những nhánh đường thông với đường Trường sơn cho đến các quán hải sản cao cấp ở đầm Lập An, Huế và nhiều điểm bờ biển khắp miền Trung, đâu cũng có. Nhưng có vẻ như chén canh hến nấu me đất trong quán cơm bình dân là khó quên nhất và cũng hiếm hoi, đặc biệt nhất cho một chuyến đi.

Tôi nhớ mười mấy năm trước, bên cạnh giếng gạch của gia đình tôi có cây ổi sẻ già, thân sù sì, u nần, nhưng được cái là cho trái rất sai. Cứ đến mùa thu thì chim chóc về đầy vườn, tụi trẻ nít trong xóm rủ nhau sang nhà tôi chơi đùa, kỳ thực là canh me cây ổi sẻ. Bà tôi không cho mấy đứa nhỏ trèo hái, tuyệt đối cấm, bà để một cái sào có lưới hứng cho tụi nó hái. Nhưng hình như tụi nhỏ lại không ưa hái kiểu này, chúng thích leo lên cây, hái những trái mà chúng bất ngờ phát hiện đâu đó tít ngoài một cành nhánh vươn ra giữa miệng giếng. Không hiểu mấy đứa này ăn giống gì mà liều dữ ác… Bà hay chép miệng mỗi khi nhìn thấy tụi nhỏ lén vứt cây sào để trèo lên cây ổi. Mà đã trèo lên cây ổi được rồi thì phải ăn no bụng, phải nhét áo vào quần, tọng đầy một bụng áo.

Tự dưng nói canh me lại nhắc sang cây ổi, bởi giữa cây ổi và chén canh hến nấu với lá me đất (chứ không phải bát nha) lại có mối liên hệ khá đặc biệt. Số là tôi có người anh (bạn vong niên) nhà thơ, hiện sống ở Mỹ, ông đôi lần về quê nhưng lần nào cũng vội vì tiền không đủ nhiều để ở lâu, vì công việc, vì thời gian gia hạn thẻ xanh gì đó… Nói chung, trong ba lần về quê thì có lần gần đây nhất (nhưng cũng mười năm trước rồi) ông ở lâu được một chút, ghé nhà tôi ở lại. Tôi đón ông lúc 5 giờ sáng ngoài ga Đà Nẵng, chở về nhà, trên đường về, gặp gánh mì Phú Chiêm trên đường làng, tôi quyết định tấp xe vào, hai anh em làm hai bát mì nóng hổi, ông xuýt xoa khen mì ngon, khen hương vị quê nhà. Nhưng về tới nhà, tự dưng ông đứng sựng khi bước vào sân. Ông hít thở một hồi rồi phán, “Gần đây có cây ổi sẻ, chim đang ăn, tao cam đoan là cây ổi sẻ!” Tôi cười, “Ổi sẻ thật chứ cần chi cam đoan anh, ngay ngoài giếng đó kìa!” Ông anh không nói không rằng, bỏ túi xách, leo thẳng lên cây ổi hái ăn ngon lành.

Thử tưởng tượng cảnh bà ngoại tôi chứng kiến một ông từ “bển” về, ăn mặc sang trọng, tóc hoa râm, đeo kính cận, bỏ cái túi du lịch nghe “bịch” rồi leo lên cây ổi hái ăn ngon lành, ăn chừng mười phút tự dưng im lặng, khóc thút thít, vẫn chưa chịu leo xuống. Hình như biết bà ngoại tôi để ý chuyện này, ông anh xuống giải thích, “Dạ, hồi đó con đi học xa, thời chiến tranh, tản cư, không dễ chi về nhà, cứ mỗi lần về nhà thì bà nội con cho mấy trái ổi sẻ, giống y hệt trái ổi này, mà cây cũng giống nữa…” Lại khóc, khóc nức nở, rồi kể tiếp, “Lần đó con về, bà nội nằm chết bên gốc ổi, chắc bà biết cuối tuần con về thăm nhà, bà đang hái ổi cho con thì bị pháo kích…” Nói tới đây lại nức nở.

Nghỉ ngơi một bữa, sáng hôm sau tôi chở ông anh đi Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, tình cờ ghé ăn cơm trưa ở một quán ven đường tại Quảng Trị, nhìn chung thì thức ăn cũng không có gì đặc biệt ngoài món cá kho dưa cải, tôm, thịt các loại, trứng chiên… Cơm bình dân nên gọi chọn món, cứ theo món mà tính tiền.

Đường xa, mệt, hai anh em gọi đại hai dĩa cơm thập cẩm cho qua bữa. Thế nhưng đến khi chủ quán bưng hai chén canh ra thì ông anh nhà thơ của tôi mắt sáng trưng, đòi gọi thêm một bát canh nữa. Tôi chưa hiểu gì thì ông nói như reo, “Canh hến nấu lá me đất, hơn ba chục năm rồi tao mới gặp lại, cho thêm bát đi cô ơi! Đây là món ruột của bà ngoại tao!” Cô chủ quán cười tủm tỉm, xuống bê thêm một bát canh.

Xong bữa cơm, tính tiền, cả bữa ăn mà theo ông anh nhà thơ của tôi là qúa thịnh soạn, bởi nó cho ông gặp lại cảm giác quê nhà của hơn bốn mươi năm trước, cái hương vị đeo mang trên suốt hành trình tìm chân trời tự do, tìm việc làm, tìm đất sống, tìm căn hộ chung cư của ông, vậy mà tổng tiền chỉ có ba chục ngàn đồng (tương đương $1.3 USD) cho cả hai người. Ông anh nhà thơ của tôi chỉ biết há hốc và nhắc đến bát canh gọi thêm. Cô chủ quán cười tròn xoe, “Dạ không, thấy chú với anh thích món, em tặng.” Ông anh hơi chùng xuống một chút vì nhà thơ ít thích người đẹp gọi bằng chú. Nhưng rồi lại vui vẻ. Dường như chuyến đi có vẻ khí thế ra hẳn.

Canh hến nấu lá me đất, có lẽ khó, nhưng canh hến nấu khế, canh hến nấu đọt me xanh, canh hến nấu rau muống bỏ vài hạt bắp rang, canh hến nấu rau lang… Dường như hến nấu với món gì cũng ngon và có vị ngọt rất riêng. Nhưng thôi, nên nấu canh hến với lá me đất hoặc me chua hái từ trên dọt cây. Hãy nấu thử, món này vừa thanh nhiệt, bổ sung vitamin C và cho cảm giác ngon miệng, gợi nhớ quê nhà… Xin cầu chúc quí vị có bữa cơm ấm áp và luôn mạnh khỏe, may mắn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT