Gỡ Rối Tơ Lòng

Cạnh tranh sắc đẹp

Friday, 08/07/2016 - 11:24:18

Giữa hai chị em cháu có một khoảng cách gần một thế hệ chứ đâu có ít, thế mà ai cũng tưởng rằng cháu là chị của chị cháu. Mỗi lần gặp cảnh như thế thì bác bảo cháu phải trả lời như thế nào để cho chị cháu không mất lòng mà lại dạy cho những người kia một bài học về phép lịch sự hả bác.

Không biết ai là em, ai là chị? (Getty Images)

Cạnh tranh sắc đẹp
Thưa Bác, cháu nói chuyện này cháu biết rằng bác sẽ cười chị em cháu là già rồi mà còn tệ hơn là con nít. Gia đình cháu chỉ có hai chị em. Chị cháu hơn cháu những 8 tuổi nhưng hai chị em cháu rất yêu thương nhau và rất thân nhau. Ngày nay chúng cháu đã ngoài 50 cả rồi. Cháu mà 50 thì chị cháu cũng lóp lép 60. Thế nhưng chị cháu có phương tiện và anh hai cháu lại rất chiều chị ấy cho nên chị ấy đi căng da mặt, đi hút mỡ bụng và sửa sắc đẹp nhiều lần nên dĩ nhiên là chị đẹp hơn cháu.
Không phải là cháu không có phương tiện bằng chị nhưng mà chồng cháu trong ngành y, cho nên chồng cháu không đồng ý với việc sửa sắc đẹp. Chồng cháu chẳng những không bằng lòng cho cháu dùng dao kéo để làm cho đẹp hay trẻ hơn mà anh ấy luôn nói rằng, anh cưới cháu, yêu cháu, chọn cháu, vì con người thật của cháu chứ anh không quen biết cái người mà cháu sẽ trở thành sau khi mổ xẻ là ai cả, vì thế anh không muốn cháu sửa nhan sắc.
Cháu cũng đồng ý với chồng cháu và cảm thấy hạnh phúc và bằng lòng với bộ mặt và hình dáng của mình ở tuổi 50. Thế nhưng có một điều làm cháu rất khó chịu là mỗi khi chị em cháu gặp những người chưa từng biết nhiều về gia đình tụi cháu thì họ lại tuởng lầm cháu là chị của chị cháu. Chị cháu rất hãnh diện về chuyện này, còn cháu thì cảm thấy hơi bực mình.
Giữa hai chị em cháu có một khoảng cách gần một thế hệ chứ đâu có ít, thế mà ai cũng tưởng rằng cháu là chị của chị cháu. Mỗi lần gặp cảnh như thế thì bác bảo cháu phải trả lời như thế nào để cho chị cháu không mất lòng mà lại dạy cho những người kia một bài học về phép lịch sự hả bác.

Bà Ba Phải trả lời:
Bác rất đồng ý với chồng cháu. Con người là một tạo vật có hai phần, phần hồn và phần xác, không như những loài vật chỉ có phần xác. Con người đẹp về cái tâm hồn nhiều hơn, không như con chó con mèo hay con chim, con vẹt. Người ta thường nói cái vẻ đẹp bên trong mới là quan trọng. Nó làm cho người ta được chẳng những ngưỡng mộ mà còn kính trọng nữa.
Nhưng ngành y khoa thẩm mỹ không phải vì thế mà không có giá trị. Nếu như cháu làm một công việc cần đến bề ngoài, chẳng hạn như ngành trình diễn hay cần giao tiếp nhiều, lẽ dĩ nhiên một sắc đẹp bề ngoài rất cần thiết cho sự thành công của cháu. Hoặc giả cháu có những khuyết tật cần phải sửa lại để thành một người bình thường, thì cháu phải cần đến mổ xẻ, sửa sang.
Nhưng nếu cháu chỉ là một người chuyên nghiệp, cháu không cần vẻ lộng lẫy bề ngoài mà chỉ cần sự hiểu biết, sự thông cảm và lòng tử tế là đủ đẹp rồi. Hiện nay thì chị cháu đẹp hơn cháu, nhưng nếu chị dùng tới dao kéo nhiều quá, một ngày kia, vẻ mặt chị mất hết tự nhiên, không còn chút tình cảm nào, lúc bấy giờ ai đẹp hơn ai sẽ thấy ngay.
Hơn nữa, nếu chị cháu chỉ ỷ y vào sắc đẹp bề ngoài - một nét đẹp nhân tạo, giả tạo - người ngoài nhìn lâu sẽ chán ngắt. Bây giờ nếu hai chị em cháu thương nhau và thân nhau thì khi mọi người khen chị cháu trẻ hơn cháu cháu chỉ cần cười và nói: từ nhỏ đến lớn chị tôi vẫn trẻ và đẹp hơn tôi. Như vậy cái sắc đẹp bề trong, do tính tình khiêm tốn của cháu sẽ tỏa sáng. Lúc đó chưa biết ai đẹp hơn ai.

Một người bạn bất lịch sự
Thưa bác, vợ chồng cháu ở gần một ông già, không thấy có vợ con, năm nay chừng ngoài 70. Cháu cũng chẳng thấy ông ấy đi làm gì. Hỏi ra mới biết là ông góa vợ từ nhiều năm nay, con cháu đều ở xa tất cả. Ông đã về hưu và hiện nay sống một mình. Tuy lớn tuổi nhưng ông hãy còn tinh tường lắm. Chúng cháu là ngưòi Việt - lẽ tất nhiên rồi, cháu nói câu này thừa quá phải không bác – còn ông ấy, cháu nghĩ là Mễ hoặc là một trong những người Nam Mỹ. Ông ấy tử tế, mỗi khi tụi cháu đi đâu ông thường đề nghị giữ nhà giùm, tưới cây, và cho chó ăn giùm tụi cháu, khi tụi cháu về thì lại mua quà biếu ông.
Chỉ có cái chuyện này làm tụi cháu nhiều khi rất khó chịu đối với ông. Cháu thấy ông không có người chăm lo cơm nước nên thỉnh thoảng vợ cháu nấu món gì ngon thì lại mang sang biếu ông. Ông không hề thưởng thức những món này mà luôn luôn chê bai hay là chế diễu cách nấu ăn của vợ cháu. Khi nhà cháu có party cháu cũng mời ông, ông cũng chẳng cần khách sáo mà vẫn chê bai.
Cháu thấy rằng nhà mình ăn uống vui vẻ mà để ông già một mình cũng tội cho nên nhiều lúc tuy khó chịu nhưng cũng vẫn không loại ông ra khỏi danh sách các khách được mời, nhưng nhiều khi việc chê bai món ăn làm cho chúng cháu bị mặc cảm và vợ cháu bực mình. Nhất là vợ cháu là một người nấu ăn rất ngon, ngay cả những bạn Mỹ trắng hay Mỹ đen đều khen và ăn tưng bừng. Bác bảo cháu phải đối xử với ông già này như thế nào?

Bà Ba Phải trả lời:
Bác nhớ ngày xưa mẹ bác thường nói câu chữ nho này: dụng nhân như dụng mộc. Có nghĩa là dùng người cũng như là dùng gỗ. Gỗ ngắn làm thớt, gỗ dài làm gậy, gỗ thẳng làm cột nhà, gỗ cong làm thuyền. Cái ông hàng xóm này chỉ nên nhờ ông những lúc đi vắng. Để ông coi nhà trông chó trông mèo thì được, nhưng dùng ông làm bạn nhậu thì không nên. Rất có thể vì văn hóa khác biệt, cho nên ông thẳng tính, thích thì khen, mà không thích thì chê tưới chẳng cần dè dặt.
Mà bác thấy vợ chồng cháu cũng kỳ. Rất có thể mình ăn món ăn Việt Nam thì thấy ngon nhưng ông ấy ăn không quen nên không nuốt trôi mà cháu cứ ép ông ấy bắt phải ăn cho nên ông ấy phải chê ra mặt. Từ nay nếu cháu muốn tặng ông ấy đồ ăn thì chỉ nên mua biếu ông ấy một cái hamburger, hay là vài miếng thịt gà chiên, một miếng pizza chứ đừng mời ông ấy ăn phở hay là chả giò hoặc giả bắt ông ấy sơi mắm tôm thì thà cắt cổ ông ấy đi còn hơn.
Không ai nói rằng vợ cháu không biết nấu thức ăn, nhưng mà những món vợ cháu nấu ông ấy ăn không được, còn những người bạn Mỹ của cháu thích ăn không có nghĩa là cái ông hàng xóm Latino cũng thích. Lần sau có ăn tiệc thì đừng mời ông ấy. Chỉ cần nói rằng chúng tôi ăn đồ Việt Nam, tôi biết rằng ông không thích nên không mời ông.

Có cần phải nhường chỗ không?
Thưa bác cháu muốn hỏi bác một câu nhỏ thôi. Khi đi lễ nhà thờ, cháu chỉ thích ngồi ghế ngoài cùng, dù bên phải hay bên trái cũng được. Vì thể cháu luôn đi rất sớm để có được cái chỗ ngồi mà cháu thích. Những người tới sau, có khi thì chờ cháu đi ra rồi vào ngồi những ghế trống bên trong. Có người mặc dầu tới sau nhưng lại xua xua cho cháu ngồi vào trong để ngồi cái ghế ngoài cùng mà cháu đang ngồi. Cháu có bổn phận phải nhường chỗ cháu đang ngồi cho người ấy không? Nếu muốn ngồi ghế ngoài cùng sao không đi sớm?

Bà Ba Phải trả lời:
Cháu ạ, nhà thờ là nhà của Chúa. Chỗ ngồi là dành cho tất cả mọi người. Khi mình đi nhà thờ là mình cần phải mang vào người một tâm tình bác ái, hy sinh, nhường nhịn. Tại sao lại tranh nhau chỗ ngồi trong nhà Chúa với nhau. Cháu không nhớ rằng giới răn đầu tiên của Chúa là “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em.” Yêu thương, nhường cơm xẻ áo còn được huống chi nhường nhau chỗ ngồi. Kể ra cái người đến sau mà đuổi người đến trước đi chỗ khác để nhường chỗ cho mình thì cũng ngang ngược thật đấy, nhưng thôi vì ở trong nhà Chúa cho nên cháu hãy cố gắng chứng tỏ lòng thương yêu anh em.
Cháu có đọc cái tin vừa mới đây, cũng chỉ vì tranh nhau chỗ ngồi trong nhà thờ mà một người rút súng ra bắn chết một ông bạn cùng xứ đạo không? Không biết ở tiểu bang nào? Hình như Pennsylvania thì phải.
Nói nhỏ với nhau. Bác cũng có ý thích giống cháu, thích ngồi ghế ngoài cùng. Mỗi khi có người tới sau xua xua cho bác ngồi vào ghế trong, bác luôn đứng lên đi ra ngoài rồi giơ tay mời người đến sau đi vào ghế trong. May mà người xứ bác hiền hòa, không có súng cho nên bác vẫn còn đây, vẫn ngồi ghế ngoài. Nhưng từ nay nếu ai muốn “mời” bác vào ghế trong bác sẽ vào ngay không dám cưỡng lời nữa. Sợ ông hay bà bạn có súng thì uổng mạng.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT