Mẹo Vặt

Câu chuyện ở nơi kết thúc…

Friday, 02/01/2015 - 08:44:58

Nếu nguồn nước bị trục trặc, tức là chảy liên tục, không chảy, hoặc rò rỉ ra bên ngoài, thì thủ phạm ắt hẳn nằm ở 2 bộ phận này.

Bài VŨ HẰNG

Hôm nay, Hằng nhận được một lá thư về cái bàn cầu. Chà, chuyện này quan trọng chứ không đùa! Bởi vì, cái gì có vào thì phải có ra, mà cái bàn cầu chính là nơi hứng lấy những thứ được tuồn ra để kết thúc một chu kỳ luân chuyển của sự vật. Xin ghi lại lá thư để các bạn cùng chia sẻ: “Nhà tôi có 2 phòng toa lét, mà quanh năm không cái này hư thì cái kia hư. Lúc thì ứ nước, lúc thì rò, có lúc rò trên, có lúc rò dưới. Toàn là những chuyện lặt vặt, chẳng đáng nói ra, mà cũng chẳng dám hỏi ai. May quá, có trang mẹo vặt của báo Viễn Đông, chuyện gì cô Hằng cũng kiên nhẫn trả lời. Xin cô Hằng chỉ vẽ cho vài cách để gìn giữ và sửa chữa bồn cầu. Cám ơn cô và cầu chúc cô vẫn luôn khỏe mạnh để giúp chúng tôi những hiểu biết quí báu về việc săn sóc nhà cửa.”
Cám ơn bạn đã đọc Mẹo Vặt, và có những lời tán thưởng về những việc linh tinh mà rất quan trọng đối với nội tướng. Cụ thể như cái bồn cầu, đúng như bạn nói.
Hệ thống toilet có 2 phần chính, đó là bể nước (tank) và bồn cầu (bowl). Bể hư sẽ làm rỉ nước; Bồn cầu hư sẽ làm nước bị ứ, và chất thải không thoát đi được.

Bể nước gồm 2 thành phần chính: bộ phận xả nước và bộ phận tiếp nước



Tìm hiểu rò rỉ

Xét về rò rỉ, nước có thể từ trong bể chảy tràn ra ngoài mỗi khi mình sử dụng, hoặc liên tục rỉ nước vào bồn ngay cả khi chúng ta không giật cần xả nước.
Để tìm hiểu về nguyên nhân rỉ nước, chúng ta hãy tìm hiểu nơi cái bể (tank) bằng cách nâng nắp bể lên để nhìn vào những bộ phận bên trong. Trông sơ qua thì rất rối mắt, nhưng thực ra, cấu tạo cái “chùm ruột” lòng thòng đó chỉ gồm có 2 phần chính:
- Bộ phận xả nước, gọi là Flush Valve: Khi mình giật cần xả bồn, cái Flush Valve này sẽ mở ra, phun nước vào trong bồn để kéo chất thải đi.
- Bộ phận tiếp nước, gọi là Fill Valve: Khi nước đã xả hết vào bồn để đẩy chất thải đi rồi, cái Fill Valve này sẽ mở ra, để tiếp nước vào trong bể.
Nếu nguồn nước bị trục trặc, tức là chảy liên tục, không chảy, hoặc rò rỉ ra bên ngoài, thì thủ phạm ắt hẳn nằm ở 2 bộ phận này.
Thực lòng mà nói, sửa chữa 2 bộ phận này tương đối dễ dàng. Chúng ta có thể dùng tay không mà đối phó cũng được. Hoặc đối đế lắm cũng chỉ mất chừng $20 để mua đồ dùng về sửa chữa 2 cái Valve trên là xong. Nếu chưa kịp sửa chữa thì tốn tiền nước, nhưng người trong nhà vẫn có thể tạm sử dụng bồn cầu trong lúc chuyển bụng, chứ không đến nỗi “bế quan tỏa cảng” như trường hợp kẹt bồn.

Tìm hiểu về kẹt bồn

Kẹt bồn mới thực sự khốn khổ. Bởi vì nước dơ cùng với chất thải “dềnh” lên bên trong, không ai có thể sử dụng bồn cầu được nữa. Tai nạn này cần phải được giải quyết ngay. Đáng tiếc là việc giải quyết không dễ dàng.
Nếu gặp may thì với một cái ống thụt, chúng ta có thể tự mình giải quyết được. Trong rất nhiều trường hợp còn lại, “thợ vườn” như chúng ta đành chịu thua, phải gọi thợ cấp kỳ để tìm một lối thoát cho mọi người giải quyết ... bầu tâm sự.
Mối lo lắng của bạn về bồn cầu quả thực là chính đáng, chứng tỏ bạn là một nội tướng rất đảm đang, Hằng chịu bạn rồi đó. Lần sau, chúng ta sẽ cùng hợp tác để tìm một giải pháp nhé.
Vuhang231@yahoo.com

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT