Du Lịch

Cầu Tình và hai người Việt Nam ở Prague

Anvi (gửi riêng cho Nhật báo Viễn Đông) Wednesday, 10/08/2011 - 04:32:09

Trong các tờ thông tin cho khách du lịch, người Việt Nam được nhắc đến như là một trong những nhóm dân thiểu số đông nhất ở Prague, nhưng về mặt luật pháp thì không phải thế

Một lần đến Prague (kỳ 2)

Anvi (gửi riêng cho Nhật báo Viễn Đông)

Đi ra khỏi Việt Nam lâu ngày, đi đâu chơi ngoài nước Mỹ thấy người Việt tôi cũng thấy vui và tò mò muốn nói chuyện. Một hôm nọ, tôi đi lang thang trong khu phố lịch sử ở Prague. Hành lang đi bộ xung quanh công trường chính trong Thị Trấn Cũ rộng rãi, và hàng quán nối tiếp hàng quán. Đi qua một cửa hiệu tạp hóa, tôi thấy một khuôn mặt Việt Nam. Bắt đầu tò mò. Đi thêm một đoạn nữa, lại thấy một khuôn mặt Việt Nam khác. Có lạ không? Tôi cũng biết sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Việt Nam có quan hệ thân thiết với Tiệp Khắc cũ và các nước cộng sản khác trong khối Đông Âu cũ, nên nhiều người Việt Nam qua Tiệp đi lao động hợp tác và rồi ở lại đó. Biết thì biết thế, nhưng khi đến tận nơi thấy tận mắt thì mới hiểu được cảm giác thích thú nó như thế nào, như khi đứa trẻ chập chững biết đi phát hiện ra ổ cắm điện như một món đồ chơi mới và bắt đầu “tìm hiểu” nó. Không so sánh với khi ngồi đọc sách tìm tin tức được. Thế là khi đi ngang một hàng trái cây, thấy anh chị người Việt Nam, tôi bèn rẽ vào nói chuyện.

Anh tên Minh, người chắc nịch, khuôn mặt vuông mạnh mẽ. Qua Czech (*) được bảy năm. Vợ anh là chị Nga (**), da trắng mịn và miệng cười có duyên. Xinh ơi là xinh. Nga mới qua được một năm. Cả hai quê ở Thái Nguyên. Tôi hỏi về người Việt Nam ở Prague, Minh bảo người mình phần nhiều mở tiệm như anh hoặc tiệm tạp hóa. Mà thật thế. Tất cả các tiệm tạp hóa trong khu phố lịch sử ở Prague tôi đi qua đều do người Việt Nam mở. Đối với khách du lịch khắp thế giới đến Prague, thấy nhiều người Việt Nam như vậy thì cho đó là hiện tượng lạ. Vậy cho nên trong tấm bản đồ Prague có ghi chú những dữ kiện và lời khuyên cho khách du lịch in bằng tiếng Anh mà Văn Phòng Thông Tin Du Lịch (1) phát không cho du khách, người ta có ghi nhận về sự có mặt của người Việt Nam ở Prague. Tờ thông tin giải thích mối liên hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc cũ vào thời xã hội chủ nghĩa, và cho biết thêm rằng người Việt Nam làm chủ các tiệm tạp hóa rải rác khắp nơi trong thành phố và họ làm việc rất siêng năng tới khuya. Khi các nhà hàng đã đóng cửa rồi mà du khách nào còn đói bụng, họ có thể tìm đến các tiệm tạp hóa của người Việt Nam. Chắc chắn du khách sẽ tìm được cái gì ngon lành bỏ vào bụng. Vui không! Mà điều này đúng.

Một cửa tiệm tạp hóa ở Thị Trấn Cũ Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Người Việt Nam, đông nhưng thiếu tiếng nói

Tôi đi ngang nhiều tiệm, nói là tiệm tạp hóa, chứ tiệm giống như là mini supermarket, những siêu thị thu nhỏ. Cửa kính bên ngoài sáng bóng, hàng hóa chưng bày đẹp đẽ, đèn thắp sáng trưng. Tìm gì cũng có, từ trái chuối, đến bàn chải răng, đến rượu, bia, đồ lưu niệm. Trong 10 năm qua, số người nước ngoài sinh sống ở Prague tăng gấp 2 lần. Theo thống kê, khoảng 130 ngàn người nước ngoài hiện sống ở Prague. Trong đó Việt Nam có hơn 8 ngàn người - là một trong những nhóm người ngoại quốc đông nhất, sau Ukraine (hơn 46 ngàn), Slovakia (hơn 18 ngàn), và Nga (hơn 13 ngàn) (2). Tính trên toàn nước Czech, thống kê năm 2009 cho thấy Việt Nam (trên 60 ngàn) chỉ đứng sau Ukraine (trên 130 ngàn), và Slovakia (trên 75 ngàn) (4). Vì sự hiện diện đáng kể này, về mặt xã hội, người Việt được xem là một nhóm dân thiểu số.

Trong các tờ thông tin cho khách du lịch, người Việt Nam được nhắc đến như là một trong những nhóm dân thiểu số đông nhất ở Prague, nhưng về mặt luật pháp thì không phải thế. Theo luật pháp ở Czech, một trong những tiêu chuẩn để được xem là “nhóm dân thiểu số” là phải nhập quốc tịch trở thành công dân Czech; đồng thời, những người công dân Czech này vẫn giữ những khác biệt về nguồn gốc dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống. Số người Việt Nam sống trên toàn nước Czech thì đông thật, nhưng người mang quốc tịch Czech lại rất ít. Số đông người Việt Nam sống tại Czech giữ quốc tịch Việt Nam. Czech lại không cho hai quốc tịch. Vậy cho nên những người Việt Nam này sống tại Czech như là dân “thường trú” thôi, không có tiếng nói trong chính phủ.

Trong khi đó, những người gốc Bulgary, Croatia, Hungary, Germany, Ba Lan, Romania, Nga (Russia), Hy Lạp, Slovakia, Serbia, và Ukraine thì được công nhận chính thức là nhóm dân thiểu số và có đại diện trong Hội Đồng Chính Phủ (Government Council) (3). Hòa trong nhóm người Việt Nam “thường trú” này là Minh và Nga. Minh bảo anh vẫn giữ quốc tịch Việt Nam bởi vì anh xác định chuyện đi làm ăn ở Czech chỉ là tạm thời. Anh và Nga vẫn tính quay về Việt Nam trong tương lai.

Một cửa tiệm tạp hóa ở Thị Trấn Cũ Prague - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Sapa giữa Prague


Người Việt Nam được “để ý” ở Czech không phải chỉ vì số lượng mà vì thái độ sống và làm việc nữa kìa. Ở Prague có khu phố Sapa rộng lớn. Các nhà nghiên cứu cho rằng khu phố Sapa ở Prague là một thành công của người Việt. Ở Sapa có chợ, sòng bài, dịch vụ tìm việc làm, cửa hàng mua sắm, nhà hàng, trường học, mẫu giáo cũng như các dịch vụ khác như văn phòng luật sư, bác sĩ.

Một mặt, người Việt tạo ra môi trường với đầy đủ điều kiện để sinh sống thoải mái mà không cần tiếp xúc nhiều với xã hội Czech. Mặt khác, người Việt cho con em đi học trường Czech, dùng người giữ trẻ người Czech, trao đổi với sinh viên Czech. Số gia đình thông thạo 2 thứ tiếng hoặc số trẻ em rành tiếng Czech hơn tiếng Việt ngày càng gia tăng. Cho nên đối với người Việt Nam, điều kiện để tách rời và hội nhập vào xã hội khách tồn tại song song. Trong môi trường sống như vậy, người Việt Nam tạo điều kiện cho thế hệ thứ hai hội nhập hoàn toàn một cách dễ dàng và thành công vào xã hội Czech (2).

Nếu không nói đến người Việt sống ở Sapa hoặc gần đó, mà dùng khoảng cách giữa nhà ở và trung tâm thành phố làm thước đo cho sự thành công thì Minh và vợ anh là một ví dụ. Xây dựng sự nghiệp thì cũng trăm kiểu. Gia đình Minh ở Việt Nam làm ăn giàu có, làm chủ các cơ sở sản xuất bia, nước ngọt, sắt thép. Minh có nhiều kinh nghiệm làm ăn ở Việt Nam và dễ dàng làm giàu ở đó. Tuy nhiên, Minh đánh liều chọn sang Czech tìm đường làm ăn tự lập. Với sự giúp đỡ ban đầu của người anh, Minh xin giấy phép buôn bán và mở tiệm bán trái cây rau cải ngay trong khu phố lịch sử Prague. Chỉ sau vài tháng, anh thuê nhà ở riêng và hiện nay còn nuôi một người cháu gái. Minh bảo người Việt Nam làm nghề buôn bán nhiều là vì một phần không nói rành tiếng Czech. Mà ai có thể học tiếng Czech được chứ - một trong những thứ tiếng khó học nhất trên trái đất! Minh và Nga không đi học tiếng, chỉ mày mò tự học và thu thập thêm vốn liếng tiếng Czech chính yếu là qua giao tiếp với khách hàng. Làm tôi nể quá. Phải là người thông minh và có gan mới không cần đến lớp học mà vẫn có thể tự mình xoay xở thành công. Ông bà mình nói đúng, người nào “có gan” là làm được chuyện thôi mà.

Một góc cửa hàng của anh Minh chị Nga - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

* Cầu tình

Chỉ nói chuyện năm mười phút mà cảm thấy như quen biết nhau lâu rồi. Chúng tôi ai cũng mừng gặp được người Việt sống xa nhà. Minh hỏi tôi đi chơi được nhiều chưa, tôi nói thì đã đi loanh quanh, đi bộ qua cây cầu Charles rồi. Minh bảo: “Ôi, cầu tình ấy à, chỗ ấy vui đấy!”. Giọng Bắc của anh thật ngọt. Tôi nghe hai chữ “cầu tình” thì lòng rất xúc động. Ở Mỹ lâu ngày ít nói tiếng Việt, gặp Minh và Nga nói chuyện thật tình và thoải mái, tự nhiên nhớ và thương tiếng Việt lắm. Phong cách tự nhiên và giọng Bắc ngọt ngào của hai người làm tôi đâm ghiền giọng Bắc của họ. Cả tháng rồi mà tôi vẫn còn nghe mấy chữ “thế thì”, “ấy”, “à” vang vang trong đầu mình và lan trên trang giấy tôi viết.

Mà ai lại nghĩ ra được hai chữ “cầu tình” hay thế. Đúng chóc là cầu Charles như thế. Cầu Charles nổi tiếng là cây cầu lãng mạng nhứt châu Âu. Trong tranh vẽ, tiểu thuyết, cây cầu hiện lên trong màn sương sớm hoặc dưới ánh nắng chiều rất là lãng mạng và bí ẩn. Không những thế, hình ảnh lãng mạng và bí ẩn của cầu Charles là biểu tượng nổi tiếng của Prague.

“Cầu tình” lúc 6 giờ sáng - ảnh: Anvi (gửi riêng cho Viễn Đông)

Thế là đứng nói chuyện cả tiếng mà vẫn chưa muốn chia tay. Tôi nói là ăn đồ ăn Czech mấy ngày liền ngán quá, thế là Minh mời tôi (và ông xã) về nhà anh ăn cơm ngay. Trong bụng tôi mừng húm, nhưng sợ làm phiền nên từ chối. Minh và Nga bảo: “Ôi, anh em mình, người nhà cả mà. Không ngại!”. Cảm động quá. Hiếm khi có chuyện người lạ lại mời về nhà chơi như thế. Mà tôi cũng tò mò muốn biết tình hình nhà cửa của người Việt mình ở đây như thế nào. Tôi bèn gật đầu. Tôi hỏi nhà anh ở đâu. Minh bảo, “Gần đây này! Đi bộ cũng xong”.

Thế là chúng tôi cuốc bộ về phía nhà hát lớn. Đi qua khoảng 3 con đường mà tôi chưa thấy “gần đây này” là ở đâu. Tôi hỏi thì Minh bảo phải đón xe điện đi 4 bến, rồi đi bộ một chút nữa thì tới. Trời, thế thì đâu có “gần đây này” chút nào. Trong lòng tôi nghĩ, “Người đâu mà hay. Chuyện lớn xé thành nhỏ thế này”. Trên đời nhiều người như anh thì trong nhà êm ấm, thế giới hòa bình!

Rồi chúng tôi tới nơi. Minh và Nga ở trong một tòa nhà chung cư thời cũ xây dựng vững chắc. Trần nhà cao thoáng, tường dày cả thước. Nhà nằm trong khu Prague 5, sát ranh với Prague 1 (khu phố lịch sử nằm ở đây). Cách một hai con đường từ nhà anh chị là Prague 1. Ở chỗ này thế mà hay. Từ nhà ra tiệm 15 phút.

Tiền thuê tiệm ở ngay trung tâm thì mắc, nhưng tiệm nằm trong khu du khách tấp nập, buôn bán dễ dàng hơn. Minh và Nga làm việc không nghỉ lễ. Mở cửa từ 7 giờ rưỡi sáng đến 8 giờ tối. Trời mùa hè, đến 9 giờ tối trời còn sáng trưng. Tôi ghé tiệm lúc 7 giờ tối thấy khách hàng tấp nập. Đến khi kéo cửa đóng tiệm lúc 8 giờ còn có người muốn mua hàng. Nga nói: “Làm việc chân tay thì cực một chút, nhưng đầu óc thoải mái, nhà ở và khu buôn bán đều an toàn, không phải lo sợ chuyện gì. Hơn nữa, mình làm chủ, thế là sướng hơn nhiều người phải đi làm công rồi”.

Vì làm chủ, anh chị bảo muốn làm bao nhiêu thì làm, khi nào muốn nghỉ thì nghỉ. Năm 2009 trước khi đón Nga sang, Minh về Việt Nam đến 6 tháng ở chơi. Tính ra thì anh chị làm việc ngày đêm một năm 10 tháng. Nghỉ 2 tháng mùa đông. Làm thì nghỉ được, chứ vẫn phải trả tiền thuê nhà, tiền thuê tiệm, và các loại bảo hiểm khác hết 12 tháng. Phải nói anh chị làm ăn rất khá. Cứ đà này thì giàu lên mấy hồi. Anh Minh chị Nga thì không nghĩ thế. Anh chị thích sống đơn giản. Trong nhà, ngoài bàn ghế và các vật dùng cần thiết, không có đồ tạp nhạp. Minh tâm sự: “Làm đủ ăn đủ xài, có tiền đi Việt Nam thăm gia đình bà con. Thế là vui vẻ thoải mái rồi”. Tôi cho như thế là “thành công”. Định nghĩa thành công thì đếm không hết, nhưng tính xem: làm 10 tháng ăn 12 tháng; làm ăn sinh sống nơi an toàn; không phải lo tiền bạc thiếu trước hụt sau; hai vợ chồng sống vui vẻ với nhau; đồng lòng đồng sức làm việc; một năm được đi chơi 2 tháng. Không phải nhất hay sao!

Hơn 10 giờ rưỡi khuya chúng tôi chia tay nhau. Tôi đi bộ ra cầu tình một lần nữa, mọi người tụ tập đông lắm, ngắm cầu tình dưới ánh đèn đêm. Thế là Prague, “cầu tình”, và hai người Việt Nam ở Prague là kỷ niệm để đời của tôi trong chuyến đi Prague kỳ này.

Ghi chú:

(*) Czech: là chỉ Czech Republic, Cộng Hòa Tiệp.
(**) Tên dùng trong bài viết này thôi, hai anh chị không muốn để tên thật.
(1) Bản điện tử tại: www.use-it.cz
(2 ) Maddy Janssens et al. (eds.). The Sustainability of Cultural Diversity: Nations, Cities And Organizations. Cheltenham, UK; Northampton, MA: Edward Elgar. 2010.
(3) Book review. R. Petras, H. Petruv, H. Ch. Scheu (eds.). Minorities and Law in the Czech Republic. Prague: Auditorium. 2009.
(4) Wikipedia. “Czech Republic”. Xem ngày 1 tháng 8 năm 2011 http://en.wikipedia.org/wiki/Czech_Republic

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT