Hôm Nay Ăn Gì

Chả lá lốt - nhớ Sài Gòn hào hiệp

Tuesday, 21/04/2020 - 01:43:34

Nhiều lần tôi vào Sài Gòn, đi qua đường năm xưa, cũng thử ngoái nhìn chốn cũ, nhưng không thấy người cũ. Nhưng Sài Gòn thì biết hỏi ai? Sài Gòn là vậy, luôn hào hiệp, chơi đẹp và trắc ẩn.

(Tom/ Viễn Đông)

 

 

Bài TOM

Sài Gòn như một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ, Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông, Sài Gòn như cô gái chịu chơi, Sài Gòn như đại ca rộng lượng… Có nhiều cách ví von Sài Gòn, tùy vào tâm cảnh. Nhưng, với tôi, có vẻ như cách ví von rằng Sài Gòn như một bà mẹ chịu đựng là cách ví phù hợp và đúng với bản chất Sài Gòn nhất. Đúng từ âm thanh cho đến mùi vị và cả chút khói cay trên con đường chạy qua hãng đóng tàu Ba Son, con đường chỉ có lá bay và một ít khói, mùi mỡ hành và lá lốt bay ra ngây ngấy, thơm nức từ những quán chả chiên lá lốt ven đường.

Từ những ngày Sài Gòn với những đứa con miền Nam bát ngát lòng hào hiệp cho đến khi Sài Gòn bị thay bởi một cái tên lạ, giọng nói và những đứa con Sài Gòn bây giờ cũng xa lạ, Sài Gòn vẫn vậy, vẫn như một bà mẹ hiền và bao dung, chịu đựng mọi nỗi thống khổ của những đứa con lưu lạc và chịu cả những tiếng đời bởi những đứa con ngổ ngáo, bội bạc. Sài Gòn không có đêm, chạng vạng Sài Gòn là thời gian chứa những khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Ở đó, mọi gam màu, sắc thái và mùi vị của Sài Gòn hiện ra cùng với ánh sáng của một đêm không có đêm.

Và Sài Gòn của nhiều hàng cây đã đi vào dĩ vãng, những đường me, xà cừ và vài gốc phượng râm mát suốt ngày nối dài từ Đinh Tiên Hoàng (Lê Văn Duyệt trước 1975), sang tận bến Bạch Đằng, nối sang cầu Khánh Hội và đến chợ quận Tư… Dường như bây giờ, Sài Gòn không còn những dấu vết của cây, Sài Gòn trơ trọi và khô khốc. Khô khốc đến độ nếu như cố Thủ Tướng Singapore Lý Quang Diệu sống lại và trở lại thời sinh viên với Sài Gòn hiện tại, ông sẽ mãi mãi không bao giờ mơ đảo quốc của mình sẽ thành một Sài Gòn thứ hai ở châu Á.

Và điều này càng đúng hơn nếu bạn bay từ phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn sang đảo quốc Singapore. Từ sân bay Tân Sơn Nhất cất cánh, nhòm qua cửa sổ, chỉ thấy những dãy hộp bằng bên tông dày đặc, nối dài, đan ken chen chúc và hiếm hoi lắm mới thấy vài chấm cây xanh hoặc vài hàng cây xanh nhỏ nhoi. May mắn thay vẫn còn dòng sông Sài Gòn xanh trong và những hàng cây xanh nằm lẩn khuất trong khu đô thị sinh thái bên bờ sông.

 

(Tom/ Viễn Đông)

 

Đương nhiên, để được đi dạo dưới những hàng cây này theo cách của một cư dân đúng nghĩa, người ta phải bỏ ra đôi ba chục tỉ để mua một lô đất và bỏ thêm hàng chục tỉ đồng để xây villa, biệt thự nơi đây. Muốn sống có bóng cây trên đất Sài Gòn, chỉ có tiền, chỉ giàu thôi không đủ mà phải rất nhiều tiền, rất giàu và cả quyền lực. Hình như nói về bóng cây, Sài Gòn khác xa Singapore, nghĩa là sau hơn một giờ đồng hồ băng qua vịnh Thái Lan và đáp xuống sân bay Shang-Gi, người ta sẽ ngỡ ngàng, không tin là mình đã chạm mặt đất.

Bởi chỉ chưa đầy hai giờ đồng hồ, từ chỗ chỉ thấy toàn hộp bê tông, nhìn xuống thấy biển, thấy một nhà máy lọc dầu cứ ngỡ là công trình điêu khắc nào đó, sau đó thấy những trang trại trải dài vả thấy rừng, thấy một rừng cây xanh và thấp thoáng dưới rừng cây là những tòa nhà. Cây xanh, có thể nói cây xanh nhiều vô kể, mặc dù đây là quốc gia xây dựng trên một hòn đào, trên một bến than và từng trơ trọi hơn bất kì nơi nào ở châu Á… Tự dưng thấy thương Sài Gòn, bởi Sài Gòn từng là một rừng cây, từng là một công viên cây xanh với những tòa nhà thấp thoáng dưới bóng cây. Và dưới những bóng cây quá khứ của Sài Gòn bây giờ, có biết bao nhiêu số phận đã mất dấu, đã trôi lạc đâu đó giữa dâu bể cuộc đời.

Bởi với Sài Gòn, dường như nghe mùi thơm của một món ăn nào đó, luôn gợi nhắc một ký ức. Với người giàu có, nhiều tiền, ký ức của họ sẽ gắn với những nhà hàng, khách sạn đẳng cấp vào bậc nhất châu Á một thuở, với những thị dân hạng hai, Sài Gòn là một công viên đẹp, ở đó muôn thú có thể nhìn con người nói cười và thi thoảng chúng có thể sà xuống nhặt những hạt thức ăn rơi vãi mà không sợ hãi. Đã từng có một thời như vậy, và với những thị dân hạng ba, hay nói khác đi là những người ở đậu đất Sài Gòn, đó là mùi thơm của món chả chiên lá lốt. Thời đó, những năm 2000, hàng me, xà cừ và sao nhái trên đường Cường Để từ trước 1975 rợp bóng và đẹp đến nao lòng. Chiều chiều, những người nghèo ở quận Tư lại mang một chiếc bếp lò, vài chiếc bàn ghế nhựa, một chiếc túi xách chứa đầy lá lốt và một thau chứa đầy chả heo (thường thì chả heo loại có nhiều mỡ chài) sang ngồi bán ven lề, đổ dài từ hãng tàu Ba Son lên đến gần đại học văn khoa Sài Gòn. Đoạn đường này dài chừng gần một cây số nhưng có 5 người ngồi bán, chừng ba giờ chiều, họ bắt đầu nhóm lửa, quạt than, ngồi quấn chả lá lốt và từ bốn giờ trở đi họ bắt đầu nướng, mùi thơm ngào ngạt cả con đường. Không hiểu hồi đó do đói kém, thiếu ăn hay do thịt và lá lốt thời đó ít hóa chất mà mùi thơm rất dễ chịu, không bị hắt, nồng như mùi chả lá lốt nướng sau này ở các làng nướng Sài Gòn.

 

(Tom/ Viễn Đông)

Chừng bốn giờ ba mươi chiều thì người ta bắt đầu chào hàng, một người ngồi quạt, nướng, một người trẻ, đẹp hơn thì cứ ra đứng trước “quán” và thấy khách nào nhìn thì cúi đầu chào, sau đó chìa bàn tay về phía vĩ chả đang nướng trên lò than. Chỉ chào, chìa tay mời chứ tuyệt đối không chèo kéo khách. Hồi đó, mấy đứa sinh viên tụi tôi đi ngang qua, nhiều khi nín thở vì đói bụng, không dám ngửi mùi thơm. Cho đến một bữa, tôi và thằng bạn, bây giờ đang là nhà thơ, nhà báo khá nổi tiếng, đi về ngang đây, tự dưng cô gái chào khách bước xuống lề đường, ra ngoắc tụi tôi vào, ban đầu cứ ngỡ cô nhầm người. Nhưng rồi cô lại tiếp tục ngoắc, hai thằng dừng xe (đạp).

Cô chạy lại mời vào quán, thằng bạn tôi nói giọng Quảng, “Tụi anh sinh viên, mà là nhà thơ nữa nên không có tiền ăn chả đâu!” (Nói tới đây tự dưng thấy thương cho sinh viên và nhà thơ quá!).

Cô gái phì cười, “Mẹ em mời hai anh vào quán chơi chút, có việc cần hỏi nhờ hai anh giúp chứ không lấy tiền bạc gì đâu!” Hai thằng miễn cưỡng bước vào.

Bà chủ quán bán chả bưng ra hai ly nước sấu (thức uống chỉ có ở Hà Nội) và một dĩa chả cuốn lá lốt đầy ứ hự, bà nói, “Cái này cô mời hai tụi con, cứ ăn đi. Đừng ngại, cô mời thật tình, không tính tiền!” Tụi tôi chưa kịp hỏi vì sao lại được mời kì cục như vậy thì cô chủ nói tiếp, “Thật tình là ngày mai cô nghỉ bán rồi, cô không ngồi ở đây bán nữa, các quán khác cũng phải nghỉ vì nhà nước có lệnh cấm. Mà không biết sẽ cấm bán đến bao giờ, chắc là cấm luôn rồi!”

Thằng bạn đâm lúng túng, “Dạ, tụi con sinh viên, cũng không có viết báo nên chắc là…”

Bà chủ lại nói, “Cô để ý thấy hai đứa cứ chở nhau đi về qua đây, tít bên kia đường nhưng cứ hay nhìn vào quán, cô cũng có con ăn học, nhưng vì sống ở đây nên con cô không đến nỗi khó khăn lắm. Thấy hai đứa con đi về có một chiếc xe, chở nhau hoài vậy, cô biết tụi con xa nhà, ngày nào cô cũng thấy vậy. Cô mới nghĩ không biết bao giờ tụi này vào quán mình ăn đây… Rồi đùng cái có lệnh nghỉ, cô lại nghĩ mai mốt hai đứa này làm có tiền thì cũng không ghé chỗ này ăn được, không có ký ức nào, tội… Cô nghĩ vậy mà mời tụi con ăn chứ không có ý gì hết. Mong tụi con ăn thật ngon miệng và nhớ kỉ niệm này!”

Ngày hôm sau, chúng tôi đi học về không thấy cô ấy đâu nữa, và cũng không thấy các quán khác bán. Tự dưng, cái buồn se se từ năm đó kéo tận đến bây giờ, nhiều lần tôi vào Sài Gòn, đi qua đường năm xưa, cũng thử ngoái nhìn chốn cũ, nhưng không thấy người cũ. Nhưng Sài Gòn thì biết hỏi ai? Sài Gòn là vậy, luôn hào hiệp, chơi đẹp và trắc ẩn.

 

(Tom/ Viễn Đông)

 

Tựi dưng, hôm nay ăn cơm tối, bà xã tôi mang thịt xay trong tủ lạnh ra, cho vào cối rồi cho thêm tỏi, tiêu, muối vào quết nhuyễn, hái lá lốt ngoài vườn vào cuốn, chiên cho mấy đứa nhỏ ăn cơm vì tụi nó vừa học online xong, than đói bụng. Cái cảm giác trời se lạnh cuối năm, ngồi ở một quán bên đường Sài Gòn, hai thằng sinh viên nghèo từ tốn ăn chả cuốn lá lốt nướng và đầu óc vẫn chưa hết phân vân tự hỏi “vì sao mình được ăn” ấy ùa về. Cả một trời kỉ niệm với Sài Gòn…

Và nếu ai từng ăn món chả cuốn lá lốt nướng hoặc chiên ở đất Sài Gòn hoặc đâu đó trên quê hương Việt Nam và thấy nhớ, thì dễ lắm, mang một ít thịt heo ra xay, thịt ba chỉ hoặc có nhiều mỡ một chút cũng không sao, xay xong, lột tỏi, cho thêm tiêu hạt và muối vào, bỏ vào cối quết nhuyễn chừng mươi phút, sau đó ra vườn hái một ít lá lốt, rửa sạch, cho chả vào cuốn rồi cho vào chảo chiên, hoặc cho lên vĩ nướng. Một bữa cơm ấm vị quê nhà lại ghé đến. Giữa lúc này, dường như mọi ký ức hay ùa về khiến tâm hồn cứ mang mang nhớ điều gì đó xa xôi, ngai ngái buồn… Xin cầu chúc quí vị luôn bình an và ăn cơm vui vẻ, ấm áp!

 

(Tom/ Viễn Đông)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT