Đạo và Đời

Chạnh lòng thương

LM. Trịnh Ngọc Danh Wednesday, 18/07/2012 - 09:06:37

Hôm nay, qua bài Tin Mừng của thánh Mác-cô, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến việc nghỉ ngơi của các môn đệ sau những ngày làm việc vất vả (Mc. 6: 30-34).

LM. Trịnh Ngọc Danh

Vũ trụ mà chúng ta đang thụ hưởng ngày nay là kết quả của sáu ngày làm việc của Thiên Chúa, từ việc sáng tạo ra ánh sáng, phân rẽ bóng tối và ánh sáng, và đặt tên ánh sáng là ngày và bóng tối là đêm vào ngày thứ nhất cho đến việc Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình vào ngày thứ sáu, “qua một buổi chiều và một buổi sáng”. (xem St. 1:1-31) “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất... Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi”. (St. 2: 1-2)
Hôm nay, qua bài Tin Mừng của thánh Mác-cô, Chúa Giêsu cũng quan tâm đến việc nghỉ ngơi của các môn đệ sau những ngày làm việc vất vả (Mc. 6: 30-34).
Trở về sau chuyến đi công tác đầu tiên, các môn đệ quây quần bên Thầy Giêsu. Các ông kể lại cho Thầy nghe những việc họ đã làm, những khó khăn, trở ngại đã gặp phải, những vui buồn đã trải qua. Thấy các môn đệ tuy hớn hở vui vẻ, nhưng có vẻ hốc hác mệt mỏi, Ngài bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. (Mc. 6: 31-33)
Làm việc là một trong những nhu cầu mưu sinh cho mình và mưu ích cho xã hội, thì nghỉ ngơi cũng là một nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của con người. Nhưng phải nghỉ ngơi như thế nào? Phải chăng là chè chén say sưa, là gác bỏ mọi sự, là hưởng thụ cho thỏa thích, là quên đi bổn phận!
Không làm việc thì nghỉ ngơi là lười biếng, là “nhàn cư vi bất thiện”, nhưng có làm việc thì nghỉ ngơi là nhu cầu cần thiết để bồi dưỡng về tinh thần cũng như thể xác tùy theo ngành nghề, tùy theo công việc.
Thiên Chúa sau sáu ngày làm việc để tạo dựng trời đất và con người, ngày thứ bảy Ngài cũng nghỉ ngơi và còn “ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi việc sáng tạo của Người” (St. 2:3).
Thấy các môn đệ của mình sau những ngày vất vả mệt nhọc, Chúa Giêsu cũng muốn để cho các ông “nghỉ ngơi đôi chút”; và “thầy trò đã xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng”. Nghỉ ngơi sau những ngày làm việc mệt nhọc là chuyện thường tình, hợp lý; có lẽ cũng không ai trách móc Chúa và các môn đệ về việc “tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút”.
Thế nhưng dự tính “nghỉ ngơi đôi chút” không thể thực hiện được, vì “thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương.
Lòng yêu thương, quảng đại và vị tha đã làm cho Chúa “chạnh lòng”, không nỡ để cho họ ra về trong thất vọng. Ngài đã nhìn thấy đám đông như đàn chiên không người chăn dắt, và Ngài lại bắt đầu dạy dỗ họ.
Chúa Giêsu và các tông đồ thì cần nghỉ ngơi đôi chút, còn đám đông thì cần sự dạy dỗ của Ngài. Nếu cả hai đều muốn thỏa mãn nhu cầu của mình thì sẽ không có điểm gặp gỡ yêu thương. Chúa và các môn đệ đã đi bước trước, đã hy sinh nhu cầu nghỉ ngơi của mình để thỏa mãn nhu cầu được dạy dỗ của dân chúng.
Hy sinh nhu cầu của mình vì nhu cầu của kẻ khác. Đặt nhu cầu của người khác trên nhu cầu của mình. Đó là lòng quảng đại, vị tha.
Noi gương Chúa, thánh Vianney cũng đã sống quảng đại, vị tha, phục vụ mọi người; thánh nhân thiết tha yêu mến Chúa và các linh hồn. Mấy mươi năm liền, ngài luôn giam mình trong tòa giải tội, mỗi ngày 18 tiếng đồng hồ, để đem các tội nhân về với Chúa. Không những thế, ngài còn luôn canh cánh bên lòng mối bận tâm về cảnh nghèo túng cơ cực của dân chúng. Chính ngài đã lập nên các viện cô nhi, các lớp học mẫu giáo và sẵn sàng cho kẻ nghèo tất cả những gì ngài có hay kiếm được.
Trong lúc tòa án giáo phận Belly đang tiến hành việc điều tra về hạnh tích của vị linh mục, để lập hồ sơ xin phong thánh, thì có một cụ già quê mùa nghèo khó đến làm chứng như sau:
“Hôm ấy, trời đã sẩm tối, tôi thấy cha Vianney đi giúp tuần đại phúc ở một xứ xa về, giữa đường vắng chỉ có tôi với ngài; vừa gặp tôi, ngài đã lên tiếng:
- Chào ông, bấy lâu nay có khỏe không? Công việc làm ăn ra sao?
- Chào cha, dạ cám ơn Chúa, con cũng thường luôn; nhưng chẳng giấu gì cha, con túng thiếu quá, mất liên tiếp ba vụ mùa liền!
- Tôi thương ông và các cháu lắm! Chúng nó rất ngoan.
Vừa nói, ngài vừa xỏ tay vào túi áo, lục soát khắp người mà chẳng tìm được một xu. Nhìn trước nhìn sau, ngài ghé vào tai tôi bảo nhỏ:
- Ông ráng chờ tôi một chút nghe!
Tôi vâng lời đứng đợi. Ngài rón rén đi ra sau một lùm cây... Mấy phút sau ngài trở lại, trao tận tay tôi một vật và nói:
- Tôi không có gì cả. Ông vui lòng cầm cái quần của tôi đây đem bán mà mua bánh mì cho các cháu. Ông thông cảm, bữa sau có gì tôi sẽ giúp thêm. Thôi chào ông nhé!
Tôi chưa kịp cám ơn vì quá xúc động thì bóng dáng ngài đã biến mất sau hàng cây trước mặt...” (trích Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng).
Sống quảng đại, vị tha là biểu lộ tình thương đối với người khác, là hy sinh, sẵn sàng phục vụ người khác.
Nhưng lòng quảng đại và vị tha không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện. Khi vui vẻ, khỏe mạnh, thư thái thì chúng ta dễ biểu lộ lòng quảng đại và vị tha hơn khi cáu gắt, mệt mỏi. Chúa và các môn đệ cần nghỉ ngơi đôi chút, thế nhưng dân chúng vẫn bám theo, các ngài đã hy sinh nhu cầu nghỉ ngơi để phục vụ dân chúng.
Kế hoạch nghỉ ngơi bị đảo lộn; chương trình phải thay đổi. Chúa bực dọc ư! Không, Ngài không những không bực dọc mà còn chạnh lòng thương xót họ vì thấy họ như đàn chiên không người chăn dắt. Điều này nói lên phần nào lòng nhân từ, sự quan tâm của Chúa đối với chúng ta.
Những thay đổi bất ngờ cũng là dịp cho chúng ta tránh được sự quan tâm quá đáng đến chính mình, không muốn người khác xâm phạm đến quyền lợi của mình, sống cho mình, sống ích kỷ không quan tâm, vị tha với người khác.
Xã hội, con người cần sự quan tâm chăm sóc của chúng ta. Thái độ thờ ơ, bàng quang, lãnh đạm, sống cách biệt, lạnh lùng, không thiện cảm khác với sự trìu mến, thiện cảm, chăm sóc, ân cần, gần gũi.
Trong cuộc sống bon chen và ồn ào như hiện nay, chúng ta cũng cần tìm đến một “nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút”. Những giây phút “nghỉ ngơi đôi chút” ấy ở một nơi thanh vắng sẽ giúp chúng ta hồi tâm lại, nhìn lại mình và trở về với Chúa. Sau khi tạo dựng trời đất, ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi, và Ngài đã “ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi việc sáng tạo của Người (St. 2:3). Đó là ý nghĩa của ngày Chúa nhật đối với chúng ta.
Cũng như các môn đệ sau khi làm nhiệm vụ trở về, chúng ta cũng đến gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh lễ để “nghỉ ngơi đôi chút”, để đón nhận giáo huấn của Ngài, để được bồi dưỡng cho đủ sức rồi lại lên đường ra đi: Ra đi và trở về, trở về rồi lại ra đi; vì như lời Thiên Chúa đã phán qua tiên tri Giêrêmia rằng đàn chiên của Ngài bị tản mác, bị phân tán, bị xua đuổi, không có người chăm nom. Thiên Chúa cần chúng ta lên đường góp sức thực hiện ý định của Ngài là “Ta sẽ quy tụ phần còn lại của đoàn chiên Ta và cho chúng có những chủ chăn” để đoàn chiên ấy có thể an tâm dưới sự chở che và bao bọc của Ngài mà ca tụng rằng: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Ngài thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi. Ngài hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Ngài lo bồi dưỡng”. (Tv. 22:1)

(Chủ Nhật thứ 16 mùa Thường Niên năm B. Bài đọc 1: Gr. 23: 1-6. Bài đọc 2: Ep. 2: 13-18. Phúc Âm theo Thánh Mác cô: Mc. 6: 30-34)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT