Thế Giới

Chất độc thần kinh tại nhà của cựu điệp viên Nga

Wednesday, 28/03/2018 - 08:27:09

Anh quốc nói rằng, gia đình Skripal bị đầu độc bởi một chất độc thần kinh ở cấp quân sự, được Nga phát triển.


Cảnh sát tìm chất độc thần kinh tại thương xá mà cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái của ông từng có mặt tại Salisbury, Anh Quốc. (Matt Cardy/ Getty Images)


SALISBURY – Nhà chức trách Anh cho biết, các cảnh sát đang điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia “tin rằng cha con ông Skripal đã tiếp xúc lần đầu tiên với chất độc ngay tại nhà của họ.” Sở cảnh sát London hôm thứ Tư nói, các điều tra viên đã tìm thấy một lượng chất độc đậm đặc ngay tại cửa nhà ông Skripal ở thành phố Salisbury. “Vào lúc này, chúng tôi tin rằng cha con nhà Skripal tiếp xúc lần đầu tiên với chất độc thần kinh ngay tại cửa nhà của họ,” Phó cảnh sát trưởng Dean Haydon nói trong thông cáo.
Anh quốc nói rằng, gia đình Skripal bị đầu độc bởi một chất độc thần kinh ở cấp quân sự, được Nga phát triển. Cha con ông Skripal được tìm thấy bất tỉnh trên một băng ghế ở Salisbury vào ngày 4 tháng 3. Hai người vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Anh và nhiều nước khác khẳng định Nga chịu trách nhiệm trong sự việc, và đã đáp trả bằng cách trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga. Chính quyền Moscow luôn bác bỏ mọi cáo buộc.
Cũng trong ngày thứ Tư, Sở cảnh sát thủ đô nói rằng, dấu vết của chất độc thần kinh “đã được tìm thấy ở một số nơi khác, nhưng có độ đậm đặc thấp hơn chất độc tìm thấy ở cửa nhà của các nạn nhân.” Khoảng 250 điều tra viên chống khủng bố đang tham gia vụ án. Cảnh sát đang kiểm tra hơn 5,000 giờ video an ninh, và 1,350 đồ vật mà họ thu giữ. Nhà chức trách cũng cho biết đã xác định 500 nhân chứng, và đã lấy lời khai của vài trăm người.

Israel gởi xạ thủ tới biên giới Palestine trước biểu tình
GAZA – Quân đội Israel đã gởi hơn 100 xạ thủ tới biên giới Gaza, để chuẩn bị đối phó cuộc biểu tình lớn của người Palestine, theo một vị tướng hàng đầu của Israel cho biết hôm thứ Tư. Hàng ngàn người tại Gaza đang được kêu gọi biểu tình, bắt đầu vào thứ Sáu, bằng cách dựng lều trại ở 5 địa điểm dọc biên giới. Cuộc biểu tình dự kiến kéo dài 6 tuần, đến sát ngày 14 tháng 5, cũng là ngày khai trương tòa đại sứ Hoa Kỳ mới ở Jerusalem. Mục tiêu của cuộc biểu tình là nhằm đòi Israel phải cho người tị nạn Palestine quay về vùng đất nơi tổ tiên họ từng sinh sống. Viện lý do lo ngại an ninh, quân đội Israel đã lập một vùng cấm đối với người Palestine, tại vùng đất thuộc Gaza ngay sát hàng rào biên giới của Israel.
Trung Tướng Gadi Eizenkot, chỉ huy quân đội Israel, nói rằng lực lượng an ninh sẽ không cho phép xảy ra tình trạng xâm nhập hàng loạt, và sẽ không dung thứ cho các hành động phá hoại hàng rào biên giới. Ngoài ra, Tướng Eizenkot còn khuyến cáo rằng, quân đội đã được phép nổ súng nếu xảy ra bạo loạn. Vị tướng này cho rằng, cuộc biểu tình sắp tới là nguy cơ xung đột nghiêm trọng nhất mà ông từng chứng kiến, kể từ khi nhậm chứng vào năm 2015. Hàng loạt các vụ đụng độ xảy ra gần đây, bao gồm cả 2 vụ xâm nhập lãnh thổ Israel, đã làm tăng căng thẳng tại khu vực biên giới. Việc Tổng Thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã khiến người Palestine tức giận, vì cộng đồng này lâu nay vẫn tuyên bố rằng, phần phía đông Jerusalem sẽ là thủ đô của quốc gia Palestine trong tương lai.

Đức cho Nga thay các nhà ngoại giao bị trục xuất
BERLIN - Đức đã yêu cầu 4 nhân viên Nga rời khỏi nước này trước ngày 2 tháng 4, nhằm đứng cùng với các đồng minh EU, NATO và các nước khác, trong hoạt động đáp trả vụ cựu gián điệp Nga bị đầu độc ở Anh. Bộ Ngoại Giao Đức nói rằng, Berlin đã chọn 4 nhân viên "có liên quan đến cơ quan tình báo.” Tuy nhiên, vào thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Đức cho biết rằng, Moscow có thể thay thế 4 người này bằng các nhân viên khác.
Trong cùng ngày, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Nước Ngoài của Nga, ông Sergey Naryshkin, cũng thừa nhận có nhân viên tình báo trong số những nhà ngoại giao Nga bị các nước phương Tây trục xuất. Ông nói thêm rằng, con số này rất nhỏ và các nhân viên tình báo chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho cơ sở ngoại giao.
Hơn 20 nước, trong đó có Hoa Kỳ và các thành viên Liên Âu, đã thông báo trục xuất khoảng 140 nhân viên ngoại giao Nga, do cáo buộc Moscow liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh hôm 4 tháng 3. Tổ chức NATO cũng có hành động tương tự. Nga đã bác bỏ các cáo buộc, lên án hành động của phương Tây là "khiêu khích" và thề sẽ đáp trả.

Sri Lanka muốn thương mại tự do với Tàu, Ấn
COLOMBO – Một nhà ngoại giao hàng đầu của Sri Lanka hôm thứ Tư cho biết, nước này sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, đồng thời cũng mở rộng các hiệp ước giao thương với Ấn Độ. Đây là một phần trong chiến lược quốc gia của Sri Lanka, để trở thành một trung tâm đầu tư đa quốc gia tại vùng Ấn Độ Dương. Chính phủ Colombo đã ký hiệp ước thương mại tự do với Singapore vào tháng Một năm nay, và hiện đang cố gắng hoàn tất các thỏa thuận tương tự với 2 đối tác lớn nhất của nước này, theo lời Ngoại Trưởng Prasad Kariyawasam.
Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã nhận nhiều khoản vay từ Trung Quốc để đầu tư vào các dự án hạ tầng, bao gồm mở thêm hải cảng và đường giao thông. Tuy nhiên, ông Kariyawasam nói rằng, các dự án của Sri Lanka sẵn sàng chào đón - không chỉ các nhà đầu tư từ Trung Quốc, mà cả Ấn Độ và các nước khác trên thế giới. Việc đàm phán với Trung Quốc và Ấn Độ không hề dễ dàng, và New Delhi lâu nay vẫn thường kéo dài quá trình đàm phán. Tuy vậy, Bộ Tài Chính Sri Lanka hy vọng rằng, hiệp ước với Ấn Độ sẽ được hoàn tất trong vòng 1 năm. Bất chấp các kỳ vọng của chính phủ, nhiều người dân Sri Lanka lo ngại rằng, 2 quốc gia đông dân nhất châu Á sẽ làm tràn ngập quốc đảo của họ với đủ loại hàng hóa và dịch vụ nước ngoài. Sri Lanka có dân số chỉ khoảng 21 triệu người, gần bằng dân số thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Chủ nhà thổ bị án chung thân vì buôn trẻ em
CHENNAI – Hai chủ nhà thổ ở Ấn Độ đã bị kết án tù chung thân vì tội buôn người, cưỡng hiếp, và lạm dụng tình dục trẻ em. Đây là một bản án chưa từng có tiền lệ tại Ấn Độ, nơi tỷ lệ tội phạm buôn người bị trừng phạt luôn ở dưới mức 40%. Công tố viên Sunil Kumar cho biết, bị cáo Pancho Singh và vợ ông ta, Chhaya Devi, sở hữu nhà thổ ở Gaya, thuộc bang Bihar, đã bị kết tội nhờ lời khai từ những nạn nhân can đảm, và đã phải nhận hình phạt tối đa theo luật chống buôn người hiện hành. Có 4 cô gái đã ra làm chứng tại tòa án ở Gaya, sau khi được cảnh sát giải thoát khỏi nhà thổ trong một cuộc bố ráp vào năm 2015.
Theo công tố viên Kumar, trong hầu hết các vụ án, các cô gái một khi được giải cứu liền trở về nhà và không bao giờ trở lại để làm nhân chứng. Tuy nhiên, đối với vụ án này, một số cô gái đã quay lại, và kể về những điều kinh khủng mà họ đã trải qua. Họ kể với tòa án về những vụ cưỡng hiếp, ép buộc phá thai, và một số cô gái đã tự tử. Tòa án đã buộc các bị cáo phải bồi thường $7,000 Mỹ kim cho mỗi nạn nhân ra làm chứng, và $4,600 Mỹ kim cho những người sống sót còn lại. Theo ước tính của một tổ chức phi chính phủ, khoảng 20 triệu người đang làm việc trong ngành công nghiệp tình dục tại Ấn Độ, trong đó, 16 triệu phụ nữ và bé gái là nạn nhân của các đường dây buôn người. Trong năm 2016, có 8,000 vụ buôn người được báo cáo ở Ấn Độ, nhưng chỉ chưa tới phân nửa số này được cảnh sát trình lên tòa, và tỷ lệ kết tội của những vụ xét xử tại tòa là 28%.

Airbnb sẽ cung cấp thông tin cho Trung Quốc
BẮC KINH – Hãng dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn Airbnb Inc. cho biết, bắt đầu từ thứ Sáu, hãng sẽ cung cấp thông tin của các chủ nhà Trung Quốc cho các cơ quan chính quyền nước này, theo yêu cầu của pháp luật. Airbnb là công ty Hoa Kỳ, có trụ sở chính đặt tại San Francisco, California. Luật cư trú nghiêm khắc của Trung Quốc yêu cầu mọi cư dân và du khách trong vòng 24 giờ phải thông báo địa chỉ của họ với cảnh sát, khi họ đến Trung Quốc hoặc ở lại tại một khách sạn. Việc Airbnb thay đổi chính sách diễn ra sau khi hãng này phải ngừng hoạt động 1 tháng tại Bắc Kinh, khi Trung Quốc tổ chức kỳ họp quốc hội thường niên.
Aribnb China nói, quyết định của hãng tương tự với mọi hãng dịch vụ cư trú khác đang kinh doanh tại đại lục, và những người cảm thấy lo ngại có thể xóa trương mục cho thuê nhà của họ trên trang web công ty. Theo Airbnb China, hãng này phải tuân theo các luật lệ địa phương, bao gồm cả luật yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Vào cuối năm 2016, Airbnb bắt đầu lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc, để đáp ứng yêu cầu của nhà chức trách, dẫn đến lo ngại rằng các dữ liệu này sẽ bị tiết lộ. Vào năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành luật an ninh điện toán, yêu các các hãng công nghệ nước ngoài và địa phương phải lưu dữ liệu của người Trung Quốc tại các máy chủ ở đại lục, và phải hỗ trợ kỹ thuật nếu cơ quan chính quyền muốn tiếp cận các dữ liệu này.

EU cân nhắc tăng trừng phạt Iran
BRUSSELS – Các đại sứ Liên Âu hôm thứ Tư đã thảo luận về khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, nhằm thuyết phục Tổng Thống Donald Trump duy trì hiệp ước nguyên tử quốc tế với Tehran. Bốn nhà ngoại giao cho biết, EU có thể sẽ tăng thêm một số biện pháp kềm chế, trong cuộc họp giữa các ngoại trưởng vào tháng tới. Tổng Thống Trump đã cho các nước châu Âu hạn chót là ngày 12 tháng 5, để điều chỉnh các lỗ hổng trong thỏa thuận nguyên tử 2015, nếu không, lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ từ chối gia hạn lệnh miễn trừng phạt của Washington đối với Iran. Thỏa thuận nguyên tử giữa Iran và các cường quốc thế giới được phê chuẩn dưới thời Tổng Thống Barack Obama.
Các nước Anh, Pháp, Đức, đã đề nghị tăng thêm trừng phạt với Iran, do chương trình hỏa tiễn đạn đạo của nước này, và vai trò của Tehran trong cuộc chiến Syria. Một nhà ngoại giao cho biết, EU sẽ có quyết định sau cùng vào trước hoặc trong hội nghị các ngoại trưởng, diễn ra tại Luxembourg ngày 16 tháng 4. Lệnh trừng phạt dự kiến sẽ không liên quan đến các điều khoản trong thỏa thuận nguyên tử, mà sẽ nhắm vào một số cá nhân người Iran, là những nhân vật đứng sau chương trình hỏa tiễn, hoặc đã thúc đẩy Tehran ủng hộ chính phủ của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad. Danh sách những người bị trừng phạt hiện đã được giao cho các chính phủ thuộc Liên Âu. Những người bị trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản, bị cấm nhập cảnh, và cấm giao thương với EU.

Đồng minh của Suu Kyi được bầu làm tổng thống
NAYPYIDAW - Ông Win Myint, một người trung thành với bà Aung San Suu Kyi, vừa được Quốc Hội Myanmar bầu làm tổng thống, sau khi ông Htin Kyaw bất ngờ từ chức vào ngày 21 tháng 3. Ông Myint, 66 tuổi, là thành viên hoạt động rất mạnh của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo, và cũng là một người thân cận của bà. Ông giữ chức chủ tịch Hạ Viện Myanmar từ năm 2012. Hồi cuối tuần trước, ông được bổ nhiệm chức phó tổng thống Myanmar.
Ngày 21 tháng 3, ông Kyaw bất ngờ từ chức sau 2 năm nắm quyền vì lý do sức khỏe. Ông là tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar sau 54 năm quân đội cầm quyền. Ông được bầu làm tổng thống sau khi nhà lãnh đạo đảng NLD Aung San Suu Kyi bị cản trở vì không phù hợp quy định của Hiến Pháp, do có chồng và con là người nước ngoài. Bà Suu Kyi hiện giữ chức cố vấn chính phủ, ngoại trưởng, bộ trưởng phụ trách Văn phòng chính phủ, và được coi là người nắm thực quyền của quốc gia.

Trung Quốc kết án tử hình phó thị trưởng nhận hối lộ
SƠN TÂY - Tòa án Trung Quốc vừa tuyên tử hình một cựu quan chức tại tỉnh Sơn Tây, với cáo buộc lợi dụng chức vụ và nhận hối lộ hơn $165 triệu Mỹ kim. Cựu phó thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, ông Zhang Zhongsheng, bị tòa án Trung Quốc tuyên án tử hình hôm thứ Tư. Tòa cáo buộc ông Zhang lợi dụng chức vụ và quyền hạn để tham ô hơn $165 triệu Mỹ kim từ năm 1997 tới năm 2013. Đổi lại, ông Zhang giúp đỡ và cấp giấy phép khai thác mỏ hoặc giấy phép đầu tư các dự án khác cho các công ty.
Zhang bị buộc tội nhận 18 vụ hối lộ, chủ động đòi các công ty đưa hối lộ lên tới $14 triệu Mỹ kim. Ngoài ra, cựu quan chức này cũng không thể giải thích nguồn gốc các tài sản cá nhân trị giá khoảng $20 triệu Mỹ kim. Tòa án Trung Quốc nói Zhang "cực kỳ tham lam", "khinh thường các quy tắc và luật lệ,” và kết luận ông này xứng đáng nhận hình phạt nghiêm khắc nhất, vì "tổn thất to lớn ông gây ra cho đất nước và nhân dân Trung Quốc.”
Quyết định thi hành án sẽ có hiệu lực nếu được tòa án tại Bắc Kinh phê chuẩn. Vị cựu phó thị trưởng hiện vẫn có thể kháng cáo bản án tử hình. Ông Zhang, năm nay 65 tuổi, có hơn 40 năm làm việc cho các cơ quan chính quyền Trung Quốc, và có nhiều ảnh hưởng và quyền lực ở thành phố Lữ Lương. Hàng trăm ngàn viên chức phạm pháp và tham nhũng đã bị bắt trong chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do Chủ Tịch Tập Cận Bình khởi xướng khi lên nắm quyền năm 2013. Năm 2017, gần 160,000 người đã bị trừng phạt.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT