Thế Giới

Chất Enzyme ăn nhựa hứa hẹn giúp loài người chống nạn ô nhiễm

Friday, 20/04/2018 - 08:18:01

Việc này dẫn đến một sự thay đổi bất ngờ trong hoạt động của enzyme, cho phép khả năng ăn nhựa của nó hoạt động nhanh hơn.


Một công nhân đang soạn lại những món phế thải nhựa tại trung tâm tái dụng Wongpanit Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan. Trong tương lai, nếu đúng như sự hy vọng của các khoa học gia, một chất ăn nhựa sẽ giúp giải quyết một phần lớn những rác nhựa trên trái đất. (Getty Images)


Các khoa học gia ở Anh và Mỹ cho biết họ đã tạo ra được một loại enzyme ăn nhựa dẻo, đến một ngày nào đó có thể giúp họ trong cuộc chiến chống nạn ô nhiễm.


Enzyme này có thể tiêu hóa chất polyethylene terephthalate (PET), Đây là một dạng nhựa được cấp bằng sáng chế trong thập niên 1940, và hiện giờ được dùng trong hàng triệu tấn chai nhựa.

Nhựa PET có thể tồn tại lâu dài trong môi trường suốt hàng trăm năm, và hiện thời đang gây ô nhiễm cho nhiều vùng đất và biển rộng lớn trên khắp thế giới.

Các nhà nghiên cứu từ viện đại học University of Portsmouth ở nước Anh, và Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Năng Lượng Tái Tạo Được thuộc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, đã làm cuộc khám phá này, khi họ xem xét cơ cấu của một thứ enzyme tự nhiên được cho là đã phát triển trong một trung tâm tái chế phế liệu ở Nhật Bản.
John McGeehan là giáo sư tại Portsmouth và là người cùng cầm đầu cuộc nghiên cứu. Theo ông cho biết, khi tìm thấy rằng loại enzyme này giúp cho một loại vi khuẩn phân hủy hoặc tiêu hóa nhựa PET, các nhà nghiên cứu đã quyết định sửa đổi lại cấu trúc của nó một chút, bằng cách cho thêm một số amino acid.

Việc này dẫn đến một sự thay đổi bất ngờ trong hoạt động của enzyme, cho phép khả năng ăn nhựa của nó hoạt động nhanh hơn.

Giáo sư McGeehan nói, “Chúng tôi đã tạo ra một phiên bản được cải thiện của enzyme này tốt hơn so với phiên bản tự nhiên. Điều đó thực sự thú vị vì có nghĩa là có thể tối ưu hóa enzyme nhiều hơn nữa.”
Những điều phát hiện của nhóm nghiên cứu đã được công bố trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences. Hiện giờ họ đang làm việc nhằm tiếp tục cải thiện loại enzyme này, để xem chúng có thể tạo ra khả năng phân hủy nhựa PET trên quy mô công nghiệp hay không.

Giáo sư McGeehan nói, “Rất có thể trong những năm sắp tới, chúng tôi sẽ thấy một tiến trình khả thi về mặt kỹ nghệ, biến PET và các chất nhựa dẻo khác trở lại thành những khối xây dựng nguyên thủy của chúng, để chúng có thể được tái chế một cách bền vững.”

Các khoa học gia độc lập, không tham gia trực tiếp vào cuộc nghiên cứu, nói rằng điều đó rất thú vị. Nhưng họ lưu ý rằng việc phát triển enzyme này thành một giải pháp tiềm năng cho nạn ô nhiễm vẫn còn ở trong giai đoạn đầu.

Mỗi loại nhựa đều có thể được tái chế đầy đủ, nhưng không phải mọi loại nhựa đều có thể bỏ vào thùng rác nhà bạn.

Oliver Jones, một chuyên gia hóa học tại viện đại học RMIT University, Melbourne, nói, “Các enzyme đều không độc, có thể được phân hủy sinh học, và có thể được tạo ra với số lượng lớn bởi các vi sinh vật. Có tiềm năng mạnh mẽ để dùng công nghệ enzyme nhằm giúp giải quyết vấn đề rác thải đang tăng lên của xã hội, bằng cách phân hủy một số loại nhựa thông dụng nhất.”

Douglas Kell, giáo sư khoa phân tích sinh học tại đại học Manchester University nói rằng thêm nhiều đợt công việc “nên được dự kiến để cải thiện thứ enzyme này nhiều hơn nữa.
Ông nói thêm, “Tính chung lại, bước tiến này đem mục tiêu của các polymer tái chế được một cách bền vững tới gần hơn khá nhiều.”

 

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT