Hôm Nay Ăn Gì

Chay hội chùa làng

Thursday, 27/08/2020 - 06:28:36

Rằm tháng Bảy, cũng là lúc tiết trời bắt đầu se lạnh, mặt nước trở nên yên tĩnh, nhiều khoảng trống mặt hồ bị bèo dâu tây, bèo Nhật phủ kín, dường như lũ cá cũng trở nên tĩnh lặng hơn


Một món chay tự làm ở nhà. (Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM
Rằm tháng Bảy, cũng là lúc tiết trời bắt đầu se lạnh, mặt nước trở nên yên tĩnh, nhiều khoảng trống mặt hồ bị bèo dâu tây, bèo Nhật phủ kín, dường như lũ cá cũng trở nên tĩnh lặng hơn, thi thoảng chúng đớp nhẹ chân bèo, thả vài cái bong bóng… Đường tới chùa làng đi qua một lò ngói, một lò gạch và khu nghĩa trang, gặp một cây chay mọc bên bờ rào, ấy là cổng sau của chùa. Chùa có hai sư, một thầy, một trò và một bà làm công quả, bà năm đó cũng ngót nghét bảy mươi hay tám mươi gì đó, các sư thì nhỏ tuổi hơn. Tới chùa làng, hồi đó chẳng có gì nhiều, con nít theo người lớn vào chánh điện lạy Phật, lạy xong thì chờ cơm trưa, chờ bữa chay hội, ăn no lại đi quanh chùa, lại cuốc bộ theo bà về nhà…

Sau này tôi mới biết, chùa do ông cố tôi xây dựng, ông cố tôi là cụ nghè Trần Huỳnh Sách. Đời ông tổ tôi mang tộc Huỳnh, dân Bình Định, cha của ông tổ là tướng của nhà Tây Sơn, nhưng vì một lý do nào đó, Nguyễn Nhạc đã ra lệnh “tru di tam tộc,” vậy là ông tổ lúc ấy mới mười tuổi, dắt theo hai đứa em nhỏ, trốn khỏi Bình Định, trôi dạt ra Quảng Nam, sống lây lất duy trì dòng họ, lấy họ là Trần Huỳnh thay vì họ Huỳnh trước đây. Và tộc Trần Huỳnh của ông cố tôi có gốc gác là tộc Huỳnh ở Bình Định.

Đến đời ông cố tôi, dường như mọi thứ đã trở lại với thời vàng son của một gia tộc, ông thi đỗ tiến sĩ, ông là học trò cưng của chí sĩ Trần Quí Cáp, cũng là thầy dạy chữ Nho cho Cố Tổng Thống Ngộ Đình Diệm. Ông là người xây dựng trường Nguyễn Duy Hiệu, trường cấp hai đầu tiên của Điện Bàn, bây giờ là trường cấp ba của huyện, ông xây dựng trạm bơm Điện Bình, xây dựng đài tưởng niệm nghĩa sĩ ở Hội An, đối diện với Khổng Miếu bây giờ, và chùa Nghĩa Trũng (tức chùa thờ những chí sĩ trận vong, những linh hồn nghĩa sĩ) chính là ngôi chùa làng mà tôi thường cùng bà đi lễ Phật Rằm tháng Bảy hằng năm thuở nhỏ.

Xin nói thêm, ông cũng là người viết cuốn “Cuộc đời và hoạt động của chí sĩ Trần Quí Cáp.” Ông là người thân chinh vào Khánh Hòa bốc mộ thầy về quê, chấp nhận rủi ro bị Pháp bắt, giết hại, qua mỗi tỉnh, ông ngừng lại, lập hương án bên áo quan của thầy để chí sĩ trong tỉnh đến viếng.

Hồi đó, chùa thân thiện, gần gũi mà trang nghiêm. Trong chùa chỉ có tượng Phật, chư Thầy và kinh sách. Chùa trồng đậu, trồng dưa cà độ nhật, thậm chí chùa có nuôi con heo nái (sau này Phật tử phản đối thì chùa không nuôi nữa) để bán heo con mới đủ mua gạo. Gần như đời sống của các thầy dựa vào việc tự làm, tự kiếm sống chứ không dựa vào tiền cúng dường như các thầy bây giờ. Mà hồi đó cũng chẳng mấy ai giàu có gì để cúng dường, tôi nhớ là không có thói quen cúng dường nữa là khác. Mỗi khi gia đình Phật tử có đám tang, đám cúng, chư thầy đến tụng kinh, ăn bữa cơm chay thịnh soạn một chút rồi về chùa, không có ai nhận tiền cúng dường. Có lẽ do vậy mà dường như mỗi khi nghĩ đến việc đi chùa, trong góc trí trí nhớ nhỏ nhoi của tôi chỉ nhớ được rằng đến chùa là để lạy Phật, để nghe thầy thuyết pháp và để ăn bữa chay hội rồi về nhà.


(Tom/ Viễn Đông)

Hồi đó con nít đói lắm, cứ tới lúc chay hội, thì không biết ở đâu có cả bầy vài chục đứa ngang tuổi tôi, lớn hơn tôi cũng có, nhào vô bàn, ngồi ăn ngon lành. Mấy người Phật tử la hét xua đuổi, chư thầy ra can, nói mọi người hãy bình tĩnh, sau đó thầy xếp riêng đám con nít này vào một khu vực, dãy bàn còn lại dành cho Phật tử. Mà thời đó, chuyện đến chùa để ăn chay hội có vẻ thiêng liêng, nghiêm trang, trọng đại chứ không như bây giờ. Thức ăn tuy ít nhưng ngon và đậm đà, ý nghĩa, khó nói lắm. Còn bây giờ, thức ăn ê hề, đầy rẫy ra đó nhưng chẳng mấy khi thấy ngon và hình như cũng chẳng mấy ai bận tâm tới chùa để dự chay hội, mà tới để cúng tiền, tới để được se sua nếu như mình cúng nhiều tiền, sự thật là vậy, tuy hơi buồn nhưng không thể nói khác đi.

Tôi nhớ hồi đó, gia đình ông tổ, ông cố và các anh em của ông cố tôi được thờ phụng một gian rất trang nghiêm trong chùa, có bảng đề “Nơi yên nghỉ của những người có công xây dựng Nghĩa Trũng”. Nhưng sau này, khi chư thầy qua đời, rồi lớp thầy sau tiếp quản, chùa sáp nhập vào giáo hội Phật giáo của nhà nước, dường như gian thờ tộc Trần Huỳnh không còn, người ta mang tất cả hình ảnh, bài vị sang thờ ở gian dành cho các cô hồn. Tôi đến thắp nhang một lần rồi thôi, không muốn đến nữa. Mà hình như cũng từ đó, mùi vị chay hội thuở nào trở nên rõ nét, gắn bó với tôi nhiều hơn, có lẽ do không bao giờ gặp lại, nên con người nghĩ về nó nhiều hơn chăng!


Tôi nhớ hồi đó chay hội, chủ yếu là canh bí đỏ, đậu tây xào muối, nước tương, một ít canh khoai môn, một ít đậu hủ chiên, một ít rau cải xào, mì xào, một ít cà tím, cà trắng chiên mềm, xôi, cơm, bánh rò (một loại bánh chưng vuông vức của người Quảng Nam, gọi là bánh rò)… Mỗi thứ một ít, bên dưới là lưng chén cơm, bên trên chan canh bí đỏ, bỏ một lát cà tím chiên, một ít đậu tây xào, một ít rau sống thơm, một ít tàu hủ chiên giòn và tàu hủ sốt cà chua, chan thêm chút tương bần, chút chao, trộn đều, nhẹ tay và múc ăn hoặc ăn bằng đũa.

Nghe có vẻ đơn giản, thậm chí đơn điệu. Nhưng có một điều ít ai để ý, mùa thu là mùa Bản Liễm, tức tinh khí đất trời liễm vào vạn vật, thức ăn thu hoạch vào mùa thu không rạo rực sức sống và mân mấn năng lượng như mùa xuân nhưng lại ngấm ngầm hương vị, người ta phải thư thái, tĩnh lặng để ngũ giác của mình cảm nhận lấy nó. Chính vì thức ăn chay tháng Bảy toàn hoa trái, củ quả thu hoạch vào mùa thu, nên nếu nhạy cảm một chút, người ta dễ cảm nhận ra hương vị đất trời, cảm cái ý vị của bữa ăn nhà Phật.


(Tom/ Viễn Đông)

Và để có bữa chay hội, tôi nghĩ đơn giản thôi, có gì làm nấy, hãy tận dụng hoa củ quả có được trong gia đình mà biến tấu. Thức ăn chay tùy thuộc vào tâm cảm của cả người nấu và người ăn. Hãy nấu một bữa cơm cho người thân bằng cả lòng thương yêu và trắc ẩn, hãy thưởng thức bữa ăn của người thân nấu cho bằng tất cả lòng biết ơn và hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng bữa cơm sẽ ngon hơn, cuộc đời sẽ ý vị hơn! Xin cầu chúc quí vị có một mùa chay tịnh thật đẹp và thanh thản, mọi sự bình yên và may mắn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT