Hôm Nay Ăn Gì

Chè đậu xanh, thần chú chống trầm, cảm, cúm…

Tuesday, 28/04/2020 - 06:48:01

Trong nỗi ám ảnh buồn và xám xịt ấy, hình như chén chè đậu xanh mang cả niềm hi vọng của thế hệ chúng tôi.

(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Nói về món ăn, có lẽ quí vị đang đọc đây sẽ lấy làm lạ vì không hiểu sao cứ nhắc đến món gì thì người viết cũng có dự phần, có câu chuyện để kể. Thưa, bởi lẽ, chính cái khúc quanh đầy bất trắc của kinh tế tập trung bao cấp, sau đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kéo dài tới bây giờ đã tạo ra những chuyện chỉ có ở Việt Nam. Và, với một người từng trải qua nghèo khó ở Việt Nam, bất kì món ăn nào cũng có thể để lại ấn tượng sâu sắc, vấn đề là người ta có chịu viết và viết nó ra được hay không mà thôi. Có thể, quí vị có người từng trải qua thời gian sống ở trại tị nạn và những món ăn sáng tạo ở trại tị nạn sẽ vô cùng phong phú, đáng nhớ nhưng không tiện kể ra hoặc không muốn nhắc tới… Còn ở Việt Nam thì khác, những người Việt thời kinh tế tập trung bao cấp có câu “lương tri không bằng lương thực, lương tâm không bằng lương tháng” bởi miếng ăn chi phối quá nặng nề, người ta xoay mòng mòng quanh miếng ăn!

Sắp tới ngày 30 tháng 4, một ngày buồn trong lịch sử, ông Võ Văn Kiệt từng nói “có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn” nhưng thực tế, chỉ có vài người vui thôi, những kẻ hãnh tiến có thể hưởng được đầy đủ các quyền lợi, ăn trên ngồi trốc. Đất nước thời đó hơn 60 triệu dân, trong đó hơn 30 triệu miền Nam phải buồn là chắc chắn rồi, nhưng gần ba mươi triệu dân miền Bắc, chỉ có một nhóm, cao lắm chừng vài triệu người là vui, số còn lại, có thể là té ngửa trước tương lai, sấp mặt vì quá khứ ngộ nhận, vì thực tế phũ phàng.

Và, những nắm gạo chắt mót mang từ miền Bắc vào Nam để “cứu người anh em thoát khỏi tay ngụy quyền gian ác, bỏ đói” trên vai những người thanh niên xung phong, những anh bộ đội nặng lòng với miền Nam trở nên rỗng rang, vô nghĩa, họ cảm thấy nó nặng như một trái núi, bởi họ bị huyễn hoặc, lừa dối quá lâu mà không biết. Đây là câu chuyện thật. Và, khi đó, cái ăn trở thành một thứ gì đó ám ảnh khôn nguôi.

Gần tới 30 tháng 4, có lẽ, điều làm tôi nhớ nhất là ly chè đậu xanh, tôi sinh sau biến cố này, nên ngày nhà nước tổ chức kỉ niệm “10 năm giải phóng” là tôi còn chạy lon ton theo mẹ dự mít tinh. Lễ mít tinh diễn ra trên sân vận động gần nhà bà tôi, người ta đặt súng cối bắn đì đoàng xuống cái bàu sen gần đó, và mẹ tôi hồi đó là giáo viên (từ chế độ cũ sang) nên càng phải thin thít theo lệnh của hiệu trưởng, phải vận áo dài, tay cầm cờ, xếp thành đoàn đi qua trước lễ đài, mà lễ đài trên đó gồm những ai? Những ông chủ tịch huyện, đại diện tỉnh, chủ tịch xã, nói nghiêm túc theo cách diễn giải của mẹ tôi là “toàn một đám dốt đặc cán mai, đứa nào giỏi thì biết ký cái tên…”, các đoàn giáo viên, công nhân, hội phụ nữ, nông dân… đi qua lễ đài và vẫy vẫy lá cờ chào, trên lễ đài, các quan ngồi chễm chệ.

Xong phần lễ, tới phần hội, các quan trên lễ đài ngồi chen chúc vào chiếc xe buýt của “ngụy” để lại, chạy thẳng tới nhà hàng quốc doanh, thành phần công nông và trí thức thì kéo lê về nhà kho hợp tác xã để ăn chè đậu xanh. Khi mẹ tôi đi dự lễ, bà cho tôi đi theo, tôi đứng ngoài nhìn, bà dặn là con phải nhìn và nhớ, để sau này có ký ức về chuyện này, sau đó tới lúc ăn chè, bà dẫn tôi về nhà. Tôi hỏi sao mẹ không dắt con đi ăn chè, mẹ chỉ lắc đầu và nói rằng ngoại ở nhà đã nấu sẵn nồi chè đậu xanh, ngon hơn nhiều, mình sẽ về ăn chứ không nói gì thêm. Sau này lớn lên, tôi cũng đôi lần nhắc chuyện này thì mẹ chỉ hỏi tôi đã hiểu vì sao lúc đó bà không cho tôi ăn chè trên hợp tác xã hay chưa, tôi gật đầu “con hiểu rồi!”.

Hồi đó, trong trường mẹ dạy có cô Mai, cô có chồng vượt biên, sang làm mục sư ở Úc, cô nuôi ba đứa con nhỏ là bé Bo, bé Bơ và cu Bin, (chắc hai đứa giờ cũng độ 40 tuổi), cô dạy cấp tiểu học, trường có cả tiểu học và trung cấp cơ sở học chung, mẹ tôi dạy văn từ lớp 6 tới lớp 9. Tay hiệu trưởng là một đảng viên khét lẹt, hét ra lửa. Ai cũng sợ y, trừ mẹ tôi. Người sợ tay này nhất có lẽ là cô Mai, cô bị hắn ép đủ thứ vì cô có chồng vượt biên, chỉ cần hắn thở một cái là cô cũng có thể mất việc. Gần như bao nhiêu việc khổ hắn đều giao cho cô Mai làm, từ việc nấu nước trà cho trường, nấu chè khi liên hoan (mặc dù trường có người làm cấp dưỡng riêng). Nhưng hắn bắt cô Mai vừa dạy vừa nấu (sau này mẹ có kể với tôi là hắn muốn chiếm đoạt cô nhưng không được nên chơi đòn hạ đẳng, bỉ ổi…). Có lần, trường đăng cai Hội khỏe Phù Đổng, hắn bắt cô Mai nấu chè đậu xanh, còn mẹ tôi thì phân chia nước mắm (theo chỉ tiêu nhà nước hằng tháng). Nghĩa là hắn cũng bắt đầu chiếu mẹ tôi vì bà hay bênh cô Mai trong các cuộc họp hội đồng trường.

(Tom/ Viễn Đông)

 

 

Bữa đó bà đang phân chia nước mắm thì cô Mai buồn bã, chạy lên khóc thút thít, mẹ tôi hỏi có chuyện gì, cô chỉ lắc đầu và lại khóc, mẹ tôi lại hỏi có phải hắn mới làm gì em phải không, cô chỉ im lặng. Mẹ tôi vốn ghét tay hiệu trưởng này từ lâu, gặp lúc này, hắn bước lên quát cô Mai xuống bếp tiếp tục làm việc và quát mẹ tôi phải lo mà đong nước mắm. Vậy là bà dùng mấy cú đòn tấp tay hiệu trưởng văng vào tường và cầm nguyên cái can 5 lít nước mắm đập lên đầu hắn (xin mở ngoặc chỗ này, mẹ tôi là một võ sĩ thứ dữ những năm trước 1975, bà là đệ tử ruột của võ sư Hồ Cưu, võ phái Long Xà ở Quảng Nam, những ai quan tâm về võ thuật, chắc biết tên tuổi của vị võ sư lừng danh này). Nước mắm văng tung tóe. Bà nghỉ dạy sau đó và bắt đầu cuộc đời mới của một nông dân. Nhưng, chuyện có liên quan chi tới chè đậu xanh?

Có đó, vì mẹ tôi biết cách chi sau vụ này cũng sẽ nghỉ việc, bà bảo cô Mai dắt tôi xuống bếp tập thể, múc cho tôi chén chè đậu xanh (hồi đó, buổi sáng tôi hay theo mẹ vào trường chơi, thơ thẩn trong sân trường khi bà dạy, buổi chiều tôi học tại trường này). Bà dặn tôi nhớ ăn chậm và cảm nhận cái ngon của chè thời tập thể. Cô Mai múc cho tôi một chén chè, đó cũng là chén chè cô Mai tiễn mẹ tôi “về hưu” sau vụ cái can nước mắm, còn tôi phải chuyển sang một trường khác để học.

Hồi đó, chè đậu xanh không cầu kỳ, chỉ cần rửa sạch hạt đậu xanh, bỏ vào nồi nước, đun củi cho đến khi đậu nhừ thì đập đường bát đen bỏ vào, chờ sôi một chút là có thể múc ra chén mà ăn. Vị đường bát ngọt thanh nhưng hơi đậm so với đường cát. Loại đường này chắc bên Mỹ hơi hiếm, có thể là không có, nó được làm từ cây mía, người ta ép mía bằng xe trâu, nấu lên, bỏ thêm bù hóng vào cho bù hóng quấn bớt các bụi đen của vỏ mía rồi vớt ra, nhưng vẫn không hết được màu đen. Sau khi đường tới, người ta đánh cho nổi cát rồi đổ vào bát bằng nhôm và đợi khô thành bát đường. Thời đó, do đường hiếm nên có được đường đen nấu chè là quí lắm.

Học sinh của trường đi thi điền kinh, chạy xong thì được phát một cục đường đen nhai cho lại sức, xong uống ca nước đá. Nhiều anh chị chạy xong, về nhà đau thổ tả… Chắc quí vị biết vì sao rồi đó. Một thời như vậy, cái biến cố 30 tháng Tư đến với một người sinh sau đẻ muộn như tôi cũng đầy ám ảnh và đau buồn, trong nỗi ám ảnh buồn và xám xịt ấy, hình như chén chè đậu xanh làm cho nó ngọt dịu chút đỉnh, bởi nó mang hương vị của cái nghèo và ý chí vượt mọi gian khổ, mang cả niềm hi vọng của thế hệ chúng tôi. Và sâu xa hơn, hình như nó cũng giúp cho chúng tôi thông minh ra được giữa cái thời chỉ ăn toàn rau muống, khoai độn, khoai mì khô, một lát khoai mì khô cõng vài hạt cơm… Do vậy mà nhớ nhiều.

(monngon.tv)

Mà chè đậu xanh cũng bổ thật, bởi đậu xanh có nhiều chất chống oxy hoá và dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể: chất xơ, protein, axit béo omega-3, các vitamin E, vitamin nhóm B, C, tiền vitamin K, acid folic và các khoáng chất Ca, Mg, K, Na, Zn, sắt, flavonoid và carotenoid. Lợi ích của đậu xanh: Dự phòng ung thư đại tràng, điều chỉnh đường huyết, tốt cho xương, tăng cường miễn dịch, chống trầm, cảm và cúm, giúp mắt nhìn tốt hơn… Carotenoid zeaxanthin và lutein trong đậu xanh giúp giảm nguy cơ thoái hoá hoàng điểm, tốt cho tim mạch, giảm các vấn đề về dạ dày, giúp phát triển thai nhi. Axit folic trong đậu xanh giúp phát triển bào thai, cụ thể nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển của tim, não và hệ hô hấp của trẻ sơ sinh. Axit folic cũng có tác dụng ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

Với các tính năng trên của đậu xanh, trong lúc ngột ngạt vì cách ly, ít có cơ hội vận động, gia đình nên có nồi chè đậu xanh ngọt vừa phải, ăn để thanh nhiệt, chống cảm, và chống cả trầm cúm hay cúm. Chè đậu xanh thì rất dễ nấu, chỉ cần đậu xanh để nguyên vỏ, rửa sạch, cho vào nồi nước, nấu cho tới lúc hạt đậu mềm vỡ, sau đó cho đường vào, thêm củ gừng đập dập, đun sôi là có thể ăn được. Một chén chè đậu xanh, có thể ăn lạnh bằng cách thêm đá, cũng có thể ăn nguội. Tuy đơn giản nhưng giúp ngủ ngon và có cảm giác khoan khoái, dịu nhẹ. Chè đậu xanh được Hải Thượng Lãn Ông xem nó là biệt được, là thần chú chống trầm, cảm, cúm… Xin chúc quí vị luôn mạnh khỏe và may mắn!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT